Liên Mạng Việt San

[ Trang SaiGon Times]

[ Trang Liên Mạng]

[ Thời Sự VN ]

[ Bình Luận ]

[ Văn Học và Lịch Sử­]

[ Vườn Thơ ]

[ Radio/TV Online ]

Bài Đã Đăng

Trang Bài Cũ

Mục Thư Cũ

Chinh t hức thành lập ngày28/12/2005 Copy Right by Nhất Thanh

Mọi bài vỡ xin đóng góp và gửi vể Liên Mạng Việt San lienmang_vietsan@yahoo.com 

 

Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 30) - Hữu Nguyên

Bài Viết Đăng Nhập vào: Wednesday, November 01, 2006

<< Trở Lại Trang Đầu

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Mẹ của tôi sống rất nghèo và cô đơn trong một căn nhà chật chội, nằm trong một căn hẻm nhỏ ở Hà Nội. Như tôi đã thưa chuyện cùng các bạn, khi Mẹ của tôi ghé thăm tôi năm tôi mới lên 7, lên 8 tuổi, tôi đã không chịu nhận Mẹ, không chịu gọi Mẹ một tiếng "Mẹ ơi!", chỉ vì tôi bị những người lớn sống trong cùng một gia đình tiêm nhiễm vào đầu óc tôi đủ thứ chuyện, nên tôi tin Mẹ của tôi đã bỏ tôi khi tôi còn đỏ hỏn.... Trong những năm tháng sau này, và ngay cả đến bây giờ, hình ảnh Mẹ của tôi đi trong buổi trời chiều, khi gió lộng thổi, mặt nước sông sóng vỗ từng đợt, vẫn còn để lại trong lòng tôi những nỗi xúc động trinh nguyên của ngày nào. Cùng với thời gian, trải qua những va chạm trong cuộc sống, và nhất là qua những lời kể của thầy, tôi dần dần hiểu được những hoàn cảnh éo le, đau khổ đến quằn quại, ướt đẫm nước mắt mà Mẹ đã phải chịu đựng khi yêu thầy của tôi, khi mang bầu tôi và khi sanh ra tôi. Chính trong nỗi niềm đầy ân hận và xót xa thương cảm dành cho Mẹ, sau này tôi đã cố gắng tìm Mẹ, nhưng không thành công. Cuộc sống thiếu thốn, đói khổ ở Miền Bắc, đối với một người con trai nhỏ bé như tôi, ngay đến củ khoai hà, ngọn rau muống còn là sự khao khát, thèm thuồng, thì làm sao tôi có đủ điều kiện và tiền bạc để đi tìm Mẹ.

May mắn, đến năm 16 tuổi, tôi tình cờ quen một người bạn học, quê ở thị xã Phủ Lý. Thân phụ của người bạn, từng trọ học ở nhà tôi trong những năm trước 1945, nên qua câu chuyện với một số bạn bè ở quê ngoại của tôi, người bạn đó biết được Mẹ ruột của tôi có một người con với cụ Xếp Văn là thầy của tôi. Từ những câu chuyện tình cờ giăng mắc với những người bạn, con cháu của bên ngoại, những buổi gặp gỡ xa gần xúc động đầy nước mắt, cuối cùng tôi biết Mẹ của tôi đang sống ở Hà Nội. Trong những năm tháng đó, máy bay Mỹ thường xuyên ném bom Miền Bắc, nên trường học của tôi phải "sơ tán" về vùng thôn quê ở gần Đọi Đệp, là quê ngoại của tôi. Hà Nội lúc đó đang là mục tiêu đánh phá của máy bay Mỹ, nên tôi không biết làm cách nào để kiếm ra tiền đi thăm Mẹ; và không biết Mẹ có còn sống ở Hà Nội hay đã đi "sơ tán"... Biết được những khó khăn, thiếu thốn của tôi, một số người bạn học đã gom góp tiền đưa cho tôi, rồi sẵn sàng cho tôi mượn xe đạp để tôi đi thăm Mẹ. Ôi, những tấm lòng đầy ân nghĩa của tình bạn tuổi học trò... khiến tôi nhớ mãi. Trong suốt những năm tháng sau này, mỗi khi nhớ đến những nghĩa cử đó, tôi lại thấy bồi hồi rung cảm. Thì ra, trong cuộc sống, càng thiếu thốn, khốn khó bao nhiêu, con người càng có cơ hội thể hiện lòng nhân ái nhiều hơn, yêu thương nhau hơn, hy sinh cho nhau nhiều hơn.

Giữa lúc tôi đang chuẩn bị đi thăm Mẹ, thì một ngày nọ, vào giữa buổi trưa hè nắng oi ả, Mẹ của tôi đến trường thăm tôi. Phần ngại hoàn cảnh trọ học của tôi, phần có lẽ Mẹ của tôi có những nỗi ngại ngùng riêng tư nào đó, tôi không biết, Mẹ từ chối không chịu vào nhà trọ của tôi. Vì vậy, tôi theo Mẹ ra một bụi tre cạnh bờ sông Châu, và tại đó, hai Mẹ con tôi tâm sự... Cho đến hôm nay, tôi vẫn không nhớ rõ, trong buổi gặp gỡ đó, Mẹ của tôi đã nói những gì, tôi đã nói những gì, nhưng tôi chỉ nhớ mãi có một điều, trong buổi tâm sự trưa hôm đó, Mẹ chỉ có khóc.... Mẹ tôi khóc hoài, khóc không thành tiếng, nhưng nước mắt của Mẹ cứ ứa ra, chảy dài trên hai gò má... Mẹ lấy khăn lau, nhưng lau vừa xong là nước mắt lại giàn giụa... Bây giờ, khi ngồi viết những dòng chữ này, hình ảnh Mẹ của tôi với những dòng nước mắt và cặp mắt giàn giụa nỗi thương đau vẫn hiện về rõ rệt như ngày nào tôi đang ngồi trước mặt Mẹ... Lúc đó, tôi muốn được gục vào lòng Mẹ của tôi mà thổn thức, tôi muốn ôm lấy Mẹ để khóc oà lên như những người con khi gặp mẹ mà tôi vẫn thấy trong phim hay tôi thường tưởng tượng khi đọc truyện. Vậy mà không hiểu sao, trong lòng thì muốn vậy, nhưng tôi không làm được như vậy... Tôi ngồi đó, đau xót và bất lực nhìn Mẹ của tôi khóc... bằng cặp mắt ráo hoảnh của mình, để rồi ngay tối hôm đó, và từ đó về sau, mỗi khi nhớ tới những giọt nước mắt của Mẹ vào buổi trưa hè bên giòng sông Châu, tôi lại rưng rưng lệ... trong niềm xúc cảm sâu lắng. Ngay cả bây giờ, khi ngồi đánh máy những dòng chữ này vào buổi sáng của ngày Thứ Tư, sau một đêm dài thức trắng, nỗi niềm xúc động trong lòng tôi dành cho Mẹ vẫn như ngày nào của ngót 40 năm về trước...

Trong những năm tháng sau đó, tôi và bạn bè của tôi thường xuyên ghé thăm Mẹ vào dịp nghỉ hè. Tuy những dịp thăm viếng Mẹ như vậy không nhiều, mỗi năm chỉ một, hoặc hai lần, nhưng tôi được sống những giờ phút thật hạnh phúc của một người con có Mẹ, được Mẹ chăm sóc. Tôi còn nhớ, có những buổi sáng sớm, tôi thức dậy, nhưng vẫn nằm trong giường đọc sách. Khi Mẹ bước vô, sợ Mẹ la đọc sách trong mùng, nên tôi giả vờ nằm ngủ... Khi đó, tôi thấy bóng dáng thấp thoáng của Mẹ, đi ra đi vô, dọn dẹp đồ đạc trong phòng, hay chuẩn bị đồ ăn sáng cho tôi...

Tuy được sống trong hạnh phúc của tình Mẫu Tử, tôi ít khi tâm sự với Mẹ, ít khi ngồi nghe Mẹ kể chuyện... vì mỗi khi Mẹ tôi trò chuyện với tôi là Mẹ lại khóc. Không hiểu từ bao giờ, bắt đầu từ lúc nào, nhưng đã lâu lắm, ngay từ khi mới được đoàn tụ với Mẹ không lâu, tôi đã có ấn tượng, cuộc đời của Mẹ là cả một giọt nước mắt khổng lồ, là những giòng nước mắt nối nhau chảy bất tận... Từ cuộc đời khốn khó đầy đau thương và nước mắt của Mẹ, tôi đã trưởng thành, bước vào đời với một tấm lòng đa sầu, đa cảm, dễ "thương vay, khóc mướn" trước những đau khổ của người dưng, của nhân thế. Tôi hiểu được muôn vàn nỗi khó khăn chật vật, cùng những khổ đau, hy sinh tận tụy của những người vợ, người mẹ Việt Nam dưới muôn vạn mái nhà, trên muôn vạn nẻo đường của đất nước. Tôi xót xa trước những đắn đo mua sắm từ bó rau, con cá, những thao thức giật gấu vá vai, thu vén gia đình, cho chồng con hạnh phúc, của hàng triệu người mẹ, người vợ Việt Nam, sống trong thiếu thốn đói khổ, chịu đựng muôn phần cơ cực tại hàng vạn vạn làng quê Miền Bắc...

Qua cuộc đời đầy éo le và nước mắt, cô đơn và xót xa của Mẹ, tôi hiểu được những oan trái khổ đau người phụ nữ Việt Nam thường phải gánh chịu từ khi lớn lên cho đến khi yêu đương, được làm vợ, làm mẹ. Thêm vào đó, văn hóa Việt Nam, đạo lý vợ chồng của nền văn minh cửa Khổng sân Trình, quan niệm chồng chúa vợ tôi, cộng với đời sống thiếu thốn trăm bề của gia đình Việt Nam, đã khiến người phụ nữ Việt Nam phải gánh chịu thêm nhiều hy sinh, đau khổ... so với phụ nữ ở các quốc gia khác. Qua những trang sách tả thực của Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Hồ Dzếnh, Mai Thảo, Nhã Ca, Võ Phiến, Doãn Quốc Sỹ... tôi thấy lòng mình thực sự rung động, trước những thân phận éo le của các nhân vật, điển hình cho nỗi khổ đau chồng chất và muôn phần đa dạng của người phụ nữ Việt Nam...

Trong những năm tháng sau 30-4-1975, cùng với sự chiếm đóng Miền Nam, người cộng sản còn gieo rắc lên muôn vạn mái nhà, muôn vạn cuộc đời phụ nữ Miền Nam hàng triệu nỗi khổ đau, trong đó có nỗi khổ đau chờ chồng, nuôi chồng trong trại tù cải tạo. Sau này, khi đọc bài thơ Ta Về của nhà thơ Tô Thùy Yên, tôi đã vô cùng xúc động khi đọc tới đoạn mô tả tình cảm của tác giả, một người đi tù cải tạo sau 10 năm trở lại nhà, dành cho người vợ thương yêu, đầu gối tay ấp, thủy chung chờ chồng:

Ta gọi thời gian sau cánh cửa
Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu
Ta nghe như máu ân tình chảy.
Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau.

Ta về dầu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em
Đau khổ riêng gì nơi gió cát
Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm.


Mấy năm trước, khi lần đầu được đọc bài thơ Ta Về, trong lòng tôi vừa xúc động, vừa biết ơn thi sĩ Tô Thùy Yên vô cùng, vì những câu thơ của ông đã đánh thức trong lòng tôi những xúc cảm kỳ diệu của tình yêu thương, lòng tri kỷ, sự hy sinh... dành cho nhau trong tình vợ chồng khi ly biệt. Câu thơ "Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu" có một sức mạnh gợi tưởng huyền diệu, giúp người đọc thức ngộ được những giao thoa kỳ diệu của nỗi đau với niềm vui, của ly biệt với đoàn tụ, của khổ đau với hạnh phúc... Rồi trong khổ thơ sau, thi sĩ Tô Thuỳ Yên cũng giúp người đọc, nhất là những người tù cải tạo, hiểu được những khổ đau chất ngất, những thao thức, trăn trở bất tận của những người vợ có chồng đi tù cải tạo: "Đau khổ riêng gì nơi gió cát. Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm." (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 11/01/2006 12:53:00 AM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Liên Kết

BLOGGER

Bạn là người thứ  

Ghé Thăm LMVS