Liên Mạng Việt San

[ Trang SaiGon Times]

[ Trang Liên Mạng]

[ Thời Sự VN ]

[ Bình Luận ]

[ Văn Học và Lịch Sử­]

[ Vườn Thơ ]

[ Radio/TV Online ]

Bài Đã Đăng

Trang Bài Cũ

Mục Thư Cũ

Chinh t hức thành lập ngày28/12/2005 Copy Right by Nhất Thanh

Mọi bài vỡ xin đóng góp và gửi vể Liên Mạng Việt San lienmang_vietsan@yahoo.com 

 

Tôi Tìm Tự Do (kỳ 73)

Bài Viết Đăng Nhập vào: Wednesday, October 03, 2007

<< Trở Lại Trang Đầu

Hữu Nguyên

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.


*

(Tiếp theo...)

Xe vừa rời thị xã Quảng Trị được mươi phút, bỗng ở phía sau xe có người cất giọng hò: Từ ngày "cách mạng mùa thu". Tiếng hò vừa dứt, một người khác hò tiếp ngay: Thằng khôn đi học thằng ngu làm thầy! Nghe tiếng hò, hầu hết hành khách trong xe đều cười ầm ĩ, vỗ tay vang dậy. Chỉ có chúng tôi là im lặng, chỉ dám cười thầm trong bụng. Tôi kín đáo liếc nhìn tên Vân, thấy mặt y đỏ bừng, nhưng y vẫn ngồi yên, tảng lờ như không nghe thấy gì. Viên tài xế đang lái xe, khẽ quay sang bên trái nhìn trộm tên công an ngồi cạnh. Tên này vẫn lạnh lùng nhìn thẳng phía trước. Thái độ tảng lờ, thụ động của hai tên công an càng khiến hành khách trong xe xôn xao, cười cợt khoái trí. Hai người lúc nẫy lại cất tiếng hò tung hứng: Một năm hai thước vải thô. Làm sao che kín "Bác Hồ" em ơi! Mọi người trong xe lại cười, hét, huýt sáo ầm ĩ. Hai tên công an vẫn tảng lờ, bất động. Phải đến mấy phút sau, tiếng cười, tiếng hò hét trong xe mới nhỏ dần.... Rồi kế tiếp, mấy người ngồi ở cuối xe lại cất tiếng hát: Tổ quốc ơi, ăn khoai mì ngán quá. Từ ngày giải phóng vô đây, ta ăn độn dài dài... Hát chán, mọi người lại bô bô kể đủ thứ chuyện "quê mùa" của bộ đội, công an cộng sản khi vô Miền Nam, rồi cười ngặt nghẽo...
Thấy mọi người có thái độ chống đối cộng sản một cách công khai trong khi hai tên công an có thái độ thụ động như vậy, tôi rất mừng. Trong hoàn cảnh như vậy, tôi nghĩ nếu tôi có hành động liều lĩnh chạy trốn, chắn chắn sẽ có người giúp đỡ tôi, không nhiều thì ít. Nhưng dù liều lĩnh như thế nào đi nữa, tôi chẳng thể nào chạy trốn nếu tôi không thoát khỏi sợi dây dù trói chùm cả ba đứa chúng tôi. Bây giờ làm cách nào để cho tên công an chấp nhận cởi trói sợi dây dù? Nhất là khi cả hai tên công an đều đang "quê độ" trước sự chọc giận công khai của các hành khách trong xe.
Giữa lúc tôi đang băn khoăn lo nghĩ, thì người đàn bà ngồi ngay phía sau công an Vân, lấy tay đập đập vào vai y rồi hỏi giọng thân mật:
- Chú công an khoẻ không?
Tên Vân giật mình, quay lại nhìn người đàn bà, rồi nhìn qua tôi. Nét mặt của y lộ vẻ lúng túng, không biết ứng xử thế nào. Sau vài giây im lặng, y không thèm trả lời vào câu hỏi mà lại cấm cẳn:
- Bà muốn gì?
Người đàn bà tuổi ngoài 50, quần áo lam lũ, mái tóc búi tó để lỏng phía sau, phía trước toá xoã vẻ biếng trải, nhưng gương mặt sáng sủa, ánh mắt đằm thắm. Bà mỉm cười nói với tên Vân, giọng chân thành:
- Tôi đâu có muốn gì. Tôi chỉ hỏi chú công an có khoẻ không... Mình người Việt với nhau, một phút gặp nhau cũng đà quen biết, huống hồ tôi với chú lại đi cùng một chuyến xe với nhau, nên hỏi thăm sức khoẻ nhau là thường, mà chú. Vả lại, tôi cũng có thằng em làm công an, chạc tuổi chú đó mà.
Tên Vân lừ lừ nhìn bà không nói. Qua ánh mắt và vẻ mặt đầy cảnh giác của y, tôi đoán có lẽ y không tin lời của người đàn bà, nhưng vì trong xe đầy không khí thù nghịch, nên y không tiện phát tác. Người đàn bà vẫn tươi tắn, hồn nhiên:
- Tôi tên Xuân, nhưng chú cứ gọi tôi là chị Ba cho thân mật. Còn chú tên chi vậy?
Tên Vân trả lời gọn lọn:
- Vân!
Chị Ba vui vẻ:
- Vân? Tên của chú dễ thương hỉ. Giống tên con gái quá.
Tên Vân cãi, nhưng giọng nói của y có phần bớt gay gắt:
- Cha mẹ đặt sao dùng vậy. Tui mới đẻ làm sao biết tên nào con gái, tên nào con trai.
- Thì tôi cũng nói đùa chú vậy thôi. Có gì sai sót, mong chú bỏ qua cho...
Nói đến đó, chị Ba rút trong túi đồ, gói thuốc lá đầu lọc. Chị rút ra một điếu, đưa cho tên Vân, nói giọng đon đả:
- Chú Vân hút với tôi điếu thuốc cho thơm miệng.
Tên Vân sáng mắt nhìn điếu thuốc, nhưng có vẻ ngần ngừ, cuối cùng y cũng cầm điếu thuốc. Chị Ba thành thạo bật quẹt mồi lửa cho y, rồi mồi cho mình một điếu. Nhìn tên Vân rít điếu thuốc một hơi đỏ lừ, ém khói ngon lành, chị Ba kín đáo dúi cho y gói thuốc, rồi nói, giọng thân mật:
- Nói chú đừng giận, nhưng tính tôi thật thà, nghĩ sao nói vậy. Chú cầm lấy gói thuốc này mà hút. Thời buổi bây giờ làm công an, tiền bạc đâu có bao nhiêu... Chú em tôi mỗi khi về nhà chơi, tôi vẫn phải cho nó tiền, nên tôi biết...
Tên Vân ngượng ngùng nhìn trộm tôi. Tôi giả vờ như không biết, nhưng qua đuôi mắt, tôi thấy tên Vân kín đáo cầm gói thuốc bỏ vào túi, rồi nói lí nhí hai tiếng "Cảm ơn". Chị Ba tảng lờ như không thấy vẻ ngượng ngùng của tên Vân, tiếp tục đon đả trò chuyện. Quả nhiên, một lúc sau, tên Vân cũng vui vẻ nói chuyện với chị Ba. Và tôi cũng không hiểu sao, từ khi chị Ba nói chuyện thân mật với tên Vân, không khí chọc quê cộng sản bằng những câu chuyện châm biếm nổi tiếng thời bấy giờ, cũng giảm dần.
Cho đến lúc đó, tôi cũng ngạc nhiên trước thái độ thân mật của chị Ba đối với tên Vân. Nhưng qua ánh mắt trong sáng và gương mặt chân thành của chị, tôi vẫn thấy tin tưởng ở chị, và tôi linh cảm đằng sau thái độ thân mật của chị với tên Vân, có lẽ đang ngầm chứa một toan tính nào đó, tôi chưa thể hiểu.
Giữa lúc tôi đang băn khoăn nghĩ ngợi, bỗng tôi nghe chị Ba nói với tên Vân:
- Chú Vân nè, nói chuyện với chú từ nẫy đến giờ tôi thấy chú cũng là người hiền lành, chất phác, nên tôi có đề nghị này muốn nói với chú. Chú có cho phép thì tôi mới nói...
Tên Vân nhanh nhẩu gật đầu:
- Chị Ba muốn nói gì thì nói đi, đừng ngại gì chớ.
Chị Ba chỉ ba đứa chúng tôi, nói nhỏ:
- Mấy người này phạm tội với cách mạng, phải không chú?
Tên Vân liếc nhìn chúng tôi, rồi y gật đầu, không nói. Chị Ba tiếp:
- Tôi thì tôi không biết họ tội gì. Nhưng chú đã còng tay họ là đủ rồi, sao còn phải buộc dây trói chùm họ lại với nhau vậy? Trói như vậy thì có vẻ tàn nhẫn quá, phải không chú?
Tên Vân lúng túng:
- Thì lệnh trên... bảo vậy. Tụi tôi chỉ biết thi hành chớ.
Chị Ba ngọt ngào:
- Tôi biết, tôi biết, chỉ vì lệnh trên bảo làm như vậy, chứ chú đâu có thể nào tàn nhẫn như vậy được. Nhưng tôi thấy chú làm như vậy là mất uy tín của cách mạng lắm đó. Người ngoài nhìn vô họ thấy cách mạng gì mà tàn nhẫn, đã còng tay người ta lại còn trói trùm người ta lại với nhau.
Quay qua phía hành khách, chị Ba nói lớn:
- Bà con trong xe nghe tôi nói vậy có phải không?
Mọi người trong xe ồ lên tán thưởng. Thôi thì mỗi người mỗi tiếng, mỗi lời nói khác nhau, xôn xao cả trong xe. Chị Ba quay qua tên Vân, nói tiếp, giọng đầy thuyết phục:
- Ai thì cũng biết lệnh trên là như vậy. Nhưng chú là người thi hành. Cấp trên thì ở xa, còn ở đây thì chỉ có chú với chú công an ngồi kia. Mà tôi xem thì mặt mũi của hai chú đều hiền từ, chắc ông bà của hai chú cũng ăn ở có nhân có đức lắm nên các chú mới được như vậy... Vì vậy, tôi xin hai chú, thôi thì cởi trói cho người ta, còng tay người ta là đủ rồi...
Tên Vân chưa kịp lên tiếng, thì có tiếng nói sang sảng của một người đàn ông ở phía sau:
- Bà chị nói vậy là đúng lắm rồi đó chú em công an. Qua nói để chú em biết, xe cộ chạy trên đường này là dễ gặp tai nạn lắm. Nay chú trói chùm người ta lại với nhau như vậy, lỡ chẳng may xe bị lật, chìm xuống sông xuống hồ, thì làm sao người ta có thể thoát nổi? Người ta có tội thì để cho cách mạng xét xử, bỏ tù. Nhưng chú trói chùm cả ba người lại, lỡ chuyện gì xảy ra có phải là người ta bị chết oan không nào? Khi đó tội lỗi bao nhiêu là chú chịu, chớ lãnh đạo nào chịu vào đấy. Tôi nói vậy, bà con đồng ý với tôi thì vỗ tay lên cho chú em công an đây chú ấy nghe...
Người đàn ông vừa dứt lời, cả xe đã vỗ tay vang dội. Người đàn ông lại cất tiếng:
- Còn bác tài, không vỗ tay được nhưng thấy tôi nói có tình có lý thì lên tiếng đi chớ?
Ông tài xế, khẽ quay mặt lại một chút, nói lớn:
- Bác Bảy nói vậy là trúng lắm đó, chú công an ơi...
Chị Ba ráng một đòn cuối cùng. Chị lấy trong túi ra mấy chùm giò lụa, mỗi chùm khoảng 4, 5 chiếc giò lụa loại nhỏ, bằng nửa cổ tay. Trao cho tên Vân hai chùm, chị nói:
- Đây chú cầm lấy một chùm, một chùm cho chị gửi cho chú công an kia, để hai chú ăn lấy thảo. Còn chùm giò này, chú cho phép chị đưa cho mấy người tù để họ ăn. Bây giờ, chú thương chị, thương bà con cô bác trên xe, cởi trói cho mấy người này để họ được ăn uống ngon lành, chớ trói chùm họ như vậy thì làm sao họ ăn uống tự nhiên được, phải không chú?
Tên Vân lúng túng nhìn chúng tôi, rồi ấp úng nói cái gì, tôi nghe không rõ. Trông ánh mắt của y, tôi rất mừng vì biết, y sắp bị khuất phục... Chị Ba lại mềm mỏng nói tiếp:
- Chú cứ nghe chị, cởi trói cho họ ăn xong cây giò này, nếu sau đó họ có cử chỉ gì nghi ngờ, chú lại trói họ lại như cũ. Mà chị bảo đảm với chú là không có chuyện gì đáng tiếc đâu.
Tên Vân gật đầu:
- Chị Ba đã nói vậy thì... để tôi bàn với đồng chí X xem sao...
Nói xong, tên Vân cầm chùm giò, loạng choạng đi lên, ghé tai tên X thì thầm một hồi, rồi trao chùm giò cho X. Dĩ nhiên cho đến lúc đó, mọi lời đối đáp trò chuyện trên xe, tên X đều nghe thấy hết, nhưng không hiểu sao y vẫn ngồi bất động, nhìn thẳng về phía trước. Thấy Vân thì thầm, tên X gật gật đầu, tôi rất mừng. Đến khi X đưa tay cầm chùm giò lụa từ tay tên Vân, tôi thở phào tin tưởng, chúng tôi sẽ được cởi trói. Quả nhiên, tên Vân quay lại, nét mặt tươi tỉnh, nói với chị Ba:
- Tụi tôi nể chị lắm, nên cởi trói cho họ. Nhưng chị phải bảo đảm là họ không trốn đấy chớ.
Mọi người trong xe vỗ tay vang dội. Có người còn ngây ngô hô to, "Công an muôn năm!" (???) Chị Ba cũng vui vẻ:
- Cảm ơn chú. Chú cứ cởi trói cho họ đi. Nếu họ trốn chạy, chú cứ trói tôi lại là xong.
Nghe mấy chữ "trói tôi lại là xong", tên Vân đực mặt ra nghĩ và một thoáng băn khoăn hiện lên trên gương mặt của y. Tôi nghĩ, có lẽ câu nói của chị Ba đã khiến tên Vân nghĩ lại mà đâm lo ngại. Nếu tù chạy trốn, làm sao tên Vân có thể trói được chị Ba? Và dù cho khi đó y có trói cả mấy chục hành khách trên xe, y cũng chẳng thể nào thoát khỏi tội để xổng tù. Có lẽ hiểu tên Vân đang nghĩ gì, nên chị Ba vội lên tiếng trấn an:
- Trời ơi, chú Vân, chú còn lo nghĩ gì nữa. Xe thì đang chạy vù vù như thế này, người ta lại bị còng tay như vậy, thử hỏi ai dám trốn? Các chú còn súng ống đầy người nữa... Người bình thường mà nhảy xuống xe còn tan xương nát thịt nữa là...
Đến lúc này, tên Vân hoàn toàn bị khuất phục. Y thở dài, quay qua chúng tôi nói:
- Vì đồng bào trên xe muốn bảo vệ uy tín của cách mạng nên yêu cầu chúng tôi cởi trói tạm thời cho các anh. Các anh cấm không được tự tiện đứng lên, hay đi lại, là chết đấy nhé. Muốn gì các anh phải xin phép và được chúng tôi cho phép mới được làm. Các anh có đồng ý như vậy không chớ?
Chúng tôi vội thi nhau gật đầu, thi nhau nói "đồng ý". Tên Vân vẫn chưa yên tâm. Y đưa tay vỗ vỗ vào khẩu súng ngắn đeo bên hông rồi nói tiếp, giọng đe doạ:
- Các anh phải nhớ, nếu trái lệnh là các anh sẽ bị xử lý tại chỗ đấy nhé. Các anh nghe rõ chưa?
Chúng tôi lại gật đầu, ngoan ngoãn nói "thưa cán bộ nghe rõ". Tên Vân nhìn chúng tôi, rồi không hiểu sao, y đưa tay mở khoá bao súng, lừ lừ nhìn chúng tôi không nói. Sau một thoáng im lặng, tên Vân cúi xuống rồi lần lượt tháo nút dây dù buộc tay của tôi, T và H. Cuộn sợi dây dù vô khuỷu tay, tên Vân trở lại chỗ ngồi, nét mặt y đăm chiêu, như vừa phải làm một việc mà y không muốn.
Chị Ba cầm chùm giò đưa cho tên Vân, hỏi:
- Bây giờ chú bóc mấy chiếc giò này rồi đưa cho họ ăn, hay để tôi làm hộ chú?
Tên Vân không trả lời, chỉ phẩy phẩy tay về phía chị Ba. Chị Ba nói nhỏ, "cảm ơn chú nghe", rồi chị bóc lá từng chiếc giò, đưa cho tôi, cho T và cho H. Chúng tôi cầm chiếc giò ăn ngon lành, ai cũng cảm động vì đây là lần đầu tiên chúng tôi được thưởng thức miếng giò lụa sau thời gian cả tháng trời sống trong thiếu thốn, thèm khát trong trại giam Đông Hà.
Riêng cá nhân tôi, khi được ăn miếng giò lụa, trong lòng tôi còn mừng rỡ vô hạn, vì chặng đường khó khăn nguy hiểm nhất tôi đã vượt qua. Nhờ sự khôn khéo giúp đỡ của chị Ba và hành khách trong xe, cuối cùng, sợi dây dù trói chùm cả ba chúng tôi đã được cởi! Chặng đường kế tiếp tôi phải vượt qua là chiếc còng số 8. Tôi sẽ phải tìm đủ mọi cách để thuyết phục tên Vân cởi chiếc còng, trước khi tôi liều mạng bỏ chạy. Và cho dù tôi không thành công trong việc cởi chiếc còng số 8, thì trước khi đến lao Thừa Phủ Huế, tôi cũng vẫn phải bỏ chạy. Tôi đã quyết tâm chọn cho mình một con đường: Ngày hôm nay, bằng mọi giá, tôi phải trốn thoát, hoặc tôi phải chấp nhận bị bắn gục ngay trên đường phố Huế! (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 10/03/2007 09:28:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Liên Kết

BLOGGER

Bạn là người thứ  

Ghé Thăm LMVS