Liên Mạng Việt San

[ Trang SaiGon Times]

[ Trang Liên Mạng]

[ Thời Sự VN ]

[ Bình Luận ]

[ Văn Học và Lịch Sử­]

[ Vườn Thơ ]

[ Radio/TV Online ]

Bài Đã Đăng

Trang Bài Cũ

Mục Thư Cũ

Chinh t hức thành lập ngày28/12/2005 Copy Right by Nhất Thanh

Mọi bài vỡ xin đóng góp và gửi vể Liên Mạng Việt San lienmang_vietsan@yahoo.com 

 

Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 37)

Bài Viết Đăng Nhập vào: Tuesday, January 16, 2007

<< Trở Lại Trang Đầu

Hữu Nguyên

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Muốn về thăm mộ Thầy, tôi phải đi xe lửa từ Hà Nội về Phủ Lý. Đến Phủ Lý tôi sẽ đi bộ về quê. Tuy tôi có thể mượn xe đạp của một số bạn bè tâm đắc ở Hà Nội, Phủ Lý, Nam Định,... để đi lại cho dễ dàng, nhưng tôi không dám mượn. Lý do là trong hoàn cảnh của tôi lúc đó, tôi rất dễ bị bắt và có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Và nếu chẳng may bị bắt, chuyện trốn thoát đối với tôi tuy không khó, hễ liều là được, nhưng chắc chắn tôi chẳng thể nào trốn cùng với chiếc xe đạp. Mà đối với người dân Miền Bắc, như quý vị đã biết, chiếc xe đẹp là cả một gia tài, nhiều người ước mơ cả đời người cũng không có. Hơn nữa, xe đạp ở ngoài Bắc đều có bảng số. Căn cứ vào bảng số của xe, công an có thể biết được chủ chiếc xe đó là ai. Như vậy sẽ vô cùng nguy hiểm cho những ân nhân của tôi...

Trên đoàn tàu chợ từ Hà Nội về Phủ Lý dài khoảng hơn 50 cây số, tôi ngồi ở ngay bậc lên xuống. Trời lúc đó khoảng gần nửa đêm, nên gió lạnh thổi phần phật. Tàu chạy được khoảng 15 phút thì trời mưa. Tôi ngồi co ro trong góc tàu, chịu đựng sự lạnh lẽo trong trạng thái chán chường, chẳng muốn sống, khi nghĩ đến cuộc đời của tôi sẽ vĩnh viễn không bao giờ được gặp Thầy tôi nữa... Tình yêu thương của Thầy đối với tôi trong hoàn cảnh túng thiếu, và thân phận gà trống nuôi con, suốt những năm tháng dài là sợi dây thiêng liêng vô hình trói chặt cuộc đời tôi với ông cụ. Tôi nhớ khi xưa còn bé, mỗi khi ngủ tôi có thói quen hay đưa tay lên đầu. Tay đụng vô đầu mùng, nên tôi hay bị muỗi ở ngoài mùng đốt xưng nhiều chỗ trên hai cánh tay. Thầy tôi thấy vậy, đã ngồi cặm cụi cả một buổi chiều, vá một miếng nylon thật lớn ngay ở đầu mùng cho muỗi khỏi đốt tôi. Tình phụ tử thật thiêng liêng và đáng quý vô cùng, nhưng vì miếng nylon cũ kỹ xấu xí, lại khác màu với chiếc mùng, thêm vào đó là những đường chỉ vụng về, bó túm nhiều chỗ quanh bốn cạnh tấm nylon, đã làm tôi rất xấu hổ và bực bội. Vì vậy, chỉ sau một đêm ngủ trong chiếc mùng vá miếng nylon, ngay sáng hôm sau, trước khi đi học, tôi đã lén gỡ miếng nylon, nhét vô mái tranh đằng sau nhà... Sau này, lớn lên, mỗi khi đi đâu, làm gì, đụng phải chiếc mùng, hay bị muỗi đốt, hoặc nghe tiếng muỗi kêu, là tôi lại nhớ đến chiếc mùng vá miếng nylon của tôi ngày xưa, lại nhớ đến Thầy và thấy thương cảm, xót xa, ân hận cho những lầm lỡ của tôi tuổi ấu thơ...

Cũng chính vì sống trong sự ân hận và xót xa như vậy, nên cuộc đời của tôi nhiều khi bị chìm ngập trong những giầy vò của chính mình về những sai lầm trong quá khứ. Trong niềm đau khổ và ân hận đó, sau này tôi mới thấm thía lời dậy của Thầy tôi, "Nghiêm khắc với bản thân, nhưng khi cần, cũng phải biết tha thứ cho những lỗi lầm của chính mình". Cũng vì nhớ thương Thầy, nên trước khi lên đường vô Nam, tôi đã làm một chuyến đào ngũ táo bạo, nguy hiểm nhưng cũng đầy ngoạn mục vào năm 1971.

Năm đó, đơn vị bộ đội của tôi đóng ở vùng rừng núi phía tây tỉnh Quảng Trị, cách thị xã Quảng Trị khoảng 50 cây số đường rừng. Cả sư đoàn của tôi đang chờ lệnh lên đường xâm lăng Miền Nam. Là một người lính cấp bậc binh nhì, tuổi mới 20, nên tôi chẳng có một khái niệm rõ rệt về những đoàn xe, đoàn quân, ngày đêm đổ vô phương nam vào mùa mưa hay mùa nắng. Tôi chỉ tâm tâm niệm niệm lời Thầy dặn tôi lần cuối trước khi tôi lên đường: Thầy đẻ ra mày, nuôi mày khôn lớn, không phải để mày chết mất xác trong rừng. Trong Nam mày có bốn bà chị. Vô đó rồi, cố gắng tìm các chị mày, nói các chị muốn báo hiếu Thầy thì nuôi cho em ăn học... Tâm niệm như vậy, nên tôi đã quyết tâm, ngay khi đặt chân lên bờ nam của vĩ tuyến 17, tôi sẽ tìm đủ mọi cách trốn khỏi đơn vị để về với Miền Nam tự do. Vì mang trong lòng quyết tâm đó, tôi đinh ninh chuyến đi này của tôi sẽ là chuyến ly biệt, vĩnh viễn không có ngày gặp lại Thầy. Trong tâm trạng của người ra đi không có ngày trở về như vậy, tôi quyết định, bằng mọi giá, tôi phải về Bắc thăm Thầy, Mẹ tôi lần cuối, rồi trở lại đơn vị, trước khi lên đường vô Nam.

Lúc đó, cả sư đoàn tôi đang trong tình trạng ứng chiến 100%, sẵn sàng lên đường vô Nam bất cứ lúc nào, nên chuyện xin nghỉ phép để về Bắc là điều không bao giờ xảy ra. Ngay cả một số bạn bè trong sư đoàn, nhận được điện tín báo tin bố mẹ ốm nặng, hay qua đời, cũng đều không được đi phép. Vì vậy, tôi thấy chỉ còn có cách duy nhất là đào ngũ, và chỉ đào ngũ một thời gian ngắn khoảng nửa tháng, một tháng rồi trở lại đơn vị, nên tôi không lo ngại gì về những thảm kịch mà người lính đào ngũ ở Miền Bắc thường phải gánh chịu. Khó khăn lớn nhất cho tôi là làm sao tôi có thể đào ngũ được an toàn, về quê thăm Thầy và lên Hà Nội thăm mẹ một cách đàng hoàng. Có như vậy thì chuyến đào ngũ của tôi mới thành công. Còn như đào ngũ mà khi về thăm Thầy, Mẹ, phải lén lút, thậm chí có khi bị bắt, bị trói chân, trói tay, bị đánh đập, khiến Thầy, Mẹ đau khổ, lo sợ, hoảng hốt, hay liên luỵ, thì tốt nhất, không nên đào ngũ.

Muốn đào ngũ an toàn, điều đầu tiên, tôi phải có giấy tờ hợp lệ. Để có giấy tờ hợp lệ tôi phải nhờ đến thằng H. bạn chí thân trong ban tuyên huấn của sư đoàn. Nhờ biết vẽ, kẻ chữ, làm "báo tường" khi còn đi học, nên mỗi tháng, tôi phải lên ban tuyên huấn để làm "báo tường". Làm được 2 tháng thì tôi gặp H. và hai người chơi rất thân với nhau.

Sau này qua chuyện trò, tôi được biết, thân phụ của H. trước đây đi lính cho Pháp. Sau 1954, ông cụ ở lại và bị cộng sản bắt, đưa đi trại cải tạo ở Nam Hà. Hình như là trại Đầm Đùn được xây dựng từ thời Pháp thì phải, lâu ngày tôi nhớ không rõ. Vì H. sống với mẹ ngay từ khi còn bé đến lớn, giấy tờ khai sanh đều ghi tên bố vô danh, nên cộng sản không hề biết H. là con của một tù cải tạo từng đi lính cho Pháp. H. tướng cao ráo, da trắng, có hàm râu quai nón rất điệu nghệ, và giọng hát rất hay. Nhờ vậy nên H. được chọn vô tiểu ban văn nghệ thuộc ban tuyên huấn của sư đoàn. H. cũng cho biết quê mẹ của H. ở ngay Đọi, Đệp, là quê ngoại của tôi, nên tình thần giữa hai chúng tôi thêm keo sơn, gắn bó. Nhưng có lẽ thiêng liêng hơn cả là cả hai chúng tôi cùng sở thích yêu thơ nhạc thời tiền chiến, quý trọng các nhà văn, nhà thơ thời Văn Nhân Giai Phẩm, nhất là Quang Dũng, Trần Dần, Hữu Loan, Lê Đạt. Chính nhờ H. đọc thuộc lòng cho tôi nghe bài thơ "Hoa và Rượu" rất dài của Nguyễn Bính nên tôi mới biết Nguyễn Bính có bài thơ này.

Khác hẳn tất cả những người lính bộ độ khác, H. có phong thái rất nghệ sĩ, sống đàng hoàng, và trọng chữ tín. Tôi rất tin tưởng và tâm sự với H. nhiều chuyện, nhờ vả H. nhiều lần, và lần nào H. cũng xứng đáng với sự tin tưởng của tôi. Lần này cũng vậy, sau khi nghe tôi bầy tỏ ước muốn được về thăm Thầy, Mẹ, cần một số giấy tờ đi đường, không đầy một tháng sau, H. tìm đến lán của tôi, trao cho tôi 2 tờ giấy sự vụ lệnh lưu không, đã đóng dấu và có sẵn chữ ký của sư đoàn trưởng. Tôi chỉ cần điền tên, ngày sinh và đơn vị, là tôi có được ngay một tờ giấy công tác hoàn toàn hợp lệ, trót lọt qua mọi cửa ải trên đường từ Nam ra Bắc. Thông thường, lúc đó, các giấy công tác của bộ đội chỉ cần có con dấu và chữ ký của tiểu đoàn trưởng, hoặc trung đoàn trưởng, là đủ hiệu lực. Vì vậy, khi cầm hai tờ giấy của H. tôi rất mừng. Tôi kéo H. ra bờ suối, tâm sự mọi chuyện, ngoại trừ dự tính vô Nam tìm kiếm mấy bà chị của tôi.

Khó khăn thứ hai của tôi khi đảo ngũ là làm sao qua mắt được đơn vị trong thời gian ít nhất 2 tiếng đồng hồ. Đây là thời gian tối thiểu để tôi có thể băng rừng, đi từ nơi đóng quân trong rừng, ra đến được đường mòn có xe hơi chạy. Tôi không biết đường mòn này có phải là một bộ phận của đường mòn 559 hay không. Tôi chỉ biết đó là một con đường nhỏ hẹp, chỉ đủ một chiếc xe hơi chạy. Đường chạy qua nhiều dòng suối, nhiều đường hầm, và có nhiều đoàn chạy chênh vênh bên vực thẳm, hoặc trong rừng sâu.

Từ ngoài đường lộ xe hơi chạy vào đến đơn vị tôi đóng qua là một đoàn đường ruột mèo, ngoằn nghèo lên xuống giữa rừng rậm, qua nhiều đèo, đồi, núi, suối... Vượt qua đoạn đường này nhanh nhất phải mất 2 giờ đồng hồ. Nếu trong thời gian 2 tiếng đồng hồ, đơn vị phát hiện tôi đào ngũ, tôi sẽ có nguy cơ bị các nút chặn ở ngoài quốc lộ bắt lại dễ dàng. Sau 2 tiếng đồng hồ, khi ra tới quốc lộ, tôi sẽ đón xe quân sự để quá giang, và đơn vị sẽ rất khó bắt được tôi.

Để có thể giữ được bí mật cuộc đào ngũ của mình, tôi quyết định trốn vào buổi tối, sau khi đơn vị đã tập họp, điểm danh. Thông thường, sau khi điểm danh xong, chúng tôi phải ngồi học tập chính trị ngay trên lán của đại đội. Vì lúc đó, tình trạng lính đào ngũ trước khi vô Nam rất phổ biến, nên việc canh phòng rất nghiêm ngặt. Ngoài những toán canh gác thường xuyên của đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn... còn có mạng lưới tự giác theo dõi lẫn nhau theo cơ cấu 3 người một tổ, 6 người một lán, mỗi tiểu đội có hai lán, phải có bổn phận theo dõi lẫn nhau... (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 1/16/2007 09:58:00 AM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Liên Kết

BLOGGER

Bạn là người thứ  

Ghé Thăm LMVS