Liên Mạng Việt San

[ Trang SaiGon Times]

[ Trang Liên Mạng]

[ Thời Sự VN ]

[ Bình Luận ]

[ Văn Học và Lịch Sử­]

[ Vườn Thơ ]

[ Radio/TV Online ]

Bài Đã Đăng

Trang Bài Cũ

Mục Thư Cũ

Chinh t hức thành lập ngày28/12/2005 Copy Right by Nhất Thanh

Mọi bài vỡ xin đóng góp và gửi vể Liên Mạng Việt San lienmang_vietsan@yahoo.com 

 

Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 65)

Bài Viết Đăng Nhập vào: Thursday, August 02, 2007

<< Trở Lại Trang Đầu

- Hữu Nguyên -

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Ngồi trò chuyện với chị B. được khoảng nửa tiếng đồng hồ thì có tiếng chuông reo. Chị B. vội chạy ra mở cổng. Ít phút sau, nhìn ra sân, tôi thấy đi theo chị B. là hai người phụ nữ, tuổi khoảng ngoài 30, ăn mặc giản dị. Một người dắt chiếc Honda dame, có mái tóc buông xoã, đeo kiếng đen tròng to rất hợp với gương mặt trái xoan và vầng trán thanh thoát của chị. Còn người kia đi không, tóc cắt tém, vai đeo chiếc túi vải khá lớn có nhiều tua vải xung quanh.
Thấy ba chị bước vô nhà, tôi vội đứng lên, lúng túng chưa kịp chào, thì chị B. đã chỉ chị đeo kiếng đen rồi chị cắt tóc tém, và nói:
- Giới thiệu với anh, đây là chị H. và chị T....- Quay sang các chị, chị B. tiếp - Còn đây là anh Chí mà em đã nói trong phôn...
Chị H. người đeo kiếng đen, khẽ phẩy tay tỏ ý không muốn chị B. nói tiếp, rồi chị gỡ cặp kiếng đen, hai tay chống nạnh nhìn tôi, hỏi giọng chị hai:
- Anh là tù cải tạo trốn trại?
Tôi lễ phép:
- Dạ...
Chị H. hỏi dồn:
- Vậy anh ở trại tù cải tạo nào? Anh trốn tù ra làm sao? Làm sao anh lại chạy vô được nhà con B. em tôi?
Tôi liền kể đầu đuôi chuyện tôi đi lấy bản đồ, địa bàn, bị mấy tên vệ binh quản giáo nhận diện, đuổi bắt ra làm sao, chạy trốn như thế nào. Tôi cũng đem luôn chuyện tôi trốn trại cải tạo ở Tây Ninh nhất nhất kể lại cho các chị nghe...
Kể được khoảng mươi phút thì có tiếng chuông. Chị H. đưa tay ra hiệu bảo tôi ngừng kể, rồi quay ra bảo chị B.:
- Chị X. phải không?
Chị B. gật đầu vừa nói "Dạ" vừa đứng dậy đi ra cổng mở cửa. Chị H. quay lại bảo tôi:
- Trong mấy chị em tụi tôi, chị X. lớn tuổi nhất. Chị lại giỏi và hiền thục, nên tụi tôi coi chị như chị hai. Lát nữa chị vô đây, anh kể lại chuyện của anh từ đầu, thế nào chị cũng có cách giúp anh.
Chị H. vừa dứt lời, thì chị B. và chị X. cũng từ ngoài sân đi vô, tay dắt một chiếc xe đạp mini. Chị có dáng người cao, bước đi thanh thoát. Dưới ánh nắng chiều xiên khoai, nhìn chị từ xa, tôi ngạc nhiên nghĩ chị rất trẻ. Nhưng khi chị bước vô nhà, tôi mới nhận ra những sợi tóc muối tiêu trên mái tóc và những nếp nhăn ở hai đuôi mắt củc chị. Nước da của chị trắng xanh khiến cho những quầng đen quanh mắt càng thêm rõ. Chỉ nhìn thoáng qua, tôi đã thấy gương mặt của chị trĩu nặng khổ đau, dấu hiệu của những đêm dài không ngủ, những lần khóc âm thầm. Nhất là cặp mắt của chị nhìn tôi, một người chưa hề quen biết, nhưng sao tôi thấy trong mắt chị là cả một hoàng hôn đầy ắp niềm tâm sự....
Ngay khi chị X. bước vô cửa, cả chị H. và chị T. đều đứng dậy thân mật chào hỏi. Tiếng chị H. hỏi nhỏ, nhưng tôi vẫn nghe thấy loáng thoáng: "Có tin gì mới không chị?" Chị X. lắc đầu nhẹ, không nói. Các chị đều thở dài, đưa mắt nhìn nhau, kín đáo che giấu niềm thất vọng. Tôi không biết đó là chuyện gì, nhưng tôi đoán chuyện đó phải quan trọng lắm, và có lẽ đó là nguyên nhân của những khổ đau trĩu nặng mà chị X. đang gánh chịu...
Nhìn vẻ mặt đau khổ của các chị, tôi lại nhớ đến lời chị B. nói với tôi trước khi gọi phôn, "Anh đừng có lo gì cả. Tất cả mấy chị bạn của tôi cũng có chồng, có cha đi tù cải tạo hết chơn vậy đó. Nếu không tin tưởng ở họ, thì tôi gọi điện thoại cho họ làm gì". Nhìn các chị lúc này tôi hiểu, giống như tất cả những người mẹ, người vợ trên mảnh đất Miền Nam sau 1975, các chị đang phải chịu đựng những thảm hoạ tang tóc, bi thương không bút mực nào tả xiết. Mỗi ngày trôi qua đối với mỗi cuộc đời, nhất là những người mẹ, người vợ, trên mảnh đất Miền Nam là cả một bi kịch. Và vào thời điểm năm 1977, cộng sản mới chiếm được Miền Nam có hai năm, nên tất cả những thảm kịch trên quê hương Miền Nam lúc đó chỉ mới bắt đầu, thời gian chờ đợi cha, chồng, con đi học tập cải tạo mới chỉ có 2 năm, và còn đằng đẵng 10, 15 năm chờ đợi trước mặt. Còn biết bao nhiêu thảm kịch khác, mà thảm kịch sau bao giờ cũng thê thảm hơn, khủng khiếp hơn, tang thương hơn so với những thảm kịch trước... đang chờ đợi các chị và những người dân Miền Nam...
Chị X. thong thả bước về phía tôi. Tôi vội vàng đứng dậy. Chị đưa tay bắt tay tôi. Bàn tay của chị mềm mại, nhưng gương mặt, ánh mắt của chị toát lên vẻ cương quyết. Trong khi mắt chị nhìn thẳng vô mắt tôi, chị nói giọng bình tĩnh và ấm áp:
- Chào anh. Tôi là X. Anh ngồi xuống đi. Ngồi xuống mình nói chuyện cho thoải mái.
Quay sang các chị, chị X. tiếp:
- Mấy cô cũng ngồi xuống cả đây đi.
Nhìn chị B. chị T. và nhất là chị H. ngoan ngoãn ngồi xuống, tôi rất ngạc nhiên. Tôi không thể ngờ được chị X. trông thanh mảnh và yếu đuối như vậy, nhưng lại có uy tín gần như tuyệt đối với tất cả các chị.
Sau đó, tôi ngồi nghe các chị kể chuyện và kể chuyện của mình. Qua chuyện trò, tôi được biết, tất cả các chị đều có chồng đi tù cải tạo. Chị T. trẻ nhất, có tới 3 người trong gia đình phải đi tù cải tạo là cha ruột, chồng và bố chồng. Riêng chị X., chồng cũng đi tù cải tạo, nhưng khoảng một tháng trước, ban chỉ huy trại tù cải tạo báo tin cho chị biết là chồng chị trốn trại. Đến nay, đã gần một tháng trôi qua, chị vẫn không nhận được tin tức gì của chồng. Trong khi đó thì tin từ một số người đi thăm nuôi tù cải tạo về nói, chồng của chị đã bị tụi VC bắn chết ngay khi anh trốn trại. Không biết tin nào đúng, tin nào sai, nhưng chị X. chỉ biết bấu víu vào một sự thật, cách đây một tháng, đang nửa đêm, bộ đội bỗng vây kín nhà chị, rồi lục xoát trong nhà ngoài vườn để tìm kiếm chồng chị. Cũng đêm đó, bộ đội cũng vây kín nhà bố mẹ chồng và lục soát cho đến rạng sáng mới rút đi. Chính những cuộc lục soát tìm kiếm đó khiến chị X. tin tưởng, chồng chị đã vượt ngục và vẫn còn sống...
Sau khi nghe tôi kể lại cuộc đào thoát và chạy trốn của mình, chị X. hỏi:
- Bây giờ anh tính sao?
Tôi thú thực:
- Thưa chị, tôi bị mất bóp, nên bây giờ không có một tờ giấy tuỳ thân. Tiền bạc cũng không có. Nếu được, xin các chị giúp đỡ cho tôi về bên Thị Nghè. Ở đó, tôi sẽ có người giúp đỡ.
Chị X. nói:
- Chuyện tiền bạc thì không có gì khó. Khó là giấy tờ tuỳ thân. Chúng tôi đàn bà con gái cũng không biết làm sao giúp anh được.
Quay sang nhìn chị H., chị X. hỏi:
- Em có cách nào không?
Chị H. liến thoắng:
- Lúc nãy tụi em có nói với nhau, hay là để anh dùng căn cước của chồng nhỏ T. Chồng nó đi tù cải tạo nhưng thẻ căn cước chưa bị tịch thu, vẫn còn để nhà...
Chị T. đỡ lời:
- Thưa chị, em thấy anh này có nét mặt hao hao giống chồng em. Chiều cao của anh này cũng vậy, không xê xích là mấy. Hay là để chị H. chở em về nhà lấy căn cước đưa cho anh dùng tạm...
Chị X. quay qua hỏi tôi:
- Anh nghĩ sao? Liệu vậy có ổn không?
Tôi cảm động:
- Cảm ơn các chị. Nhưng dùng căn cước của anh T. là không ổn vì bây giờ, tụi VC đều dùng giấy tờ khác, đâu có dùng căn cước của mình ngày xưa. Thêm nữa, nếu dùng căn cước, bị tụi nó hạch hỏi, tôi cũng không biết đường nào mà trả lời. Khi đó, sẽ còn liên luỵ đến chị, đến anh và gia đình...
Chị X. gật đầu:
- Anh nói vậy đúng lắm. Như vậy thì tốt nhất là anh hãy tạm ẩn náu ở nhà của cô H. đi. Nhà của cô B. ở đây thì ở ban ngày được, còn chiều tối là tụi cán bộ VC nó về đóng chốt ở đây suốt đêm. Nhà của tôi thì tụi nó cũng canh gác theo dõi. Bây giờ cũng lơi lỏng nhiều, nhưng anh vẫn không thể về đó được. Còn nhà cô T. thì xa lắm, tận Gò vấp lận...
Tôi xua tay:
- Thưa chị, nếu về nhà chị H. ẩn náu, tốt nhất là các chị giúp tôi cho tôi sang Thị Nghè. Như vậy vừa đỡ phiền cho các chị, mà lại thuận tiện cho tôi.
Chị H. nhanh nhảu nói với chị X.:
- Hay là chị để cho em lấy Honda chở anh ấy thẳng sang Thị Nghè?
Chị X. lắc đầu:
- Em chở vậy đâu có được. Lỡ dọc đường gặp tụi nó hỏi giấy tờ thì sao?
Tôi cũng đồng ý:
- Dạ, chở như vậy nguy hiểm lắm. Chết cả chùm đó chị. Tốt nhất là các chị gọi cho tôi chiếc xe ôm...
Chị X. xua tay:
- Không được đâu. Đi xe ôm bây giờ lộ liễu, nguy hiểm lắm.
Chị H. lanh miệng:
- Hay gọi xích lô cho ảnh?
Chị B. nói ngay:
- Đi xích lô thì ại càng nguy hiểm, vừa lộ liễu lại vừa chậm rì à.
Chị X. dơ tay. Tất cả đều im lặng. Chị nói:
- Tôi nghĩ tốt nhất là mình gọi taxi...
Vừa nghe đến đó, các chị liền vỗ tay hoan hô. Tôi cũng thấy đó là giải pháp tốt nhất trong tình thế hiện nay. Chị H. vội vàng đứng dậy:
- Để em ra ngoài đường đón taxi...
Chị X. dơ tay kéo chị H. ngồi xuống:
- Không đón taxi trước cửa nhà được. Xe taxi bây giờ hiếm lắm. Đón trước cửa nhà như vậy vừa lâu lại vừa nguy hiểm, tụi nó dễ để ý. Chị nghĩ H. lấy xe Honda chạy xuống chợ Trương Minh Giảng, trước cửa Viện đại học Vạn Hạnh, gọi một chiếc taxi lên đây. Như vậy sẽ an toàn hơn cả.
Lại một tràng pháo tay nữa. Lần này có cả tôi. Tôi vừa vỗ tay vừa nhìn chị X. và các chị, như nhìn những ân nhân của cuộc đời. Chị H. vội đứng dậy đi ra cửa. Chị X. dặn với theo:
- Em nhớ mặc cả một cuốc xe từ đây sang Thị Nghè là bao nhiêu, rồi trả tiền trước cho tiện.
Nói đến đó, chị quay sang hỏi tôi:
- Anh định đến Thị Nghè, nhưng chỗ nào?
Tôi vội nói:
- Thưa chị, cứ đến chân cầu Thị Nghè là được...
Chị H. lặp lại mấy chữ "chân cầu Thị Nghè" rồi chạy ra sân, nổ máy Honda, phóng ra khỏi cổng.
Ngay khi chiếc xe Honda chạy khỏi sân, chị X. liền đứng dậy, quay qua nói:
- Rồi bây giờ tất cả chuẩn bị lè lẹ lên. Taxi có thể đến bất cứ lúc nào. Anh có đồ đạc gì cần chuẩn bị không?
- Dạ, không.
- Như vậy cũng tiện. Đồ đạc lỉnh kỉnh chỉ khiến tụi nó nghi ngờ.
Vừa nói, chị X. vừa lấy từ trong túi xách ra chiếc bóp. Mở bóp, chị lấy hết mấy tờ giấy bạc (tôi không nhớ là bao nhiêu) rồi dúi vô tay tôi, và nói, giọng run run:
- Anh... cầm lấy. Chút lòng... của tụi tôi...
Tôi cảm động quá, chưa kịp nói gì thì chị B. cũng bước tới, dúi vô tay tôi mấy tờ giấy bạc. Rồi chị T. cũng vậy... Hai bàn tay của tôi lúc đó lúng túng giữa những bàn tay ân tình.... Tôi nghẹn ngào xúc động khi thấy cuộc đời của tôi mỗi khi gặp hiểm nguy, luôn luôn may mắn có được những tấm lòng vàng giúp đỡ. Đó là những người tôi không hề quen biết, tôi không hề đem lại cho họ chút ân tình hay lợi lộc nào, nhưng mỗi khi tôi nói rõ hoàn cảnh khó khăn của mình, lập tức những người đó đều sẵn sàng chấp nhận mọi hiểm nguy giúp đỡ tôi. Trong suốt những tháng năm tôi bị VC săn đuổi trên chính quê hương, đất nước của mình, tôi đã gặp không biết bao nhiêu người, ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, tôi cũng đều được giúp đỡ tận tình. Tôi càng bị VC săn đuổi, càng gặp hiểm nguy, thì những ân nhân cùng những ân sâu nghĩa nặng trong tâm trí của tôi càng được bồi đắp...
Xúc động trước những tấm lòng, xót xa cho cảnh ngộ của các chị, băn khoăn cho số phận của chính mình, tôi rưng rưng nước mắt nói:
- Em... cảm ơn các chị... Nhưng em...
Nói đến đó, tôi nghẹn lời... Nhìn các chị, tôi thấy các chị cũng rưng rưng lệ và mắt tôi cũng nhạt nhoà. Tiếng chị X. hay chị B. hay chị T. tôi không còn phân biệt được nữa:
- Tụi này giúp anh... Người khác sẽ giúp ông xã tụi này...
- Anh đi may mắn...
Ngay lúc đó, có tiếng còi xe. Mọi người vội dục tôi lẹ lẹ chạy ra cổng. Tội vội đưa tay quệt nước mắt. Tôi cố lau khô nước mắt để được nhìn các chị, được thu vào trong tâm trí của mình lần cuối hình ảnh của những ân nhân... nhưng không được.... Một bàn tay, hai bàn tay, ba bàn tay đẩy tôi đi... Tôi chạy đi, nhưng vẫn cố ngoái cổ lại để thấy hình ảnh các chị vẫn nhoà đi không rõ nét.... Chạy ra đến chiếc taxi đang chờ sẵn ngoài cổng, bước vô xe, tôi vừa kịp đóng cửa, thì chiếc xe đã vọt thẳng về phía cầu Trương Minh Giảng. Ngoái lại, tôi chỉ kịp nhìn thấy chị H. ngồi trên chiếc Honda và bàn tay của chị vẫy vẫy... rồi thoáng chốc mất hẳn giữa dòng xe cộ đông đúc của buổi chiều. Tôi quay lại, gục mặt vào hai bàn tay, hai mắt nhắm lại và tôi khóc nức nở, khóc ngon lành như một đức con nít, trong khi trí óc của tôi đầy ắp hình ảnh của các chị... những tiên nữ bằng xương bằng thịt trong một căn nhà ở đường Trương Minh Giảng, vào một buổi chiều của tháng 4 năm 1977... (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 8/02/2007 06:11:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 64)

<< Trở Lại Trang Đầu

- Hữu Nguyên -

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Tôi chạy được khoảng 15 phút thì tới một con hẻm. Nhớ lời chị Ba dặn, tôi vội quẹo phải. Đó là con hẻm nhỏ, đường vắng vẻ, không một bóng người, nhưng văng vẳng từ xa, tôi vẫn nghe thấy tiếng ồn ào huyên náo từ phía sau vọng tới. Vì vậy, tôi vẫn cắm đầu cắm cổ chạy. Trong lòng tôi lúc đó vẫn sợ hãi những tên bộ đội, vệ binh, quản giáo, sẽ kết hợp với công an tại đồn Tân Bình, bủa vây mọi phía để bắt tôi...
Chạy được một lúc, quả nhiên tôi ra đến đường Trường Minh Giảng. Lúc này, mồ hôi tôi toát ra đầm đìa, tóc tai thì bơ phờ, tôi vừa đuối sức, vừa nôn nao chóng mặt, chỉ muốn té. Cũng may mắn, những người đi lại trên đường hầu như không một ai để ý đến tôi. Tôi nghĩ, tốt nhất lúc này mình nên dừng lại, đi thật thong thả, để mọi người khỏi nghi ngờ. Vừa nghĩ đến đó, thì tôi thấy từ xa, một toán bộ đội đang đi ngược chiều, nhưng ở ngay phía bên kia đường, cách tôi khoảng 50 thước. Cả toán đang tìm cách băng qua đường, vừa đi vừa dơ tay chặn xe cộ cả hai chiều. Tôi tin là toán bộ đội chưa thấy tôi. Tôi không biết, toán bộ đội đó có truy lùng tôi hay không, nhưng trong hoàn cảnh lúc đó, tôi quá sợ hãi, liền vội vàng quay ngay đầu trở lại. Nào ngờ, ngay khi quay đầu trở lại, tôi lại thấy một toán bộ đội khác cũng đang đi tới. Toán này cách xa tôi khoảng hơn 100 thước nhưng cùng phía với tôi...
Kinh hoàng quá, tôi không biết làm thế nào. Nếu lúc này tôi lại chạy băng qua đường, để toán bộ đội đuổi theo, chắc chắn tôi sẽ không tài nào chạy thoát, vì sức tôi đã cạn kiệt. Buổi sáng, rời nhà bà chị để đi lấy bản đồ, địa bàn, tôi đã không ăn uống gì. Tính đi về chỉ khoảng hơn tiếng đồng hồ, nên tôi định lấy xong, mới về nhà ăn cơm. Ở nhà của ba BL, tôi cũng chỉ uống có mấy ly nước trà. Vì thế, trong suốt thời gian gần một tiếng đồng hồ chạy trốn trong kinh hoàng, sợ hãi, tôi đã cạn kiệt sinh lực, hai chân chỉ muốn khuỵu xuống. Trong tình huống đó, nếu tôi lại bỏ chạy một lần nữa để cho mấy tên bộ đội đuổi theo, quả thật đó là hành động tự sát.
Trong lúc hoảng hốt, bối rối như vậy, tôi thoáng thấy một căn nhà ngay phía bên phải, có chiếc cổng thật to cho xe hơi ra vô thì đóng kín, còn bên cạnh có chiếc cổng nhỏ bằng gỗ cho người ra vô thì khép hờ... Một thoáng ngần ngừ, rồi chẳng hiểu trời sui đất khiến làm sao, tôi liền vội vàng đẩy chiếc cổng gỗ nhỏ, bước vội vô, rồi nhanh tay, tôi đóng ngay cánh cổng lại và cài luôn chiếc then cổng bằng gỗ.
Lúc đó, tôi chỉ tính tạm dừng chân phía trong cánh cổng một lát cho đỡ mệt, chờ cho toán bộ đội đi qua, tôi sẽ mở cổng, trở ra trà trộn với người đi đường, để tìm đường thoát thân về lại khu chợ Thị Nghè, sào huyệt an toàn của tôi. Tôi đâu có ngờ được, trong khi tôi đang gục đầu vào cánh cổng thở dốc từng hồi, bỗng nhiên có tiếng phụ nữ hỏi, giọng nghiêm:
- Anh là ai?
Tôi giật bắn người, ngẩng đầu nhìn, thì thấy trước mặt một người đàn bà cốt cách quý phái, tuổi còn rất trẻ, chỉ khoảng trên dưới 30. Chị mặc chiếc áo bà ba trắng, tóc búi cao, nước da trắng mịn, nét mặt thanh tú, nhưng u uất, buồn bã. Tuy giọng hỏi của chị gay gắt, nhưng cặp mắt của chị thật đôn hậu, nhu mì khiến tôi lúc đó vừa mệt vừa xúc động, nên lúng túng, ấp úng không nói nên lời:
- Tôi... tôi....
Chị đưa mắt nhìn tôi từ đầu đến đuôi, rồi nhìn vào chiếc then cổng bằng gỗ mà tôi đã cài chặt, hỏi tiếp:
- Sao bỗng dưng anh vô nhà tôi, rồi tự tiện cài cổng lại là thế nào?
Qua giọng nói và cách hỏi của chị, tôi ngạc nhiên thấy chị tuy biết tôi là người lạ, đường đột bước vào nhà của chị, lại tự tiện cài cửa, nhưng phong thái của chị rất ung dung, không tỏ vẻ sợ hãi chút nào. Tôi hít một hơi thở thật sâu cho đỡ mệt, rồi nói, giọng vẫn hổn hển:
- Tôi là tù cải tạo... vượt ngục, bị tụi bộ đội đuổi nên phải chạy vô đây...
Chị nhìn tôi, hơi nhíu lông mày. Tôi không biết chị có tin lời của tôi nói hay không. Nhưng có lẽ nhìn bộ điệu hoảng hốt, thất thần của tôi cùng gương mặt thảm não, đầm đìa mồ hôi của tôi, chị có vẻ ái ngại, và vẻ ái ngại đó hiện rõ trên ánh mắt của chị. Tôi vội nói thêm, giọn nài nỉ:
- Xin chị thương tôi, cho tôi ẩn náu một lát rồi tôi đi. Nếu chị đuổi tôi ra ngoài bây giờ, tụi chúng sẽ bắt tôi ngay...
Chị mỉm cười, hàm răng trắng đều như bắp:
- Tôi đuổi anh hồi nào mà anh gieo tiếng ác cho tôi vậy?
Thấy nụ cười và được nghe câu hỏi đùa của chị, tôi thở phào như trúc được gánh nặng ngàn cân. Chị bảo tôi:
- Anh muốn trốn tránh tụi nó thì theo tôi đi vô trong nhà, chứ đứng ở đây mà ẩn náu thì nguy hiểm lắm.
Nói xong, chị quay mình, thoăn thoát bước. Tôi mừng rỡ, vội vã đi theo chị.
Nhà của chị là một căn biệt thự có bề ngoài khá đồ sộ. Tôi phải đi qua một cái sân rộng có nhiều cây cảnh đẹp, cắt tỉa công phu thành những con công, con hạc, con hươu; rồi bước lên mấy bậc tam cấp, trước khi bước vào một phòng khách rộng mênh mông, trang trí thanh nhã và lịch sự. Nhìn phòng khách tôi ngạc nhiên và giật mình, vì tất cả những đồ đạc trong phòng khách vẫn giữ nguyên vẻ giầu có, sang trọng trước 1975. Hai bộ salon lớn, một bộ nằm ngay giữa phòng khách, một bộ khác nằm về phía bên phải, ngay trên hành lang rộng. Nhà lúc đó không có máy lạnh, nhưng bước vô tôi thấy mát rượi vì trần nhà rất cao, sàn nhà lại lót gạch men. Bức tường chính giữa phòng khách có một bức tranh sơn mài thiệt lớn, kín cả bức tường, vẽ cảnh núi non hùng vĩ, với những hàng chữ Tàu. Phía bên dưới là một chiếc tủ kính, trong đó trưng bầy rất nhiều đồ vật có vẻ quý giá. Đặc biệt, chung quanh nhà có rất nhiều lọ lục bình, to nhỏ đủ cỡ, cùng những thùng hàng to nhỏ khác nhau, xếp không theo một thứ tự nào, nên ngổn ngang bừa bộn.
Nhìn thoáng qua cảnh trí trong phòng khách, tôi lo ngại mình đã chạy vô lầm nhà. Tôi biết, thời buổi lúc đó, sau 1975 đến gần hai năm trời, chắc chắn không có căn nhà nào giầu sang, phú quý trên lãnh thổ Miền Nam, có thể thoát khỏi cặp mắt cú vọ của tụi cộng sản. Nhất là căn nhà sang trọng này lại ở ngay giữa thành phố Sàigòn, thì chắc chắn tụi "cách mạng 30" phải tìm mọi cách tâng công, báo cáo cho tụi cán bộ cộng sản để chúng không tịch thu nhà thì cũng tịch thu hết mọi tài sản trong nhà. Như vậy, căn nhà to lớn bề thế với những đồ đạc sang trọng như vậy, trong lúc này chỉ có thể là nhà bị tụi cán bộ cộng sản cao cấp chiếm đoạt. Và nếu thế thì số phận tôi hôm nay xem ra lành ít, dữ nhiều, khi tôi chui vào căn nhà này ẩn náu.
Nghĩ vậy, nhưng nhìn cặp mắt đôn hậu của chị, chẳng hiểu sao tôi vẫn thấy lòng mình thật êm ả, không mảy may lo sợ. Tôi có cảm tưởng như bên ngoài đường phố kia là sóng gió bão bùng. Nhưng trong căn nhà này, được thấy cặp mắt hiền hậu của chị, tôi có cảm tưởng như một vùng biển êm ả cho những con thuyền gặp bõ được ẩn náu. Đó quả là điều lạ lùng, tôi không sao hiểu nổi, vì xưa nay tôi không phải là một nhà tướng số, và cũng chẳng phải là người có kinh nghiệm, từng trải gì trong đối nhân xử thế. Lúc nào tôi cũng ngu ngu ngơ ngơ, đúng như một con "ngỗng tồ" như nhiều người vẫn bảo. Nhưng đấy đúng là cảm xúc thật của tôi lúc đó.
Có lẽ qua ánh mắt, nét mặt của tôi, chị đã thông minh đoán được phần nào sự lo ngại của tôi. Chị nói ngay:
- Anh yên tâm đi, nhà này sắp đổi chủ rồi. Tụi tôi chỉ còn ở đến cuối tháng này là phải dọn đi vùng kinh tế mới, nhường nhà này cho "gia đình cách mạng".
Tôi ngượng nghịu, vì không ngờ chị đã đọc được suy nghĩ của tôi. Chị nói tiếp:
- Tôi tên B. Còn anh, tên chi?
- Tôi tên Chí.
- Chí "ch" hay "tr"
- Thưa Chí "ch"...
- Nói thiệt với anh Chí nghe, tôi thấy anh bước vô nhìn đồ đạc bầy biện trong nhà là nét mặt anh khác liền, anh có vẻ lo ngại thấy rõ. Thấy anh lo ngại như vậy nên tôi tin anh liền.
Tôi ngạc nhiên và cảm động:
- Cảm ơn chị B.
- Anh Chí đừng có ngại ngùng gì cả. Ba của tôi, chồng của tôi cũng bị tụi nó bắt đi tù cải tạo, nên thấy anh trốn tù bị tụi nó truy đuổi, tôi sẵn sàng giúp anh, anh cần gì cứ nói. Bây giờ tôi lấy anh ly nước anh uống. Mà anh có đói không? Anh đã ăn uống gì chưa?
Tôi xúc động, lúng túng, nhưng thật thà:
- Thưa chị, tôi đói muốn xỉu được...
- Vậy anh ngồi đây, tôi đi luộc ít mì cho anh ăn. Nhà không có cái gì có thể ăn được ngoài mấy vắt mì khô. Anh chịu khó ăn mì luộc với tí nước mắm vậy nghe...
Tôi nghẹn ngào. Trong lòng tôi lúc đó muốn nói với chị cả ngàn lời ân nghĩa, mà không nói nên lời, chỉ biết nuốt lệ, gật đầu.
Lát sau, chị B. bưng ly nước để lên bàn, rồi thở dài bảo tôi:
- Tôi có hai cháu nhỏ. Cả hai đều phải gửi về quê cho ngoại nuôi. Xa chúng nó, lúc nào tôi cũng khóc. Đêm khóc, ngày khóc. Tôi biết, chúng nó xa mẹ, chắc cũng khóc dữ lắm. Nhưng để chúng nó ở đây thì cả ba mẹ con đều chết đói....
Chị vô bếp nấu nướng một hồi rồi đem ra cho tôi một tô mì sợi luộc, một chiếc chén nhỏ, một đôi đũa, và một chén nước mắm. Lúc đó, tôi đói bụng cồn cào, chân tay bủn rủn, nên gắp mấy sợi mì, mà không hiểu sao, tay cứ run bắn lên, lóng nga lóng ngóng. Đến khi gắp được miếng mì đầu tiên đưa vô miệng, nhau chập choạng, định nuốt, tự dưng cổ tôi bị nghẹn lại, nuốt không vô, rồi mắt bên trái của tôi bỗng dưng giật giật và ứa lệ. Tôi phải uống một hơi hết ly nước lạnh, mới hết nghẹn. Hôm đó, tôi được ăn bữa mì luộc chấm nước mắm ngon tuyệt vời. Quả thật, tôi chưa bao giờ được ăn bữa mì sợi luộc nào ngon đến như vậy. Ngay cả sau này, đi bất cứ đâu, được ăn bất cứ món ăn gì có mì sợi, tôi cũng bâng khuâng nhớ đến bữa mì luộc chấm nước mắm tại nhà chị B. ở đường Trường Minh Giảng. Tôi cũng không hiểu sao, kể từ ngày đó cho đến hôm nay, mỗi khi tôi ăn uống thức gì, mắt trái của tôi cũng ứa lệ, khi nhiều, khi ít. Cái tật kỳ quái này, từ xưa tới nay tôi chưa nói cho một ai biết. Hôm nay, khi viết những dòng chữ này, nhớ đến kỷ niệm xưa, tôi thấy phải viết lên để quý độc giả thấy được tấm lòng thành của tôi dành cho chị B. vì mỗi khi như vậy, tôi lại nhớ đến chị B., một người phụ nữ Miền Nam, có tấm lòng đôn hậu, thương người, sẵn sàng liều mạng giúp đỡ người khác, nhưng cuộc đời của chị, cũng giống như hàng chục triệu người phụ nữ Việt Nam khác, đã trải trăm ngàn khốn khổ, phải nổi trôi cùng vận nước, kể từ khi cộng sản xuất hiện trên quê hương Việt Nam.
Thấy tôi ăn tô mì luộc ngon lành, chị B. nói:
- Tôi ăn mì luộc cả mấy tháng nay rồi đó, anh tin không? Mà có mì luộc ăn cũng là may lắm. Trước đó tôi phải ăn khoai mì. Tôi phải cuốc đất trồng khoai mì ở ngay sau nhà, mà cũng chẳng có đủ khoai mì mà ăn. Anh nhìn bàn tay của tôi đây nè...
Tôi nhìn bàn tay của chị và giật mình. Tôi không thể nào tin được, một người phụ nữ cốt cách thanh lịch, cao quý, với nước da trắng mịn như chị, lại có hai bàn tay sần sùi nứt nẻ.
Chị chua chát:
- Bây giờ tôi cũng đỡ khổ, đỡ khóc rồi. Một năm trước, tôi khổ lắm, chỉ muốn chết quách đi cho rồi. Nhà cửa thì bị "cách mạng" đến niêm phong. Tất cả đồ đạc, nhà cửa của mình, bỗng dưng bị mất trắng. Đã vậy ba chồng rồi chồng cũng bị đi tù cải tạo, không biết đến bao giờ ra. Còn hai đứa con tôi cũng phải xa chúng nó. Ngó quanh, chẳng còn có một ai. Cuốc đất trồng khoai mì tôi cũng chỉ dám làm buổi tối. Làm ban ngày sợ nắng, cháy da...
Nói đến đó, chị đột nhiên hỏi tôi:
- Bây giờ anh tính thế nào? Tôi thì tôi muốn giúp anh lắm, nhưng nhà này đến 5 giờ chiều là có mấy bà cán bộ "cách mạng" đến ở. Chúng khuân đến đây đủ thứ đồ đạc tịch thu hay mua bán được của ai. Chất đầy cả nhà xe, nhà kho, rồi cả hai căn phòng trong nhà.
Chỉ mấy chục lọ lục bình, cùng các thùng đồ để ngổn ngang trong phòng khách, chị tiếp:
- Đó, tất cả chúng chở đến đây, được vài ngày là có xe đến chở đi. Rồi lại có người chở đủ thứ đồ đạc khác đến. Cứ như vậy, mỗi tuần hai chuyến, chúng chở ra ngoài Bắc... Vì vậy, nếu anh ở đây đến chiều là không được. Tụi chúng nó về là mọi chuyện đổ bể hết. Tôi chẳng giấu anh được đâu.
Tôi vội thưa:
- Chị yên tâm. Tôi ăn xong tô mì này là tôi đi ngay...
Chị xua tay:
- Tôi nói vậy thôi, chứ anh ăn xong, cứ nghỉ ngơi cho khoẻ rồi hãy đi. Miễn sao anh đi khỏi đây trước 4 giờ chiều là được...
Tôi cảm ơn chị, rồi vội vàng ăn hết tô mì. Ăn uống xong xuôi, tôi bình tĩnh ngồi tính toán đường đi nước bước. Cho đến lúc đó, tôi vẫn đinh ninh, trong túi của tôi còn nguyên chiếc bóp trong đó có giấy tờ giả tuỳ thân mà BL đã làm cho tôi. Nhưng khi sờ túi, tìm chiếc bóp, tôi mới giật mình khi thấy chiếc bóp đã không còn. Nhìn bộ điệu hốt hoảng của tôi, chị B. hỏi ngay:
- Anh tìm gì vậy? Mất bóp phải không?
Tôi méo mặt, miệng run run thú nhận một sự thật kinh hoàng:
- Dạ, tôi chạy, bóp rơi lúc nào không biết. Chị B. ơi, bây giờ tôi biết làm thế nào?
Thú thực, trong hoàn cảnh của tôi lúc đó, chấp nhận phiên lưu đi ra ngoài không có giấy tờ tuỳ thân là điều chẳng đặng đừng. Mấy tháng trước, từ trong trại tù cải tạo, tôi vượt ngục, không có giấy tờ trong tay. Nhưng đó là trong cái chết, phải tìm cái sống, tôi sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả. Còn bây giờ, tôi đang sống trong tự do, đã quen với việc đi lại có giấy tờ tuỳ thân, dù đó là giấy tờ giả, nhưng cũng cho tôi có được sự an tâm phần nào. Vì vậy, bảo tôi bây giờ đi ra ngoài, khi trong tay tôi không có một tờ giấy tuỳ thân, tôi rất lo ngại. Điều tôi lo ngại hơn là nếu chẳng may, chiếc bóp đó rơi vào tay tụi vệ binh, bộ đội, công an trong khi chúng truy đuổi tôi, thì sẽ nguy hiểm cho BL vô cùng. Nghĩ vậy, tôi chỉ còn biết cầu mong, chiếc bóp của tôi đã rơi vào cống rãnh, hay ở một nơi nào đó, miễn sao, đừng lọt vào tay tụi chúng.
Nhìn vẻ mặt bồn chồn, lo lắng của tôi, chị B. vội bảo:
- Bây giờ anh cứ ngồi đây nghỉ ngơi, đừng lo ngại gì cả. Để tôi gọi điện thoại cho mấy người bạn. Mấy người này họ tháo vát lắm. Họ mà đến đây là bảo đảm trước sau gì, họ cũng sẽ giúp anh về bên Thị Nghè dễ ợt.
Tôi lo ngại, cản chị:
- Cảm ơn chị đã giúp đỡ nhưng tôi nghĩ, chị đừng gọi cho ai cả. Chị để mình tôi tìm cách lo liệu được rồi. Gọi cho nhiều người, lỡ liên luỵ đến các chị...
Chị B. biết ý, nói ngay:
- Anh đừng có lo gì cả. Tất cả mấy chị bạn của tôi cũng có chồng, có cha đi tù cải tạo hết chơn vậy đó. Nếu không tin tưởng ở họ, thì tôi gọi điện thoại cho họ làm gì. Anh cứ ngồi đó đi, để tôi lo cho. Bảo đảm anh sẽ an toàn về đến Thị Nghè mà...
Nói xong, không cần biết tôi có đồng ý hay không, chị bước lại bàn, nhấc điện thoại, quay số... (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 8/02/2007 06:09:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Liên Kết

BLOGGER

Bạn là người thứ  

Ghé Thăm LMVS