Liên Mạng Việt San
|
[
Trang SaiGon Times] |
[
Trang Liên Mạng] |
[
Thời Sự VN ] |
[
Bình Luận ] |
[
Văn Học và Lịch Sử] |
[
Vườn Thơ ] |
[
Radio/TV Online ] |
Bài Đã Đăng |
|
Trang
Bài Cũ |
Mục Thư Cũ |
-
Wednesday, September 27, 2006
-
Monday, October 02, 2006
-
Sunday, October 08, 2006
-
Monday, October 16, 2006
-
Thursday, October 19, 2006
-
Wednesday, November 01, 2006
-
Monday, November 06, 2006
-
Wednesday, November 22, 2006
-
Thursday, November 23, 2006
-
Wednesday, December 06, 2006
-
Saturday, December 16, 2006
-
Tuesday, January 02, 2007
-
Tuesday, January 16, 2007
-
Tuesday, January 30, 2007
-
Thursday, February 01, 2007
-
Monday, February 05, 2007
-
Thursday, February 15, 2007
-
Thursday, April 05, 2007
-
Wednesday, June 13, 2007
-
Thursday, June 14, 2007
-
Sunday, July 01, 2007
-
Monday, July 09, 2007
-
Wednesday, July 18, 2007
-
Thursday, August 02, 2007
-
Thursday, August 09, 2007
-
Saturday, September 01, 2007
-
Friday, September 28, 2007
-
Wednesday, October 03, 2007
-
Tuesday, November 06, 2007
-
Tuesday, November 13, 2007
-
Wednesday, December 19, 2007
|
Chinh t hức thành lập ngày28/12/2005 Copy
Right by
Nhất Thanh
Mọi
bài vỡ xin đóng góp và gửi vể Liên Mạng Việt
San
lienmang_vietsan@yahoo.com
|
|
|
Tôi Tìm Tự Do (kỳ 72)
Bài Viết
Đăng Nhập vào: Friday, September 28, 2007
|
<< Trở Lại Trang Đầu |
Hữu Nguyên
Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.
*
(Tiếp theo...)
Trên chuyến xe đi từ Đông Hà về Huế, một mặt chúng tôi đóng vai ngây ngô, khờ dại để cho hai tên công an mất cảnh giác, coi thường, mặt khác, tôi tìm cách "cấy" vào đầu óc tên công an Nùng Trí Vân một mối liên hệ mơ hồ giữa tôi và tên trưởng ty công an Quảng Trị. Cả hai điều này đều ít nhiều thành công. Nhưng điều quan trọng khiến tôi điên đầu nhất là làm sao tôi có thể chạy trốn khi cả ba chúng tôi đều bị còng tay và bị buộc chung một sợi dây dù? Vì vậy, để khi chạy trốn, đỡ nguy hiểm nhất, trước hết, tôi phải tìm cách thuyết phục hai tên công an cởi dây trói và tháo còng cho chúng tôi. Muốn làm được điều này, tôi phải tạo cho hai tên công an thực sự tin tưởng vào lòng "ăn năn, hối cải, sẵn sàng chấp nhận để cho nhà nước cải tạo" của chúng tôi. Vì thế, tôi phải làm bộ "ngây thơ và dại dột lo ngại" trước viễn ảnh chúng tôi bị tù mọt gông, hoặc bị tử hình vì tội vượt biên, một khi chúng tôi về đến lao Thừa Phủ. Quay sang tên Vân, tôi giả bộ băn khoăn hỏi: - Thưa cán bộ, cán bố là người từng trải, có nhiều kinh nghiệm về tù vượt biên nên tôi muốn hỏi thật cán bộ điều này... Tên Vân nhìn tôi gật đầu: - Anh nói đi chớ. - Cán bộ có biết, tội vượt biên của chúng tôi sẽ bị xử bắn hay bị xử tù chung thân? Tên Vân phì cười lắc đầu. Tôi giả vờ sợ sệt nhìn y ra vẻ ngạc nhiên, không hiểu. Y nhìn tôi có vẻ thương hại: - Tội vượt biên mà bị bắn thì cả nước này bị bắn hết sao chớ. - Vậy tụi tôi có bị tù chung thân không cán bộ? - Đảng và nhà nước dại gì mà bỏ tù chung thân mấy người vượt biên chớ. Bỏ tù người ta như vậy, lấy ai lao động xây dựng xã hội chủ nghĩa chớ. Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, mừng rỡ, nhưng trong ánh mắt vẫn đầy lo ngại, không hoàn toàn tin tưởng. Tên Vân lại lắc đầu thương hại: - Tôi nói thiệt chớ, mấy anh thuộc loại nhát như thỏ đế, ăn trắng mặc trơn quen rồi. Đã chẳng hiểu gì về rừng núi, đường sá thì chẳng biết, lại sợ hãi đủ thứ, vậy mà cũng đòi cắt rừng vượt biên! Các anh là người thì sợ hổ sợ báo, sợ rắn rết... thì cũng được đi vì những thứ đó thì người nào mà chẳng sợ. Đằng này mấy anh sợ cả cóc nhái, đỉa vắt, gai góc, rồi lại còn mê tín dị đoan sợ cả ma quỷ thì làm sao mà vượt biên cho nổi được chớ. Nghe tên Vân nhắc đến đó, tôi cười thầm, nhớ đến kế hoạch "đóng kịch" của chúng tôi trong những tuần lễ bị giam giữ ở Đông Hà. Thời gian đó, mỗi khi đi lao động ở bên ngoài, chúng tôi đều bàn nhau tìm cách đóng kịch giống hệt như mấy thanh niên sinh ra lớn lên ở thành phố, nay lần đầu thấy cảnh rừng rú nên gặp cái gì cũng sợ hãi "eo ôi". Được cái may mắn là cả T và H đều là người sinh ra và lớn lên ở Sàigòn, được nuôi trưởng trong nhung lụa, nên những bỡ ngỡ, sợ hãi của T và H là hoàn toàn trung thực. Nhất là H, một nữ sinh Marie Curie, chưa từng trông thấy cây lúa bao giờ, mỗi khi làm cỏ lúa, lại nhổ cả lúa thay vì nhổ cỏ, nên khi trông thấy ếch, nhái, vắt đỉa,... H đều la hét sợ hãi nghe rất rùng rợn. Nhờ vậy những "giả bộ sợ hãi" của tôi nếu có sơ hở, cũng không bị mấy tên công an, bộ đội phát hiện. Cũng trong thời gian đi lao động, mỗi khi có dịp, chúng tôi luôn giả bộ hỏi những câu ngây ngô như "trong rừng có ma không", "chuyện người rừng bắt mình ăn thịt có đúng không", "chuyện quỷ nhập tràng có thật không"... Tất cả những câu hỏi ngây ngô này đã khiến cho công an, bộ đội ở Đông Hà tin tưởng, chúng tôi chỉ là những "thanh niên dại dột" nghe ai "xúi dại" mà đi vượt biên. Nhờ vậy, tôi đã che giấu được chân tướng của mình. Nghe tên Vân tỏ ra "thương hại" như vậy, tôi tỏ vẻ ngượng ngùng: - Thú thực với cán bộ, nghe người ta nói vượt biên dễ ợt, nên tụi tôi dại dột nghe theo, đâu có biết trên đường vượt biên lại gặp phải những thứ khủng khiếp đó. Tiếp tục "cấy" vào óc tên Vân những ảo tưởng ngây thơ về mình, tôi hỏi tiếp: - Vậy theo cán bộ, tội vượt biên của tụi tôi sẽ bị tù mấy năm? Vân nheo mắt: - Cái đó còn tuỳ theo sự thành khẩn ăn năn khai báo của các anh. Tôi nhanh nhẩu; - Thì cán bộ đã biết rồi đó, chúng tôi đã thành khẩn ăn năn, khai báo ngay từ đầu rồi còn gì... - Mấy anh khi bị bắt thì anh nào chả nói vậy. Nhưng chúng tôi có tin các anh thành khẩn khai báo hay không mới là chuyện đáng nói. Nếu tin thì các anh chỉ ở tù khoảng nửa năm đến 2 năm là tối đa. Còn nếu không tin thì các anh sẽ bị tù mọt gông. Tôi tỏ vẻ mãn nguyện và tin tưởng vào sự thành khẩn khai báo của mình: - Cán bộ nói vậy thì tôi mừng quá. Tôi cứ tưởng mình sẽ bị tù chung thân, chứ chỉ có nửa năm đến hai năm tù nếu tôi thành khẩn ăn năn, thì tôi rất an tâm cải tạo.... để làm lại cuộc đời. Tôi không biết lúc đó, tên Vân tin tưởng vào "thiện chí cải tạo" của tôi tới mức nào, nhưng tôi nghĩ, ít nhiều tôi đã thành công cho tên Vân hiểu, tôi sẵn sàng vui vẻ vào tù ngồi bóc lịch một hai năm để "chuộc tội vượt biên" mà tôi đã phạm. Như vậy trong đầu óc tên Vân sẽ không mảy may nghi ngờ đến chuyện tôi sẽ chạy trốn trên đường giải giao từ Đông Hà về Huế. Một khi y không nghi ngờ, y sẽ lơ là cảnh giác, tạo cho tôi nhiều cơ hội thoát thân. Điều khó đối với tôi bây giờ là làm sao tháo được chiếc còng và sợi dây dù trói buộc cả ba đứa chúng tôi. Dĩ nhiên, đòi tên Vân tháo cả hai cùng lúc là điều không tưởng. Muốn thành công, tôi phải đánh từng bước. Bước đầu tiên là sợi dây dù. Nếu tên Vân tháo sợi dây dù, gặp điều kiện thuận lợi, cho dù tay bị còng, tôi vẫn có thể liều mạng bỏ chạy. Sau hồi suy nghĩ thật lung, tôi thấy muốn tháo sợi dây dù chỉ có hai cách. Một là thuyết phục tên Vân. Hai là chờ đến bến xe Quảng Trị, xe phải đỗ lại cho khách lên xuống, mua bán, ăn uống,... ba đứa chúng tôi sẽ đòi đi tiêu, đi tiểu. Khi đó, bắt buộc tên Vân phải cởi trói sợi dây dù, và tôi phải tìm cách trốn thoát bằng mọi giá ngay tại bến xe của thị xã Quảng Trị. Quyết tâm này của tôi bắt nguồn từ câu chuyện khá dài dòng với ông HK. Chuyện đó đầu đuôi như sau. Trong thời gian còn bị giam ở Đông Hà, ông HK đã cho tôi biết, không sớm thì muộn, công an biên phòng Đông Hà sẽ giải giao tất cả những tù chính trị, vượt biên về Huế. Còn tù hình sự, tội nhẹ sẽ được giải quyết ngay tại chỗ, còn tội nặng sẽ được giải về nhà tù của tỉnh Quảng Trị, hoặc đưa về Huế. Riêng trường hợp của ông HK, vì có quan hệ đặc biệt thế nào đó, nên tuy ông đã ở tù tại Đông Hà hơn nửa năm, chúng vẫn chưa có quyết định giải ông đi đâu. Trong tù, ông HK là người thẳng thắn, cương trực, xứng đáng với câu "uy vũ bất năng khuất". Ông cũng rất thương tôi và thường bảo tôi kể chuyện cho ông nghe. Mọi người thì thích nghe truyện Chưởng, nhưng ông lại khoái nghe truyện Tam Quốc, nên những khi kể truyện Tam Quốc, chỉ có tôi và ông. Khác với những người khác, nghe kể thì say sưa lắng nghe, ông lại hay cắt ngang, hỏi tới hỏi lui rồi lớn tiếng chửi bới hay ca ngợi nhân vật tôi vừa kể. Biết trước mình sẽ bị giải về Huế, nên một hôm, sau khi kể cho ông nghe đoạn Trương Phi đại náo cầu Trường Bản, tôi thú thực với ông: - Chú HK, nếu tôi bị tụi nó giải giao về Huế, có cách nào trốn được không, chú? Ông HK trầm ngâm một lúc rồi bảo: - Thường khi giải tù từ đây về Huế, tụi nó đều còng tay và trói tù lại thành từng chùm. Vì vậy, cơ hội duy nhất chú có thể chạy trốn là ở bến xe Quảng Trị. Chú mày có biết tại sao không? Không chờ tôi trả lời, ông HK tiếp: - Ở bến xe bao giờ cũng đông người qua lại. Đó là cái dễ thứ nhất. Cái dễ thứ hai là khi tới bến xe Quảng Trị, bao giờ hành khách trên xe cũng phải xuống ăn uống, vệ sinh cá nhân, đổi xe đi các nơi, nên rất lộn xộn. Vì vậy, khi đến đó, tao nghĩ tốt nhất chú mày nên giả vờ xin đi cầu... Tôi ngạc nhiên: - Xin đi cầu? Ông HK gật đầu: - Nếu đến đó chú mày xin đi cầu, tụi nó phải cho người giải chú mày đến nhà cầu, rồi cởi trói, cởi còng cho chú mày đi. - Nhưng đi cầu thì làm sao mà trốn? - Khi chúng nó cho chú mày đi cầu, thì chú mày đừng đi cầu. Tôi ngạc nhiên: - Ủa, sao vậy? Ông HK mỉm cười: - Thì chú mày vô trong nhà cầu, đóng cửa lại rồi đứng im đó chờ, chớ vô đó mà đi cầu thì làm sao trốn được. Thằng công an đứng ngoài chờ lúc lâu không thấy động tĩnh gì, thì việc đầu tiên nó phải làm là gọi. Nghe nó gọi thì chú mày đừng trả lời. Gọi một lần, hai lần, ba lần,... không thấy chú mày trả lời là nó phải đẩy cửa, thò đầu vô. Khi đó chú mày chỉ cần bất thình lình, dùng hết sức đóng cánh cửa lại thật mạnh hay đập cho nó một cú, thì nó có khoẻ như voi, cũng phải gục. Tôi thầm phục mưu kế của ông HK và tôi tin mình có thể thực hiện được mưu kế đó. Dĩ nhiên, mưu kế của ông tuy không hoàn toàn hoàn hảo, nhưng tôi phải thừa nhận là có thể thực hiện được. Vả lại, xưa nay có mưu kế vượt ngục nào hoàn hảo. Trong hoàn cảnh của tôi lúc đó, tôi phải chấp nhận chọn cho mình con đường ít rủi ro nhất, mà mình có thể thực hiện. Nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, cả ba chúng tôi đều ngồi trên xe đò chạy về thị xã Quảng Trị, và cơ hội duy nhất giúp tôi có thể chạy trốn đang chờ tôi ở phía trước. Ngay sau khi nghe mưu kế của ông HK, điều khiến tôi lo ngại là T và H. Làm sao tôi có thể thuyết phục được cả T và H cùng trốn với tôi? Nếu tôi thuyết phục được T và H đồng ý cùng trốn thì chúng tôi sẽ phải trốn như thế nào? Chắc chắn cả ba chúng tôi không thể nào cùng trốn theo mưu kế của ông HK được. Tôi có đem lời ông HK tâm tình, kể cho T và H nghe nhân dịp chúng tôi đi lao động ở ngoài rừng. Nghe tôi nói, cả T và H đều hoảng hốt. H nói với tôi, giọng sợ hãi: "Cậu Chí, chúng cháu không dám trốn đâu. Cậu trốn một mình cậu đi. Chúng cháu vượt biên rồi bị bắt mấy lần nên chúng cháu biết, chúng cháu chỉ bị tù một năm là cùng thôi. Biết tin chúng cháu bị bắt, thế nào mẹ cháu cũng tìm đường "lo lót", nên sớm muôän gì tụi cháu cũng được thả thôi, không lâu đâu. Còn cậu, nếu gặp cơ hội thì cậu cứ trốn đi, vì cậu ở lại, trước sau gì chúng cũng sẽ biết cậu và chúng sẽ giết cậu..." Vào khoảng xế trưa hôm đó, xe chạy vô bến xe Quảng Trị. Trái ngược với lời kể của ông HK, bến xe rất vắng vẻ. Khoảng bốn, năm chiếc xe đậu lác đác trên một bãi đất rộng và trống mênh mông. Một dẫy lán siêu vẹo với đủ loại hàng quán sơ sài nằm ngang với khu nhà gạch tiêu điều, vừa làm văn phòng, phòng bán vé và cửa hàng ăn. Phía xa xa, cuối bãi đậu xe là một dẫy nhà cầu mái tranh, tường đất, vô cùng tiêu điều, trống trải. Nhìn quang cảnh vắng vẻ và trống trải mênh mông đó, tôi thấy ngay, tôi không tài nào trốn thoát theo kế hoạch của ông HK. Tôi biết chắc, cho dù tôi có chui vô được nhà cầu đi nữa thì với sự trống trải cả bốn phía như vậy làm sao tôi có thể đánh lừa được tên công an có trách nhiệm canh giữ tôi. Và cho dù tôi có đánh gục tên công an ngay cạnh nhà cầu đi nữa, tôi cũng chẳng thể nào chạy trốn giữa bãi đất bốn bề mênh mông trống vắng phẳng lỳ, mà không bị tên công an còn lại phát hiện. Đứng giữa bãi xe, tôi băn khoăn vô cùng. Tôi không biết mình có nên xin đi cầu để rồi liều mạng thực hiện mưu kế của ông HK, hay nên chờ đợi cơ hội thứ hai, khi xe về đến thành phố Huế. Và tôi cũng không biết khi về đến Huế, liệu tôi có gặp được cơ hội thứ hai, hay tình thế còn bi đát, nguy hiểm hơn ở đây? Giữa lúc tôi đang lưỡng lự như vậy thì tên Vân cầm giây trói kéo chúng tôi đi đến một chiếc xe đò dài hơn, mới hơn, có dòng chữ Quảng Trị - Huế. Tên Vân leo lên xe đầu tiên. Ba đứa chúng tôi lục tục leo theo sau. Cũng giống như xe đò từ Đông Hà đi Quảng Trị, tên công an cùng đi với chúng tôi đã ngồi chễm trệ trên chiếc ghế duy nhất phía trước, ngay bên phải tài xế. Ba đứa chúng tôi ngồi vào hàng ghế ngay sau tài xế. Tên Vân ngồi vào dẫy ghế bên phải, đã có hai người ngồi. Riêng hàng ghế của chúng tôi tuy có 4 chỗ ngồi, nhưng chỉ có 3 đứa chúng tôi. Khác với chuyến xe từ Đông Hà ra Quảng Trị, chuyến xe từ Quảng Trị đi Huế đông khách hơn, và hầu hết hành khách trên xe đều là người Kinh. Ngay khi thấy ba người chúng tôi bước lên xe với còng tay và dây trói, thái độ của mọi người trong xe cũng khác. Nếu hành khách trên xe Đông Hà Quảng Trị thờ ơ lạnh nhạt, thì trái lại, tất cả hành khách trên xe Quảng Trị Huế đều công khai tỏ thái độ quan tâm đến chúng tôi, và ác cảm đối với hai tên công an. Tôi nghe nhiều người ồ lên, nhiều tiếng nói xôn xao, hai ba thanh niên ở phía dưới huýt sáo, kèm theo vài tiếng chửi thề. Thái độ của hai tên công an cũng khác. Trên chuyến xe Đông Hà đi Quảng Trị, chúng tỏ vẻ hống hách, thì trái lại, trên chuyến xe Quảng Trị Huế, chúng có vẻ nhút nhát, thụ động và chịu đựng. Chúng tôi ngồi vừa yên chỗ thì xe từ từ chuyển bánh rời khỏi bến xe Quảng Trị. Nhìn ra bên ngoài, tôi thở dài, tiếc cho một "cơ hội có thể trốn" mà mình vừa đánh mất, và lo lắng, không biết từ Quảng Trị về Huế, tôi có còn gặp cơ hội nào khác để trốn thoát hay không?... (Còn tiếp...) |
posted by
Lien Mang Viet San @
9/28/2007 10:39:00 PM |
|
|
Tôi Tìm Tự Do (kỳ 71)
|
<< Trở Lại Trang Đầu |
Hữu Nguyên
Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.
*
(Tiếp theo...)
Cửa lán tù vừa mở, tên Biền ra lệnh cho tôi và T chui ra. Ngay khi bò được ra ngoài, chúng tôi thấy mấy tên bộ đội cầm súng AK hườm sẵn, nét mặt lạnh lùng vô hồn. Không đầy mấy phút sau, H từ lán bên cạnh cũng cùng chung số phận được giải tới đứng cạnh chúng tôi. Tên Biền cầm đèn bấm lia ngang lia dọc vô mặt chúng tôi rồi nói giọng xấc láo, hăm dọa: - Tụi bây đã phạm tội vượt biên phản bội tổ quốc là tội đáng bắn bỏ ngay tại chỗ, khỏi cần xét xử. Đến khi bị bắt, đảng đã khoan hồn, tha tội chết, nhưng tụi bây vẫn không thành tâm hối cải, tiếp tục có âm mưu trốn trại là lại một lần nữa thêm tội chết. Đã vậy tụi bây lại còn kéo bè kết đảng rủ rê những người khác cùng trốn trại là ba tội đáng chết. Vì thế, ban chỉ huy trại quyết định đưa tụi bây đi trại khác, để ở đó sẽ có biện pháp giáo dục tụi bây thích đáng. Tên Biền có thói quen khi tức giận chuyện gì y chuyên xưng hô mày tao, gọi chúng tôi là "tụi bây". Thú thực, trong cuộc đời tù đầy của tôi dưới chế độ cộng sản, tôi đã nhiều lần bị đối xử tàn nhẫn, nhưng chưa có lần nào gặp phải lối xưng hô "mày tao, tụi bây" một cách trắng trợn và vô học như tên Biền. Sau khi lên lớp một hồi về tội trạng của tụi tôi, tên Biền quay sang tên bộ đội đứng cạnh, gật đầu. Tên bộ đội hiểu ý bước tới, lên đạn, chĩa nòng súng về phía chúng tôi và ra lệnh chúng tôi đứng nghiêm. Một tên công an bước lại, tháo còng, để chúng tôi người nào đeo ba lô của người đó. Sau đó, tên công an tiếp tục còng hai tay chúng tôi về phía trước. Riêng H. có lẽ là con gái, nên chúng không còng tay. Cuối cùng, để cho chắc ăn, tên công an lấy ra một sợi dây dù dài, trói tay tôi một đoạn, trói tay T một đoạn, trói tay H một đoạn, rồi đoạn cuối cùng y quấn chặt vào tay của y. Vậy là cả ba chúng tôi đều bị trói chung vô một sợi dây mà một đầu của sợi dây do tên công an nắm giữ. Với lối trói như thế, dù có liều mạng cách mấy, tôi cũng chẳng dám và chẳng thể nào chạy trốn. Tên công an này là người Nùng, không rõ là họ Nùng hay họ Nông, nhưng chắc chắn tên của y là Trí Vân. Vân có một chiếc răng vàng ở hàm trên, hình như đó là phong tục tập quán của người Nùng ở miền thượng du Bắc Việt. Người Vân lùn, thân hình rắn chắc, da ngăm đen, khi cởi trần trông như khối đồng hun. Vân cuồng tín tin tưởng vào chủ nghĩa cộng sản, nhưng vì ít học, nên thích nghe chuyện đông tây kim cổ, và dễ nghe lời phỉnh nịnh. Trong số những công an, bộ đội giam giữ chúng tôi ở Đông Hà lúc đó, tôi chỉ cầu mong Vân là người giải giao chuyển trại cho chúng tôi. Vì với Vân, tôi hy vọng sẽ dễ dàng qua mặt để biến mình trở thành một tên "tù vượt biên ngu ngơ, dại khờ nhưng thuộc loại con ông cháu cha"... Thiệt may mắn cho tôi, hy vọng của tôi đã thành sự thật... Bình minh hôm đó, trong khí lạnh của núi rừng, tên Biền cùng với bốn tên bộ đội và bốn tên công an áp giải chúng tôi tới bến xe Đông Hà. Có lẽ ban giám đốc bến xe đã nhận được lệnh từ trước, nên chiếc xe đò duy nhất tuy đã đầy khách, vẫn đậu ở bến xe chờ chúng tôi. Hai tên công an, trong đó có Vân, giải chúng tôi lên xe. Còn lại tên Biền, hai tên công an và bốn tên bộ đội thì quay về ngay khi xe chuyển bánh. Tôi thở phào nhẹ nhõm phần nào vì lúc trước, tôi cứ đinh ninh, nếu cả bọn bốn tên bộ đội cùng bốn tên công an cùng giải giao chúng tôi về Huế, thì tôi chẳng có cơ hội nào trốn chạy. Cả ba chúng tôi được ngồi vô một băng ghế, ngay phía sau tài xế. Một tên công an, ngồi trên chiếc ghế duy nhất ngay bên phải tài xế. Tên Vân ngồi ở ghế bên cạnh, ngang với ghế chúng tôi. Sợi dây dù trói chung chúng tôi được tên Vân buộc cẩn thận vô thành ghế. Trong tình thế bị còng lại bị trói chung cả ba vô một sợi dây đã buộc vô thành ghế trong xe như vậy, tôi biết, tôi không tài nào có thể trốn được. Ngay khi bước lên xe, nhìn lướt qua những hành khách trên xe, tôi nhận ra đa số họ là người miền núi. Chỉ có vài người Kinh ngồi ở phía trước. Thấy ba người chúng tôi bước lên xe, tay bị còng, lưng đeo ba lô, lại bị trói chùm với nhau, mọi người, kể cả viên tài xế, đều không lộ vẻ gì ngạc nhiên. Mọi người vẫn trò chuyện tự nhiên. Vài người, quay nhìn chúng tôi một thoáng rồi tỉnh bơ quay ra ngoài cửa sổ. Điều này chứng tỏ, công an Đông Hà đã thường xuyên trói tù từng chùm rồi giải giao tù bằng xe đò. Thú thực, thoạt đầu, khi được lệnh chuyển trại, tôi cứ đinh ninh, bị giải giao bằng xe riêng của đồn công an Đông Hà. Nhưng khi thấy mình được giải giao bằng xe đò, lòng tôi có thêm hy vọng. Tuy không tin tưởng những người dân trong chuyến xe đò từ Đông Hà sẽ sẵn sàng giúp đỡ tôi như chuyến xe từ Dầu Tiếng về Bình Dương, nhưng tôi thành thực hy vọng, thế nào cũng có người giúp đỡ tôi không cách này cũng cách khác. Sáng hôm đó, tên Biền chỉ tuyên bố chung chung sẽ chuyển chúng tôi đến một trại giam khác, nhưng qua những lời thì thầm của ông HK trong đêm, tôi biết chắc chắn, chúng sẽ chuyển chúng tôi về lao Thừa Phủ, Huế. Qua chuyện trò với ông HK tôi biết, lao Thừa Phủ xây cất rất kiên cố, nếu tôi đã bị giam giữ ở đó, tôi sẽ vô phương vượt ngục. Nguy hiểm thứ hai, một khi đã về đến lao Thừa Phủ, chắc chắn lý lịch của tôi sẽ bị phanh phui, và khi đó tôi sẽ phải chịu nhiều hình phạt khủng khiếp, cuộc đời của tôi sẽ vĩnh viễn bị khâm liệm, không bị xử bắn, thì cũng bị tù mọt gông. Vì vậy, tôi đã âm thầm nuôi quyết tâm, trên đoạn đường từ Đông Hà về đến lao Thừa Phủ, bằng bất cứ giá nào, tôi cũng phải chạy trốn. Vẫn biết, chạy trốn trên đoạn đường này, trong khi hai tên công ai giải giao đều đeo súng ngắn, sẽ vô cùng nguy hiểm, nhưng dù vậy, tôi vẫn còn có cơ hội thoát cũi sổ lồng nhiều hơn so với khi bị nhốt vô lao Thừa Phủ. Trên đoạn đường bị giải giao từ trại tù Đông Hà ra bến xe, tôi miên man nghĩ ngợi cách tẩu thoát. Trước mắt, tôi nghĩ, nếu chúng tôi bị trói chùm lại với nhau bằng một sợi dây, tôi không thể nào chạy trốn một mình được. Vì vậy, điều đầu tiên, tôi phải tìm cách thuyết phục tên Vân công an tháo sợi dây dù trói chung chúng tôi. Có như vậy, tôi mới có thể chạy trốn khi gặp cơ hội. Tôi cũng hy vọng, cho dù tôi không thuyết phục được Vân tháo sợi dây dù, thì trên đoạn đường từ Đông Hà về lao Thừa Phủ, chắc chắn thế nào cũng có lúc, chúng phải cởi sợi dây dù trói chúng tôi để chúng tôi giải quyết chuyện vệ sinh cá nhân. Khi đó sẽ là cơ hội cuối cùng để tôi có thể chạy trốn. Để có thể thuyết phục được Vân chấp nhận cởi sợi dây dù, tôi phải tìm cách làm cho Vân lơ là cảnh giác, coi thường chúng tôi. Trong thời gian bị giam giữ ở Đông Hà, chúng tôi cũng đã thành công chứng tỏ cho bộ đội, công an ở đó thấy chúng tôi chỉ là những đứa trẻ ngu ngơ, nghe người khác xúi dục mà đi vượt biên. Nhất là T và H, tuổi còn quá trẻ, sinh ra và lớn lên ở thành phố, chưa một ngày quen với phong ba bão táp cuộc đời, nên khi đi lao động trong rừng, cả hai đều có tất cả những đường nét ngây thơ, non nớt của tuổi trẻ thành phố. Và đó là những thuận lợi mà tôi thấy cần phải tiếp tục khai thác trong chuyến đi này để hai tên công an mất cảnh giác, coi thường chúng tôi. Sau khi thì thầm bàn bạc với T và H, tôi quay sang Vân xin y cho chúng tôi trích một ít tiền "tang vật" mà chúng đã tịch thu, để chúng tôi có thể mua bán dọc đường. Tên Vân bàn bạc với tên công an kia một lúc, rồi chúng gật đầu chấp thuận. Thế là trên đường đi, mỗi khi có dịp, tôi đều gọi mua đồ ăn, thức uống, thuốc lá thật hậu hĩ cho hai tên công an. Cả hai tên đều vui vẻ ăn uống, chấp nhận quà cáp do chúng tôi mua cho. Không khí căng thẳng lúc ban đầu giữa hai tên công an và chúng tôi dần dần giảm bớt cùng với thời gian và đoạn đường chúng tôi đi từ Đông Hà về thị xã Quảng Trị. Vì quyết tâm bằng mọi giá, tôi sẽ chạy trốn trên đường từ Đông Hà về lao Thừa Phủ, nên tôi rất lo ngại hai tên công an có súng ngắn sẽ bắn tôi. Tôi không biết khả năng bắn súng của tên công an kia như thế nào, nhưng tên Vân thì tôi vẫn nghe ông HK và các bạn tù ở Đông Hà ca ngợi tên Vân là tên công an bắn súng giỏi nhất ở Đông Hà. Có lẽ là người Nùng, thường xuyên săn bắn thú rừng trước khi vô công an, nên tên Vân bắn súng dài cũng như súng ngắn, súng nào cũng rất thiện nghệ. Tôi nghe ông HK nói, chính tên Vân đã có lần bắn hai phát súng hạ hai con sóc cùng một lúc. Ông HK giải thích cho tôi hiểu, con sóc là con vật bé bỏng, lại chạy nhanh khủng khiếp. Bắn trúng một con đã khó, huống hồ bắn hạ cả hai con cùng một lúc. Lý do là khi bắn trúng con thứ nhất, con thứ hai sẽ chạy mất tăm hơi ngay, lấy đâu mà nhắm bắn. Với tài bắn súng thiện nghệ như vậy, tên Vân sẽ bắn chết tôi dễ dàng, nếu tôi chạy trốn. Dù cho tôi có bị bắn bị thương đi nữa, thì tôi cũng sẽ bị chúng bắt lại và sẽ phải chịu nhiều cực hình tra tấn. Vì thế, tôi nghĩ, cách duy nhất để tôi có thể trốn thoát, là tôi phải làm cách nào để cho tên Vân không bắn tôi, hoặc nếu có bắn, y sẽ có những tích tắc ngập ngừng, không muốn bắn trúng tôi. Để làm được điều đó, tôi thấy phải làm cả hai cách. Một là tôi phải tạo tình thân với y qua quà cáp và trò chuyện. Điều này tôi đã và đang làm. Hai là tôi phải tìm cách đánh đòn tâm lý qua những câu chuyện, để qua đó, tôi cho y có ý tưởng tôi thuộc loại "con ông cháu cha" có "gốc bự" đang làm cho VC. Mà đối với một tên công an người Nùng ở Đông Hà, "gốc bự" phải là một nhân vật có thật, nhân vật đó không thể ở đâu xa, mà phải ở ngay tỉnh Quảng Trị. Nhờ trò chuyện với ông HK, tôi biết được tên của trưởng ty công an Quảng Trị lúc đó họ Nguyễn, tên là gì thì lâu ngày quá tôi không còn nhớ, nên tôi tạm gọi là X. Đợi dịp thuận tiện, tôi hỏi Vân: - Thưa cán bộ tôi muốn hỏi cán bộ một câu? Tên Vân gật đầu không nói. - Thưa cán bộ có biết ông X? Tên Vân vừa nhồm nhoàm nhai bánh vừa hỏi lại: - X nào? - Thưa ông Nguyễn Hữu X, trưởng ty công an nhân dân tỉnh Quảng Trị... Vân ngừng nhai, trợn mắt nhìn tôi, ngạc nhiên hỏi: - Nguyễn Hữu X trưởng ty công an nhân dân tỉnh Quảng Trị? Sao tôi không biết. Thủ trưởng của tôi mà. Mà làm sao anh biết ổng? Không trả lời thẳng câu hỏi của Vân, tôi tỏ vẻ ái ngại, lo sợ, rồi rụt rè nói nhỏ với tên Vân: - Nói thật với cán bộ, tụi tôi dại dột nghe người ta xúi dại đi vượt biên. Bây giờ bị bắt, bố tôi tôi không sợ, tôi chỉ sợ chú X thôi. Vân kéo vạt áo lên chùi mép, rồi hỏi tôi giọng có vẻ tò mò: - Anh là ai mà dám gọi ông X là chú? Thú thực, tôi không biết gì về X. Qua chuyện trò với ông HK, tôi chỉ biết X là trưởng ty công an, có một vợ, hai con. Có vậy thôi. Chính ông HK cũng không biết gì hơn về X. Nay tôi đánh liều đi nước cờ này, để Vân tưởng tôi và ông X có quan hệ ruột thịt. Nhưng nếu không cẩn thận, Vân biết rõ về X hơn tôi, hỏi tới mấy câu, thì tôi đâu biết trả lời làm sao. Như vậy, mọi chuyện đổ bể, tôi càng kẹt, và mối quan hệ giữa tôi và Vân được bồi đắp trên đường đi sẽ bị sụp đổ. Nghĩ vậy, tôi không chính thức nhận X là chú, và cũng không trả lời thẳng câu hỏi của Vân, mà chỉ nói nước đôi: - Chú X đã nhiều lần bảo tôi, bây giờ đã giải phóng, đất nước đã thống nhất thì phải lo mang công sức ra để cống hiến cho cách mạng chứ đừng có dại dột vượt biên đi theo đế quốc nữa... Tên Vân gật đầu đồng ý: - Đúng như vậy. Tuổi của anh còn trẻ, tại sao anh không ở lại phục vụ cách mạng có phải anh có tương lai tươi sáng không nào. Nói đến đó, Vân nhìn tôi bán tín bán nghi: - Nhất là khi anh lại có chú làm lớn trong ngành công an... Tôi giả bộ ăn năn hối hận: - Tôi nói, biết cán bộ không tin, nhưng không nói thì lòng áy náy vô cùng. Thú thực với cán bộ, ngay hôm tôi bị bắt ở Đông Hà, tôi cứ tưởng mình bất hạnh. Nhưng trong suốt mấy tuần qua, nằm vắt tay lên trán, nghĩ đi nghĩ lại, tôi mới thấy mình bị bắt như vậy đâm ra lại may mắn, vì có bị bắt, tôi mới có cơ hội nhận ra mình vượt biên là sai lầm. Vì vậy, tôi chỉ mong sao cán bộ đừng cho chú X của tôi biết là tôi vượt biên bị bắt, kẻo chú biết, chú rầy la thì tôi sợ lắm... Công an Vân nhìn tôi có vẻ thương hại, nói: - Anh yên tâm đi. Danh sách những người vượt biên giải giao đi lao Thừa Phủ sẽ trình lên bộ nội vụ, nên công an tỉnh không hề hay biết gì chuyện này. Nhìn vẻ mặt, thái độ và nghe câu nói của Vân, tôi rất mừng. Ít ra, Vân cũng tin tưởng phần nào, tôi là cháu của X. Như vậy, khi tôi chạy trốn, nếu Vân có định bắn tôi, y cũng phải ngần ngừ một hai tích tắc. Và biết đâu, một hai tích tắc đó, sẽ cứu tôi thoát nạn? Cho đến nay, tôi không biết sự thực, Vân đã suy nghĩ gì khi nổ mấy phát súng lúc tôi chạy trốn trên đường phố Huế cách lao Thừa Phủ có vài trăm thước, nhưng quả thực, không một viên đạn nào trúng tôi. Nhờ vậy, tôi đã trốn thoát, rồi được người khác giúp đỡ, gọi xe ôm ra Huế, và đáp tàu chợ trở lại Biên Hoà ngay tối hôm đó.... (Còn tiếp...) |
posted by
Lien Mang Viet San @
9/28/2007 10:38:00 PM |
|
|
Tôi Tìm Tự Do (kỳ 70)
|
<< Trở Lại Trang Đầu |
Hữu Nguyên
Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.
*
(Tiếp theo...)
Bữa cơm tối hôm đó, chúng tôi đều im lặng ngồi ăn, không ai nói với ai một lời. Ông HK nhìn tôi rồi gật gù như gói ghém một ý nghĩa gì đó. Lúc đó tôi không biết ông gật gù như vậy là có ngụ ý gì, nhưng nhìn vẻ mặt hớn hở của ông, tôi đoán, ông coi chuyện tên thiếu uý Biển đánh H là một điều may mắn cho chuyến vượt ngục của chúng tôi. Lúc đó, tôi cũng có ý nghĩ như ông. Nhưng sự thực đã diễn ra hoàn toàn trái ngược... Như thường lệ mọi khi, ăn cơm xong, chúng tôi được ở lại nửa tiếng bên ngoài để rửa ráy chén đũa và vệ sinh cá nhân, trước khi bị nhốt vô trong lán. Trong lúc rửa ráy chén đũa, ông HK kín đáo quan sát chung quanh rồi nói nhỏ với tôi: - Thằng H ăng ten, chuyên chỉ điểm cho tụi nó. Nay nó bị thằng Biển đánh cũng đáng kiếp chó săn. Tôi băn khoăn hỏi: - Nhưng tại sao H bị nó đánh mới được chứ? Ông HK trầm ngâm một chút, rồi thở dài: - Thì chắc là chỉ điểm sai trật thế nào đó, nên bị tụi nó đập thôi. Mà chuyện đó đâu có quan trọng. Để ý đến nó làm gì. Cẩn thận liếc nhìn chung quanh, ông HK tiếp: - Dù sao đi nữa, nó bị đập thì càng dễ cho tụi mình lôi kéo nó vượt ngục theo... Ngay lúc đó HV từ trong lán chui ra. Nhìn ông HK, HV lắc đầu không nói. Tôi hiểu, HV đã vô trong lán tìm cách khai thác nhưng không khai thác được H điều gì. Tối hôm đó, mấy đứa chúng tôi tận tình lo chăm sóc, bóp dầu, đấm bóp cho H. Đến khi đi ngủ, ông HK đổi chỗ, nằm cạnh H thì thầm suốt đêm. Tôi nằm cách xa H, trằn trọc không ngủ. Tuy không nghe rõ ông HK nói gì, nhưng tôi biết, ông đang thuyết phục H đồng ý vượt ngục cùng. Trong lòng, tôi cầu mong ông thành công, nhưng không hiểu sao linh tính khiến tôi bồn chồn lo lắng, cho đến gần sáng tôi mới chìm vào giấc ngủ chập chờn đầy ác mộng. Ngay khi nghe tiếng kẻng báo thức, tôi giật mình thức giấc. Đầu nhức như búa bổ, miệng đắng nghét, nhưng tôi vội quay nhìn ông HK. Tôi muốn qua nét mặt của ông, đoán biết phần nào kết quả của buổi nói chuyện tối hôm qua. Ông nhìn tôi gật đầu, miệng mỉm cười. Tôi mừng quá, nhưng trong lòng vẫn lo vì tôi nhớ tới lời hét tàn nhẫn của tên Biển, "Sáng mai mày sẽ biết tay tụi tao, H ạ". Nếu sáng hôm nay tên Biển lôi H đi "làm việc" để cho H "biết tay tụi nó" thì khi một mình H phải đối diện với bầy sói, chắc chắn H khó có thể giữ kín được âm mưu vượt ngục của tụi tôi. Trận đòn thù khủng khiếp đối với H có thể khiến cho H thêm căm ghét CS, nhưng biết đâu nó cũng có thể khiến H thêm sợ hãi, sẵn sàng cung khai cho CS biết những gì H biết để "chuộc tội" điểm chỉ lầm. Nhìn sang H thăm dò, tôi chỉ thấy H cúi đầu, vẻ ngượng ngùng xa cách. Thái độ của H khiến tôi càng thêm lo ngại. Kinh nghiệm cho tôi thấy, một người khi đang có những toan tính hại những người đồng cảnh ngộ, người đó thường né tránh những người chung quanh, nhất là mắt của người đó thường không dám nhìn thẳng. Nhưng trong hoàn cảnh lúc đó, tôi đâu có thể làm gì H ngoài lòng mong mỏi, tôi đã nghĩ sai, đoán sai về H. Ngồi bó gối trong lán chờ mở cửa đi lao động, lòng tôi bồn chồn lạ lùng. Liếc nhìn H, tôi thấy H vẫn ngồi im, đầu cúi gằm. Tất cả mọi người, kể cả ông HK cũng im lặng. Không khí trong lán thật ngột ngạt nặng nề. Khoảng 10 phút sau, tên công an đến mở cửa lán. Mọi người lần lượt chui ra khỏi lán, lặng lẽ xếp hàng, chuẩn bị đi lao động. Chúng tôi vừa đứng thành hàng xong, chờ mấy tên công an, bộ đội đến dắt đi lao động, thì tên Biển từ trên thềm đá đi thẳng đến trước mặt H, gằn giọng nói ngắn gọn: - Đi theo tao. Nói xong, tên Biển quay lưng đi thẳng về khu doanh trại. Tên H quay qua ngó trộm chúng tôi rồi lặng lẽ đi theo tên Biển. Chúng tôi không ai bảo ai đều lạnh gáy vì lo sợ. Rõ ràng, thái độ của tên H khi đi theo tên Biển báo hiệu điềm lành ít dữ nhiều cho chúng tôi. Sáng hôm đó, khi đến đồng lúa cạn làm việc, chúng tôi đều bồn chồn lo lắng. Mọi người nhìn nhau lo ngại không sớm thì muộn phong ba bão táp sẽ tới với chúng tôi. Quả nhiên, làm việc đến gần trưa, bỗng dưng chúng tôi thấy hai toán bộ đội từ trên doanh trại đi thẳng tới chỗ chúng tôi làm. Một toán bọc cách trái, một toán bọc cánh phải. Trong chớp mắt, hơn chục tên bộ đội đã bao vây chúng tôi vô giữa. Tất cả các tên bộ đội đều trang bị súng AK-47 ở tư thế sẵn sàng nhả đạn. Khi toán bộ đội đã bao quanh chúng tôi trong đội hình bao vây, sẵn sàng trong tư thế "xử lý" chúng tôi tại chỗ, tên Biển mới xuất hiện. Chúng tôi đứng lặng yên trong tâm trạng sợ hãi. Lúc đó chúng tôi biết chắc, tên H đã khai hết mọi chuyện, nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn còn le lói hy vọng, mọi chuyện không phải như vậy. Nhìn những gương mặt ngơ ngác của chúng tôi, tên Biển gật gù khoái trá. Đi đi lại lại trên bờ ruộng, y hắng giọng hai ba lần đầy vẻ thích thú trong tâm trạng của một con mèo đang vờn chuột. Cuối cùng, y gọi tên tất cả những người trong lán của chúng tôi và ra lệnh ngưng làm, lên bờ. Đến lúc này thì chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa về sự phản bội của tên H. Tôi thở dài chán nản bước lên bờ ruộng rồi ngồi phịch xuống cỏ. Ngay sau đó, toán bộ đội còng tay tất cả chúng tôi và áp tải về lán mà không hề nói một lần. Vô lán, chúng tôi vẫn bị còng tay, và ngoài cửa lán bỗng dưng có hai tên bộ đội đeo súng AK-47 đứng gác với chó bẹc giê. Nhìn cảnh đó tôi càng ngao ngán thất vọng. Trưa hôm đó, chúng tôi bị bỏ đói. Mãi đến chiều tối, chúng tôi mới được tháo còng và cho ăn mỗi người một miếng bánh mì luộc, một chén canh rau muống, mặn chát, chỉ thấy nước mà không thấy rau. Giữa lúc đang đói khát và chán nản, bỗng dưng trông thấy tên Biển đi ngang qua, tôi vội vã la lớn: - Báo cáo cán bộ? Tên Biển nhìn vô nạt: - Chuyện gì? Tôi làm bộ thiểu não: - Từ sáng đến giờ chúng tôi chỉ mới được ăn có một bữa... Tôi chưa nói hết câu, tên Biển cấm chiếc dùi cui đập đánh sầm vào cửa lán rồi chửi: - Đ.M. bây, câm ngay cái họng thối tha tụi bây lại. Cho tụi bây ăn no để tụi bây trốn trại sao? Tôi giật bắn người, kịp giật hai bàn tay lại phía sau. Thiệt hú vía, vì chỉ một ly nữa, là chiếc dùi cui của tên Biển đã đập nát mấy ngón tay của tôi. Sau khi chúng tôi ăn xông, tên Biển lại ra lệnh còng tay tôi và T. Còn những người khác thì không bị còng. Tối hôm đó, tôi và T phải nằm ngủ trong tư thế tay bị còng, đau đớn thê thảm. Trong hoàn cảnh bi đát đó, ông HK vẫn thản nhiên không một vẻ bi quan chán nản. Đến nửa đêm ông lồm cồm bò lại gần tôi và bảo: - Chú mày liệu mà lo lấy thân. Một vài hôm nữa, thế nào tụi nó cũng giải băng đảng chú mày về lao Thừa Phủ đó. Tôi giật mình hỏi: - Lao Thừa Phủ? Ông HK hỏi nhỏ: - Chú mày biết lao Thừa Phủ không? Ở Huế đó. Do tụi Nhật xây từ thời đệ nhị thế chiến lận. Kiên cố lắm. Ai vô đó rồi là mọt gông, cũng không tài nào trốn được. Tôi hoảng sợ, nhưng vẫn cố vớt vát: - Sao chú biết là tụi nó sẽ giải chúng tôi về lao Thừa Phủ trong vài ngày nữa? - Thì tôi ở đây cả mấy năm rồi, tôi đâu có lạ gì. Tù vượt biên, chúng nó chỉ cho tạm giam ở đây vài tháng rồi giải về lao Thừa Phủ để cho tỉnh đội nó giải quyết. Tôi thắc mắc: - Sao chúng không giải chú về lao Thừa Phủ? - Tụi tôi khác. Tụi tôi là người địa phương, có bị giam ở đây lâu, chúng mới kiếm chác được. Vả lại, chúng muốn tống tụi tôi đi thì cũng phải vuốt mặt nể mũi, ớn ớn họ hàng tụi tôi ở đây khắp chung quanh đây nữa chớ. Suy nghĩ một lát, tôi lại hỏi: - Chú bảo tụi nó giam người vượt biên vài ba tháng. Sao tụi tôi mới bị giam có vài tuần, chúng đã cho chuyển về lao Thừa Phủ?... Ông HK hắng giọng rồi nói: - Bình thường thì tụi nó giảm từ ba đến sáu tháng. Nhưng nay thấy chú mày rủ rê người khác trốn trại, nên chúng nó sợ giam chú mày ở đây lâu dễ có biến, nên giải giao về lao Thừa Phủ cho yên tâm. Tôi thở dài ảo não. Thấy tôi như vậy, ông HK cười nhẹ: - Chú mày trông mặt non choẹt, bấm ra sữa, thì cái tội vượt biên nhẹ hều. Về lao Thừa Phủ chỉ vài tháng là tụi nó thả chú mày về liền à. Có gì đâu mà phải thở dài. Tôi lặng im không nói, vì biết ông nói không sai. Chỉ có điều ông không biết rõ hoàn cảnh bi đát của tôi lúc đó, nếu về đến lao Thừa Phủ, không sớm thì muộn, VC sẽ biết rõ tôi là ai, và khi đó, tôi sẽ bị tù mọt gông, thậm chí có thể bị tử hình. Nghĩ đến đó, nước mắt tôi giàn giụa. Tôi khóc âm thầm trong đêm tối... Cho đến khi mệt quá, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Tiếng đập thình thình vào cửa khiến tôi giật mình thức giấc. Nhìn ra ngoài, trời vẫn còn tối đen như mực. Trong ánh đèn bấm loang loáng, tiếng tên công an hét lên the thé ngay trước cửa: - Nguyễn Hữu Chí? Tôi lồm cồm ngồi dậy, chưa kịp nói, thì ánh đèn bấm chiếu thẳng vào mặt. Tên công an lại hét lên: - Nguyễn Hữu Chí? Tôi vội vàng trả lời, giọng run lên: - Báo cáo cán bộ, có tôi. Tên công an hét tiếp: - Nguyễn V.T. T lúng túng lên tiếng: - Báo cáo cán bộ, có tôi. Tên công an quét ánh đèn bấm về phía T. Y hắng giọng hét tiếp: - Hai anh có 30 phút chuẩn bị để chuyển trại. Nói xong, tên công an quay sang lán của cháu gái tôi là H, báo cho H biết lệnh chuyển trại trong vòng 30 phút. Nghe tên công an hét xong, tôi vô cùng bàng hoàng. Thiệt không ngờ ban chỉ huy trại lại quyết định bắt chúng tôi phải chuyển trại cấp kỳ đến như vậy. Vì lúc đó, tôi và T tay bị còng, nên không có cách nào chuẩn bị được đồ đoàn của mình. Ông HK vội bảo mấy người thu xếp đồ đạc rồi nhét vô ba lô cho chúng tôi. Qua trò chuyện với ông HK, tôi biết, đường đi từ Đông Hà về đến lao Thừa Phủ chỉ nội trong ngày. Lúc đó tôi cũng biết chắc, một khi về đến lao Thừa Phủ, tôi sẽ vô phương trốn thoát, nên tôi đã quyết tâm, ngày hôm nay, trên đường từ Đông Hà về đến lao Thừa Phủ tôi sẽ phải trốn thoát bằng mọi giá. Ngày hôm nay, tôi phải chọn trong hai con đường. Một là tôi trốn thoát. Bằng không, tôi thà bị bắn chết trên đường tháo chạy. Bằng mọi giá, tôi sẽ nhất quyết không để cho mình bước chân vào lao Thừa Phủ. Ngày hôm nay sẽ là ngày định mệnh của tôi. Tôi thầm cầu nguyện Chúa, Phật và tất cả những đấng linh thiêng trên con đời này.... Cũng vì quyết tâm vượt thoát như vậy, nên khi X buộc giây giầy cho tôi, tôi đòi X buộc lại giây giầy cho tôi ba lần, lần sau chặt hơn lần trước. X cũng ngạc nhiên khi thấy tôi đòi như vậy, nên khi tôi đòi hỏi buộc lại lần thứ ba, X ngần ngừ không chịu. Ông HK nghe lời năn nỉ van nài của tôi, chắc hiểu được ý tưởng liều lĩnh của tôi, nên ông đẩy X sang bên, rồi chính tay ông buộc giây giầy cho tôi. Buộc xong, ông ghé tai tôi nói nhỏ, "Chúc chú mày may mắn". Không đầy 3 phút sau, ánh đèn bấm loang loáng từ phía doanh trại đi xuống. Nhìn ra ngoài trời tối đen, tôi thấy có gần chục chiếc đèn bấm rọi chiếu loạn xạ. Khi đến gần, tôi thấy có tên Biển đi đầu, rồi bốn tên công an áo vàng đeo súng ngắn, và bốn tên bộ đội đeo súng AK-47. Bốn tên công an thì nét mặt lạnh lùng, súng để nguyên trong bao. Còn bốn tên bộ đội đeo súng AK-47 thì đều để súng trong tư thế sẵn sàng nổ súng... (Còn tiếp...) |
posted by
Lien Mang Viet San @
9/28/2007 10:36:00 PM |
|
|
|
Liên Kết |
|
|
|
Bạn là người thứ
Ghé Thăm LMVS |
|
|