Liên Mạng Việt San

[ Trang SaiGon Times]

[ Trang Liên Mạng]

[ Thời Sự VN ]

[ Bình Luận ]

[ Văn Học và Lịch Sử­]

[ Vườn Thơ ]

[ Radio/TV Online ]

Bài Đã Đăng

Trang Bài Cũ

Mục Thư Cũ

Chinh t hức thành lập ngày28/12/2005 Copy Right by Nhất Thanh

Mọi bài vỡ xin đóng góp và gửi vể Liên Mạng Việt San lienmang_vietsan@yahoo.com 

 

Tôi Tìm Tự Do (kỳ 61)

Bài Viết Đăng Nhập vào: Sunday, July 01, 2007

<< Trở Lại Trang Đầu

Hữu Nguyên

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.


*
(Tiếp theo...)


Cuộc sống của tôi lúc này ở Sàigòn có vẻ an toàn hơn vì tôi đã có giấy tờ tuỳ thân. Dùng những giấy tờ đó, tôi có thể tạm thời qua mặt các trạm kiểm soát giao thông của bộ đội, công an. Tuy nhiên, tôi vẫn hạn chế việc đi lại của mình vì ngại gặp người quen. Thời thế thay đổi, lòng người có thể thay đổi theo. Thêm nữa, tôi đã từng sống trong chế độ cộng sản, nên tôi hiểu, người cộng sản với thủ đoạn nham hiểm và độc ác, họ sẽ đẩy những người dân hiền lành vào những hoàn cảnh hiểm nghèo, phải làm những chuyện họ không muốn. Đáng lo ngại hơn nữa, trong thời gian bị giam giữ tại Quân lao Gò Vấp, rất nhiều vệ binh, quản giáo đã biết rõ mặt tôi. Những vệ binh, quản giáo này đều thuộc phòng quân pháp, đồn trú tại bộ Tổng Tham Mưu VNCH cũ và thường xuyên xuất hiện trong khu vực Phú Nhuận. Nếu tôi đi lại nhiều, sẽ dễ có nguy cơ gặp gỡ những tên vệ binh quản giáo đó và sẽ bị chúng nhận diện, bắt giữ.
Để bảo đảm an toàn, tôi không ăn ngủ ở một nơi nào nhất định tại Sàigòn. Tôi tránh không ghé thăm gia đình bà chị, là nơi tôi ở trước khi tôi bị bắt. Tôi chỉ ẩn náu ở những gia đình biết rõ hoàn cảnh của tôi, và tôi hoàn toàn tin tưởng là cộng sản không hề biết đến mối quan hệ giữa tôi với những gia đình đó. Lúc đó, tại Sàigòn, may mắn có bốn gia đình sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ tôi bất cứ lúc nào, mà cộng sản không hề hay biết. Đó là một gia đình ở Thị Nghè, một gia đình ở khu Đa Kao, một gia đình ở vùng Bà Chiểu và một gia đình ở chợ Trương Minh Giảng. Ngoài ra, ông cụ thân sinh ra BL cũng rất yêu thương tôi, sẵn sàng cưu mang tôi, nhưng vì nhà cụ ở ngay trong một con đường cụt, nơi tụi vệ binh quản giáo thường xuyên đi lại, nên tôi không dám tới làm phiền cụ. Quả nhiên, nỗi lo ngại của tôi đã trở thành sự thực khi tôi phải ghé vô nhà cụ để lấy địa bàn và bản đồ, vào một buổi chiều, đúng hai tuần sau khi tôi gặp BL. Trước khi kể lại câu chuyện tôi suýt bị bắt lại ở ngay cổng hai Bộ Tổng Tham Mưu cũ, tôi xin kể về chuyện tôi đang tá túc tại một gia đình ở Thị Nghè thì bị bố ráp bất ngờ vào lúc gần giờ giới nghiêm, nên tôi phải trốn khỏi Thị Nghè và tìm đến nhà ông Tâm ở chợ Trương Minh Giảng để tá túc. Câu chuyện đầu đuôi như thế này.
Lúc đó, gia đình cho tôi ẩn náu ở vùng Thị Nghè, nằm trong một căn hẻm. Đó là một gia đình rất đức hạnh và ngoan đạo. Ông cụ đã qua đời từ lâu, còn lại có bà cụ và ba người con gái, hai người con trai. Một anh xuất thân võ bị Đà Lạt, sau 1975 phải đi học tập cải tạo. Còn anh cả làm việc gì thì tôi không rõ, nhưng mỗi khi tôi ghé thăm, đều gặp anh ở nhà. Gia đình hiểu rất rõ hoàn cảnh của tôi và rất thương yêu tôi, vì ngay khi tôi mới chuyển về Trung Tâm Chiêu Hồi Thị Nghè, ông VL, một nhân viên của Trung Tâm, đã dắt tôi đi chơi đó đây, rồi ghé thăm gia đình cụ. Qua lời kể của cụ, tôi được biết, gia đình cụ cũng là nạn nhân của cộng sản từ những năm đầu thập niên 1950, nên đã di cư vô Nam hồi năm 1954. Vì vậy, cụ hiểu rất rõ về cộng sản, và thương yêu tôi như con. Sau này, ngay khi trốn trại tù Kàtum, trở về được Sàigòn, tôi đã tìm đến gia đình cụ và được cụ bao bọc, giúp đỡ, dù hoàn cảnh của gia đình cụ sau 1975 vô cùng khốn khó.
Thời gian được cụ cho tá túc, tôi thường ở trên một căn gác xép, rất kín đáo. Từ căn gác xép có hai cửa sổ, trông ra hai phía. Cửa sổ có thể mở dễ dàng. Anh con trai của cụ vẫn dặn tôi, nếu dưới nhà có động, hay có chuyện gì bất lợi, cứ để cho anh và gia đình thu xếp. Còn tôi cứ việc mở cửa sổ, leo ra ngoài, nhẹ nhàng đi trên các mái ngói rồi tụt xuống đường mà tẩu thoát.
Buổi tối hôm đó, khoảng 10 giờ hơn, tôi đang nằm xem sách ở trên lầu, chờ bữa cơm tối, cụ sẽ cho người bưng lên lầu, thì tôi nghe có tiếng gõ cửa ầm ĩ, rồi tiếng la hét rất lớn, rất hách dịch, "Mở cửa! Mở cửa!" Tôi ở tận trên lầu còn nghe rõ mồn một. Nghe tiếng hét như vậy, tôi biết ngay là có chuyện bất thường. Vội vàng tôi ghé mắt qua khe ván, nhìn ra phía trước. Từ trên cao, qua khe ván nhỏ, tôi nhìn thấy dọc theo con hẻm nhỏ có đến mấy chục tên bộ đội cùng với những người mặc đồ dân sự, nhưng trên cánh tay có đeo băng đỏ. Loại người này được người dân Miền Nam gọi là tụi "cách mạng 30". Thì ra, cả con hẻm lúc đó đang bị tụi VC bố ráp đột ngột. Chuyện này, tôi đã đề phòng và bàn bạc rất kỹ với cụ và anh con trai của cụ, nên tôi rất bình tĩnh. Vì giấy tờ tuỳ thân của tôi do anh BL đưa chỉ có giá trị đi lại trên đường khi công tác, nên không hợp lệ khi đang cư ngụ trong một gia đình nếu gia đình đó không trình báo uỷ ban phường. Đối với những gia đình tôi đang cư ngụ lúc đó lại ở ngay Sàigòn, cách "cơ quan chủ quản" cấp giấy không bao xa, thì việc trình giấy là điều không hợp lý và nguy hiểm, chẳng khác chi "lậy ông tôi ở bụi này". Do đó, mỗi khi cư ngụ ở nhà ai tại Sàigòn, tôi đều nằm trong tình trạng cư ngụ bất hợp pháp, và tôi phải trốn khỏi nơi đó ngay khi có sự bố ráp, xét sổ gia đình. Để bảo đảm trong khi vội vã trốn khỏi nơi đó, không để lại bất cứ vết tích gì của mình, tôi không bao giờ có hành trang hay đồ dùng cá nhân.
Trở lại tối khuya hôm đó, thấy tình thế nguy hiểm, tội vội nhìn lại căn gác xép lần cuối, bảo đảm không còn dấu vết gì khả nghi, rồi nhanh chóng mở cửa sổ, nhẹ nhàng chui ra bên ngoài. Sau đó, tôi đóng cửa, kéo chốt khoá lại bằng sợi dây dù nhỏ giấu kín bên mép cửa sổ. Ngoài trời tối đen, tôi nép mình dễ dàng trong bóng đêm. Theo kế hoạch đã bàn bạc, tôi có thể ẩn mình bên ngoài chờ cuộc bố ráp, xét sổ gia đình xong, tôi sẽ chui vô trở lại. Nhưng từ trên cao, nhìn quang cảnh bố ráp bao trùm cả con hẻm, chạy dài cho đến chợ Thị Nghè, và không khí của cuộc bố ráp rất căng thẳng, gắt gao nên tôi vội bò đi một đoạn thật xa, rồi tụt xuống đường, gọi xe ôm đến nhà bà chị ở cư xá Chu Mạnh Trinh. Xui xẻo cho tôi, tối hôm đó, cả gia đình bà chị đi vắng, nên tôi phải chạy lại nhà ông Tâm ở cạnh chợ Trương Minh Giảng.
Ông Tâm là người Bắc di cư vô Nam, rất am tường về chủ nghĩa cộng sản và căm thù cộng sản. Theo lời ông kể, vào năm 1945, ông đang sống ở Hà Nội thì chứng kiến người cộng sản cướp chính quyền, nên ông đã dại dột trốn cha mẹ đi theo Việt Minh. Trước khi đi, ông còn đập vỡ chiếc nồi đất bằng sành, lấy hết số vàng lá mà cha mẹ của ông đã giấu trong đó để đem nộp cho "cách mạng". Sau thời gian hai năm đi theo Việt Minh, ông mới hiểu rõ cộng sản là gì, nên ông đã từ bỏ cộng sản "dinh T", trở về Hà Nội. Khi đó, ông cụ thân sinh ra ông vốn là đảng viên Quốc Dân Đảng nên đã bị Việt Minh giết chết trong vụ thảm sát Ôn Như Hầu. Trước khi chết, ông cụ còn để lại mảnh giấy nói vợ và các con cố gắng tìm kiếm ông Tâm, thuyết phục ông đừng đi theo Việt Minh. Qua đau lòng trước cái chết của thân phụ, cộng với những kinh nghiệm kinh hoàng của ông về cộng sản, nên năm 1954, ông Tâm cùng với mẹ và cả gia đình vội vã trốn ra Hải Phòng để di cư vô Nam. Tại Hải Phòng, ông Tâm quen biết chị của tôi và hai gia đình đã chơi thân với nhau từ ngày đó.
Sau khi vô được Miền Nam, tôi thường được chị tôi dắt đến thăm ông Tâm và lần nào cũng ở lại ăn cơm tối với gia đình, nên chúng tôi có rất nhiều thì giờ để trò chuyện tâm sự. Tôi rất thích nghe ông kể về cuộc đời chìm nổi, ngang dọc của ông, và ông cũng rất thích nghe tôi kể về những chuyện xảy ra ở Miền Bắc từ sau năm 1954.
Ông Tâm cao to, nước da trắng trẻo, cử chỉ đường bệ, trong khung cảnh nhà cửa sang trọng, nên lời ông nói rất thuyết phục. Mỗi khi nói chuyện, hay nghe người khác nói, ông có thói quen hay nói đệm "vậy hả, vậy hả". Bà Tâm vợ của ông thì rất hiền lành, nhu mì, tuân phục chồng mọi chuyện từ trong nhà cho đến ngoài đường. Mỗi khi tiếp khách, bao giờ bà cũng ngồi ở vị trí khiêm tốn, hoặc đằng sau ông, hoặc ngồi ở chiếc ghế thấp hơn ông một chút.
Vì tin tưởng ông Tâm là người chống cộng, nên theo lời khuyên của chị tôi, và được chị gửi gắm với ông, tôi đã đôi lần ghé lại nhà của ông Tâm ẩn náu. Ông Tâm là người rất chịu chơi. Trước 1975, mỗi khi đến gặp ông, qua phong thái và lối trò chuyện của ông, tôi chỉ nghĩ ông là một công chức cao cấp. Nhưng sau 1975, khi gặp hoạn nạn, vượt ngục trở về Sàigòn, ghé nhà ông tá túc, tôi mới thấy được bản lãnh giang hồ của ông. Ông cho tôi ở trên căn gác xép trên lầu, và chỉ dẫn đường đi nước bước, mỗi khi có chuyện nguy hiểm. Ông còn chỉ chỗ cho tôi giấu chiếc chìa khoá cửa ở ngay ngoài nhà, để tôi có thể đến nhà ông ẩn náu bất cứ lúc nào, ngày cũng như đêm, cho dù ông và gia đình không có ai ở nhà.
Đêm hôm đó, tôi đi xe ôm đến nhà ông. Cẩn thận, tôi xuống xe ôm ngay ngoài đường Trương Minh Giảng, rồi đi bộ vô nhà. Lúc đó đã gần 12 giờ đêm, giờ giới nghiêm, nên đường phố rất vắng. Con hẻm dẫn vô nhà ông cũng không còn người đi lại. Đến trước nhà của ông, tôi thấy trong nhà tối om. Vì tôi và ông đã thống nhất với nhau từ trước, nên tôi không bấm chuông, chỉ gõ cửa theo đúng ám hiệu, ba nhanh hai chậm. Gõ xong, tôi im lặng đứng chờ. Nếu không có ai ở nhà, tôi sẽ lấy chìa khoá, mở cửa vô nhà, ngủ tạm qua đêm, đến sáng mai tính.
Khoảng hai phút trôi qua, không nghe động tĩnh gì, tôi đang tính gõ cửa lần nữa thì nghe có tiếng chân người từ trên cầu thang đi xuống. Sau đó, tiếng ông Tâm hỏi, thì thầm nhưng chậm rãi, rõ ràng:
- Cậu Chí đấy hả?
Tôi mừng quá, vội thưa:
- Dạ, em Chí đây!
Sau đó có tiếng lách cách mở khoá từ phía bên trong. Cách cửa mở hé, vừa đủ cho tôi lách vô. Ông Tâm đóng cửa, khoá lại cẩn thận, rồi quay qua tôi nói:
- Cậu theo tôi...
Nói xong, ông đi lên cầu thang. Tôi lặng lẽ đi theo. Lên đến căn gác xép trên cùng, ông chỉ vô chiếc giường tôi vẫn nằm mỗi khi ghé lại nhà ông, và nói:
- Tất cả còn y nguyên, chờ cậu... Cậu ngồi xuống đó đi. Sao, cậu đã ăn uống gì chưa?
Tôi thành thực:
- Thưa chưa. Em đang chờ ăn tối thì bị chúng bố ráp, phải chạy vội sang đây nhờ anh.
Ông Tâm là người lớn tuổi, đáng bậc cha chú. Nhưng vì là bạn thân với chị tôi, nên ông coi tôi như em, và tôi vẫn gọi ông là anh, xưng em.
Ông Tâm vỗ vai tôi thân mật:
- Nhờ vả gì đâu. Chị cậu trước đây giúp tôi những chuyện to như núi, mà tôi đâu có trả ơn được gì. Bây giờ, cậu đi tắm rửa, rồi ăn tạm mì gói. Khuya rồi nên tôi chả dám đánh thức chị, sợ tụi hàng xóm nó để ý, phiền phức lắm...
Tôi tắm xong, ra ngồi trên giường, kéo chiếc bàn nhỏ lại cạnh, vừa ăn mì vừa nghe ông Tâm kể chuyện. Từ những chuyện buồn cười về những sự ngớ ngẩn của bộ đội khi vô Nam đến những tin tức phong phanh về phong trào phục quốc đang lớn mạnh trong rừng, đến chuyện Mỹ sẽ trở lại Miền Nam trong một ngày không xa, vân vân. Ông Tâm cũng kể cho tôi nghe những tính toán khôn ngoan của ông về cách vượt biên, phòng khi thất bại phải trở về thì vẫn còn nhà cửa để ở.
Ông Tâm là người khôn ngoan, biết tính toán, lại hào hiệp, sẵn sàng bỏ tiền, bỏ vàng giúp đỡ cho mấy người con của chị tôi đi vượt biên. Nhưng không hiểu vì lý do gì, chị tôi nhất định không chịu. Vì vậy, tôi cũng không dám nhận sự giúp đỡ của ông, mặc dù nhiều lần, ông nói, sẵn sàng cho tôi đi chung tàu với gia đình ông.
Sáng sớm hôm sau, tôi còn đang say ngủ thì ông Tâm vội đánh thức tôi dậy và cho tôi biết, chị tôi đến tìm. Biết ngay có tin quan trọng, tội vội vàng nhảy ra khỏi giường, tính xuống lầu, thì đã thấy chị tôi đi lên. Chị tôi nói ngay:
- Có một "ông" tên là BL đến tìm cậu.
Tôi giật mình, vì trong những lần nói chuyện với BL, tôi không hề đả động gì đến bà chị của tôi và cũng không nói đến địa chỉ của bà. Như vậy sao BL lại biết? Tôi đang tính tìm cách liên lạc với BL để hỏi về địa bàn, bản đồ, thì nay BL tìm đến bà chị của tôi là thế nào? Tôi lo lắng hỏi:
- BL có nói tìm em làm gì không?
Chị tôi mỉm cười:
- Nói thiệt với cậu, BL với chị là bạn hàng trước bán thuốc tây ở chợ trời. Sau cũng nhiều lần BL cùng lo mối lái vượt biên, nên quen thân với chị. Chị đâu biết cậu đang nhờ vả BL. Đến khi nói chuyện với BL về cậu, chị mới biết, chính BL là người đã lo giấy tờ cho cậu. Tối qua, BL có đến nhà chị tìm cậu, nhưng không gặp. BL có nhắn với chị là bản đồ địa bàn đã có, cậu ghé ngay vô nhà ba của BL vào trưa Thứ Bảy tuần này để lấy.
Nghe vậy tôi mừng quá. Cho đến hiện tại, chuyến đi của tôi và hai đứa cháu đã sẵn sàng tất cả, chỉ còn đợi có địa bàn, bản đồ. Nay BL đã lo được cả hai thứ đó, và nếu tôi có được chúng trên tay vào trưa Thứ Bảy, thì chúng tôi sẽ khởi hành ngay sáng Thứ Hai, trên chuyến xe đò từ Sàigòn ra Huế.
Nhưng bên cạnh niềm vui mừng, tôi cũng có những lo ngại. Nhà của ba của BL ở cổng hai Bộ Tổng Tham Mưu cũ. Đây là nơi những tên bộ đội, quản giáo thuộc phòng quân pháp cộng sản thường lai vãng nhất là vào ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật. Trong số đó, có những tên trông coi Quân lao Gò Vấp, từng biết mặt tôi rất rõ. Nếu đến đó vào trưa Thứ Bảy, chẳng may, chạm trán bọn chúng trong ngõ hẹp này, tôi sẽ dễ dàng bị chúng tóm gọn. Nhưng nếu lần khân, tìm cách gặp BL để rời ngày lấy địa bàn, bản đồ sang một ngày khác, biết đâu tôi sẽ gặp những trục trặc bất ngờ khác.
Sau một hồi suy nghĩ, tôi quyết định, sẽ đến nhà ba của BL vào đúng trưa Thứ Bảy để lấy bản đồ và địa bàn. Đây là một quyết định vội vàng, đưa tôi đến những nguy hiểm bất ngờ, khiến tôi suýt bị những tên vệ binh VC bắt sống ngay chiều Thứ Bảy. Nhưng không ngờ, đằng sau những nguy hiểm chết người đó, tôi lại một lần nữa được những người mẹ, những người chị của Miền Nam tự do, tận tình giúp đỡ và cứu thoát trên suốt chặng đường từ Võ Tánh đến Trương Minh Giảng... (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 7/01/2007 09:50:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Tôi Tìm Tự Do (kỳ 60)

<< Trở Lại Trang Đầu

Hữu Nguyên

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.


*
(Tiếp theo...)

(Tiếp theo...)
Tôi quen BL ngay từ trước 1975, trong dịp chúng tôi cùng tham dự khoá huấn luyện quân sự mấy tuần tại Vũng Tàu. Lúc đó, BL làm bên thuế vụ, còn tôi làm bên bộ dân vận chiêu hồi. Trong thời gian dự khóa huấn luyện, một buổi nọ, khi nghe thuyết trình viên trình bầy về chủ nghĩa cộng sản và con người cộng sản có nhiều điểm không lột tả hết tội ác và thủ đoạn tàn nhẫn của cộng sản nên tôi đã đứng lên phản bác. Sau đó, với tư cách một người đã từng sống 20 năm trong chế độ cộng sản và hiểu rõ bản chất thâm hiểm của cộng sản, tôi đã trình bầy trong hai tiếng đồng hồ tất cả những điều tôi mắt thấy tai nghe về những điều xấu xa trong xã hội cộng sản. Rồi trong những buổi kế tiếp, tôi cũng kể về chuyến đi tìm tự do của tôi. Từ đó, tôi quen thân một số bạn bè, trong đó BL là người thân nhất, lúc nào cũng coi tôi như em.
BL là một người đàn ông cao to, đẹp trai, trông tựa như Tây lai. Với cặp mắt sáng, lông mày đậm, hàm răng trắng và bộ râu quai nón rậm rì, anh có khả năng chinh phục tình cảm của bất cứ ai. Ngay cả tôi là một người con trai, vậy mà khi quen biết anh, tôi cũng thấy "mê" anh. Có điều lạ là anh lúc đó đã ngoài 30 nhưng vẫn chưa có gia đình và chẳng hề có người yêu. Có lần, anh em làm việc chung với anh nửa đùa nửa thật cho tôi biết, anh là "bê đê". Tôi nghe chỉ biết vậy, nhưng lúc đó tôi không biết "bê đê" là gì. Vả lại lúc đó thấy mọi người cùng cười ồ lên khi nghe tiếng "bê đê", nên tôi cũng ngại không dám hỏi.
Sau này, khi làm việc ở đài phát thanh Sàigòn tôi có quen với một anh chàng nghệ sĩ cải lương, anh ta quý mến tôi một cách đặc biệt và đối xử với tôi kỳ lạ, chẳng giống bạn trai cư xử với nhau. Trong những lúc chờ thâu chương trình phát thanh, hay sau khi thâu xong, tôi hay ngồi ở ghế băng bên ngoài đài, nhìn ra đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Những lần như vậy, anh này bao giờ cũng mua cóc, ổi với muối ớt làm quà cho tôi. Rồi mỗi khi nói chuyện, anh hay bẹo má, cầm tay, hay quàng vai, rồi hôn tôi, khiến tôi rất ngượng. Đến khi có cô làm việc ở phòng thu âm của đài nói cho tôi biết, anh chàng có "máu bê đê", và giải thích cho tôi hiểu, tôi mới biết "bê đê" là gì. Khi đó, nhớ lại những lời đồn đại về BL, tôi cũng nghi anh.... Nhưng sau này, trốn trại cải tạo ra, được gặp lại anh, tôi mới biết mọi lời đồn đại đều sai, vì anh đã có gia đình, và có một đứa con trai.
Gặp lại tôi, BL vừa ngạc nhiên vừa lo ngại. Nhìn ngược nhìn xuôi thật nhanh, rồi anh rủ tôi vô một quán cóc vắng vẻ và kín đáo ở ngay vùng Đa Kao. Ngồi xuống ghế, gọi cà phê xong, anh hỏi ngay:
- Chú mày vừa mới trốn trại?
Tôi gật đầu, ngạc nhiên:
- Sao anh biết?
BL cười, hàm răng trắng như bắp:
- Tội của chú mày không bị chúng xử tử thì cũng bị tù đến mọt gông. Làm gì có chuyện chúng vừa bắt đã thả. Vì vậy thấy chú mày là tôi biết ngay, chú chỉ có trốn trại.
Anh kể cho tôi nghe, sau khi nghe tôi bị bắt, anh và em gái của anh đã tìm cách thăm nuôi tôi nhiều lần, nhưng không được. Cho đến khi tôi bị chuyển đi Kàtum, anh có nhờ ông chú họ ở Tây Ninh ghé thăm, nhưng ban chỉ huy trại tù chỉ chịu nhận đồ, chứ không cho ông ta gặp tôi. Bây giờ nghe anh BL nói tôi mới biết, nhưng trong suốt thời gian ở tù tại Kàtum, tôi không hề nhận được bất cứ đồ thăm nuôi nào của ai.
Sau một hồi tâm tình đủ thứ chuyện, BL hỏi tôi:
- Bây giờ chú mày tính sao? Vượt biên hay trốn về Bắc sống?
Tôi lắc đầu:
- Nếu về Bắc sống thì thà em cứ sống trong trại tù cải tạo còn sướng hơn. Thú thực với anh, em trốn trại tù ra là bằng mọi giá, em phải vượt biên ra ngoại quốc. Chứ còn sống ở Việt Nam, tối ngày nơm nớp, sợ hãi, có thể bị tụi nó bắt lại bất cứ lúc nào, thì làm sao em sống cho nổi. Đời em đã vậy, còn con cháu em sau này.
- Chú định vượt biên bằng đường nào?
- Hoàn cảnh của em thế nào, anh cũng biết rõ. Em không thể nào có đủ tiền đủ vàng để vượt biên bằng đường biển nên em phải vượt biên bằng đường bộ. Em tính vượt biên qua ngả đường số 9, là nơi em ít nhiều đã quen biết từ xưa.
BL gật đầu đồng ý:
- Chú tính như vậy rất đúng. Vượt biên bằng đường bộ có cái nguy hiểm của nó, nhưng chú mày là người đã từng có kinh nghiệm đi lại trong rừng, lại quen thuộc vùng đó, nên tao tin là chú mày sẽ thành công. Nói thực với chú, nếu tao không vướng víu vợ con, thì tao cũng đã vượt biên từ lâu rồi. Bây giờ có vợ đẹp, con thì còn nhỏ, tao bỏ đi vượt biên một mình thì không nỡ, mà mang cả vợ con đi, lỡ bề nào thì mình ân hận suốt đời. Vì vậy, tao đành cắn răng chịu đựng một thời gian với tụi Vẹm xem thế nào. Nếu cùng quẫn quá thì tao mới tính đến chuyện vượt biên. Còn hoàn cảnh của chú mày khác hoàn cảnh của anh. Chú mày ở lại thêm ngày nào nguy hiểm ngày đó, nên đừng nấn ná thêm nữa...
Ngừng lại một chút, BL hỏi thẳng tôi:
- Bây giờ chú thấy anh có thể giúp được chuyện gì?
Tôi cảm động nhìn anh:
- Em muốn anh giúp em hai chuyện. Chuyện thứ nhất, anh có thể xoay cho em ít giấy tờ công tác lưu không. Chuyện thứ hai là bản đồ chi tiết vùng Đông Hà, Quảng Trị; và một chiếc địa bàn.
BL đưa tay xoa xoa cằm một hồi rồi nói, giọng tư lự:
- Về địa bàn và bản đồ thì để anh nói với ba, xem ông cụ xoay sở được không. Còn giấy tờ lưu không, chú mày để tao xem thế nào. Thường thì giấy tờ công tác của các nhân viên trong cơ quan do tao soạn, rồi đưa vô cho thằng "thủ trưởng" ký. Mỗi lần như vậy cả mấy chục tờ, nên tay "thủ trưởng" chẳng bao giờ coi giấy đó cho ai, đi công tác gì. Y chỉ lật ở phía, chỗ y phải ký, rồi kí tên. Sau này, y muốn mọi việc trôi chảy, nhanh lẹ, nên y bảo tao mỗi lần, xếp tất cả những giấy công tác so le, để hở phần dưới cho y ký một mạch cả mấy chục chữ ký, ào một cái rất nhanh. Vì vậy, tao chỉ cần nhét vô xấp giấy công tác đó một vài tờ lưu không cho y ký là xong. Con dấu thì tao đóng, muốn bao nhiêu cũng được. Nhưng tao chỉ ngại...
Nói đến đó, BL ngừng lại, có vẻ đắn đo. Tôi sốt ruột, hỏi:
- Anh ngại chuyện gì?
BL nói:
- Tao chỉ ngại là tao thấy đôi lần sau khi ký xong, tên "thủ trưởng" có lật lên xem qua một vài tờ. Vì vậy, nếu để nhiều tờ lưu không, e sẽ bị tên "thủ trưởng" phát hiện thì chết cả đám. Nhẹ thì tao bị đuổi sở, mà nặng thì dám chúng tống tù tao lắm.
- Theo em thì tốt nhất mỗi lần anh chỉ nên để một tờ thôi.
BL nhìn tôi:
- Chú mày cần mấy tờ giấy công tác lưu không?
- Em chỉ cần một tờ cho em, và hai tờ...
BL hỏi ngay:
- Chú mày định đi với hai người khác?
Tôi gật đầu. BL lắc đầu:
- Như vậy rất nguy hiểm. Chú phải hiểu, đi vượt biên càng đông người càng dễ bị lộ. Nhất là vượt biên bằng đường bộ. Vả lại, tao thấy rất khó kiếm được người lanh lẹ tháo vát như chú mày...
Tôi nói ngay:
- Hai người này là cháu gái gọi em bằng cậu, và thằng bồ sắp cưới của nó. Em đã nhận lời với bà chị của em là cho chúng nó đi vượt biên cùng.
BL im lặng. Tôi rụt rè hỏi:
- Anh có thể giúp em được không?
- Chú mày đã nhận lời cho họ đi chung, thì tao không còn cách nào khác, chỉ biết lo liệu để cho chú có đủ 3 tờ giấy công tác lưu không thôi. Còn mọi chuyện thành bại thì do trời định. Chú định chừng nào lấy mấy tờ giấy đó?
- Khoảng một tuần lễ nữa, có được không anh?
- Bây giờ là Thứ Bảy. Chủ Nhật tới, anh sẽ gặp chú ngay trước cửa nhà thờ Thiên Phước vào lúc 6 giờ chiều. Anh sẽ có mặt ở đó trước 6 giờ, trao giấy tờ cho chú. Nếu chú tới đó chờ anh khoảng nửa tiếng, không thấy, có nghĩa là anh chưa lo được giấy tờ cho chú. Khi đó, chú cứ đi về và trở lại đó vào Chủ Nhật tuần sau, cũng 6 giờ chiều.
Tôi vô cùng xúc động. Tôi biết, anh làm việc đó cho tôi là phải đối diện với rất nhiều nguy hiểm. Nếu chẳng may câu chuyện đổ bể, ít nhất anh cũng sẽ bị đuổi sở, mất việc làm; mà nguy hiểm hơn, anh còn có thể bị tù tội.
BL nói tiếp:
- Còn về bản đồ và địa bàn, anh nghĩ tốt nhất chú nên ghé thẳng nhà ba của anh để lấy. Vì thời buổi này, anh mang những thứ đó trong người rất nguy hiểm. Chú để anh hỏi ông cụ xem thế nào, rồi anh sẽ cho chú biết.

VÌ BẢN ĐỒ VÀ ĐỊA BÀN, TÔI SUÝT BỊ BẮT!

Chiều Chủ Nhật tuần sau, tôi y hẹn đến trước nhà thờ Thiên Phước, đã thấy anh BL đứng đó. Lần này, chúng tôi không nói chuyện với nhau được nhiều. Anh chỉ lẳng lặng trao cho tôi cuốn sách "Ngục Trung Nhật Ký" và dặn tôi chiều Thứ Bảy tuần kế đó, ghé nhà ba của anh để lấy bản đồ và địa bàn. Sau đó, anh cho tôi biết địa chỉ, giờ giấc. Anh cũng bảo tôi, vào chiều Thứ Bảy hôm đó, anh sẽ có mặt ở nhà để chờ tôi.
Tối hôm đó, tôi ghé thăm chị tôi ở cư xá Chu Mạnh Trinh. Mặc dù trên đường đi, tôi rất muốn mở cuốn sách ra xem những tờ giấy công tác lưu không mà BL đã lo liệu cho tôi, nhưng tôi phải cố gắng đè nén lòng bồn chồn của mình, không dám mở ra xem. Khi đến nhà chị, đóng cửa ra vô và cửa sổ thật kỹ lưỡng, tôi mới dám mở cuốn sách ra coi. Ở giữa cuốn sách có một chiếc phong bì giấy cũ. Trong phong bì có tất cả 10 tờ giấy công tác lưu không, có đầy đủ chữ ký và con dấu đỏ chót. Riêng phần tên tuổi, lý do đi công tác và thời hạn công tác thì vẫn còn để trống.
Thú thực, khi cầm cả xấp giấy công tác lưu không, có chữ ký con dấu và được in ấn đàng hoàng, tôi mừng run lên, không tin được BL lại có thể tài ba qua mặt được "thủ trưởng" một cách tài tình như vậy. Tôi đếm đi đếm lại, để rồi thấy lòng mình mừng rơn, quả thiệt, 10 tờ giấy công tác lưu không nằm sẵn trước mắt tôi, chờ đợi...
Sau một hồi suy nghĩ tính toán, tôi cẩn thận trao cho chị tôi hai tờ và nói:
- Đây là giấy công tác đã đóng dấu và ký tên, anh bạn của em vừa lo cho em, chị cầm lấy rồi đưa cho hai cháu và dặn kỹ, chúng nó chỉ được dùng giấy này đúng vào ngày lên đường rời Sàigòn đi vượt biên với em.
Cầm hai tờ giấy công tác, đóng dấu đỏ chói, chị tôi cũng mừng rỡ, xuýt xoa liên tục. Tôi nói tiếp:
- Còn đây là một tờ giấy công tác lưu không cho em, em phải điền tên vô để dùng ngay bây giờ vì hiện tại em không có giấy tờ gì cả, rất nguy hiểm, có thể bị chúng bắt giữ bất cứ lúc nào. Đây là tờ giấy lưu không em sẽ dùng khi bắt đầu đi vượt biên cùng với các cháu. Nội dung công tác, thời hạn công tác trên tờ giấy này sẽ phải giống y hệt hai tờ giấy công tác của hai cháu. Chuyện này em sẽ bàn thiệt kỹ với chúng nó sau. Còn lại 6 tờ... Bây giờ chị lấy cho em hai túi nylon thật tốt để em gói những giấy tờ lưu không còn lại này để đề phòng, có thể dùng trong tương lai.
Chị tôi ngạc nhiên, không hiểu hỏi:
- Sao cậu phải giữ lại để dùng trong tương lai?
Tôi thì thầm giải thích:
- Em và các cháu đi vượt biên không biết thành công hay thất bại. Thành công ra đến ngoại quốc thì không nói làm gì. Nhưng nếu thất bại, bị chúng nó bắt, trước sau gì em và hai cháu cũng phải tìm cách trốn thoát. Trốn thoát ra rồi, tụi em phải tìm cách về đây lấy những giấy tờ này để vượt biên tiếp...
Chị tôi gật đầu, hiểu tôi nói gì, nên vội đề nghị:
- Như vậy cậu đưa tất cả cho tôi giữ, tôi sẽ cất vào một chỗ thật an toàn...
Tôi lắc đầu:
- Chị không cần phải cất ở chỗ nào thật kín đáo, an toàn. Sáu tờ giấy công tác lưu không này sẽ được em gói vào hai tờ nylon thật tốt, rồi chờ lúc thuận tiện, em sẽ giấu ngay trong hốc gạch trước nhà một gói, và trong vườn sau nhà một gói. Cả hai chỗ đó, chị, em và các cháu đều biết. Như vậy, phòng khi em, hay các cháu vượt biên không thành công, phải trở lại đây, thì bất cứ lúc nào, dù chị có ở nhà hay không, hay nhà này đã đổi chủ, chúng em cũng đều có thể lấy được những giấy tờ này để dùng. Em phải tách ra làm hai gói là đề phòng, lỡ gói này bị mất thì còn gói khác để phòng thân... (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 7/01/2007 09:48:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 59)

<< Trở Lại Trang Đầu

Hữu Nguyên

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Nghe chị của tôi năn nỉ cho hai cháu đi vượt biên với tôi, tôi không biết nói làm sao, nên cuối cùng, tôi đành nhận lời. Tôi nói:
- Chị đã nói vậy, thì em phải vâng lời chị. Nhưng em cũng xin thưa với chị...

Không chờ tôi nói hết, chị tôi mừng quá, nắm chặt tay tôi:
- Cảm ơn cậu đã thương chị mà nhận lời giúp cho hai cháu. Cậu muốn gì, cậu cứ nói. Chị sẵn sàng làm theo ý của cậu...

Sự thực, trong suốt thời gian kể từ khi cộng sản chiếm đóng Sàigòn, chị tôi đã nhiều lần lo cho các cháu vượt biên, nhưng không thành công. Chị tháo vát, quen biết nhiều, giao du rộng rãi, nên chuyện móc nối cho các cháu vượt biên là chuyện không khó. Nhưng lạ một điều, hễ lo cho thiên hạ đi thì chót lọt, nhưng chuyến đi nào có các cháu thì lại bị kẹt không vì chuyện này cũng vì chuyện khác. Đến khi tôi vượt ngục về đến nhà, điều khiến chị lo lắng nhất là cháu H. và người yêu của cháu, nghe chị nói cũng đang trong tình trạng trốn cải tạo. Vì vậy chị đang cố gắng bằng mọi giá để lo cho hai cháu đi, nhưng chưa được.

Nhìn ánh mắt van nài của chị, tôi buột miệng thú thực sự lo lắng của mình:
- Chuyện em muốn thưa với chị là nếu em cho hai cháu đi theo em, thế nào tụi em cũng bị bắt...

Chị tôi la lên, vội lấy tay bịt miệng tôi không cho tôi nói:
- Cậu nói gì mà nói gở vậy? Chưa đi mà nói vậy...

Tôi im lặng không hề phản ứng. Chị tôi thở dài, bỏ tay xuống rồi nói, giọng có vẻ lẫy:
- Cậu đã nói vậy thì chị cũng chẳng ép. Thôi thì cậu cứ đi một mình cho an toàn... đừng gồng gánh thêm của nợ mà làm gì. Cuộc đời của chị, từ khi xa mẹ, chỉ thấy toàn là cô đơn buồn tủi...

Nói đến đó, chị tôi úp mặt vào hai bàn tay, khóc nức nở. Tôi ngồi đó im lặng. Kể từ khi vô Nam, được gặp chị, tôi đã nhiều lần được nghe chị tâm sự về cuộc đời của chị trong nước mắt và tiếng khóc. Cũng giống như phần đông những người phụ nữ Việt Nam, hạnh phúc gia đình, tình thương yêu thuỷ chung của chồng, luôn luôn vắng bóng trong cuộc đời của chị. Rồi những gian nan của cuộc đời, sóng gió của xã hội, luôn luôn vùi dập cuộc đời của chị. Và bao giờ cũng vậy, ngồi nghe những chuyện buồn của cuộc đời chị, tôi lại đau lòng và bất lực nhớ đến những vần thơ buồn sũng nước mắt nói về tâm trạng của những người phụ nữ Việt Nam của Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh, TT. KH...

Chiều hôm đó, trời đổ mưa đột ngột. Mưa Sàigòn bao giờ cũng vậy, đến và đi thật nhanh. Khác với Hà Nội, những trận mưa dầm dề, day dứt, kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần, khiến cuộc sống của người nghèo đã khổ lại càng thêm khổ. Tôi nhớ đến cuộc sống héo hon, cô đơn đầy lam lũ và vất vả của Mẹ tôi ở giữa vùng đất được mệnh danh "kinh thành ngàn năm văn vật". Và bây giờ, cùng với bóng ma cộng sản bao trùm lên cả nước, bao nhiêu đường nét thơ mộng, êm đềm, cuộc sống ấm êm hạnh phúc,... của người dân Miền Nam cũng đã bị xoá nhoà. Cả một đất nước, cả một dân tộc chìm đắm trong sợ hãi, bất công. Sống trong bầu không khí khủng bố do cộng sản gây ra lan tràn trên cả nước, những bi kịch trong gia đình, ngoài đường phố, trong xã hội... đang hiện ra nhan nhản từng giờ, từng phút trên quê hương của tôi...

Nhìn mái tóc đen rũ rượi của chị, tôi thở dài:
- Cuộc đời của em hiện nay ở trong tình trạng hoàn toàn bế tắc. Em ở lại Việt Nam, không sớm thì muộn em sẽ bị bắt. Với tội chiêu hồi cộng với tội vượt ngục, em sẽ bị chúng nó tử hình hoặc bỏ tù chung thân. Vì vậy em mới phải tìm mọi cách vượt biên cho dù em có chết em cũng cam lòng. Nếu các cháu vượt biên một mình hay vượt biên với người khác, chẳng may bị bắt, tội trạng của các cháu cũng không nhiều, cùng lắm chỉ bị giam vài tháng đến một năm, sẽ được thả. Còn nếu các cháu vượt biên với em, nếu chẳng may bị bắt, một khi tụi cộng sản phăng ra lý lịch của em, các cháu sẽ bị liên luỵ, rất nguy hiểm. Chính vì vậy, nên em mới lo ngại, thưa thực với chị, kẻo sau này, chuyện đau lòng xảy ra, chị lại bảo sao em không bảo trước, để vì em mà các cháu bị liên luỵ.

Chị tôi ngước nhìn tôi, gương mặt dàn dụa nước mắt:
- Chị thấy cậu đi đến đâu là gặp may mắn đến đó. Các cháu đi vượt biên với cậu, chắc chắn là không thể nào bị bắt. Chị tin như vậy mà...

Tôi cười gượng gạo:
- Em cũng ước ao được may mắn như lời chị nói. Nhưng em không thể không đề phòng những chuyện rủi ro sẽ xảy ra. Và thực tế, như chị đã thấy, những rủi ro vẫn đến với em hoài hoài. Nếu không, thì tại sao em lại bị tụi nó bắt, nói giam giữ cả năm trời nay...

Chị tôi vẫn khẩn khoản:
- Chị vẫn nói với các cháu, mạng của cậu lớn lắm. Dù gặp hiểm nguy đến đâu, cậu cũng sống sót. Thôi thì cậu đã về đến đây là cậu có duyên giúp chị, giúp các cháu. Cậu cho chúng nó đi theo cậu. Còn mọi chuyện tàu xe, tiền bạc chi tiêu dọc đường hết bao nhiêu, chị sẽ lo liệu hết.

Thấy chị một lòng một dạ tin tưởng trao gửi hai cháu cho tôi, tôi đành nhận lời. Nhận lời nhưng lòng tôi băn khoăn vô cùng. Cuộc đời của tôi cho đến lúc đó coi như đã chết nhiều lần, nên tôi chẳng quản ngại gì, sẵn sàng lao vào cái chết bất cứ lúc nào để tìm ra con đường sống cho chính mình. Mọi nguy hiểm, rủi ro tôi đều chấp nhận. Nhưng với hai người cháu, tuổi còn quá trẻ, tương lai còn dài, trong khi hoàn cảnh của cả hai cháu chưa đi đến bước đường cùng như tôi, nên tôi không muốn lôi kéo cả hai vào những phiêu lưu nguy hiểm tới mức sinh tử.

Kinh nghiệm những lần trốn chạy cộng sản đã cho tôi biết, có những giây phút thập phần nguy hiểm, đòi hỏi mình phải có những quyết định tức khắc. Nếu chỉ có một thân một mình, tôi dám có quyết định và dám chịu. Nhưng nếu có thêm người cùng đi, tôi sẽ ngần ngại không dám có những quyết định ảnh hưởng đến tính mạng của cả người khác. Và chỉ cần vài giây phút ngần ngừ, không dám có quyết định trong giây phút thập phần sinh tử đó, là sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường, có thể tù tội, chết chóc.

Điều thứ hai quan trọng không kém, nếu vượt biên một mình, tôi dám không mang theo bất cứ thứ hành lý đồ đạc nào, ngoại trừ có địa bàn, bản đồ và chút lương khô giấu kín trong người. Nhưng nếu người cháu gái và bạn trai của cháu cùng đi với tôi, chắc chắn hai người sẽ mang theo đủ thứ lỉnh kỉnh như mùng, mền, quần áo, đồ ăn thức uống. Mang tất cả những thứ đó trên người, xuất hiện ở một vùng đất xa lạ, nhất là nơi gần biên giới, là điều vô cùng nguy hiểm, chẳng khác chi "lậy ông tôi ở bụi này".

Biết vậy, nhưng thương chị, thương các cháu, cuối cùng tôi đã nhận lời. Nhận lời, để rồi hậu quả đã diễn ra đúng như điều tôi lo ngại.

CHUẨN BỊ VƯỢT BIÊN

Vào thời điểm đó, cả Miền Nam đang lên cơn sốt vượt biên. Bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu, gặp bất cứ ai, nói bất cứ chuyện gì, quanh đi quẩn lại, cuối cùng đều nói đến chuyện tàu bè, vượt biển, vượt biên. Cùng với những chiến dịch khủng bố người dân, lùa dân đi vùng kinh tế mới và o ép đàn áp người Hoa, cộng sản Việt Nam đã quỷ quyệt dàn dựng nên cả một chiến dịch "vượt biên bán chính thức" để vơ về vàng bạc và cướp trắng tài sản của hàng triệu người Việt, Hoa tại Miền Nam. Với bản chất vô thần, tàn nhẫn và thủ đoạn, cộng với đường lối chính sách công khai coi người dân Miền Nam là người của một nước bại trận, "tay sai của Mỹ Nguỵ", cộng sản Việt Nam đã tạo nên cả một hàng ngũ binh lính và cán bộ VC đối xử cực kỳ cạn tàu ráo máng và vô cùng tàn nhẫn đối với người dân vượt biên. Thêm vào đó, cùng với năm tháng, bản chất man rợ, quỷ mỵ của cộng sản đã lộ diện, khiến người dân Miền Nam chấp nhận mọi hiểm nguy, để vượt biển, vượt biên, trốn chạy cộng sản.

Vì hoàn cảnh của tôi không có một xu dính túi, nên tôi không thể nào đi theo diện "bán chính thức", vào thời điểm đó từ 10 cây đến 25 cây vàng cho một người. Hoàn cảnh của chị tôi lúc đó sau nhiều lần lo cho các cháu vượt biên thất bại, cũng rất túng bấn, chỉ có thể dúi cho chúng tôi vài lượng vàng, phòng khi qua biên giới, cần phải đổi chác. Do thiếu thốn như vậy, tôi quyết định vượt biên bằng đường bộ.

Tôi dự định, chúng tôi sẽ đi xe đò từ Sàigòn ra Quảng Trị, rồi từ Quảng Trị đi Đông Hà. Đây là địa điểm cuối cùng chúng tôi có thể đi xe đò vào lúc đó. Từ Đông Hà trở đi chúng tôi phải đi bộ theo ngả Quốc lộ 9 qua Cam Lộ, Khe Sanh, Làng Vây rồi băng qua biên giới Lào Việt tại đèo Lao Bảo. Khi an toàn đặt chân lên lãnh thổ Lào, chúng tôi sẽ tìm đường tới Sépone, rồi đi Savannakhet để rồi vượt sông Mekong qua Thái Lan.

Con đường vượt biên tôi vạch ra lúc đó chỉ có trên giấy tờ. Đó là con đường vượt biên đầy những bất trắc, nguy hiểm và có thể nói không tưởng. Nhưng trong hoàn cảnh của tôi, tôi không còn con đường nào khác. Tôi đã vạch ra con đường đó dựa vào bản đồ, cộng với những kiến thức về địa bàn, kỹ thuật cắt rừng, cách thức sống còn trong rừng rậm, mà tôi đã học khi còn trong bộ đội. Thêm vào đó, những ngày tháng hành quân trong rừng, cộng với chuyến cắt rừng đi tìm tự do thành công, đã giúp tôi thêm tin tưởng, tôi sẽ vượt biên qua con đường đó thành công.
Để có thể đi dọc theo quốc lộ 9 một cách an toàn, tôi quyết định sẽ đi vào ban đêm, và sẽ lấy hướng địa bàn, để cắt đường đi trong rừng, bảo đảm song song với quốc lộ 9 cho đến khi qua được đèo Lao Bảo. Đối với sông Mekong, biên giới thiên nhiên giữa Lào và Thái Lan, tôi tin tưởnsg, với khả năng bơi lội thành thạo cả chục cây số của mình, tôi sẽ vượt qua không có gì khó khăn. Có điều, bây giờ chấp nhận vượt biên cùng với hai người cháu, chuyến đi cắt rừng dọc theo quốc lộ 9 trong đêm tối và việc vượt sông Mekong của tôi sẽ gặp nhiều trở ngại. Nhưng tôi đâu còn cách nào hơn. Thôi thì tôi chỉ biết cầu nguyện và làm hết sức mình.

Chuẩn bị cho chuyến đi, quan trọng nhất là giấy tờ tuỳ thân để chúng tôi có thể đi từ Sàigòn ra Đông Hà. Sau đó, hai vật dụng quan trọng khác là địa bàn và bản đồ. Về giấy tờ tuỳ thân, chắc chắn chúng tôi phải lo giấy tờ giả. Thời gian trước đây, khi cộng sản mới vô Miền Nam, trình độ về kỹ thuật của cộng sản còn sơ sài, chúng tôi có thể làm giấy tờ giả một cách dễ dàng. Nhưng hiện tại, tôi không còn đủ khả năng và sự tin tưởng để làm chuyện đó. Vì vậy, tôi đã tìm đến một người bạn rất thân, tên BL đang làm việc cho một cơ quan của nhà nước cộng sản ở Sàigòn.

BL ở ngay vùng Võ Di Nguy, Phú Nhuận, và làm việc ngay vùng Đa Kao, cách trường Thiên Phước Công giáo không bao xa. Để tránh mọi liên luỵ rắc rối cho BL, tôi bí mật đi theo BL suốt một buổi chiều ngày Thứ Bảy. Cho đến khi biết chắc thật an toàn, tôi mới đến gần, trao cho anh cuốn "Ngục Trung Nhật Ký" của Hồ Chí Minh. Chọn cuốn sách này trao cho anh là để đề phòng mọi con mắt cú vọ của công an cộng sản, vì nếu có chuyện gì bất ngờ xảy ra, cuốn sách cũng là tấm bình phong khiến cho cán bộ công an cộng sản bớt nghi ngờ. Sau này, trên đường trốn chạy cộng sản trên Miền Bắc, để vượt biên qua ngả biên giới Việt Trung, tôi cũng đã dùng cuốn sách này làm tấm bình phong, vượt qua rất nhiều trạm gác và qua mắt rất nhiều cán bộ công an cộng sản. (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 7/01/2007 05:27:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Liên Kết

BLOGGER

Bạn là người thứ  

Ghé Thăm LMVS