Liên Mạng Việt San

[ Trang SaiGon Times]

[ Trang Liên Mạng]

[ Thời Sự VN ]

[ Bình Luận ]

[ Văn Học và Lịch Sử­]

[ Vườn Thơ ]

[ Radio/TV Online ]

Bài Đã Đăng

Trang Bài Cũ

Mục Thư Cũ

Chinh t hức thành lập ngày28/12/2005 Copy Right by Nhất Thanh

Mọi bài vỡ xin đóng góp và gửi vể Liên Mạng Việt San lienmang_vietsan@yahoo.com 

 

Tiếp tục câu chuyện Hồi Ký: Tôi Tìm Tự Do

Bài Viết Đăng Nhập vào: Wednesday, December 19, 2007

<< Trở Lại Trang Đầu

Mời các bạn đọc qua trang nhà của Sài Gòn Times để tiếp tục câu chuyện Hồi Ký: Tôi Tìm Tự Do của nhà báo Hữu Nguyên tại : http://saigontimes.com.au/TimTuDo.htm

posted by Lien Mang Viet San @ 12/19/2007 07:01:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Hồi Ký: Tôi Tìm Tự Do (kỳ 79)

Bài Viết Đăng Nhập vào: Tuesday, November 13, 2007

<< Trở Lại Trang Đầu

Hữu Nguyên

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.


*

(Tiếp theo...)

Ngay ngày hôm sau, theo địa chỉ của anh H cho, tôi tìm đến nhà của anh Z vào lúc 10 giờ sáng. Đó là căn nhà một tầng, bằng gạch, xây cất theo lối Hà Nội cổ, cánh cửa gỗ nặng nề, bụi bặm bám đầy, trông tựa nhà hoang. Sau giây phút ngần ngừ, tôi bấm chuông. Lắng nghe một hồi không thấy động tĩnh gì kể cả tiếng chuông cũng không thấy, tôi bấm chuông hai ba lần nữa, vẫn im lìm. Đang tính bỏ đi, bỗng nhiên có tiếng đàn ông, ngay sau cánh cửa, hỏi nhỏ nhưng rõ ràng, oai vệ:
- Ai đó?
Tôi lễ phép:
- Thưa tôi là bạn của anh H, được anh bảo đến đây tìm anh Z...
Một thoáng im lặng, rồi tiếng người đàn ông:
- Ở đây không có ai là "anh Z", chỉ có "lão Z" thôi.
Tôi sực nhớ ra lời dặn của anh H, vội nói:
- Dạ đúng, anh H dặn tôi đến tìm "lão Z". Tôi nói lộn...
Cánh cửa gỗ dầy bằng lim đen từ từ mở, tiếng bản lề rít lên khô khan, có vẻ như lâu lắm nó chưa đón người khách nào.
Trước mặt tôi là một cụ già tuổi khoảng bảy tám chục, da hồng hào, râu tóc bạc như cước, chòm râu dài đến ngực. Mới thấy cụ, tôi đã đem lòng kính ngưỡng, vội cúi đầu kính cẩn:
- Con chào cụ. Cụ tha lỗi, con nghe tiếng nên không biết...
Cụ cười phúc hậu:
- Tôi là ông nội của "lão Z". Mời anh vô đi... Theo tôi, theo tôi...
Dứt lời, cụ quay lưng bước đi với vẻ tráng kiện, nhanh nhẹn. Tôi đi theo cụ qua một phòng khách nhỏ, kế đến là sân lát gạch bát tràng màu gan gà, rồi tới phòng khách thứ hai rộng hơn, đầy đủ tiện nghi hơn. Cụ mời tôi ngồi xuống chiếc tràng kỷ bằng gỗ. Nhìn chung quanh, tôi thấy cách trang trí đậm đà màu sắc nhà cổ Hà Nội. Tất cả mọi vật trong phòng đều làm bằng gỗ lim đậm. Từ kèo cột, nóc nhà đến sàn nhà; từ bức hoành phi, hai câu đối, đến các bức tranh, bàn ghế,... tất cả đều bằng gỗ.
Cụ pha nước trà cho tôi uống rồi ân cần hỏi chuyện. Tôi cũng thành thật đem chuyện tôi gặp H ở Nam Định trong hoàn cảnh nào, H biết tôi dùng tên giả ra sao, dặn dò tôi tới "lão Z" để được giúp đỡ như thế nào,... nhất nhất thuật lại cho cụ nghe.
Nghe xong chuyện, cụ vuốt râu cười ha hả rồi sảng khoái nói:
- Anh thật thà với tôi như vậy tôi rất cảm động. Tôi cũng chẳng cần biết vì sao anh phải dùng tên giả. Thời buổi này, tri kỷ tri bỉ với nhau vậy là đủ, phải không anh? Còn tôi, chẳng nói giấu gì anh, "lão Z" là cháu nội của tôi. Tôi người gốc Lộc Bình, Lạng Sơn, sống bằng nghề buôn trâu được mấy đời rồi. Từ thời Pháp lận. Ngày đó thì khấm khá lắm. Con trâu là đầu cơ nghiệp mà anh. Các cụ mình đã chẳng nói, "Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà. Cả ba việc ấy ắt là khó thay"... Con trâu nó to tát như vậy nên các cụ nhà mình mới nói là "tậu", nó cũng giống như tậu nhà, tậu ruộng vậy mà. Buôn trâu nhờ vậy nó mới phất dễ. Nhưng sau này thì khốn khó đủ đầu. Mà sau này khốn khó đâu chỉ có nghề buôn trâu đâu, cái thời quỷ ngự trị thế gian này thì anh biết rồi đó, có nghề nào được sống cho ra hồn đâu... Anh ngồi chơi uống nước đi... "lão Z" cũng sắp về bây giờ rồi...
Quả nhiên, tôi ngồi nói chuyện với cụ được một lúc thì "lão Z" về. Thoạt trông, tôi hiểu ngay tại sao anh có tên "lão Z". Thì ra gương mặt của anh tuy còn rất trẻ, chỉ mới khoảng trên dưới 30, nhưng mái tóc của anh bạc trắng. Anh có thân hình cao to, lưng hơi khòng, bước đi vòng kiềng, mắt lồi, lông mày xếch, ngoại trừ có miệng rộng và mũi to hình trái mật, chứng tỏ là người đởm lược giống ông nội, còn thì bề ngoài anh trông khác hẳn ông nội.
Sau khi nghe tôi kể đầu đuôi câu chuyện đã gặp H và toan tính vượt biên qua biên giới Việt Trung của tôi, "lão Z" trầm ngâm một lúc, rồi nói:
- Chuyện vượt biên sang Trung Quốc đối với tụi tôi thì không có khó, vì dân buôn trâu chúng tôi thông thuộc đường lối, đi về bên đó như cơm bữa, muốn đi lúc nào chả được, mà muốn qua chỗ nào cũng dễ. Thời đó bảo đưa anh qua biên giới thì dễ như trở bàn tay. Nhưng đó là ngày xưa. Còn kể từ khi nhà nước ta có chính sách chống Trung Cộng bá quyền khu vực, thì tình hình dọc theo biên giới hai nước rất là căng thẳng, lúc nào cũng như sắp đánh nhau to. Hầu hết các làng xóm, thị trấn dọc theo biên giới bây giờ đều được lệnh "tiêu thổ" chuẩn bị chiến tranh chống quân Tàu xâm lăng, nên tất cả những "chốt" của tụi này đều chẳng còn...
Tôi băn khoăn hỏi:
- Theo anh thì liệu quân Tàu có xâm lăng mình không?
- Thì hai nước chửi nhau còn hơn kẻ thù. Cứ nghe đài phát thanh, nhà nước mình chửi tụi Tàu cộng bây giờ còn gấp mấy chửi Mỹ ngày xưa. Mà tụi Tàu thì người đông, gạo thóc không đủ ăn, nên chúng đang muốn xua quân dùng chiến thuật biển người xâm lăng mình để nướng quân mà anh. Thiệt tình, bây giờ thì chả còn "môi hở răng lạnh" mà cũng hết cả "núi liền núi, sông liền sông, chung một tiếng gà gáy cùng"... Đúng là nghĩa tình sớm nắng chiều mưa.
- Anh nghĩ bao giờ thì Trung Cộng xâm lăng.
- Chuyện đó làm sao tôi biết được. Nhưng nếu anh muốn vượt biên sang Trung Cộng thì phải đi càng sớm càng tốt. Bây giờ Trung Cộng còn cho người Hoa về nước, thì tốt nhất anh cứ đóng giả người Hoa, trà trộn về nước với họ, qua ngả Lạng Sơn hoặc Móng Cái. Chứ chờ đến sau khi hai nước đánh nhau thì chẳng còn có cơ hội nào nữa đâu.
Ngưng một chút suy tư, anh nói tiếp:
- Theo tôi thì tốt nhất bây giờ anh nên trà trộn với người Hoa, đi tàu chợ đến Lạng Sơn, rồi từ Lạng Sơn anh đi gặp ông MN là "chốt" của tôi ở đó. Ông ta sẽ chỉ dẫn cho anh cách qua biên giới an toàn.
- Còn ngả Móng Cái đi có dễ không?
- Ngả Móng Cái thì gian nan lắm. Đi ngả này chỉ có thể đi xe lửa từ Hà Nội đi Hải Phòng. Còn từ Hải Phòng đi Móng Cái toàn đường lộ, phải đi xe hơi. Mà đi xe hơi thì dễ bị công an xét hỏi giấy tờ lôi thôi, rất nguy hiểm. Nhất là từ vùng Đam Hiền, Đại Điền lên đến Yên mô, Long Kiềng, Móng Cái, bây giờ toàn bộ đội, công an không à. Dân ở vùng này chỉ còn loáng thoáng thôi. Anh vô đó bây giờ là anh có cảm tưởng như vô doanh trại bộ đội vậy đó.
- Nếu đi xe sợ bị xét giấy tờ lôi thôi, anh nghĩ tôi có thể đi bộ từ Hải Phòng đến Móng Cái được không?
Lão Z trợn mắt nhìn tôi:
- Bộ anh điên hả? Từ Hải Phòng đến Móng Cái cả mấy trăm cây số, đi bộ làm sao được. Nhất là thời tiết này đang sắp bước vào mùa đông, lãnh lẽo vô cùng... Tốt nhất anh cứ nghe tôi đi đến Lạng Sơn, rồi sẽ có người nhà của tôi giúp đỡ cho anh qua biên giới. Mà anh phải lo liệu nhanh nhanh mấy được... Thêm ngày nào là khó khăn thêm ngày ấy.
Sau một phút suy nghĩ, tôi nhớ đến người bạn tù, quê ở Hải Phòng. Tuy anh này vẫn còn ở trong tù, nhưng tôi vẫn nhớ địa chỉ của gia đình anh. Tôi biết, sau khi tôi trốn tù, nhà cầm quyền địa phương chắc chắn chỉ theo dõi gia đình của tôi. Còn đối với gia đình của các bạn tù, thì họ sẽ không để ý. Vì vậy, nếu tôi thận trọng, tôi có thể đến nhà của anh M để nhờ vả. Biết đâu, gia đình anh chẳng giúp tôi vượt biên theo ngả Móng Cái? Nghĩ vậy, tôi hỏi thêm "lão Z":
- Nếu đi ngả Lạng Sơn không trót lọt, tôi sẽ trở lại Hà Nội đi ngả Móng Cái, có được không?
"Lão Z" gật đầu:
- Được chứ sao không. Khi đó, tôi sẽ gửi anh cho một người bạn ở Hải Phòng. Anh chàng này là dân giang hồ thứ thiệt, chì khỏi chê.
Tôi mừng rỡ, hỏi anh:
- Vậy anh có thể cho tôi luôn tên và địa chỉ của anh ta được không? Lỡ có chuyện gì, đi Lạng sơn không thành thì tôi sẽ đáp xe lửa đi thẳng Hải Phòng, khỏi đến đây làm phiền anh...
"Lão Z" lắc đầu:
- Chuyện đó để sau tính. Bây giờ anh đi đường Lạng Sơn thì cứ biết đường Lạng Sơn. Khi nào không thành, anh về đây đi đường Móng Cái thì lúc đó hãy hay...
Sau đó "lão Z" cho tôi tên và địa chỉ người thân ở Lạng Sơn, nhưng bắt tôi học thuộc lòng ngay tại chỗ, chứ không cho tôi ghi chép. Sự cẩn thận của anh, chứng tỏ anh là người rất từng trải.
Khoảng hạ tuần tháng 8 năm 1978, tôi đáp tàu chợ đi Lạng Sơn. Trên tàu, hầu hết hành khách là người Việt gốc Hoa. Những người Hoa từ Miền Nam thì đa số nói tiếng Hoa. Còn người Hoa từ Miền Bắc thì lại nói tiếng Hoa rất ít, vì chính sách đồng hoá bắt học đọc, học nói, học viết tiếng Việt, của nhà cầm quyền Hà Nội trong suốt mấy chục năm kể từ khi CS chiếm đóng Miền Bắc. Trên suốt chặng đường từ Hà Nội đi Lạng Sơn, tôi được người Hoa ở Miền Bắc kể lể không biết bao nhiêu chuyện công an, bộ đội cộng sản Việt Nam tàn ác, cướp bóc của cải, phá phách nhà cửa, tiệm buôn... của người Hoa. Có nhiều chuyện nghe thật thê thảm, không biết bao hàng xóm láng giềng Hoa Việt, suốt bao nhiêu thế hệ sống có tình có nghĩa, sớm lửa tối đèn có nhau, bỗng nhiên bị hâm nóng bởi ngọn lửa tuyên truyền của CS, bỗng một sớm một chiều trở thành thù nghịch, tìm mọi cách để giết hại nhau.
Dọc đường từ Hà Nội đi Lạng Sơn, tôi cũng chứng kiến hàng đoàn xe quân sự chở đầy bộ đội, tiến về phía bắc. Ngoài ra, xe tăng, đại pháo và những đoàn bộ đội, trang bị đầy đủ súng ống, cũng lũ lượt đổ về phương bắc.
Tôi đến được ga Đồng Đăng vào chiều tối Thứ Bảy cuối tháng 8. Tôi không nhớ chính xác đó là ngày nào, nhưng tối hôm đó trời mưa phùn và rất lạnh. Ga Đồng Đăng là ga đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam trên tuyến đường từ Trung Quốc sang Việt Nam. Cả sân ga lúc đó ồn ào, náo loạn, hệt như một nhà ga trong chiến tranh. Thêm vào đó, những chiếc loa trên sân ga ầm ĩ phát thanh những bài chửi bới Trung Cộng thật thậm tệ.
Một điều vượt khỏi trí tưởng tượng của tôi, toàn bộ nhà ga Đồng Đăng lúc đó có đầy bộ đội, công an biên phòng và các lực lượng dân quân du kích. Tất cả những người Hoa từ trên tàu bước xuống đều bị đám công an và bộ đội biên phòng dồn vào một góc sân ga. Tiếng kêu hét, tiếng gọi nhau, tiếng khóc la, ầm ĩ, huyên náo cả một góc trời...
Một người công an mặc áo bốn túi, không đeo quân hàm, không đội mũ, cầm một chiếc loa bằng sắt tây, nói lớn bằng tiếng Việt. Một người công an khác đứng cạnh, cầm một chiếc loa khác, nhắc lại những lời của người công an kia, bằng tiếng Quảng và tiếng Quan Thoại. Đại ý, người công an báo cho mọi người biết, chính quyền Trung Cộng đã quyết định đóng cửa biên giới, không chịu cho người Hoa về nước, bất kể họ có chiếu khán nhập cảnh do toà đại sứ hay lãnh sự của Trung Cộng tại Việt Nam cấp hay không. Vì vậy, tất cả mọi người phải chấp hành nghiêm chỉnh lệnh cư trú tạm thời ở trong nhà ga, trường học, và những căn nhà hoang quanh ga Đồng Đăng. Để bảo vệ an ninh và tính mạng của mọi người, không một ai được phép qua ải Chi Lăng cũng như qua biên giới. Bất cứ ai bất tuân lệnh sẽ bị lực lượng biên phòng "xử lý" tại chỗ.
Sau khi viên công an nói tiếng Hoa dứt lời, mọi người xôn xao bàn tán. Tiếng la ó, chửi bới, khóc than càng thêm ầm ĩ. Tôi nghe tin cũng thấy chán nản, nhưng không đến nỗi tuyệt vọng. Vì phương án vượt biên giới của tôi ngoài cách trà trộn với người Hoa, còn có cách nhờ ông MN, một trong những "chốt" buôn trâu của "lão Z". Yên tâm với phương cách này, tôi lặng lẽ kiếm một góc kín đáo trong nhà ga, nằm ngủ, với ý định sẽ tìm gặp MN vào ngày mai... (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 11/13/2007 04:05:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Hồi Ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 78)

Bài Viết Đăng Nhập vào: Tuesday, November 06, 2007

<< Trở Lại Trang Đầu

Hữu Nguyên

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.


*

(Tiếp theo...)

Mùa thu năm 1978, tôi an toàn trở lại Hà Nội, sau thời gian hơn 3 năm xa cách. Lần trước, trở lại Hà Nội vào đầu tháng 5 năm 1975, lúc đó tôi vẫn đinh ninh thầy của tôi còn sống. Không ngờ thầy tôi đã mất trước đó một năm. Lần này trở lại Hà Nội, tôi chỉ còn có Mẹ, người thân yêu nhất của tôi, và cũng là người đã chịu đựng không biết bao nhiêu đau khổ vì tôi. Với thân phận của một thằng tù vượt ngục, đang bị truy lùng ráo riết và có thể bị bắt lại bất cứ lúc nào, tiền bạc lại không có, tôi biết, khi gặp lại tôi, Mẹ lại khóc. Biết vậy, nhưng ngoài Mẹ, tôi đâu biết nương tựa vào ai?
Để an toàn, tôi lang thang suốt cả buổi chiều hết khu công viên quanh hồ Bảy Mẫu đến hồ Ba Mẫu chờ đến tối mới dám về nhà Mẹ. Sau khi đi qua đi lại nhà Mẹ hai ba lần, thấy yên tĩnh tôi mới mở cổng thật nhẹ nhàng. Đi qua cửa sổ có rèm cửa, thấy đèn bên trong còn sáng, tôi nhìn vô, nhưng không thấy ai. Bước tới mấy bước, đến trước cửa, tôi gõ cửa thật nhẹ, theo đúng ám hiệu hai nhanh, một chậm, mà Mẹ tôi đã dặn ngày xưa. Vẫn không thấy tiếng trả lời, tôi gõ mạnh hơn. Cũng không có tiếng trả lời. Nhìn qua khe cửa, tôi thấy ngọn đèn điện vàng khè, tỏa ánh sáng yếu ớt trong căn nhà yên tĩnh, không một bóng người. Tôi đoán, có lẽ Mẹ tôi đi sang hàng xóm một chút rồi về, nên Mẹ tôi vẫn để đèn.
Với tay lên hốc cửa bên trên cửa, tôi sờ thấy ngay chiếc chìa khóa cửa. Như vậy là trong suốt bao nhiêu năm qua, Mẹ của tôi vẫn để chiếc chìa khóa cửa ở đó, trong niềm hy vọng, chờ đợi tôi và tin tưởng một ngày không xa, tôi sẽ về.
Tôi lấy chìa khóa, mở cửa, bước vô nhà, rồi khép cánh cửa lại. Nhìn đồ đạc trong nhà, tôi rưng rưng lệ. Vẫn những đồ đạc đơn sơ, mộc mạc, biểu hiện cuộc sống vô cùng nghèo khổ của Mẹ tôi.
Đói bụng, tôi vội lục nồi niêu xoong chảo nhưng không thấy một thứ gì có thể ăn được, tôi đành phải lấy gạo thổi cơm. Vừa đặt nồi cơm lên bếp, tôi nghe tiếng Mẹ tôi hỏi vọng từ ngoài cửa:
- Chí đó phải không?
Nghe tiếng Mẹ hỏi, tôi mừng quá, luống cuống thế nào làm đổ ụp cả nồi cơm còn đầy nước xuống bếp làm cho khói, bụi bốc lên mù mịt. Để mặc mọi thứ đó, tôi vội vàng chạy ra mở cửa. Mẹ tôi đứng đó run run, một tay Mẹ chống gậy, một tay cầm bó rau, không biết là rau gì. Tôi giật mình, vì trước đó, tôi chưa trông thấy Mẹ tôi chống gậy bao giờ.
Mẹ tôi thều thào:
- Đi về thấy cửa mở, Mẹ đoán ngay con đã về...
Tôi vội vàng dìu Mẹ vô nhà, rồi tiện tay, tôi đóng vội cánh cửa. Thấy bộ điệu vội vàng của tôi, Mẹ hiểu ngay, liền run run hỏi:
- Mày lại trốn tù nữa hả con?...
Tôi lúng túng, không biết nói sao. Mẹ tôi thở dài, ngồi phịch xuống giường. Tôi quỳ xuống đất, gục đầu vào lòng Mẹ, không nói, nhưng trong lòng tôi muôn phần đau đớn. Mẹ tôi đưa tay xoa đầu tôi, rồi nói trong tiếng khóc xụt xịt...
- Sao con về... mà khổ sở... thế này hở trời?...
Trong nỗi lo lắng, xót xa, buồn phiền của Mẹ, tôi thấy nát tan cả cõi lòng. Xụt xịt một hồi, Mẹ hỏi:
- Bây giờ con định thế nào?
Tôi ngước cặp mắt đẫm lệ nhìn Mẹ. Mẹ tôi vừa khóc vừa lau nước mắt cho tôi. Thấy Mẹ quá đau khổ, tôi vội trấn an:
- Mẹ yên tâm, con về với Mẹ trong vài ngày rồi con sẽ gặp anh bạn, anh sẽ lo cho con mọi chuyện để con đi thật an toàn.
Mẹ tôi không tin:
- Bạn của con? Bạn nào mà tốt vậy con?
Tôi nói dối cho Mẹ yên lòng:
- Anh ta tên là Hùng, bạn tù chung với con. Anh ra tù trước. Còn con, trốn ra sau.
Mẹ tôi vẫn nghi ngờ:
- Mà anh ta hiện ở đâu?
Tôi tiếp tục nói dối:
- Dạ, anh ấy hiện đang ở Lạng Sơn, gần sát biên giới Việt Trung. Chúng con định trốn sang Trung Cộng theo ngả Lạng Sơn...
Mẹ tôi run rẩy:
- Con sang Trung Cộng làm sao được. Hai nước sắp đánh nhau đến nơi rồi. Con sang đấy họ sẽ giết con mất.
Tôi chậm rãi, và thì thầm giải thích:
- Thưa Mẹ, con là tù vượt ngục, đang bị nhà cầm quyền Việt Nam truy lùng. Nếu con đến được Trung Quốc, ở đó họ sẽ không giết con đâu. Hai nước đang thù nghịch, nếu con chứng minh được con là nạn nhân của CSVN, thì Trung Quốc họ còn giúp đỡ con nữa.
Mẹ tôi băn khoăn:
- Nhưng làm sao con có thể chứng minh được? Mà con đâu có biết nói tiếng Hoa?
Tôi cười vui vẻ để Mẹ an tâm:
- Mẹ ạ, con không biết nói tiếng Hoa, nhưng ở vùng biên giới tiếp giáp Lạng Sơn, Móng Cái, Trung Cộng đang tiếp nhận mấy trăm ngàn người Hoa về nước, thì lúc nào họ chả có người Hoa biết nói tiếng Việt. Còn chuyện chứng minh con là nạn nhân của cộng sản thì đâu có khó, vì tất cả những chuyện đó đều là sự thật. Vả lại, gia đình mình có đông thân nhân ở ngoại quốc, rồi còn bạn bè của con nữa. Con sẽ liên lạc với tất cả những người đó, để họ chứng minh những gì con nói là đúng sự thật, con là nạn nhân của CSVN.
Tối hôm đó, hai Mẹ con chúng tôi tâm sự đến khuya trong niềm vui đoàn tụ lẫn nỗi buồn sắp chia ly. Thao thức trằn trọc không ngủ, tôi nhớ lại ngày xưa còn bé, có lần được ghé vùng biển Hải Hậu, Nam Định, nhìn những cánh buồm ở chân trời, tôi khao khát được đi xa, được đặt chân đến những vùng đất hoang lạ ở một nơi nào đó... Nhưng bây giờ, sau những năm tháng trôi dạt, trở lại căn nhà xưa có Mẹ già, tự dưng tôi thấy lòng mình trùng xuống trong muôn nỗi xót xa, và tôi chỉ muốn dừng chân, cắm bến, mãi mãi được sống bên cạnh Mẹ, dù cho có nghèo khổ, rau cháo qua ngày....
Vì tình hình an ninh ở Hà Nội lúc đó rất chặt chẽ, ở thêm ngày nào sẽ nguy hiểm ngày ấy, nên ngay sáng hôm sau, tôi đến nhà anh Z, ở ngay khu ga Hà Nội (trước là ga Hàng Cỏ), để anh giúp đỡ cách vượt biên giới Việt Trung. Nhà anh Z trước ở gần khu tập thể Văn Chương, cạnh hồ Linh Quang, sau đổi về ở gần Cung Văn Hóa hữu nghị, cách sở công an thành phố không xa.
Tôi biết anh Z qua lời giới thiệu của một người bạn trọ chung phòng ở Nam Định. Đó là một cuộc gặp gỡ tình cờ, nhưng không ngờ cuộc gặp gỡ đó lại quyết định cuộc đời của tôi. Nguyên do, trên đường từ Sàigòn ra Hà Nội, tôi đã xuống ga Nam Định và ở lại đó hai ngày hai đêm. Đêm đầu tiên vì trời quá khuya, không tiện tìm đến nhà người quen, nên tôi phải ngủ tại một nhà trọ bình dân, cách ga xe lửa không đầy 500 thước. Sau khi đưa giấy tờ cho nhân viên nhà trọ ghi tên tuổi, địa chỉ, tôi đóng tiền trọ, rồi theo chân một cậu bé tuổi khoảng 15, dắt đến một chiếc giường cũ kỹ, trên trải một chiếc chiếu đã ố vàng. Cả nhà trọ rộng khoảng 80 thước vuông, chiều ngang 6 mét, chiều dài hơn chục mét. Dọc theo nhà trọ là hai dẫy giường kê theo từng cặp liền nhau, cặp nọ cách cặp kia khoảng hơn thước. Khi tôi đến đã thấy có một người đàn ông nằm trên chiếc giường kê sát giường của tôi.
Thấy tôi, anh niềm nở ngồi dậy chào hỏi làm quen, thái độ rất chân tình. Anh cho biết tên là H., quê của anh ở Vụ Bản. Anh phải lên Nam Định xin giấy tờ của tỉnh để bán nhà từ đường. Vì nhà thuộc quyền sở hữu của người anh cả, nhưng anh cả đi bộ đội, chết ở chiến trường B (Miền Nam), nên chính quyền địa phương không chịu chấp thuận cho sang tên nhà đất.
Chuyện trò tâm tình với anh, tôi cũng tự giới thiệu tên tôi là Cường (như tên giả ghi trong giấy tờ), cán bộ nông lâm súc, trên đường ra Hà Tây công tác. Đang nói chuyện thì có công an khu phố đến điểm danh khách trọ. Y đọc to tên từng người có trong danh sách, và khi đọc đến tên ai, người khách trọ đó phải đứng dậy hô to, "có mặt". Phần dùng tên giả chưa quen, chưa thực sự nhập vai, phần thấy màn điểm danh khách trọ cũng hay hay nên tôi lặng lẽ theo dõi với sự thích thú, quên cả việc hô "có mặt" khi người công an đọc to tên của tôi: "Nguyễn Văn Cường". Thú thực, khi đó tôi có nghe người công an đọc tên, nhưng cứ đinh ninh "Nguyễn Văn Cường" là tên của người khác, đâu có biết đó là tên giả của mình.
Mãi đến khi người công an đọc tên tôi lần thứ ba, kèm theo số giường, anh H. mới nhìn tôi ngạc nhiên:
- Ủa, công an đọc tên anh, sao anh không lên tiếng?
Tôi giật mình, sực nhớ ra tên giả của mình, bèn hốt hoảng đứng dậy hô to: "Có mặt". Tên công an đứng ở trên bậc thang lừ lừ nhìn tôi rồi quát một tiếng gọn lỏn:
- Điếc hả!
Tôi tính trả lời, nhưng nghĩ sao, tôi lại im lặng, chịu đựng. Dù sao mang tiếng "điếc" cũng còn hơn bị tên công an phát hiện ra mình dùng "tên giả".
Tối hôm đó, anh H và tôi trò chuyện tới khuya. Nói đúng hơn, anh H nói nhiều, còn tôi thì chỉ nghe. Vì lạ nước lạ cái, gặp nhau trong quán trọ, cộng với hoàn cảnh của tôi lúc đó đâu có tiện cho tôi phơi bầy phế phủ với anh.
Sáng hôm sau, anh mời tôi đi ăn sáng. Tôi lưỡng lự rồi nhận lời. Anh H có vẻ thông thuộc đường phố Nam Định. Đi khoảng 10 phút, anh dẫn tôi vô một tiệm ăn vắng vẻ, chủ quán là một bà cụ, tuổi ngoài 60, trông có vẻ nghễnh ngãng. Chẳng cần hỏi ý kiến tôi, anh tự động gọi hai tô miến gà "có người lái". Quay sang tôi anh giải thích:
- Ở đây chỉ có một món miến gà, nên tôi gọi luôn hai tô...
Bà cụ bưng ra hai tô miến gà lõng bõng nước, vài miếng thịt chặt nhỏ. Khi bà cụ đi xa, anh H. nhoài người, mặt anh dí vào mặt tôi, hỏi:
- Chú mày tên thật là gì?
Tôi lúng túng, ngạc nhiên và giật mình không biết trả lời sao. Anh mỉm cười thân thiện, và đột ngột thay đổi cách xưng hô:
- Tớ biết, tên của chú mày không phải là Cường?
Thấy anh như vậy, tôi đành phải thú nhận:
- Chẳng nói giấu gì anh, hoàn cảnh của tôi có nhiều chỗ éo le, khó nói, nên phải dùng tên giả...
Anh H xua xua tay:
- Khỏi nói, khỏi nói. Tối qua nhìn mặt chú mày là tớ biết. Chuyện gì đã khó nói, thì chú mày cứ giữ ở trong bụng. Còn chuyện gì khó khăn, muốn tớ giúp đỡ thì cứ nói. Tớ tuy nghèo kiết xác, tiền bạc không có, nhưng bằng hữu thì đông. Trước kia, tớ là dân buôn trâu bò, nên giao thiệp rộng, bạn bè tỉnh nào cũng có...
Sau một thoáng cân nhắc, tôi thú thực với anh H một phần cuộc đời của tôi và ý định vượt biên qua ngả biên giới Việt Trung. Nghe xong, anh cười lớn, sảng khoái:
- Chuyện gì cậu nhờ thì tớ còn phải suy nghĩ, chứ chuyện vượt biên qua ngả biên giới Việt Trung thì là nghề của tụi này. Cả đàn trâu mấy trăm con, tụi này còn đưa lậu từ Phòng Thành, qua Đông Hưng vô Móng Cái được, huống hồ chuyện đưa chú mày qua bên ấy. Chú mày yên trí, chuyện này tớ sẽ lo được.
Nghe anh H nói tôi vô cùng mừng rỡ, nhưng cũng rất phân vân. Sau một thoáng lo ngại, tôi thú thực:
- Được anh giúp đỡ tôi rất mừng. Nhưng thưa với anh, tôi chẳng có tiền bạc gì...
Anh H cười gạt đi:
- Khỏi lo, khỏi lo. Nói thực với chú em, chuyện vượt biên này đâu có tốn kém gì. Mạng lưới buôn trâu của tớ từ biên giới về các tỉnh thì vẫn còn đó. Khi thì buôn trâu, khi thì buôn hàng họ, đủ thứ, gặp cái gì buôn cái đó. Bây giờ tớ chỉ cần gửi gắm chú mày với lão Z ở Hà Nội là chú mày cứ yên tâm đi thẳng một lèo qua biên giới. Bảo đảm không gặp trục trặc gì.
Tôi ngạc nhiên:
- Lão Z?
Anh H cười:
- Lão Z là biệt hiệu của tụi tớ đặt cho lão, chứ lão còn trẻ măng à. Mới ngoài 30 tuổi thôi. Nhà lão ở gần chùa Xã Đàn, Hà Nội. Chú mày ở Hà Nội có biết hồ Xã Đàn không nhỉ?
Tôi mừng rỡ:
- Dạ hồ Xã Đàn cạnh khu tập thể Nam Đồng?
- Thì chỗ đó đó... Trước làm ăn được, có cơ ngơi ngang dọc đủ cả, nên bố lão Z ở đó. Sau này buôn bán bị thua lỗ, cơ ngơi bán sạch, chỉ còn có mỗi cái chuồng trâu, nên bố lão Z mới cho con về ở đường Lý Thường Kiệt, gần đài phát thanh Việt Nam... Bây giờ tớ cho chú mày địa chỉ của lão. Chú mày học thuộc lòng nghe. Đừng viết ra giấy, lỡ có chuyện gì nguy hiểm cho lão... (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 11/06/2007 10:42:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Hồi Ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 74-77)

<< Trở Lại Trang Đầu

Hồi Ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 77)
Hồi Ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 76)
Hồi Ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 75)
Hồi Ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 74)

posted by Lien Mang Viet San @ 11/06/2007 10:41:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Tôi Tìm Tự Do (kỳ 73)

Bài Viết Đăng Nhập vào: Wednesday, October 03, 2007

<< Trở Lại Trang Đầu

Hữu Nguyên

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.


*

(Tiếp theo...)

Xe vừa rời thị xã Quảng Trị được mươi phút, bỗng ở phía sau xe có người cất giọng hò: Từ ngày "cách mạng mùa thu". Tiếng hò vừa dứt, một người khác hò tiếp ngay: Thằng khôn đi học thằng ngu làm thầy! Nghe tiếng hò, hầu hết hành khách trong xe đều cười ầm ĩ, vỗ tay vang dậy. Chỉ có chúng tôi là im lặng, chỉ dám cười thầm trong bụng. Tôi kín đáo liếc nhìn tên Vân, thấy mặt y đỏ bừng, nhưng y vẫn ngồi yên, tảng lờ như không nghe thấy gì. Viên tài xế đang lái xe, khẽ quay sang bên trái nhìn trộm tên công an ngồi cạnh. Tên này vẫn lạnh lùng nhìn thẳng phía trước. Thái độ tảng lờ, thụ động của hai tên công an càng khiến hành khách trong xe xôn xao, cười cợt khoái trí. Hai người lúc nẫy lại cất tiếng hò tung hứng: Một năm hai thước vải thô. Làm sao che kín "Bác Hồ" em ơi! Mọi người trong xe lại cười, hét, huýt sáo ầm ĩ. Hai tên công an vẫn tảng lờ, bất động. Phải đến mấy phút sau, tiếng cười, tiếng hò hét trong xe mới nhỏ dần.... Rồi kế tiếp, mấy người ngồi ở cuối xe lại cất tiếng hát: Tổ quốc ơi, ăn khoai mì ngán quá. Từ ngày giải phóng vô đây, ta ăn độn dài dài... Hát chán, mọi người lại bô bô kể đủ thứ chuyện "quê mùa" của bộ đội, công an cộng sản khi vô Miền Nam, rồi cười ngặt nghẽo...
Thấy mọi người có thái độ chống đối cộng sản một cách công khai trong khi hai tên công an có thái độ thụ động như vậy, tôi rất mừng. Trong hoàn cảnh như vậy, tôi nghĩ nếu tôi có hành động liều lĩnh chạy trốn, chắn chắn sẽ có người giúp đỡ tôi, không nhiều thì ít. Nhưng dù liều lĩnh như thế nào đi nữa, tôi chẳng thể nào chạy trốn nếu tôi không thoát khỏi sợi dây dù trói chùm cả ba đứa chúng tôi. Bây giờ làm cách nào để cho tên công an chấp nhận cởi trói sợi dây dù? Nhất là khi cả hai tên công an đều đang "quê độ" trước sự chọc giận công khai của các hành khách trong xe.
Giữa lúc tôi đang băn khoăn lo nghĩ, thì người đàn bà ngồi ngay phía sau công an Vân, lấy tay đập đập vào vai y rồi hỏi giọng thân mật:
- Chú công an khoẻ không?
Tên Vân giật mình, quay lại nhìn người đàn bà, rồi nhìn qua tôi. Nét mặt của y lộ vẻ lúng túng, không biết ứng xử thế nào. Sau vài giây im lặng, y không thèm trả lời vào câu hỏi mà lại cấm cẳn:
- Bà muốn gì?
Người đàn bà tuổi ngoài 50, quần áo lam lũ, mái tóc búi tó để lỏng phía sau, phía trước toá xoã vẻ biếng trải, nhưng gương mặt sáng sủa, ánh mắt đằm thắm. Bà mỉm cười nói với tên Vân, giọng chân thành:
- Tôi đâu có muốn gì. Tôi chỉ hỏi chú công an có khoẻ không... Mình người Việt với nhau, một phút gặp nhau cũng đà quen biết, huống hồ tôi với chú lại đi cùng một chuyến xe với nhau, nên hỏi thăm sức khoẻ nhau là thường, mà chú. Vả lại, tôi cũng có thằng em làm công an, chạc tuổi chú đó mà.
Tên Vân lừ lừ nhìn bà không nói. Qua ánh mắt và vẻ mặt đầy cảnh giác của y, tôi đoán có lẽ y không tin lời của người đàn bà, nhưng vì trong xe đầy không khí thù nghịch, nên y không tiện phát tác. Người đàn bà vẫn tươi tắn, hồn nhiên:
- Tôi tên Xuân, nhưng chú cứ gọi tôi là chị Ba cho thân mật. Còn chú tên chi vậy?
Tên Vân trả lời gọn lọn:
- Vân!
Chị Ba vui vẻ:
- Vân? Tên của chú dễ thương hỉ. Giống tên con gái quá.
Tên Vân cãi, nhưng giọng nói của y có phần bớt gay gắt:
- Cha mẹ đặt sao dùng vậy. Tui mới đẻ làm sao biết tên nào con gái, tên nào con trai.
- Thì tôi cũng nói đùa chú vậy thôi. Có gì sai sót, mong chú bỏ qua cho...
Nói đến đó, chị Ba rút trong túi đồ, gói thuốc lá đầu lọc. Chị rút ra một điếu, đưa cho tên Vân, nói giọng đon đả:
- Chú Vân hút với tôi điếu thuốc cho thơm miệng.
Tên Vân sáng mắt nhìn điếu thuốc, nhưng có vẻ ngần ngừ, cuối cùng y cũng cầm điếu thuốc. Chị Ba thành thạo bật quẹt mồi lửa cho y, rồi mồi cho mình một điếu. Nhìn tên Vân rít điếu thuốc một hơi đỏ lừ, ém khói ngon lành, chị Ba kín đáo dúi cho y gói thuốc, rồi nói, giọng thân mật:
- Nói chú đừng giận, nhưng tính tôi thật thà, nghĩ sao nói vậy. Chú cầm lấy gói thuốc này mà hút. Thời buổi bây giờ làm công an, tiền bạc đâu có bao nhiêu... Chú em tôi mỗi khi về nhà chơi, tôi vẫn phải cho nó tiền, nên tôi biết...
Tên Vân ngượng ngùng nhìn trộm tôi. Tôi giả vờ như không biết, nhưng qua đuôi mắt, tôi thấy tên Vân kín đáo cầm gói thuốc bỏ vào túi, rồi nói lí nhí hai tiếng "Cảm ơn". Chị Ba tảng lờ như không thấy vẻ ngượng ngùng của tên Vân, tiếp tục đon đả trò chuyện. Quả nhiên, một lúc sau, tên Vân cũng vui vẻ nói chuyện với chị Ba. Và tôi cũng không hiểu sao, từ khi chị Ba nói chuyện thân mật với tên Vân, không khí chọc quê cộng sản bằng những câu chuyện châm biếm nổi tiếng thời bấy giờ, cũng giảm dần.
Cho đến lúc đó, tôi cũng ngạc nhiên trước thái độ thân mật của chị Ba đối với tên Vân. Nhưng qua ánh mắt trong sáng và gương mặt chân thành của chị, tôi vẫn thấy tin tưởng ở chị, và tôi linh cảm đằng sau thái độ thân mật của chị với tên Vân, có lẽ đang ngầm chứa một toan tính nào đó, tôi chưa thể hiểu.
Giữa lúc tôi đang băn khoăn nghĩ ngợi, bỗng tôi nghe chị Ba nói với tên Vân:
- Chú Vân nè, nói chuyện với chú từ nẫy đến giờ tôi thấy chú cũng là người hiền lành, chất phác, nên tôi có đề nghị này muốn nói với chú. Chú có cho phép thì tôi mới nói...
Tên Vân nhanh nhẩu gật đầu:
- Chị Ba muốn nói gì thì nói đi, đừng ngại gì chớ.
Chị Ba chỉ ba đứa chúng tôi, nói nhỏ:
- Mấy người này phạm tội với cách mạng, phải không chú?
Tên Vân liếc nhìn chúng tôi, rồi y gật đầu, không nói. Chị Ba tiếp:
- Tôi thì tôi không biết họ tội gì. Nhưng chú đã còng tay họ là đủ rồi, sao còn phải buộc dây trói chùm họ lại với nhau vậy? Trói như vậy thì có vẻ tàn nhẫn quá, phải không chú?
Tên Vân lúng túng:
- Thì lệnh trên... bảo vậy. Tụi tôi chỉ biết thi hành chớ.
Chị Ba ngọt ngào:
- Tôi biết, tôi biết, chỉ vì lệnh trên bảo làm như vậy, chứ chú đâu có thể nào tàn nhẫn như vậy được. Nhưng tôi thấy chú làm như vậy là mất uy tín của cách mạng lắm đó. Người ngoài nhìn vô họ thấy cách mạng gì mà tàn nhẫn, đã còng tay người ta lại còn trói trùm người ta lại với nhau.
Quay qua phía hành khách, chị Ba nói lớn:
- Bà con trong xe nghe tôi nói vậy có phải không?
Mọi người trong xe ồ lên tán thưởng. Thôi thì mỗi người mỗi tiếng, mỗi lời nói khác nhau, xôn xao cả trong xe. Chị Ba quay qua tên Vân, nói tiếp, giọng đầy thuyết phục:
- Ai thì cũng biết lệnh trên là như vậy. Nhưng chú là người thi hành. Cấp trên thì ở xa, còn ở đây thì chỉ có chú với chú công an ngồi kia. Mà tôi xem thì mặt mũi của hai chú đều hiền từ, chắc ông bà của hai chú cũng ăn ở có nhân có đức lắm nên các chú mới được như vậy... Vì vậy, tôi xin hai chú, thôi thì cởi trói cho người ta, còng tay người ta là đủ rồi...
Tên Vân chưa kịp lên tiếng, thì có tiếng nói sang sảng của một người đàn ông ở phía sau:
- Bà chị nói vậy là đúng lắm rồi đó chú em công an. Qua nói để chú em biết, xe cộ chạy trên đường này là dễ gặp tai nạn lắm. Nay chú trói chùm người ta lại với nhau như vậy, lỡ chẳng may xe bị lật, chìm xuống sông xuống hồ, thì làm sao người ta có thể thoát nổi? Người ta có tội thì để cho cách mạng xét xử, bỏ tù. Nhưng chú trói chùm cả ba người lại, lỡ chuyện gì xảy ra có phải là người ta bị chết oan không nào? Khi đó tội lỗi bao nhiêu là chú chịu, chớ lãnh đạo nào chịu vào đấy. Tôi nói vậy, bà con đồng ý với tôi thì vỗ tay lên cho chú em công an đây chú ấy nghe...
Người đàn ông vừa dứt lời, cả xe đã vỗ tay vang dội. Người đàn ông lại cất tiếng:
- Còn bác tài, không vỗ tay được nhưng thấy tôi nói có tình có lý thì lên tiếng đi chớ?
Ông tài xế, khẽ quay mặt lại một chút, nói lớn:
- Bác Bảy nói vậy là trúng lắm đó, chú công an ơi...
Chị Ba ráng một đòn cuối cùng. Chị lấy trong túi ra mấy chùm giò lụa, mỗi chùm khoảng 4, 5 chiếc giò lụa loại nhỏ, bằng nửa cổ tay. Trao cho tên Vân hai chùm, chị nói:
- Đây chú cầm lấy một chùm, một chùm cho chị gửi cho chú công an kia, để hai chú ăn lấy thảo. Còn chùm giò này, chú cho phép chị đưa cho mấy người tù để họ ăn. Bây giờ, chú thương chị, thương bà con cô bác trên xe, cởi trói cho mấy người này để họ được ăn uống ngon lành, chớ trói chùm họ như vậy thì làm sao họ ăn uống tự nhiên được, phải không chú?
Tên Vân lúng túng nhìn chúng tôi, rồi ấp úng nói cái gì, tôi nghe không rõ. Trông ánh mắt của y, tôi rất mừng vì biết, y sắp bị khuất phục... Chị Ba lại mềm mỏng nói tiếp:
- Chú cứ nghe chị, cởi trói cho họ ăn xong cây giò này, nếu sau đó họ có cử chỉ gì nghi ngờ, chú lại trói họ lại như cũ. Mà chị bảo đảm với chú là không có chuyện gì đáng tiếc đâu.
Tên Vân gật đầu:
- Chị Ba đã nói vậy thì... để tôi bàn với đồng chí X xem sao...
Nói xong, tên Vân cầm chùm giò, loạng choạng đi lên, ghé tai tên X thì thầm một hồi, rồi trao chùm giò cho X. Dĩ nhiên cho đến lúc đó, mọi lời đối đáp trò chuyện trên xe, tên X đều nghe thấy hết, nhưng không hiểu sao y vẫn ngồi bất động, nhìn thẳng về phía trước. Thấy Vân thì thầm, tên X gật gật đầu, tôi rất mừng. Đến khi X đưa tay cầm chùm giò lụa từ tay tên Vân, tôi thở phào tin tưởng, chúng tôi sẽ được cởi trói. Quả nhiên, tên Vân quay lại, nét mặt tươi tỉnh, nói với chị Ba:
- Tụi tôi nể chị lắm, nên cởi trói cho họ. Nhưng chị phải bảo đảm là họ không trốn đấy chớ.
Mọi người trong xe vỗ tay vang dội. Có người còn ngây ngô hô to, "Công an muôn năm!" (???) Chị Ba cũng vui vẻ:
- Cảm ơn chú. Chú cứ cởi trói cho họ đi. Nếu họ trốn chạy, chú cứ trói tôi lại là xong.
Nghe mấy chữ "trói tôi lại là xong", tên Vân đực mặt ra nghĩ và một thoáng băn khoăn hiện lên trên gương mặt của y. Tôi nghĩ, có lẽ câu nói của chị Ba đã khiến tên Vân nghĩ lại mà đâm lo ngại. Nếu tù chạy trốn, làm sao tên Vân có thể trói được chị Ba? Và dù cho khi đó y có trói cả mấy chục hành khách trên xe, y cũng chẳng thể nào thoát khỏi tội để xổng tù. Có lẽ hiểu tên Vân đang nghĩ gì, nên chị Ba vội lên tiếng trấn an:
- Trời ơi, chú Vân, chú còn lo nghĩ gì nữa. Xe thì đang chạy vù vù như thế này, người ta lại bị còng tay như vậy, thử hỏi ai dám trốn? Các chú còn súng ống đầy người nữa... Người bình thường mà nhảy xuống xe còn tan xương nát thịt nữa là...
Đến lúc này, tên Vân hoàn toàn bị khuất phục. Y thở dài, quay qua chúng tôi nói:
- Vì đồng bào trên xe muốn bảo vệ uy tín của cách mạng nên yêu cầu chúng tôi cởi trói tạm thời cho các anh. Các anh cấm không được tự tiện đứng lên, hay đi lại, là chết đấy nhé. Muốn gì các anh phải xin phép và được chúng tôi cho phép mới được làm. Các anh có đồng ý như vậy không chớ?
Chúng tôi vội thi nhau gật đầu, thi nhau nói "đồng ý". Tên Vân vẫn chưa yên tâm. Y đưa tay vỗ vỗ vào khẩu súng ngắn đeo bên hông rồi nói tiếp, giọng đe doạ:
- Các anh phải nhớ, nếu trái lệnh là các anh sẽ bị xử lý tại chỗ đấy nhé. Các anh nghe rõ chưa?
Chúng tôi lại gật đầu, ngoan ngoãn nói "thưa cán bộ nghe rõ". Tên Vân nhìn chúng tôi, rồi không hiểu sao, y đưa tay mở khoá bao súng, lừ lừ nhìn chúng tôi không nói. Sau một thoáng im lặng, tên Vân cúi xuống rồi lần lượt tháo nút dây dù buộc tay của tôi, T và H. Cuộn sợi dây dù vô khuỷu tay, tên Vân trở lại chỗ ngồi, nét mặt y đăm chiêu, như vừa phải làm một việc mà y không muốn.
Chị Ba cầm chùm giò đưa cho tên Vân, hỏi:
- Bây giờ chú bóc mấy chiếc giò này rồi đưa cho họ ăn, hay để tôi làm hộ chú?
Tên Vân không trả lời, chỉ phẩy phẩy tay về phía chị Ba. Chị Ba nói nhỏ, "cảm ơn chú nghe", rồi chị bóc lá từng chiếc giò, đưa cho tôi, cho T và cho H. Chúng tôi cầm chiếc giò ăn ngon lành, ai cũng cảm động vì đây là lần đầu tiên chúng tôi được thưởng thức miếng giò lụa sau thời gian cả tháng trời sống trong thiếu thốn, thèm khát trong trại giam Đông Hà.
Riêng cá nhân tôi, khi được ăn miếng giò lụa, trong lòng tôi còn mừng rỡ vô hạn, vì chặng đường khó khăn nguy hiểm nhất tôi đã vượt qua. Nhờ sự khôn khéo giúp đỡ của chị Ba và hành khách trong xe, cuối cùng, sợi dây dù trói chùm cả ba chúng tôi đã được cởi! Chặng đường kế tiếp tôi phải vượt qua là chiếc còng số 8. Tôi sẽ phải tìm đủ mọi cách để thuyết phục tên Vân cởi chiếc còng, trước khi tôi liều mạng bỏ chạy. Và cho dù tôi không thành công trong việc cởi chiếc còng số 8, thì trước khi đến lao Thừa Phủ Huế, tôi cũng vẫn phải bỏ chạy. Tôi đã quyết tâm chọn cho mình một con đường: Ngày hôm nay, bằng mọi giá, tôi phải trốn thoát, hoặc tôi phải chấp nhận bị bắn gục ngay trên đường phố Huế! (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 10/03/2007 09:28:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Tôi Tìm Tự Do (kỳ 72)

Bài Viết Đăng Nhập vào: Friday, September 28, 2007

<< Trở Lại Trang Đầu

Hữu Nguyên

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.


*

(Tiếp theo...)

Trên chuyến xe đi từ Đông Hà về Huế, một mặt chúng tôi đóng vai ngây ngô, khờ dại để cho hai tên công an mất cảnh giác, coi thường, mặt khác, tôi tìm cách "cấy" vào đầu óc tên công an Nùng Trí Vân một mối liên hệ mơ hồ giữa tôi và tên trưởng ty công an Quảng Trị. Cả hai điều này đều ít nhiều thành công. Nhưng điều quan trọng khiến tôi điên đầu nhất là làm sao tôi có thể chạy trốn khi cả ba chúng tôi đều bị còng tay và bị buộc chung một sợi dây dù? Vì vậy, để khi chạy trốn, đỡ nguy hiểm nhất, trước hết, tôi phải tìm cách thuyết phục hai tên công an cởi dây trói và tháo còng cho chúng tôi. Muốn làm được điều này, tôi phải tạo cho hai tên công an thực sự tin tưởng vào lòng "ăn năn, hối cải, sẵn sàng chấp nhận để cho nhà nước cải tạo" của chúng tôi. Vì thế, tôi phải làm bộ "ngây thơ và dại dột lo ngại" trước viễn ảnh chúng tôi bị tù mọt gông, hoặc bị tử hình vì tội vượt biên, một khi chúng tôi về đến lao Thừa Phủ.
Quay sang tên Vân, tôi giả bộ băn khoăn hỏi:
- Thưa cán bộ, cán bố là người từng trải, có nhiều kinh nghiệm về tù vượt biên nên tôi muốn hỏi thật cán bộ điều này...
Tên Vân nhìn tôi gật đầu:
- Anh nói đi chớ.
- Cán bộ có biết, tội vượt biên của chúng tôi sẽ bị xử bắn hay bị xử tù chung thân?
Tên Vân phì cười lắc đầu. Tôi giả vờ sợ sệt nhìn y ra vẻ ngạc nhiên, không hiểu. Y nhìn tôi có vẻ thương hại:
- Tội vượt biên mà bị bắn thì cả nước này bị bắn hết sao chớ.
- Vậy tụi tôi có bị tù chung thân không cán bộ?
- Đảng và nhà nước dại gì mà bỏ tù chung thân mấy người vượt biên chớ. Bỏ tù người ta như vậy, lấy ai lao động xây dựng xã hội chủ nghĩa chớ.
Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, mừng rỡ, nhưng trong ánh mắt vẫn đầy lo ngại, không hoàn toàn tin tưởng. Tên Vân lại lắc đầu thương hại:
- Tôi nói thiệt chớ, mấy anh thuộc loại nhát như thỏ đế, ăn trắng mặc trơn quen rồi. Đã chẳng hiểu gì về rừng núi, đường sá thì chẳng biết, lại sợ hãi đủ thứ, vậy mà cũng đòi cắt rừng vượt biên! Các anh là người thì sợ hổ sợ báo, sợ rắn rết... thì cũng được đi vì những thứ đó thì người nào mà chẳng sợ. Đằng này mấy anh sợ cả cóc nhái, đỉa vắt, gai góc, rồi lại còn mê tín dị đoan sợ cả ma quỷ thì làm sao mà vượt biên cho nổi được chớ.
Nghe tên Vân nhắc đến đó, tôi cười thầm, nhớ đến kế hoạch "đóng kịch" của chúng tôi trong những tuần lễ bị giam giữ ở Đông Hà. Thời gian đó, mỗi khi đi lao động ở bên ngoài, chúng tôi đều bàn nhau tìm cách đóng kịch giống hệt như mấy thanh niên sinh ra lớn lên ở thành phố, nay lần đầu thấy cảnh rừng rú nên gặp cái gì cũng sợ hãi "eo ôi". Được cái may mắn là cả T và H đều là người sinh ra và lớn lên ở Sàigòn, được nuôi trưởng trong nhung lụa, nên những bỡ ngỡ, sợ hãi của T và H là hoàn toàn trung thực. Nhất là H, một nữ sinh Marie Curie, chưa từng trông thấy cây lúa bao giờ, mỗi khi làm cỏ lúa, lại nhổ cả lúa thay vì nhổ cỏ, nên khi trông thấy ếch, nhái, vắt đỉa,... H đều la hét sợ hãi nghe rất rùng rợn. Nhờ vậy những "giả bộ sợ hãi" của tôi nếu có sơ hở, cũng không bị mấy tên công an, bộ đội phát hiện. Cũng trong thời gian đi lao động, mỗi khi có dịp, chúng tôi luôn giả bộ hỏi những câu ngây ngô như "trong rừng có ma không", "chuyện người rừng bắt mình ăn thịt có đúng không", "chuyện quỷ nhập tràng có thật không"... Tất cả những câu hỏi ngây ngô này đã khiến cho công an, bộ đội ở Đông Hà tin tưởng, chúng tôi chỉ là những "thanh niên dại dột" nghe ai "xúi dại" mà đi vượt biên. Nhờ vậy, tôi đã che giấu được chân tướng của mình.
Nghe tên Vân tỏ ra "thương hại" như vậy, tôi tỏ vẻ ngượng ngùng:
- Thú thực với cán bộ, nghe người ta nói vượt biên dễ ợt, nên tụi tôi dại dột nghe theo, đâu có biết trên đường vượt biên lại gặp phải những thứ khủng khiếp đó.
Tiếp tục "cấy" vào óc tên Vân những ảo tưởng ngây thơ về mình, tôi hỏi tiếp:
- Vậy theo cán bộ, tội vượt biên của tụi tôi sẽ bị tù mấy năm?
Vân nheo mắt:
- Cái đó còn tuỳ theo sự thành khẩn ăn năn khai báo của các anh.
Tôi nhanh nhẩu;
- Thì cán bộ đã biết rồi đó, chúng tôi đã thành khẩn ăn năn, khai báo ngay từ đầu rồi còn gì...
- Mấy anh khi bị bắt thì anh nào chả nói vậy. Nhưng chúng tôi có tin các anh thành khẩn khai báo hay không mới là chuyện đáng nói. Nếu tin thì các anh chỉ ở tù khoảng nửa năm đến 2 năm là tối đa. Còn nếu không tin thì các anh sẽ bị tù mọt gông.
Tôi tỏ vẻ mãn nguyện và tin tưởng vào sự thành khẩn khai báo của mình:
- Cán bộ nói vậy thì tôi mừng quá. Tôi cứ tưởng mình sẽ bị tù chung thân, chứ chỉ có nửa năm đến hai năm tù nếu tôi thành khẩn ăn năn, thì tôi rất an tâm cải tạo.... để làm lại cuộc đời.
Tôi không biết lúc đó, tên Vân tin tưởng vào "thiện chí cải tạo" của tôi tới mức nào, nhưng tôi nghĩ, ít nhiều tôi đã thành công cho tên Vân hiểu, tôi sẵn sàng vui vẻ vào tù ngồi bóc lịch một hai năm để "chuộc tội vượt biên" mà tôi đã phạm. Như vậy trong đầu óc tên Vân sẽ không mảy may nghi ngờ đến chuyện tôi sẽ chạy trốn trên đường giải giao từ Đông Hà về Huế. Một khi y không nghi ngờ, y sẽ lơ là cảnh giác, tạo cho tôi nhiều cơ hội thoát thân.
Điều khó đối với tôi bây giờ là làm sao tháo được chiếc còng và sợi dây dù trói buộc cả ba đứa chúng tôi. Dĩ nhiên, đòi tên Vân tháo cả hai cùng lúc là điều không tưởng. Muốn thành công, tôi phải đánh từng bước. Bước đầu tiên là sợi dây dù. Nếu tên Vân tháo sợi dây dù, gặp điều kiện thuận lợi, cho dù tay bị còng, tôi vẫn có thể liều mạng bỏ chạy.
Sau hồi suy nghĩ thật lung, tôi thấy muốn tháo sợi dây dù chỉ có hai cách. Một là thuyết phục tên Vân. Hai là chờ đến bến xe Quảng Trị, xe phải đỗ lại cho khách lên xuống, mua bán, ăn uống,... ba đứa chúng tôi sẽ đòi đi tiêu, đi tiểu. Khi đó, bắt buộc tên Vân phải cởi trói sợi dây dù, và tôi phải tìm cách trốn thoát bằng mọi giá ngay tại bến xe của thị xã Quảng Trị. Quyết tâm này của tôi bắt nguồn từ câu chuyện khá dài dòng với ông HK. Chuyện đó đầu đuôi như sau.
Trong thời gian còn bị giam ở Đông Hà, ông HK đã cho tôi biết, không sớm thì muộn, công an biên phòng Đông Hà sẽ giải giao tất cả những tù chính trị, vượt biên về Huế. Còn tù hình sự, tội nhẹ sẽ được giải quyết ngay tại chỗ, còn tội nặng sẽ được giải về nhà tù của tỉnh Quảng Trị, hoặc đưa về Huế. Riêng trường hợp của ông HK, vì có quan hệ đặc biệt thế nào đó, nên tuy ông đã ở tù tại Đông Hà hơn nửa năm, chúng vẫn chưa có quyết định giải ông đi đâu.
Trong tù, ông HK là người thẳng thắn, cương trực, xứng đáng với câu "uy vũ bất năng khuất". Ông cũng rất thương tôi và thường bảo tôi kể chuyện cho ông nghe. Mọi người thì thích nghe truyện Chưởng, nhưng ông lại khoái nghe truyện Tam Quốc, nên những khi kể truyện Tam Quốc, chỉ có tôi và ông. Khác với những người khác, nghe kể thì say sưa lắng nghe, ông lại hay cắt ngang, hỏi tới hỏi lui rồi lớn tiếng chửi bới hay ca ngợi nhân vật tôi vừa kể.
Biết trước mình sẽ bị giải về Huế, nên một hôm, sau khi kể cho ông nghe đoạn Trương Phi đại náo cầu Trường Bản, tôi thú thực với ông:
- Chú HK, nếu tôi bị tụi nó giải giao về Huế, có cách nào trốn được không, chú?
Ông HK trầm ngâm một lúc rồi bảo:
- Thường khi giải tù từ đây về Huế, tụi nó đều còng tay và trói tù lại thành từng chùm. Vì vậy, cơ hội duy nhất chú có thể chạy trốn là ở bến xe Quảng Trị. Chú mày có biết tại sao không?
Không chờ tôi trả lời, ông HK tiếp:
- Ở bến xe bao giờ cũng đông người qua lại. Đó là cái dễ thứ nhất. Cái dễ thứ hai là khi tới bến xe Quảng Trị, bao giờ hành khách trên xe cũng phải xuống ăn uống, vệ sinh cá nhân, đổi xe đi các nơi, nên rất lộn xộn. Vì vậy, khi đến đó, tao nghĩ tốt nhất chú mày nên giả vờ xin đi cầu...
Tôi ngạc nhiên:
- Xin đi cầu?
Ông HK gật đầu:
- Nếu đến đó chú mày xin đi cầu, tụi nó phải cho người giải chú mày đến nhà cầu, rồi cởi trói, cởi còng cho chú mày đi.
- Nhưng đi cầu thì làm sao mà trốn?
- Khi chúng nó cho chú mày đi cầu, thì chú mày đừng đi cầu.
Tôi ngạc nhiên:
- Ủa, sao vậy?
Ông HK mỉm cười:
- Thì chú mày vô trong nhà cầu, đóng cửa lại rồi đứng im đó chờ, chớ vô đó mà đi cầu thì làm sao trốn được. Thằng công an đứng ngoài chờ lúc lâu không thấy động tĩnh gì, thì việc đầu tiên nó phải làm là gọi. Nghe nó gọi thì chú mày đừng trả lời. Gọi một lần, hai lần, ba lần,... không thấy chú mày trả lời là nó phải đẩy cửa, thò đầu vô. Khi đó chú mày chỉ cần bất thình lình, dùng hết sức đóng cánh cửa lại thật mạnh hay đập cho nó một cú, thì nó có khoẻ như voi, cũng phải gục.
Tôi thầm phục mưu kế của ông HK và tôi tin mình có thể thực hiện được mưu kế đó. Dĩ nhiên, mưu kế của ông tuy không hoàn toàn hoàn hảo, nhưng tôi phải thừa nhận là có thể thực hiện được. Vả lại, xưa nay có mưu kế vượt ngục nào hoàn hảo. Trong hoàn cảnh của tôi lúc đó, tôi phải chấp nhận chọn cho mình con đường ít rủi ro nhất, mà mình có thể thực hiện. Nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, cả ba chúng tôi đều ngồi trên xe đò chạy về thị xã Quảng Trị, và cơ hội duy nhất giúp tôi có thể chạy trốn đang chờ tôi ở phía trước.
Ngay sau khi nghe mưu kế của ông HK, điều khiến tôi lo ngại là T và H. Làm sao tôi có thể thuyết phục được cả T và H cùng trốn với tôi? Nếu tôi thuyết phục được T và H đồng ý cùng trốn thì chúng tôi sẽ phải trốn như thế nào? Chắc chắn cả ba chúng tôi không thể nào cùng trốn theo mưu kế của ông HK được. Tôi có đem lời ông HK tâm tình, kể cho T và H nghe nhân dịp chúng tôi đi lao động ở ngoài rừng. Nghe tôi nói, cả T và H đều hoảng hốt. H nói với tôi, giọng sợ hãi: "Cậu Chí, chúng cháu không dám trốn đâu. Cậu trốn một mình cậu đi. Chúng cháu vượt biên rồi bị bắt mấy lần nên chúng cháu biết, chúng cháu chỉ bị tù một năm là cùng thôi. Biết tin chúng cháu bị bắt, thế nào mẹ cháu cũng tìm đường "lo lót", nên sớm muôän gì tụi cháu cũng được thả thôi, không lâu đâu. Còn cậu, nếu gặp cơ hội thì cậu cứ trốn đi, vì cậu ở lại, trước sau gì chúng cũng sẽ biết cậu và chúng sẽ giết cậu..."
Vào khoảng xế trưa hôm đó, xe chạy vô bến xe Quảng Trị. Trái ngược với lời kể của ông HK, bến xe rất vắng vẻ. Khoảng bốn, năm chiếc xe đậu lác đác trên một bãi đất rộng và trống mênh mông. Một dẫy lán siêu vẹo với đủ loại hàng quán sơ sài nằm ngang với khu nhà gạch tiêu điều, vừa làm văn phòng, phòng bán vé và cửa hàng ăn. Phía xa xa, cuối bãi đậu xe là một dẫy nhà cầu mái tranh, tường đất, vô cùng tiêu điều, trống trải. Nhìn quang cảnh vắng vẻ và trống trải mênh mông đó, tôi thấy ngay, tôi không tài nào trốn thoát theo kế hoạch của ông HK. Tôi biết chắc, cho dù tôi có chui vô được nhà cầu đi nữa thì với sự trống trải cả bốn phía như vậy làm sao tôi có thể đánh lừa được tên công an có trách nhiệm canh giữ tôi. Và cho dù tôi có đánh gục tên công an ngay cạnh nhà cầu đi nữa, tôi cũng chẳng thể nào chạy trốn giữa bãi đất bốn bề mênh mông trống vắng phẳng lỳ, mà không bị tên công an còn lại phát hiện.
Đứng giữa bãi xe, tôi băn khoăn vô cùng. Tôi không biết mình có nên xin đi cầu để rồi liều mạng thực hiện mưu kế của ông HK, hay nên chờ đợi cơ hội thứ hai, khi xe về đến thành phố Huế. Và tôi cũng không biết khi về đến Huế, liệu tôi có gặp được cơ hội thứ hai, hay tình thế còn bi đát, nguy hiểm hơn ở đây? Giữa lúc tôi đang lưỡng lự như vậy thì tên Vân cầm giây trói kéo chúng tôi đi đến một chiếc xe đò dài hơn, mới hơn, có dòng chữ Quảng Trị - Huế. Tên Vân leo lên xe đầu tiên. Ba đứa chúng tôi lục tục leo theo sau.
Cũng giống như xe đò từ Đông Hà đi Quảng Trị, tên công an cùng đi với chúng tôi đã ngồi chễm trệ trên chiếc ghế duy nhất phía trước, ngay bên phải tài xế. Ba đứa chúng tôi ngồi vào hàng ghế ngay sau tài xế. Tên Vân ngồi vào dẫy ghế bên phải, đã có hai người ngồi. Riêng hàng ghế của chúng tôi tuy có 4 chỗ ngồi, nhưng chỉ có 3 đứa chúng tôi.
Khác với chuyến xe từ Đông Hà ra Quảng Trị, chuyến xe từ Quảng Trị đi Huế đông khách hơn, và hầu hết hành khách trên xe đều là người Kinh. Ngay khi thấy ba người chúng tôi bước lên xe với còng tay và dây trói, thái độ của mọi người trong xe cũng khác. Nếu hành khách trên xe Đông Hà Quảng Trị thờ ơ lạnh nhạt, thì trái lại, tất cả hành khách trên xe Quảng Trị Huế đều công khai tỏ thái độ quan tâm đến chúng tôi, và ác cảm đối với hai tên công an. Tôi nghe nhiều người ồ lên, nhiều tiếng nói xôn xao, hai ba thanh niên ở phía dưới huýt sáo, kèm theo vài tiếng chửi thề. Thái độ của hai tên công an cũng khác. Trên chuyến xe Đông Hà đi Quảng Trị, chúng tỏ vẻ hống hách, thì trái lại, trên chuyến xe Quảng Trị Huế, chúng có vẻ nhút nhát, thụ động và chịu đựng.
Chúng tôi ngồi vừa yên chỗ thì xe từ từ chuyển bánh rời khỏi bến xe Quảng Trị. Nhìn ra bên ngoài, tôi thở dài, tiếc cho một "cơ hội có thể trốn" mà mình vừa đánh mất, và lo lắng, không biết từ Quảng Trị về Huế, tôi có còn gặp cơ hội nào khác để trốn thoát hay không?... (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 9/28/2007 10:39:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Tôi Tìm Tự Do (kỳ 71)

<< Trở Lại Trang Đầu

Hữu Nguyên

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.


*

(Tiếp theo...)

Cửa lán tù vừa mở, tên Biền ra lệnh cho tôi và T chui ra. Ngay khi bò được ra ngoài, chúng tôi thấy mấy tên bộ đội cầm súng AK hườm sẵn, nét mặt lạnh lùng vô hồn. Không đầy mấy phút sau, H từ lán bên cạnh cũng cùng chung số phận được giải tới đứng cạnh chúng tôi. Tên Biền cầm đèn bấm lia ngang lia dọc vô mặt chúng tôi rồi nói giọng xấc láo, hăm dọa:
- Tụi bây đã phạm tội vượt biên phản bội tổ quốc là tội đáng bắn bỏ ngay tại chỗ, khỏi cần xét xử. Đến khi bị bắt, đảng đã khoan hồn, tha tội chết, nhưng tụi bây vẫn không thành tâm hối cải, tiếp tục có âm mưu trốn trại là lại một lần nữa thêm tội chết. Đã vậy tụi bây lại còn kéo bè kết đảng rủ rê những người khác cùng trốn trại là ba tội đáng chết. Vì thế, ban chỉ huy trại quyết định đưa tụi bây đi trại khác, để ở đó sẽ có biện pháp giáo dục tụi bây thích đáng.
Tên Biền có thói quen khi tức giận chuyện gì y chuyên xưng hô mày tao, gọi chúng tôi là "tụi bây". Thú thực, trong cuộc đời tù đầy của tôi dưới chế độ cộng sản, tôi đã nhiều lần bị đối xử tàn nhẫn, nhưng chưa có lần nào gặp phải lối xưng hô "mày tao, tụi bây" một cách trắng trợn và vô học như tên Biền.
Sau khi lên lớp một hồi về tội trạng của tụi tôi, tên Biền quay sang tên bộ đội đứng cạnh, gật đầu. Tên bộ đội hiểu ý bước tới, lên đạn, chĩa nòng súng về phía chúng tôi và ra lệnh chúng tôi đứng nghiêm. Một tên công an bước lại, tháo còng, để chúng tôi người nào đeo ba lô của người đó. Sau đó, tên công an tiếp tục còng hai tay chúng tôi về phía trước. Riêng H. có lẽ là con gái, nên chúng không còng tay. Cuối cùng, để cho chắc ăn, tên công an lấy ra một sợi dây dù dài, trói tay tôi một đoạn, trói tay T một đoạn, trói tay H một đoạn, rồi đoạn cuối cùng y quấn chặt vào tay của y. Vậy là cả ba chúng tôi đều bị trói chung vô một sợi dây mà một đầu của sợi dây do tên công an nắm giữ. Với lối trói như thế, dù có liều mạng cách mấy, tôi cũng chẳng dám và chẳng thể nào chạy trốn.
Tên công an này là người Nùng, không rõ là họ Nùng hay họ Nông, nhưng chắc chắn tên của y là Trí Vân. Vân có một chiếc răng vàng ở hàm trên, hình như đó là phong tục tập quán của người Nùng ở miền thượng du Bắc Việt. Người Vân lùn, thân hình rắn chắc, da ngăm đen, khi cởi trần trông như khối đồng hun. Vân cuồng tín tin tưởng vào chủ nghĩa cộng sản, nhưng vì ít học, nên thích nghe chuyện đông tây kim cổ, và dễ nghe lời phỉnh nịnh. Trong số những công an, bộ đội giam giữ chúng tôi ở Đông Hà lúc đó, tôi chỉ cầu mong Vân là người giải giao chuyển trại cho chúng tôi. Vì với Vân, tôi hy vọng sẽ dễ dàng qua mặt để biến mình trở thành một tên "tù vượt biên ngu ngơ, dại khờ nhưng thuộc loại con ông cháu cha"... Thiệt may mắn cho tôi, hy vọng của tôi đã thành sự thật...
Bình minh hôm đó, trong khí lạnh của núi rừng, tên Biền cùng với bốn tên bộ đội và bốn tên công an áp giải chúng tôi tới bến xe Đông Hà. Có lẽ ban giám đốc bến xe đã nhận được lệnh từ trước, nên chiếc xe đò duy nhất tuy đã đầy khách, vẫn đậu ở bến xe chờ chúng tôi. Hai tên công an, trong đó có Vân, giải chúng tôi lên xe. Còn lại tên Biền, hai tên công an và bốn tên bộ đội thì quay về ngay khi xe chuyển bánh. Tôi thở phào nhẹ nhõm phần nào vì lúc trước, tôi cứ đinh ninh, nếu cả bọn bốn tên bộ đội cùng bốn tên công an cùng giải giao chúng tôi về Huế, thì tôi chẳng có cơ hội nào trốn chạy.
Cả ba chúng tôi được ngồi vô một băng ghế, ngay phía sau tài xế. Một tên công an, ngồi trên chiếc ghế duy nhất ngay bên phải tài xế. Tên Vân ngồi ở ghế bên cạnh, ngang với ghế chúng tôi. Sợi dây dù trói chung chúng tôi được tên Vân buộc cẩn thận vô thành ghế. Trong tình thế bị còng lại bị trói chung cả ba vô một sợi dây đã buộc vô thành ghế trong xe như vậy, tôi biết, tôi không tài nào có thể trốn được.
Ngay khi bước lên xe, nhìn lướt qua những hành khách trên xe, tôi nhận ra đa số họ là người miền núi. Chỉ có vài người Kinh ngồi ở phía trước. Thấy ba người chúng tôi bước lên xe, tay bị còng, lưng đeo ba lô, lại bị trói chùm với nhau, mọi người, kể cả viên tài xế, đều không lộ vẻ gì ngạc nhiên. Mọi người vẫn trò chuyện tự nhiên. Vài người, quay nhìn chúng tôi một thoáng rồi tỉnh bơ quay ra ngoài cửa sổ. Điều này chứng tỏ, công an Đông Hà đã thường xuyên trói tù từng chùm rồi giải giao tù bằng xe đò. Thú thực, thoạt đầu, khi được lệnh chuyển trại, tôi cứ đinh ninh, bị giải giao bằng xe riêng của đồn công an Đông Hà. Nhưng khi thấy mình được giải giao bằng xe đò, lòng tôi có thêm hy vọng. Tuy không tin tưởng những người dân trong chuyến xe đò từ Đông Hà sẽ sẵn sàng giúp đỡ tôi như chuyến xe từ Dầu Tiếng về Bình Dương, nhưng tôi thành thực hy vọng, thế nào cũng có người giúp đỡ tôi không cách này cũng cách khác.
Sáng hôm đó, tên Biền chỉ tuyên bố chung chung sẽ chuyển chúng tôi đến một trại giam khác, nhưng qua những lời thì thầm của ông HK trong đêm, tôi biết chắc chắn, chúng sẽ chuyển chúng tôi về lao Thừa Phủ, Huế. Qua chuyện trò với ông HK tôi biết, lao Thừa Phủ xây cất rất kiên cố, nếu tôi đã bị giam giữ ở đó, tôi sẽ vô phương vượt ngục. Nguy hiểm thứ hai, một khi đã về đến lao Thừa Phủ, chắc chắn lý lịch của tôi sẽ bị phanh phui, và khi đó tôi sẽ phải chịu nhiều hình phạt khủng khiếp, cuộc đời của tôi sẽ vĩnh viễn bị khâm liệm, không bị xử bắn, thì cũng bị tù mọt gông. Vì vậy, tôi đã âm thầm nuôi quyết tâm, trên đoạn đường từ Đông Hà về đến lao Thừa Phủ, bằng bất cứ giá nào, tôi cũng phải chạy trốn. Vẫn biết, chạy trốn trên đoạn đường này, trong khi hai tên công ai giải giao đều đeo súng ngắn, sẽ vô cùng nguy hiểm, nhưng dù vậy, tôi vẫn còn có cơ hội thoát cũi sổ lồng nhiều hơn so với khi bị nhốt vô lao Thừa Phủ.
Trên đoạn đường bị giải giao từ trại tù Đông Hà ra bến xe, tôi miên man nghĩ ngợi cách tẩu thoát. Trước mắt, tôi nghĩ, nếu chúng tôi bị trói chùm lại với nhau bằng một sợi dây, tôi không thể nào chạy trốn một mình được. Vì vậy, điều đầu tiên, tôi phải tìm cách thuyết phục tên Vân công an tháo sợi dây dù trói chung chúng tôi. Có như vậy, tôi mới có thể chạy trốn khi gặp cơ hội. Tôi cũng hy vọng, cho dù tôi không thuyết phục được Vân tháo sợi dây dù, thì trên đoạn đường từ Đông Hà về lao Thừa Phủ, chắc chắn thế nào cũng có lúc, chúng phải cởi sợi dây dù trói chúng tôi để chúng tôi giải quyết chuyện vệ sinh cá nhân. Khi đó sẽ là cơ hội cuối cùng để tôi có thể chạy trốn.
Để có thể thuyết phục được Vân chấp nhận cởi sợi dây dù, tôi phải tìm cách làm cho Vân lơ là cảnh giác, coi thường chúng tôi. Trong thời gian bị giam giữ ở Đông Hà, chúng tôi cũng đã thành công chứng tỏ cho bộ đội, công an ở đó thấy chúng tôi chỉ là những đứa trẻ ngu ngơ, nghe người khác xúi dục mà đi vượt biên. Nhất là T và H, tuổi còn quá trẻ, sinh ra và lớn lên ở thành phố, chưa một ngày quen với phong ba bão táp cuộc đời, nên khi đi lao động trong rừng, cả hai đều có tất cả những đường nét ngây thơ, non nớt của tuổi trẻ thành phố. Và đó là những thuận lợi mà tôi thấy cần phải tiếp tục khai thác trong chuyến đi này để hai tên công an mất cảnh giác, coi thường chúng tôi.
Sau khi thì thầm bàn bạc với T và H, tôi quay sang Vân xin y cho chúng tôi trích một ít tiền "tang vật" mà chúng đã tịch thu, để chúng tôi có thể mua bán dọc đường. Tên Vân bàn bạc với tên công an kia một lúc, rồi chúng gật đầu chấp thuận. Thế là trên đường đi, mỗi khi có dịp, tôi đều gọi mua đồ ăn, thức uống, thuốc lá thật hậu hĩ cho hai tên công an. Cả hai tên đều vui vẻ ăn uống, chấp nhận quà cáp do chúng tôi mua cho. Không khí căng thẳng lúc ban đầu giữa hai tên công an và chúng tôi dần dần giảm bớt cùng với thời gian và đoạn đường chúng tôi đi từ Đông Hà về thị xã Quảng Trị.
Vì quyết tâm bằng mọi giá, tôi sẽ chạy trốn trên đường từ Đông Hà về lao Thừa Phủ, nên tôi rất lo ngại hai tên công an có súng ngắn sẽ bắn tôi. Tôi không biết khả năng bắn súng của tên công an kia như thế nào, nhưng tên Vân thì tôi vẫn nghe ông HK và các bạn tù ở Đông Hà ca ngợi tên Vân là tên công an bắn súng giỏi nhất ở Đông Hà. Có lẽ là người Nùng, thường xuyên săn bắn thú rừng trước khi vô công an, nên tên Vân bắn súng dài cũng như súng ngắn, súng nào cũng rất thiện nghệ. Tôi nghe ông HK nói, chính tên Vân đã có lần bắn hai phát súng hạ hai con sóc cùng một lúc. Ông HK giải thích cho tôi hiểu, con sóc là con vật bé bỏng, lại chạy nhanh khủng khiếp. Bắn trúng một con đã khó, huống hồ bắn hạ cả hai con cùng một lúc. Lý do là khi bắn trúng con thứ nhất, con thứ hai sẽ chạy mất tăm hơi ngay, lấy đâu mà nhắm bắn.
Với tài bắn súng thiện nghệ như vậy, tên Vân sẽ bắn chết tôi dễ dàng, nếu tôi chạy trốn. Dù cho tôi có bị bắn bị thương đi nữa, thì tôi cũng sẽ bị chúng bắt lại và sẽ phải chịu nhiều cực hình tra tấn. Vì thế, tôi nghĩ, cách duy nhất để tôi có thể trốn thoát, là tôi phải làm cách nào để cho tên Vân không bắn tôi, hoặc nếu có bắn, y sẽ có những tích tắc ngập ngừng, không muốn bắn trúng tôi. Để làm được điều đó, tôi thấy phải làm cả hai cách. Một là tôi phải tạo tình thân với y qua quà cáp và trò chuyện. Điều này tôi đã và đang làm. Hai là tôi phải tìm cách đánh đòn tâm lý qua những câu chuyện, để qua đó, tôi cho y có ý tưởng tôi thuộc loại "con ông cháu cha" có "gốc bự" đang làm cho VC. Mà đối với một tên công an người Nùng ở Đông Hà, "gốc bự" phải là một nhân vật có thật, nhân vật đó không thể ở đâu xa, mà phải ở ngay tỉnh Quảng Trị.
Nhờ trò chuyện với ông HK, tôi biết được tên của trưởng ty công an Quảng Trị lúc đó họ Nguyễn, tên là gì thì lâu ngày quá tôi không còn nhớ, nên tôi tạm gọi là X. Đợi dịp thuận tiện, tôi hỏi Vân:
- Thưa cán bộ tôi muốn hỏi cán bộ một câu?
Tên Vân gật đầu không nói.
- Thưa cán bộ có biết ông X?
Tên Vân vừa nhồm nhoàm nhai bánh vừa hỏi lại:
- X nào?
- Thưa ông Nguyễn Hữu X, trưởng ty công an nhân dân tỉnh Quảng Trị...
Vân ngừng nhai, trợn mắt nhìn tôi, ngạc nhiên hỏi:
- Nguyễn Hữu X trưởng ty công an nhân dân tỉnh Quảng Trị? Sao tôi không biết. Thủ trưởng của tôi mà. Mà làm sao anh biết ổng?
Không trả lời thẳng câu hỏi của Vân, tôi tỏ vẻ ái ngại, lo sợ, rồi rụt rè nói nhỏ với tên Vân:
- Nói thật với cán bộ, tụi tôi dại dột nghe người ta xúi dại đi vượt biên. Bây giờ bị bắt, bố tôi tôi không sợ, tôi chỉ sợ chú X thôi.
Vân kéo vạt áo lên chùi mép, rồi hỏi tôi giọng có vẻ tò mò:
- Anh là ai mà dám gọi ông X là chú?
Thú thực, tôi không biết gì về X. Qua chuyện trò với ông HK, tôi chỉ biết X là trưởng ty công an, có một vợ, hai con. Có vậy thôi. Chính ông HK cũng không biết gì hơn về X. Nay tôi đánh liều đi nước cờ này, để Vân tưởng tôi và ông X có quan hệ ruột thịt. Nhưng nếu không cẩn thận, Vân biết rõ về X hơn tôi, hỏi tới mấy câu, thì tôi đâu biết trả lời làm sao. Như vậy, mọi chuyện đổ bể, tôi càng kẹt, và mối quan hệ giữa tôi và Vân được bồi đắp trên đường đi sẽ bị sụp đổ. Nghĩ vậy, tôi không chính thức nhận X là chú, và cũng không trả lời thẳng câu hỏi của Vân, mà chỉ nói nước đôi:
- Chú X đã nhiều lần bảo tôi, bây giờ đã giải phóng, đất nước đã thống nhất thì phải lo mang công sức ra để cống hiến cho cách mạng chứ đừng có dại dột vượt biên đi theo đế quốc nữa...
Tên Vân gật đầu đồng ý:
- Đúng như vậy. Tuổi của anh còn trẻ, tại sao anh không ở lại phục vụ cách mạng có phải anh có tương lai tươi sáng không nào.
Nói đến đó, Vân nhìn tôi bán tín bán nghi:
- Nhất là khi anh lại có chú làm lớn trong ngành công an...
Tôi giả bộ ăn năn hối hận:
- Tôi nói, biết cán bộ không tin, nhưng không nói thì lòng áy náy vô cùng. Thú thực với cán bộ, ngay hôm tôi bị bắt ở Đông Hà, tôi cứ tưởng mình bất hạnh. Nhưng trong suốt mấy tuần qua, nằm vắt tay lên trán, nghĩ đi nghĩ lại, tôi mới thấy mình bị bắt như vậy đâm ra lại may mắn, vì có bị bắt, tôi mới có cơ hội nhận ra mình vượt biên là sai lầm. Vì vậy, tôi chỉ mong sao cán bộ đừng cho chú X của tôi biết là tôi vượt biên bị bắt, kẻo chú biết, chú rầy la thì tôi sợ lắm...
Công an Vân nhìn tôi có vẻ thương hại, nói:
- Anh yên tâm đi. Danh sách những người vượt biên giải giao đi lao Thừa Phủ sẽ trình lên bộ nội vụ, nên công an tỉnh không hề hay biết gì chuyện này.
Nhìn vẻ mặt, thái độ và nghe câu nói của Vân, tôi rất mừng. Ít ra, Vân cũng tin tưởng phần nào, tôi là cháu của X. Như vậy, khi tôi chạy trốn, nếu Vân có định bắn tôi, y cũng phải ngần ngừ một hai tích tắc. Và biết đâu, một hai tích tắc đó, sẽ cứu tôi thoát nạn? Cho đến nay, tôi không biết sự thực, Vân đã suy nghĩ gì khi nổ mấy phát súng lúc tôi chạy trốn trên đường phố Huế cách lao Thừa Phủ có vài trăm thước, nhưng quả thực, không một viên đạn nào trúng tôi. Nhờ vậy, tôi đã trốn thoát, rồi được người khác giúp đỡ, gọi xe ôm ra Huế, và đáp tàu chợ trở lại Biên Hoà ngay tối hôm đó.... (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 9/28/2007 10:38:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Tôi Tìm Tự Do (kỳ 70)

<< Trở Lại Trang Đầu

Hữu Nguyên

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.


*

(Tiếp theo...)

Bữa cơm tối hôm đó, chúng tôi đều im lặng ngồi ăn, không ai nói với ai một lời. Ông HK nhìn tôi rồi gật gù như gói ghém một ý nghĩa gì đó. Lúc đó tôi không biết ông gật gù như vậy là có ngụ ý gì, nhưng nhìn vẻ mặt hớn hở của ông, tôi đoán, ông coi chuyện tên thiếu uý Biển đánh H là một điều may mắn cho chuyến vượt ngục của chúng tôi. Lúc đó, tôi cũng có ý nghĩ như ông. Nhưng sự thực đã diễn ra hoàn toàn trái ngược...
Như thường lệ mọi khi, ăn cơm xong, chúng tôi được ở lại nửa tiếng bên ngoài để rửa ráy chén đũa và vệ sinh cá nhân, trước khi bị nhốt vô trong lán. Trong lúc rửa ráy chén đũa, ông HK kín đáo quan sát chung quanh rồi nói nhỏ với tôi:
- Thằng H ăng ten, chuyên chỉ điểm cho tụi nó. Nay nó bị thằng Biển đánh cũng đáng kiếp chó săn.
Tôi băn khoăn hỏi:
- Nhưng tại sao H bị nó đánh mới được chứ?
Ông HK trầm ngâm một chút, rồi thở dài:
- Thì chắc là chỉ điểm sai trật thế nào đó, nên bị tụi nó đập thôi. Mà chuyện đó đâu có quan trọng. Để ý đến nó làm gì.
Cẩn thận liếc nhìn chung quanh, ông HK tiếp:
- Dù sao đi nữa, nó bị đập thì càng dễ cho tụi mình lôi kéo nó vượt ngục theo...
Ngay lúc đó HV từ trong lán chui ra. Nhìn ông HK, HV lắc đầu không nói. Tôi hiểu, HV đã vô trong lán tìm cách khai thác nhưng không khai thác được H điều gì.
Tối hôm đó, mấy đứa chúng tôi tận tình lo chăm sóc, bóp dầu, đấm bóp cho H. Đến khi đi ngủ, ông HK đổi chỗ, nằm cạnh H thì thầm suốt đêm. Tôi nằm cách xa H, trằn trọc không ngủ. Tuy không nghe rõ ông HK nói gì, nhưng tôi biết, ông đang thuyết phục H đồng ý vượt ngục cùng. Trong lòng, tôi cầu mong ông thành công, nhưng không hiểu sao linh tính khiến tôi bồn chồn lo lắng, cho đến gần sáng tôi mới chìm vào giấc ngủ chập chờn đầy ác mộng.
Ngay khi nghe tiếng kẻng báo thức, tôi giật mình thức giấc. Đầu nhức như búa bổ, miệng đắng nghét, nhưng tôi vội quay nhìn ông HK. Tôi muốn qua nét mặt của ông, đoán biết phần nào kết quả của buổi nói chuyện tối hôm qua. Ông nhìn tôi gật đầu, miệng mỉm cười. Tôi mừng quá, nhưng trong lòng vẫn lo vì tôi nhớ tới lời hét tàn nhẫn của tên Biển, "Sáng mai mày sẽ biết tay tụi tao, H ạ". Nếu sáng hôm nay tên Biển lôi H đi "làm việc" để cho H "biết tay tụi nó" thì khi một mình H phải đối diện với bầy sói, chắc chắn H khó có thể giữ kín được âm mưu vượt ngục của tụi tôi. Trận đòn thù khủng khiếp đối với H có thể khiến cho H thêm căm ghét CS, nhưng biết đâu nó cũng có thể khiến H thêm sợ hãi, sẵn sàng cung khai cho CS biết những gì H biết để "chuộc tội" điểm chỉ lầm.
Nhìn sang H thăm dò, tôi chỉ thấy H cúi đầu, vẻ ngượng ngùng xa cách. Thái độ của H khiến tôi càng thêm lo ngại. Kinh nghiệm cho tôi thấy, một người khi đang có những toan tính hại những người đồng cảnh ngộ, người đó thường né tránh những người chung quanh, nhất là mắt của người đó thường không dám nhìn thẳng. Nhưng trong hoàn cảnh lúc đó, tôi đâu có thể làm gì H ngoài lòng mong mỏi, tôi đã nghĩ sai, đoán sai về H.
Ngồi bó gối trong lán chờ mở cửa đi lao động, lòng tôi bồn chồn lạ lùng. Liếc nhìn H, tôi thấy H vẫn ngồi im, đầu cúi gằm. Tất cả mọi người, kể cả ông HK cũng im lặng. Không khí trong lán thật ngột ngạt nặng nề.
Khoảng 10 phút sau, tên công an đến mở cửa lán. Mọi người lần lượt chui ra khỏi lán, lặng lẽ xếp hàng, chuẩn bị đi lao động. Chúng tôi vừa đứng thành hàng xong, chờ mấy tên công an, bộ đội đến dắt đi lao động, thì tên Biển từ trên thềm đá đi thẳng đến trước mặt H, gằn giọng nói ngắn gọn:
- Đi theo tao.
Nói xong, tên Biển quay lưng đi thẳng về khu doanh trại.
Tên H quay qua ngó trộm chúng tôi rồi lặng lẽ đi theo tên Biển. Chúng tôi không ai bảo ai đều lạnh gáy vì lo sợ. Rõ ràng, thái độ của tên H khi đi theo tên Biển báo hiệu điềm lành ít dữ nhiều cho chúng tôi.
Sáng hôm đó, khi đến đồng lúa cạn làm việc, chúng tôi đều bồn chồn lo lắng. Mọi người nhìn nhau lo ngại không sớm thì muộn phong ba bão táp sẽ tới với chúng tôi. Quả nhiên, làm việc đến gần trưa, bỗng dưng chúng tôi thấy hai toán bộ đội từ trên doanh trại đi thẳng tới chỗ chúng tôi làm. Một toán bọc cách trái, một toán bọc cánh phải. Trong chớp mắt, hơn chục tên bộ đội đã bao vây chúng tôi vô giữa. Tất cả các tên bộ đội đều trang bị súng AK-47 ở tư thế sẵn sàng nhả đạn. Khi toán bộ đội đã bao quanh chúng tôi trong đội hình bao vây, sẵn sàng trong tư thế "xử lý" chúng tôi tại chỗ, tên Biển mới xuất hiện. Chúng tôi đứng lặng yên trong tâm trạng sợ hãi. Lúc đó chúng tôi biết chắc, tên H đã khai hết mọi chuyện, nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn còn le lói hy vọng, mọi chuyện không phải như vậy.
Nhìn những gương mặt ngơ ngác của chúng tôi, tên Biển gật gù khoái trá. Đi đi lại lại trên bờ ruộng, y hắng giọng hai ba lần đầy vẻ thích thú trong tâm trạng của một con mèo đang vờn chuột. Cuối cùng, y gọi tên tất cả những người trong lán của chúng tôi và ra lệnh ngưng làm, lên bờ. Đến lúc này thì chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa về sự phản bội của tên H. Tôi thở dài chán nản bước lên bờ ruộng rồi ngồi phịch xuống cỏ.
Ngay sau đó, toán bộ đội còng tay tất cả chúng tôi và áp tải về lán mà không hề nói một lần. Vô lán, chúng tôi vẫn bị còng tay, và ngoài cửa lán bỗng dưng có hai tên bộ đội đeo súng AK-47 đứng gác với chó bẹc giê. Nhìn cảnh đó tôi càng ngao ngán thất vọng.
Trưa hôm đó, chúng tôi bị bỏ đói. Mãi đến chiều tối, chúng tôi mới được tháo còng và cho ăn mỗi người một miếng bánh mì luộc, một chén canh rau muống, mặn chát, chỉ thấy nước mà không thấy rau. Giữa lúc đang đói khát và chán nản, bỗng dưng trông thấy tên Biển đi ngang qua, tôi vội vã la lớn:
- Báo cáo cán bộ?
Tên Biển nhìn vô nạt:
- Chuyện gì?
Tôi làm bộ thiểu não:
- Từ sáng đến giờ chúng tôi chỉ mới được ăn có một bữa...
Tôi chưa nói hết câu, tên Biển cấm chiếc dùi cui đập đánh sầm vào cửa lán rồi chửi:
- Đ.M. bây, câm ngay cái họng thối tha tụi bây lại. Cho tụi bây ăn no để tụi bây trốn trại sao?
Tôi giật bắn người, kịp giật hai bàn tay lại phía sau. Thiệt hú vía, vì chỉ một ly nữa, là chiếc dùi cui của tên Biển đã đập nát mấy ngón tay của tôi.
Sau khi chúng tôi ăn xông, tên Biển lại ra lệnh còng tay tôi và T. Còn những người khác thì không bị còng. Tối hôm đó, tôi và T phải nằm ngủ trong tư thế tay bị còng, đau đớn thê thảm. Trong hoàn cảnh bi đát đó, ông HK vẫn thản nhiên không một vẻ bi quan chán nản. Đến nửa đêm ông lồm cồm bò lại gần tôi và bảo:
- Chú mày liệu mà lo lấy thân. Một vài hôm nữa, thế nào tụi nó cũng giải băng đảng chú mày về lao Thừa Phủ đó.
Tôi giật mình hỏi:
- Lao Thừa Phủ?
Ông HK hỏi nhỏ:
- Chú mày biết lao Thừa Phủ không? Ở Huế đó. Do tụi Nhật xây từ thời đệ nhị thế chiến lận. Kiên cố lắm. Ai vô đó rồi là mọt gông, cũng không tài nào trốn được.
Tôi hoảng sợ, nhưng vẫn cố vớt vát:
- Sao chú biết là tụi nó sẽ giải chúng tôi về lao Thừa Phủ trong vài ngày nữa?
- Thì tôi ở đây cả mấy năm rồi, tôi đâu có lạ gì. Tù vượt biên, chúng nó chỉ cho tạm giam ở đây vài tháng rồi giải về lao Thừa Phủ để cho tỉnh đội nó giải quyết.
Tôi thắc mắc:
- Sao chúng không giải chú về lao Thừa Phủ?
- Tụi tôi khác. Tụi tôi là người địa phương, có bị giam ở đây lâu, chúng mới kiếm chác được. Vả lại, chúng muốn tống tụi tôi đi thì cũng phải vuốt mặt nể mũi, ớn ớn họ hàng tụi tôi ở đây khắp chung quanh đây nữa chớ.
Suy nghĩ một lát, tôi lại hỏi:
- Chú bảo tụi nó giam người vượt biên vài ba tháng. Sao tụi tôi mới bị giam có vài tuần, chúng đã cho chuyển về lao Thừa Phủ?...
Ông HK hắng giọng rồi nói:
- Bình thường thì tụi nó giảm từ ba đến sáu tháng. Nhưng nay thấy chú mày rủ rê người khác trốn trại, nên chúng nó sợ giam chú mày ở đây lâu dễ có biến, nên giải giao về lao Thừa Phủ cho yên tâm.
Tôi thở dài ảo não. Thấy tôi như vậy, ông HK cười nhẹ:
- Chú mày trông mặt non choẹt, bấm ra sữa, thì cái tội vượt biên nhẹ hều. Về lao Thừa Phủ chỉ vài tháng là tụi nó thả chú mày về liền à. Có gì đâu mà phải thở dài.
Tôi lặng im không nói, vì biết ông nói không sai. Chỉ có điều ông không biết rõ hoàn cảnh bi đát của tôi lúc đó, nếu về đến lao Thừa Phủ, không sớm thì muộn, VC sẽ biết rõ tôi là ai, và khi đó, tôi sẽ bị tù mọt gông, thậm chí có thể bị tử hình. Nghĩ đến đó, nước mắt tôi giàn giụa. Tôi khóc âm thầm trong đêm tối... Cho đến khi mệt quá, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Tiếng đập thình thình vào cửa khiến tôi giật mình thức giấc. Nhìn ra ngoài, trời vẫn còn tối đen như mực. Trong ánh đèn bấm loang loáng, tiếng tên công an hét lên the thé ngay trước cửa:
- Nguyễn Hữu Chí?
Tôi lồm cồm ngồi dậy, chưa kịp nói, thì ánh đèn bấm chiếu thẳng vào mặt. Tên công an lại hét lên:
- Nguyễn Hữu Chí?
Tôi vội vàng trả lời, giọng run lên:
- Báo cáo cán bộ, có tôi.
Tên công an hét tiếp:
- Nguyễn V.T.
T lúng túng lên tiếng:
- Báo cáo cán bộ, có tôi.
Tên công an quét ánh đèn bấm về phía T. Y hắng giọng hét tiếp:
- Hai anh có 30 phút chuẩn bị để chuyển trại.
Nói xong, tên công an quay sang lán của cháu gái tôi là H, báo cho H biết lệnh chuyển trại trong vòng 30 phút.
Nghe tên công an hét xong, tôi vô cùng bàng hoàng. Thiệt không ngờ ban chỉ huy trại lại quyết định bắt chúng tôi phải chuyển trại cấp kỳ đến như vậy. Vì lúc đó, tôi và T tay bị còng, nên không có cách nào chuẩn bị được đồ đoàn của mình. Ông HK vội bảo mấy người thu xếp đồ đạc rồi nhét vô ba lô cho chúng tôi.
Qua trò chuyện với ông HK, tôi biết, đường đi từ Đông Hà về đến lao Thừa Phủ chỉ nội trong ngày. Lúc đó tôi cũng biết chắc, một khi về đến lao Thừa Phủ, tôi sẽ vô phương trốn thoát, nên tôi đã quyết tâm, ngày hôm nay, trên đường từ Đông Hà về đến lao Thừa Phủ tôi sẽ phải trốn thoát bằng mọi giá. Ngày hôm nay, tôi phải chọn trong hai con đường. Một là tôi trốn thoát. Bằng không, tôi thà bị bắn chết trên đường tháo chạy. Bằng mọi giá, tôi sẽ nhất quyết không để cho mình bước chân vào lao Thừa Phủ. Ngày hôm nay sẽ là ngày định mệnh của tôi. Tôi thầm cầu nguyện Chúa, Phật và tất cả những đấng linh thiêng trên con đời này....
Cũng vì quyết tâm vượt thoát như vậy, nên khi X buộc giây giầy cho tôi, tôi đòi X buộc lại giây giầy cho tôi ba lần, lần sau chặt hơn lần trước. X cũng ngạc nhiên khi thấy tôi đòi như vậy, nên khi tôi đòi hỏi buộc lại lần thứ ba, X ngần ngừ không chịu. Ông HK nghe lời năn nỉ van nài của tôi, chắc hiểu được ý tưởng liều lĩnh của tôi, nên ông đẩy X sang bên, rồi chính tay ông buộc giây giầy cho tôi. Buộc xong, ông ghé tai tôi nói nhỏ, "Chúc chú mày may mắn".
Không đầy 3 phút sau, ánh đèn bấm loang loáng từ phía doanh trại đi xuống. Nhìn ra ngoài trời tối đen, tôi thấy có gần chục chiếc đèn bấm rọi chiếu loạn xạ. Khi đến gần, tôi thấy có tên Biển đi đầu, rồi bốn tên công an áo vàng đeo súng ngắn, và bốn tên bộ đội đeo súng AK-47. Bốn tên công an thì nét mặt lạnh lùng, súng để nguyên trong bao. Còn bốn tên bộ đội đeo súng AK-47 thì đều để súng trong tư thế sẵn sàng nổ súng... (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 9/28/2007 10:36:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 67)

Bài Viết Đăng Nhập vào: Saturday, September 01, 2007

<< Trở Lại Trang Đầu

Hữu Nguyên

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Qua kiếng chiếu hậu của chiếc xe đò, tôi thấy người tài xế thỉnh thoảng nhìn về phía chúng tôi, ánh mắt đầy vẻ xa lạ, né tránh. Cậu lơ xe thì vừa nhìn ra đường, vừa hát nghêu ngao bài "Trường sơn đông, Trường sơn tây". Trong xe, bầu không khí thiệt nặng nề. Cả ba chúng tôi đều im lặng vì không biết nói với ai và nói gì. Khi thấy một vài nóc nhà hiện lên dọc đường, báo hiệu gần tới thị trấn Đông Hà, người tài xế quay lại gọi cậu lơ xe tới gần rồi nói nhỏ với cậu điều gì đó. Cậu lơ xe gật gật đầu, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn trộm chúng tôi. Tuy không biết người tài xế nói gì với cậu lơ xe, nhưng xem thái độ của hai người, tôi biết điềm này lành ít dữ nhiều. Biết vậy, nhưng tôi đâu biết làm gì, đành thúc thủ chờ đợi.
Xe chạy vô bến Đông Hà lúc trời vừa chập choạng tối. Xe chưa kịp dừng bánh hẳn, đã thấy cậu lơ xe nhảy khỏi xe, chạy vội vã về phía căn nhà nhỏ nằm cuối bến xe. Khi xe dừng bánh, chúng tôi lần lượt đứng dậy, đi về phía trước xe để xuống. BH, T và tôi đều cất tiếng chào người tài xế, nhưng ông chỉ gật đầu không đáp. Khi chào ông, tôi nhìn thẳng vô mặt ông, như muốn ngấm ngầm trao gửi cho ông một câu hỏi, một lời trách móc, nhưng ông né tránh.
Vừa bước xuống xe, một cơn cuồng phong cuốn theo không biết bao nhiêu cát bụi thổi thốc vào mặt. Chúng tôi phải quay người, nép vào thành xe chống đỡ. Vậy mà mặt mũi miệng, vẫn thấy đầy cát. Đưa mắt quan sát chung quanh, dù lúc đó trời đã chập choạng tối, nhưng tôi vẫn thấy cả bến xe chỉ có hai chiếc xe đò, kể cả chiếc xe vừa chở chúng tôi tới. Phía bên trái của bến xe có vài chiếc quán siêu vẹo, tất cả đều đóng cửa. Nằm về phía bên phải của bến xe có một căn nhà bằng gạch, cửa tuy đóng, nhưng qua cửa sổ, tôi thấy có ánh đèn. Tôi đoán, đó vừa là trạm kiểm soát, vừa là trạm bán vé, và cậu lơ xe nghe lời tài xế đã chạy vô trong đó báo cáo về "3 người khách khả nghi chúng tôi" trên xe. Như vậy, tôi đoán, không sớm thì muộn, công an bộ đội sẽ xuất hiện kiểm tra giấy tờ và bắt giữ tụi tôi.
Lòng đầy lo ngại, tôi nói nhỏ với BH và T, "Chúng mình phải đi lẹ lẹ lên. Tụi nó sắp đến tóm cổ mình rồi đó!" Nghe vậy BH vội run lên, hai tay níu chặt tay Tuấn, thảng thốt hỏi tôi:
- Vậy mình phải làm sao bây giờ cậu?
T cũng hoảng hốt không kém. Đưa mắt nhìn chung quanh, T bồn chồn:
- Bây giờ đi đâu đây cậu?
Nhìn thấy BH lúng túng với chiếc ba lô cồng kềnh, tôi giằng lấy đeo lên vai, rồi vừa rảo bước vừa nói:
- Đi theo tôi ra khỏi bến xe này đã rồi tính...
BH ríu ríu đi theo tôi. T đi sau cùng. Không ngoái đầu lại, tôi nói:
- Cứ lặng lẽ đi theo tôi. Đừng nhìn ngang nhìn ngửa gì cả. Cũng đừng nói chuyện gì hết. Tụi nó trong căn nhà kia đang theo dõi mình đấy...
Nói xong, tôi nghĩ những lời mình nói có thể làm cho BH và T hoảng hốt. Mà sự hoảng hốt trong lúc này thiệt vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, tôi vội trấn an bằng một câu đầy mâu thuẫn với câu trước:
- Cứ yên tâm từ từ đi. Cố đi một đoạn ngắn trên đường lộ, rồi mình chuồn vào rừng. Trời tối thế này, chúng sẽ không kiếm ra mình đâu.
Đường xuyên biên giới từ Đông Hà sang Lào tuy là quốc lộ nhưng nhỏ, dốc, băng qua nhiều đồi, núi và dòng suối. Ngay khi ra khỏi bến xe, đi được một đoạn đường vài trăm thước, chúng tôi đã phải đổ dốc. Xuống đến chân dốc gặp một đoạn suối chảy băng ngang. Tuy nước suối chỉ xâm xấp ngập mặt đường khoảng một gang tay, nhưng vì mặt đường làm bằng những tảng đá lởm chởm, ngay cả xe hơi đi qua cũng phải nghiêng ngửa, nên chúng tôi bước đi rất khó khăn. Nhất là BH, một cô gái sinh ra và lớn lên ở Sàigòn, học trường đầm, chưa bao giờ gặp hoàn cảnh này, nên rất lúng túng và sợ hãi. Dù không phải mang ba lô trên vai, lại được T. đi bên cạnh giúp đỡ, BH vẫn vừa đi nghiêng ngửa, té lên tế xuống, vừa kêu lên những tiếng thảng thốt... Phải mất gần 10 phút đồng hồ, chúng tôi mới vượt được dòng suối cạn khoảng hai chục thước, sang được đến bên kia bờ an toàn. Đến đây, chúng tôi lại phải gặp khó khăn thứ hai là leo dốc. Dốc không dựng đứng, nhưng xiên xiên cả một chiều dài gần 300 thước, khiến chúng tôi muốn ngộp thở. Lúc đó trời đã tối hẳn, nhưng nhìn ra hai bên đường, tôi thấy không có chỗ nào thuận tiện để có thể chui vô ẩn nấp. Tôi tính thầm trong bụng, chờ lên đến đỉnh dốc, có được tầm quan sát chung quanh, định được phương hướng rõ ràng, lúc đó chúng tôi sẽ phải tạt vô rừng càng sớm càng tốt. Chứ ba người cứ đi dọc theo đường lộ này, không sớm thì muộn sẽ bị tụi bộ đội công an biên phòng bắt giữ.
Tôi không ngờ khi leo dốc, BH và T lại gặp nhiều khó khăn. Vì đi bộ không quen, lại phải leo dốc, trời lại tối, nên đoạn dốc chỉ khoảng 300 mét, nhưng phải mất gần 20 phút đồng hồ, chúng tôi mới leo được tới đỉnh dốc. Để BH và T ngồi nghỉ mệt, tôi âm thầm quan sát chung quanh. Trước mắt tôi, con đường dốc hiện ra mờ mờ, báo hiệu chặng đường sắp tới sẽ càng ngày càng dốc, càng nguy hiểm. Đi ngoài đường quốc lộ, gặp dốc còn khó khăn vất vả như vậy, đi trong rừng gặp dốc chắc chắn sẽ còn khó khăn vất vả gấp bội. Dọc theo hai bên đường, tôi thấy thấp thoáng những ánh đèn leo lét, nằm rải rác. Đó có thể là nhà dân, nhưng cũng có thể là nhà của công an, bộ đội đóng tại Đông Hà. Nghĩ đến những người dân đi trên xe đò lúc trước, tôi thầm nhủ, ngay cả biết chắc một trong những ngôi nhà ven đường là nhà dân đi nữa, chúng tôi cũng không dám chui vô gõ cửa xin tá túc. Tình thế này, chúng tôi phải đi bộ ít nhất một, hai cây số dọc theo đường quốc lộ, rồi mới nghĩ đến chuyện tạt vô rừng ẩn nấp.
Quay sang BH và T, tôi hỏi nhỏ:
- Sao đã đỡ mệt chưa?
BH chán nản, năn nỉ:
- Mệt quá cậu ơi. Cho tụi cháu nghỉ chút nữa đi.
T lồm cồm đứng dậy, hỏi tôi:
- Sao mình không tạt vô rừng nghỉ ngơi một vài giờ rồi hãy đi, cậu?
Tôi trả lời, giọng khuyến khích:
- T. nói đúng lắm. Chúng mình chịu khó đi bộ khoảng nửa cây số nữa rồi tạt vô rừng nghỉ ngơi. Chỗ này toàn nhà ở hai bên đường, không biết là nhà dân hay nhà công an bộ đội, nếu mình tạt vô họ sẽ nghi ngờ, báo động tùm lum nguy hiểm lắm. Thôi BH chịu khó đứng dậy, đi cố một đoạn nữa đi...
BH uể oải đứng dậy. Nhìn BH tôi xót xa. Trong bóng tối, dưới ánh sao, tôi thấy cặp mắt của BH long lanh. Tôi đoán, cháu đã khóc. Khóc vì mệt nhọc lo sợ, vì tủi thân, vì không biết số phận của mình sẽ đi về đâu, giữa quang cảnh âm u của núi rừng. Tôi muốn nói vài lời an ủi, động viên BH, nhưng sợ BH thêm xúc động, đau lòng, nên tôi quay mặt, cố nén tiếng thở dài, rồi mệt nhọc cất bước...
Đi được khoảng hai trăm thước, trong lòng tôi đã khấp khởi mừng thầm, vì cho đến giờ, tôi vẫn không thấy dấu hiệu gì nguy hiểm như tôi thoạt lo ngại khi xuống xe. Cứ theo lẽ thường, sau khi được cậu lơ xe thông báo, công an bộ đội VC phải ra tay bắt giữ chúng tôi từ lâu mới phải, vì chúng tôi ba người, đều không có một tấc sắt trong tay. Giữa lúc tôi đang hy vọng một cách mong manh như vậy, bỗng nhiên từ phía trước, ở hai bên đường, một loạt hàng chục ánh đèn bấm loang loáng rọi thẳng về phía chúng tôi. Một tiếng hét thiệt lớn, lơ lớ giọng người thiểu số, vang lên trong đêm tối:
- Đứng "nại"!
Kèm theo tiếng hô là tiếng lên đạn lách cách. Tôi giật mình, điếng người. Thoáng nhìn, tôi biết ngay tình thế này không tài nào tẩu thoát. Khoảng hơn chục chiếc đèn bấm chiếu thẳng vào mặt chúng tôi. Như vậy, phải có ít nhất hơn chục tên công an, bộ đội với đầy đủ súng ống đang chặn đường chúng tôi. Sợ BH hay T vì hoảng hốt lúng túng, dễ có hành động liều mạng, hoặc có cử chỉ làm cho mấy tên công an hiểu lầm, gây nguy hiểm đến tính mạng, nên tôi vội nói nhỏ, "Mình đứng lại đi, đừng sợ!"
Tiếng hét thứ hai lại vang lên, cũng lơ lớ giọng người thiểu số:
- Giơ tay "nên"!
Chúng tôi vội vã giơ tay. Những ánh đèn bấm lúc này vẫn loang loáng chiếu rọi lung tung. Chiếc thì chiếu vào mặt chúng tôi, chiếc thì chiếu lên người, chiếc thì chiếu sang chung quanh, quét ngang quét dọc.
Người "thiểu số" lại hét lên:
- Tất cả đứng im. Cấm nhúc nhích. Đồng chí X và đồng chí Y (tôi không nhớ tên nên tạm gọi như vậy) vô giải giới và tịch thu tang vật.
Nghe y hô vậy, tôi đang hoảng hốt lo sợ mà cũng phải bật cười. Sự thực, ai cũng nhìn thấy rõ chúng tôi đâu có mang theo vũ khí gì đâu mà sao y lại hô đòi đòi giải giới chúng tôi?
Hai tên X và Y bước lại. Cả hai đều không có súng. Khi đến cách tôi khoảng ba thước, tên X ra lệnh cho tôi bước về phía tay phải năm bước. Thì ra chúng rất khôn ngoan, trước hết, chúng không mang theo súng khi lại gần là để tránh tình trạng chúng tôi có thể liều mạng cướp súng. Sau đó, chúng bắt tôi đứng cách xa BH và T để khi "giải giới" tôi, BH và T không thể lợi dụng để có những phản ứng bất lợi. Về sau này, tôi mới được anh em trong trại tù Đông Hà cho biết, lực lượng canh phòng suốt từ Đông Hà về đến biên giới là lực lượng hỗn hợp thuộc bộ đội quốc phòng và công an biên phòng. Vì vậy, lực lượng này đều có kinh nghiệm trong việc đối phó và bắt giữ những người chống đối, cũng như người vượt biên.
Sau khi gỡ chiếc ba lô ra khỏi vai của tôi, tên X và Y trói tôi giật cánh khuỷu bằng sợi dây dù. Không đầy 5 phút sau, T cũng bị trói tương tự. Riêng BH có lẽ vì là con gái, nét mặt rất ngây thơ, nên không bị trói. Như vậy là một lần nữa, tôi lại bước vào vòng tù tội.
Cho đến lúc đó, tất cả những tên bộ đội công an không hề hỏi giấy tờ của chúng tôi và cũng không hỏi chúng tôi đi đâu, làm gì, tại sao lại đến đây, vân vân. Ngược lại, chúng tôi cũng lẳng lặng để cho chúng trói, tịch thu đồ đạc mà không hề hỏi ngược lại chúng, tại sao lại bắt trói, tịch thu đồ đạc của chúng tôi.
Hành động ngang ngược của tụi công an, bộ đội; và thái độ im lặng chấp nhận của chúng tôi là điều dễ hiểu. Công an bộ đội VC đã biết rõ chúng tôi đang trên đường vượt biên, và chúng tôi cũng biết rõ điều đó. Vậy thì cãi lộn với chúng chẳng thể xoay chuyển được tình thế, mà còn tạo nguy hiểm cho chính mình. Tốt nhất là im lặng như đã bàn bạc với nhau.
Đúng ra, trước khi lên đường vượt biên, tôi đã bàn rất kỹ với BH và T về những kế hoạch đối phó khác nhau nếu chẳng may bị bắt ở những nơi khác nhau. Chúng tôi đã đồng ý, nếu như bị VC hạch hỏi giấy tờ hay bị bắt ở bến xe, trạm kiểm soát dọc đường, chúng tôi còn có thể dùng giấy tờ giả cộng với những lời khai khôn khéo để qua mặt. Còn từ Đông Hà trở đi, mọi giấy tờ giả đều vô hiệu, nên chúng tôi đồng ý huỷ hết giấy tờ giả, và chấp nhận, nếu bị bắt, chúng tôi sẽ tỏ ra ngây thơ và "thành khẩn nhận tội vượt biên" ngay từ đầu. "Ngây thơ và thành khẩn nhận tội" như vậy, chúng tôi có được mấy điều lợi. Một, chúng tôi sẽ tạo cho công an bộ đội VC chủ quan, coi thường. Như vậy, khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng tôi sẽ trốn trại. Hai, chúng tôi sẽ không phải gặp khó khăn khi bị VC thẩm vấn điều tra. Như vậy, chúng sẽ khó lòng phát hiện ra lý lịch và tội trốn trại của tôi, ít nhất là trong thời gian đầu giam giữ tôi.
Sau khi trói tôi và T, tụi VC hơn chục đứa gồm cả người kinh lẫn người thiểu số, xúm xít giải chúng tôi về đồn công an biên phòng, cách đó khoảng một cây số. Trên đường đi, chúng đều cười nói hô hố, trong khi chúng tôi thì rầu rĩ vô cùng. Tôi tuy lo ngại cho cái quá khứ trốn trại của mình, không sớm thì muộn sẽ bị tụi VC phanh phui, nhưng vẫn còn cố giữ được vẻ điềm tĩnh. Riêng BH thì khóc xụt xịt, khiến tôi đau đớn, thương cho cháu vô cùng, nhưng không biết làm thế nào...
Đồn công an biên phòng Đông Hà là một dẫy nhà tranh chạy dài, được ngăn ra làm nhiều phòng, trông rất sơ sài, tiêu điều. Chúng tôi bị giải vô một căn phòng, trong chỉ có chiếc bàn bằng cây, ghế cũng bằng cây chậy dài, được đóng dính liền với bàn. Trên trần chỉ có một ngọn đèn khoảng 50w toả ra thứ ánh sáng vàng vọt yếu ớt.
Một tên bộ đội đeo lon đại uý, chỉ tay vào góc phòng, ra lệnh cho chúng tôi ngồi xuống đất. Hai tên bộ đội khác, mang 2 chiếc ba lô và chiếc túi xách của tôi để trên bàn. Kế đó, chúng lần lượt mở tung tất cả ba lô và túi xách, lấy ra tất cả mọi vật dụng để lên trên bàn. Một tên khác lấy giấy bút, rồi một tên nhặt từng món đồ, đọc to cho tên kia ghi xuống giấy. Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau, ghi chép xong, chúng lại bỏ tất cả mọi thứ trở lại ba lô và túi xách.
Ngồi trong góc phòng, chúng tôi bị muỗi đốt khắp cả người, nhất là mặt và hai bàn tay bị trói. BH không bị trói còn đỡ, còn tôi và T thì thật kinh hoàng, cả người luôn vặn vẹo, đầu xoay lắc liên tục, nhưng vẫn không thoát được cuộc tấn công dữ dội của cả đàn muỗi...
Sau khi bỏ hết đồ đạc vô trong ba lô, tên đại uý phẩy tay ra hiệu cho mấy tên bộ đội ra ngoài. Trong phòng chỉ còn lại có 3 tên. Tên đại uý chỉ tay vô băng ghế phía bên kia, rồi hướng về phía chúng tôi nói chỏng:
- Lại ngồi xuống đó.
Chúng tôi lần lượt đứng dậy bước về phía chiếc ghế rồi ngồi xuống. Tôi ngồi đầu bàn, kế đó là T, sau cùng là BH. Phía bên kia, tên đại uý đứng một chân còn một chân y đặt lên ghế. Hai tên bộ đội khác không đeo quân hàm đứng hai bên. Tên đại uý hỏi:
- Các anh vượt biên?
Chúng tôi im lặng.
Tên đại uý nhếch mép, đưa tay chỉ vô đống ba lô và túi xách của chúng tôi rồi cười khẩy:
- Tất cả những thứ này là bằng chứng đủ để buộc các anh tội vượt biên. Các anh vô phương chối cãi. Vì vậy, tốt nhất là các anh nên thành khẩn nhận tội để được đảng và nhà nước khoan hồng.
Chỉ vào mặt tôi, tên đại uý gằn giọng:
- Sao, anh có nhận tội vượt biên hay không?
Tôi thản nhiên gật đầu:
- Tôi nhận.
Tên đại uý mỉm cười đắc chí. Chỉ tay sang T., tên đại uý hỏi:
- Còn anh, có nhận tội không?
T gật đầu:
- Tôi nhận.
Quét ánh mắt cú vọ sang BH, tên đại uý hỏi:
- Còn chị thì sao?
BH xụt xịt gật đầu, không nói.
Tên đại uý gật gù đắc ý:
- Tốt, như vậy là các anh, chị đã tỏ ra thành khẩn nhận lỗi. Nhưng đó chỉ là bước đầu. Bây giờ tôi muốn các anh chị, mỗi người vô một phòng riêng để cung khai tất cả sự thật về chuyến vượt biên này. Các anh chị phải ghi rõ, họ tên, ngày tháng năm sinh, tên cha, tên mẹ, địa chỉ của mình, những gì các anh chị đã chuẩn bị cho chuyến vượt biên và vượt biên như thế nào, từ khi ra đi ở đâu, ngày giờ nào, cho đến khi các anh chị bị chúng tôi bắt. Nếu các anh chị khai đúng sự thực, ba người khai đều giống nhau, thì sẽ sớm được đảng và nhà nước khoan hồng, cho về với gia đình. Trái lại, nếu ngoan cố, các anh chị sẽ bị tù rục xương.
Nói đến đó, tên đại uý đập tay xuống bàn đánh rầm, làm cho chúng tôi giật nảy mình. Tôi không biết BH và T có giật mình thiệt hay không, riêng tôi, tôi giả vờ giật mình, với vẻ mặt sợ sệt. Đây là vai kịch tôi đã chọn và đóng trọn vẹn vai trò ngây thơ sợ hãi của mình trong suốt những ngày tháng bị giam tại Đông Hà, cũng như trên đường chúng tôi bị giải giao về Lao Thừa Phủ ở Huế. Nhờ vậy, sau này hai tên công an giải giao chúng tôi về Huế đã chủ quan, coi thường, tạo cho tôi có cơ hội chạy thoát ngay giữa thành phố Huế, khi chúng tôi cách Lao Thừa Phủ chỉ có không đầy 100 thước. (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 9/01/2007 07:59:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 69)

<< Trở Lại Trang Đầu

Hữu Nguyên

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Qua trò chuyện với những người tù địa phương, tôi biết được, trong quá khứ, họ hoặc thân nhân của họ, đều ít nhiều có dính dáng tới VC nên tất cả đều hiểu rõ bản chất của VC và không ưa gì VC. Có điều tất cả năm người đều không hề có ý định vượt biên. Để có thể thuyết phục được mọi người cùng vượt biên, tôi phải khéo léo gặp gỡ từng người, trò chuyện thăm dò và thuyết phục họ. Người đầu tiên tôi gặp gỡ là ông HK, 52 tuổi, người già nhất, có phong độ đàn anh nhất. Vì trong lán, ông HK có em trai là HV và X là cháu gọi ông bằng chú, nên tôi nghĩ nếu thuyết phục được ông cùng vượt biên, chắc chắn việc thuyết phục những người còn lại sẽ dễ dàng rất nhiều.
HK có một thân hình khôi vĩ, cao to lạ lùng. Ngồi trong lán, đầu ông đụng trần lán, nên ông thường phải khom lưng. Da ông ngăm ngăm nâu, xâm trổ đầy người. Bộ râu quai nón của ông xồm xoàm, tóc ông xoăn thành từng lọn dầy, xoã xuống hai bờ vai vuông, cổ của ông bự, toàn thân ông gân guốc, bắp thịt cuồn cuộn, trông rất uy vũ. Tôi nghe X cháu của ông nói, mấy chục năm trước, ông đã khét tiếng là người đi săn giỏi nhất và là người khoẻ nhất, từng chạy từ chân núi lên đỉnh núi nhanh nhất vùng Đông Hà.
Hôm đó chúng tôi phải ra ngoài trồng lúa, đến giờ trưa được nghỉ ăn cơm nửa tiếng, tôi ăn vội vàng cho xong rồi đến ngồi cạnh ông, tâm sự về cuộc đời của ông. Nghe ông kể xong chuyện ông chém chết vợ và tên công an, tôi hỏi ông:
- Tội của chú vậy chắc nặng lắm?
Ông gật đầu:
- Nặng lắm chớ. Tôi không bị tụi nó tử hình thì cũng bị chung thân. Chém chết hai mạng người không nặng sao được.
- Nhất là trong hai mạng đó có mạng một thằng công an?
Ông lắc đầu:
- Thằng đó "cách mạng 30" chớ công an gì nó. Nó mê vợ của tôi từ lâu, đến khi tụi VC về, nó chạy theo rồi dở trò mất dậy. Chứ trước kia, bố bảo nó cũng chả dám, chỉ đứng xa nhìn vợ tôi mà nhỏ rãi ra thôi.
Tôi nhẹ nhàng thăm dò:
- Nếu biết tội của chú nặng vậy, sao chú không trốn đi?
Ông ngạc nhiên:
- Trốn đi đâu?
- Thì trốn ra ngoại quốc.
Ông nghi ngờ:
- Ngoại quốc là quốc nào mới được chứ? Mà tại sao tụi ngoại quốc nó lại nhận mình? Nhận mình đâu có được ích gì.
Tôi liền giải thích ngắn gọn cho ông hiểu, nếu mình trốn ra ngoại quốc trong tư cách là người tỵ nạn chính trị thì sẽ được các quốc gia khác tiếp nhận và cho đi định cư ở quốc gia tự do như Mỹ, Canada, Úc... Tôi cũng kể cho ông biết hàng trăm ngàn người Việt đã vượt biên tỵ nạn hiện được định cư tại các quốc gia đệ tam. Nghe rồi, ông đăm chiêu cho biết:
- Chú mày nói vậy thì tôi biết vậy. Nhưng bỗng dưng mình tay trắng, chẳng có một thứ gì, đến quấy rầy họ mà họ nhận thì tôi thấy khó tin quá. Tôi ghét cộng sản thì ghét thật, nhưng bảo ghét như vậy là mình trở thành tỵ nạn chính trị thì nghe không lọt tí nào. Chính trị là mình phải nổi loạn, làm đảo chánh, chiếm đoạt chính quyền...
Tôi nói:
- Tỵ nạn chính trị nó có nhiều loại lắm chú ơi. Có loại nổi loạn, đảo chánh, lật đổ chính quyền, nhưng cũng có loại mình bị chính quyền sở tại trù dập, o ép, kỳ thị khiến mình mất tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, thì mình cũng có quyền xin tỵ nạn chính trị.
- Chú mày nói vậy thì cả cái Miền Nam này ai cũng là tỵ nạn chính trị được sao?
Tôi gật đầu:
- Chú nói đúng. Tụi VC nó xâm lăng Miền Nam, khiến mọi người bây giờ đều bị cộng sản nó đì, người thì phải đi vùng kinh tế mới, người bị bắt vô trại cải tạo, cuộc sống cực khổ, thiếu thốn, không được tự do thờ phụng, làm ăn, học hành, nên ai cũng có quyền xin tỵ nạn chính trị được. Vì vậy chú thấy đó, hễ ai trốn ra được ngoại quốc là đều được ngoại quốc người ta công nhận mình là tỵ nạn ráo trọi. Cái khó là mình có trốn ra được ngoại quốc để xin tỵ nạn hay không.
Ông gật gù:
- Ai trốn ra ngoại quốc thì khó, chứ với tụi này, chuyện đó dễ ợt.
Tôi ngạc nhiên:
- Chú nói sao mà dễ ợt?
- Thì ở đây dân chúng vẫn đi sang Lào buôn bán làm ăn, kể cả buôn đồ lậu như cơm bữa. Chui vào rừng, đi đường tắt chỉ nội một đêm là đến biên giới. Sang bên kia biên giới là Lào. Như vậy không dễ ợt là gì?
Tôi ngây thơ:
- Nhưng bây giờ mình đang ở trong tù, làm sao chui vô rừng mà đi được?
Ông trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Nếu xin tỵ nạn chính trị quả thực dễ dàng như chú mày nói, thì để tôi tính với thằng HV xem. Nó là em tôi, tôi bảo gì là nó nghe nấy. Nhưng tôi thì vợ chết, chẳng còn ai thân thuộc, muốn đi đâu cũng được, miễn sống thì thôi. Còn nó có vợ con, chuyện đi đứng chẳng dễ dàng, phải hỏi qua nó một câu. Nếu nó đồng ý, thì thằng X, cháu tôi cũng dễ. Nó chưa vợ con gì, tôi đi đâu là nó đi theo đấy. Còn hai thằng kia, một thằng tôi bảo nó được, vì nó cũng là em út tôi thôi. Tôi chỉ ngại có thằng còn lại là thằng H...
Tôi lo lắng nhưng im lặng không nói. Ông HK nhìn tôi ngần ngừ một thoáng rồi tiếp:
- Thằng H bố nó đi theo tụi VC rồi chết mất xác. Nó thì trước đây làm giao liên cho huyện đội, phạm tội ăn trộm thuốc nổ nên bị bắt. Tính khí nó nhát, nên khi bị bắt, bị tụi VC nó doạ dẫm là nó khai tầm bậy tậm bạ làm luỵ không biết bao nhiêu người. Mình muốn trốn thoát thì phải rủ cả nó đi theo. Sợ tôi, nó sẽ nhận lời đi theo đấy. Nhưng nếu gặp tụi công an, bộ đội hù doạ là nó sợ, nó dám làm đổ bể mọi chuyện lắm.
Tôi thăm dò:
- Ngoài cách rủ nó đi theo, mình còn cách nào khác không, chú?
Ông trầm ngâm một chút rồi thong thả:
- Còn một cách nữa là không nói gì cho nó biết. Đợi đến đêm mình định trốn đi, mình mới rủ nó. Nó chịu thì cho nó đi cùng. Nó không chịu thì trùm mền, bịt miệng rồi trói gô cổ nó lại.
Tôi lo ngại. Vì cách đó xem ra cũng không phải là tuyệt hảo. Ông HK thở dài tiếp:
- Chú mày đừng nghĩ ngợi làm gì, để tôi tính cho. Chuyện đó cứ để từ từ. Trước mắt là để tôi suy nghĩ rồi bàn với thằng HV xem thế nào đã.
Sau khi nói chuyện với ông HK, tôi thấy có nhiều hy vọng cho cuộc vượt ngục của chúng tôi. Nếu ông HK thực sự nhập cuộc, thì với sức khoẻ, tuổi đời, kinh nghiệm đi rừng và khả năng thông thuộc địa hình rừng núi vùng Đông Hà của ông, ông sẽ giúp chúng tôi vượt qua biên giới Lào Việt dễ dàng. Điều khó khăn nhất hiện nay là làm sao thuyết phục được ông tin tưởng, một khi ra ngoại quốc, ông sẽ được công nhận tư cách tỵ nạn chính trị. Khó khăn thứ hai là làm sao rủ rê để H cùng đi theo.
Ba ngày sau, ông HK gặp tôi cho biết, cả ba người đều đồng ý sẽ vượt ngục. Nghe vậy tôi mừng quá. Hỏi H thế nào thì ông bảo, ông chưa hỏi ý kiến vì sợ y sẽ để lộ bí mật. Theo kế hoạch của ông, vào đêm vượt ngục, khoảng 2 giờ sáng, ông sẽ đánh thức H và cho y biết quyết định vượt ngục cũng chưa muộn. Nếu y chấp thuận, thì cùng đi theo. Còn nếu y không chấp thuận, chúng tôi sẽ trói y lại, để sau này, y khỏi bị mắc tội liên luỵ, đồng loã với những người vượt ngục.
Sau khi trói H, chúng tôi chỉ cần nhấc một tấm nhôm lên, là có thể chui xuống tầng hầm bên dưới, rồi phá cửa hầm, vượt thoát ra ngoài dễ dàng. Ngay khi thoát ra ngoài, HV và X sẽ chạy về nhà để mang vợ con của HV và lấy lương thực cùng những thứ cần thiết. Rồi tất cả sẽ gặp nhau tại một điểm hẹn trong rừng, chỉ có ông HK và HV biết.
Nghe kế hoạch của ông HK tôi tỏ ra lo ngại việc HV và X chạy về nhà mang vợ con theo. Ông HK tự tin trấn an tôi:
- Chú mày yên tâm. Ra khỏi đây rồi, tụi tôi sẽ không khác gì hổ về rừng. Tụi nó có thiên binh vạn mã cũng không tài nào bắt nổi tụi này. Cứ để cho thằng HV nó về mang vợ con theo. Không cho nó về, nó đâu có chịu đi. Vả lại mình cũng cần mang theo chút ít lương thực, vũ khí để khi đi rừng, nhỡ gặp thú dữ như hổ báo còn có thứ đối phó. Chúng nó đi về nhà chỉ mất có mấy thôi dao thôi mà.
Ông HK cũng giải thích cho tôi hiểu, mỗi thôi dao là một đoạn đường một người cầm dao thấy mỏi, phải chuyển sang tay khác. Khoảng cách như vậy tương đương khoảng 500 thước.
Nghe ông HK nói vậy, tôi cũng yên tâm. Còn trường hợp của T, tôi cũng cho ông biết:
- Chú xem có thể giúp T cứu BH ra khỏi lán tù được không? Vì nếu không cứu được BH để BH đi cùng thì T sẽ không chịu trốn theo mình.
Chuyện này cả tôi và T đã nói với ông HK từ trước, nên ông trả lời ngay:
- Yên trí, thằng X sẽ lo chuyện đó. Chỉ cần bảo BH tối hôm đó nhớ thức chờ người mở cửa, rồi nhẹ nhàng chui ra là xong.
Xem ra kế hoạch vượt ngục đã được hoạch định khá chu đáo và đơn giản. Trông vóc dáng uy vũ của HK cùng thái độ điềm tĩnh, tự tin của ông, tôi rất mừng, đinh ninh mọi chuyện sẽ trôi qua chót lọt. Không ngờ vào một buổi trưa, đang lao động ở ngoài rừng, HK đến gần tôi, vừa lúi húi làm vừa nói nhỏ:
- Chuyện đó bể rồi....
Tôi điếng người. Đưa mắt nhìn lẹ chung quanh, thấy mấy tên bộ đội ở xa không để ý, tôi vội hỏi:
- Đổ bể thế nào, chú?
Sau một lúc im lặng cắm cúi làm việc, ông mới chậm rãi nói:
- Thằng H nó biết hết chuyện rồi.
Tôi ngạc nhiên:
- Ủa, sao nó biết?
- Chiều qua lúc ăn cơm ở ngoài lán, thằng HV và thằng X nói chuyện với nhau làm sao đó, nó nghe lỏm được hết.
Tôi bồn chồn lo lắng:
- Bây giờ mình phải làm sao?
Ông HK gằn giọng:
- Tôi đã cảnh cáo thằng H rồi. Nó mà léng phéng bẩm báo, là tôi cắt cổ.
- Nó nói sao?
- Nói gì. Nó sợ muốn ỉa ra quần, mặt mũi tái xanh, cắt không còn hạt máu.
- Nhưng đó là trước mặt chú. Sau mặt chú, nó đi bẩm báo thì mình đâu biết.
- Tôi đã giao cho thằng HV nhiệm vụ theo dõi sát thằng H. Hễ nó đi đâu là theo sát nó đến đó. Nó cũng ngán thằng HV một cây. Bảo đảm từ giờ đến sáng mai là nó không thoát khỏi sự kiểm soát theo dõi của mình.
Tôi lo ngại:
- Còn ngày mai?
- Ngày mai, nếu tụi công an gọi nó đi làm việc riêng, không có mình đi theo, thì mình đành chịu. Hay nó có ám hiệu riêng với tụi công an, để tụi công an gọi riêng nó ra một chỗ, thì mình cũng bó tay.
Tôi ngập ngừng đề nghị:
- Nếu vậy, tại sao mình không trốn ngay tối nay?
Ông HK lắc đầu:
- Không được. Tối nay sáng trăng, trốn rất nguy hiểm.
Trước khi bỏ đi, ông HK trấn an tôi:
- Chú mày cứ an tâm. Mọi chuyện cứ từ từ để tôi tính. Từ giờ đến tối mình nhớ theo dõi sát thằng H, đừng để cho nó lại gần tụi công an, bộ đội. Tối về lán mình sẽ lo thuyết phục thằng H. Nó không nghe thì mình có cách.
Suốt buổi làm chiều hôm đó, tôi lo ngại coi chừng thằng H, mặc dù tôi biết, cả ông HK lẫn HV lúc nào cũng kèm sát bên thằng H.
Bữa cơm chiều hôm đó, ông HK không cho thằng H đi lấy cơm, lấy nước. Ông bắt nó ngồi im trong lán chờ mọi người bưng cơm nước vô "hầu" nó. Thằng H lo ngại ra mặt, bộ điệu nhấp nhổm không yên, nhưng vì khiếp hãi uy vũ của ông HK, nên thằng H đành phải chịu trận ngồi bó gối trong lán.
Giữa lúc chúng tôi đang bồn chồn lo lắng, chờ bữa cơm tối, bỗng tên thiếu uý Biểu đi lại, the thé quát:
- Thằng H chui đâu rồi?
Chúng tôi giật mình lo ngại, nhưng ai cũng giả vờ ú ớ quay ngang quay ngửa tìm kiếm. Ai cũng mong tên thiếu uỷ Biểu bỏ đi chỗ khác. Nhưng không. Sau khi quét cặp mắt cú vọ nhìn tất cả mọi người ngồi bên ngoài lán chờ cơm, không thấy H đâu, tên thiếu uý Biển bước đến cửa lán cúi đầu ngó vào trong quát to:
- Ê H, mày ra đây tao biểu.
Chúng tôi lạnh người nhìn nhau lo ngại. Nếu thằng thiếu uý Biển lôi H đi khỏi đây, chắc chắn H sẽ bẩm báo chuyện chúng tôi đang dự tính vượt ngục. Như vậy tai hoạ sẽ đổ ập xuống đầu chúng tôi và hậu quả sẽ nguy hiểm không biết đâu mà lường.
Ngó H lồm cồm chui ra khỏi hầm, chúng tôi sợ điên người, không biết cách nào để ngăn chặn không cho H đi theo tên thiếu uý Biển. Nhưng cuộc đời nhiều khi có những may rủi bất ngờ, vượt xa mọi sự tính toán của con người. Khi H vừa chui ra khỏi cửa lán, tên thiếu uý Biển không nói không rằng, nhanh chóng lùi lại một bước, khẽ xoay nửa người, rồi vung ngược cánh tay phải, làm một quả đấm móc chớp nhoáng vào cằm thằng H. Tôi chỉ nghe một tiếng "rắc" vang lên khô khốc kèm theo tiếng rú của H, và thấy H bật ngửa người đè vào một bên cửa lán. Ngay khi cú đấm thôi sơn vừa trúng cằm H, tên Biển đã bước lên một bước, chân trái đứng tấn, chân phải tung ra cú đá vào ngay bụng H. Tôi chỉ kịp nghe H kêu lên một tiếng "ối", đã thấy H gập người làm đôi, rồi cả người H bị bắn tung vào trong lán như một trái banh bị một cầu thủ thiện nghệ đá lọt vô gôn.
Cúi người vô cửa lán, tên Biển cầm chiếc đèn bấm chiếu vào H đang nằm quằn quại trong lán, miệng hét:
- Sáng mai mày sẽ biết tay tụi tao, H ạ.
Nói xong, tên Biển lạnh lùng bỏ đi. Chúng tôi nhìn nhau, không biết đầu đuôi câu chuyện ra sao. Ông HK nhìn HV gật đầu. HV vội vàng chui vô lán chăm sóc và thăm dò H. (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 9/01/2007 07:54:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Liên Kết

BLOGGER

Bạn là người thứ  

Ghé Thăm LMVS