Liên Mạng Việt San

[ Trang SaiGon Times]

[ Trang Liên Mạng]

[ Thời Sự VN ]

[ Bình Luận ]

[ Văn Học và Lịch Sử­]

[ Vườn Thơ ]

[ Radio/TV Online ]

Bài Đã Đăng

Trang Bài Cũ

Mục Thư Cũ

Chinh t hức thành lập ngày28/12/2005 Copy Right by Nhất Thanh

Mọi bài vỡ xin đóng góp và gửi vể Liên Mạng Việt San lienmang_vietsan@yahoo.com 

 

Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 35) - Hữu Nguyên

Bài Viết Đăng Nhập vào: Saturday, December 16, 2006

<< Trở Lại Trang Đầu

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Ngay khi bước vào căn hẻm cũ, dưới ánh đèn vàng vọt từ ngoài đường hắt vô và từ những nhà chung quanh chiếu xuống, tôi đã nhận ra căn nhà quen thuộc của Mẹ. Khi đến gần, tôi vẫn thấy chiếc cửa gỗ cũ kỹ bên bức tường loang lổ. Cổng khóa, nhưng tôi không bấm chuông, vì không muốn Mẹ bước ra ngoài, bật đèn sáng, gây kinh động gia đình người công an ở cạnh nhà. Nhìn quanh, không thấy ai, tôi vội với tay vào cái hốc nhỏ, kín đáo nằm ngay dưới chân cổng... Trong một khoảnh khắc phập phồng lo ngại, tôi bỗng vui mừng khi sờ thấy chiếc chìa khóa nằm gọn trong hốc... Tôi xúc động nhớ tới lời Mẹ dặn trong những năm tháng xa xưa, "Mẹ già lắm rồi... chẳng biết sống chết thế nào. Con đi đâu thì đi, nhưng nhớ về với Mẹ. Khi về, thò tay vào cái hốc ở cửa, thấy chiếc chìa khóa Mẹ giấu ở đó là Mẹ vẫn còn sống, vẫn còn ở cái nhà này...".
Tay tôi run run mở khoá, rồi cố gắng đẩy chiếc cổng gỗ thật nhẹ nhàng để Mẹ không hay biết. Sau khi khép cổng, tôi đi qua chiếc cửa sổ có che rèm. Trong nhà đèn sáng, nghe có tiếng động lịch kịch, tôi cố nhìn vô trong nhưng không thấy gì. Bước thêm mấy bước, quẹo về bên phải là chiếc cửa duy nhất để vô nhà. Tôi đứng đó, hít một hơi thở thật sâu, cố gắng chế ngự nỗi niềm xúc động của mình, rồi gõ cửa... Không nghe thấy tiếng Mẹ trả lời, chỉ nghe tiếng lịch kịch trong phòng, nên tôi đoán, có lẽ vì tôi quá xúc động nên gõ cửa quá nhẹ. Tôi gõ lần hai, mạnh hơn. Vẫn không thấy tiếng Mẹ trả lời, nhưng những tiếng lịch kịch cũng không còn. Im lặng năm, mười giây đồng hồ... Tôi đang định gõ cửa lần nữa, thì nghe Mẹ hỏi, giọng run run:
- Ai đó... Có phải Chí không con?
Tôi ngạc nhiên không hiểu sao Mẹ lại gọi trúng tên tôi. Tôi xúc động, nước mắt tự nhiên trào ra:
- Dạ, con đây... Mẹ!
Trả lời chưa dứt, tôi nghe có vật gì rơi xuống sàn nhà, tiếng chân của Mẹ đi vội vã, tiếng then cửa lạch cạch, rồi cánh cửa mở rộng... Dưới ánh đèn, Mẹ của tôi đứng đó, run rẩy ở tuổi 65, với mái tóc bạc, chiếc lưng còng và cặp mắt đẫm lệ... Lúc ấy, tất cả đều nhòa đi trước mắt tôi, nhưng tôi thấy rõ cặp mắt của Mẹ đang khóc. Trong suốt bao nhiêu năm dài sau này, mỗi khi nhớ về Mẹ, giữa không biết bao nhiêu những kỷ niệm thương đau, xót xa và ân hận, không hiểu sao tôi vẫn thấy trong tâm trí tôi lung linh hình ảnh cặp mắt đầm đìa nước mắt của Mẹ vào buổi tối hôm đó...
Sau này, ngay khi được đọc lần đầu tiên mấy câu thơ trong bài thơ Ta Về của Tô Thuỳ Yên:

Ta gọi thời gian sau cánh cửa
Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu
Ta nghe như máu ân tình chảy
Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau...

chẳng hiểu sao tôi liền xúc động liên tưởng ngay đến cặp mắt đẫm lệ của Mẹ. Và chẳng phải chỉ lần đầu tiên, mà mãi mãi về sau, mỗi khi đọc đoạn thơ trên của Tô Thuỳ Yên, tôi đều nhớ đến "nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu" của Mẹ vào tối hôm đó... Chính vì giá trị gợi cảm, tạo nên những liên tưởng tuyệt vời, mang đến trong lòng tôi nỗi niềm xúc động sâu xa và miên viễn như vậy, nên kể từ khi được đọc bài thơ Ta Về, nhà thơ Tô Thuỳ Yên đã ngự trị một vị trí vô cùng trang trọng trong tâm hồn của tôi. Ngay cả sau này, khi qua một số thân hữu ở Mỹ, nghe được những tin tức hư, thực về ông, lòng yêu quý của tôi dành cho ông vẫn không hề thay đổi. Không thay đổi, không phải vì tôi ngoan cố, mù quáng bảo vệ một thần tượng, mà vì tôi nghĩ rằng, một nghệ sĩ với tài năng đặc biệt, trong những hoàn cảnh đặc biệt xuất thần, họ có thể để lại cho đời một kiệt tác bất hủ. Tôi trân trọng kiệt tác bất hủ đó, tôi biết ơn nghệ sĩ đó...
Dìu Mẹ bước vào trong nhà, nhìn cảnh tượng trước mắt, lòng tôi trùng xuống trong nỗi xót xa, thương cảm. Ngay góc nhà là chiếc nồi nấu "cơm" bị đổ ụp. Chung quanh là một phần gạo, ba phần khoai khô đổ tung tóe...
Níu tôi ngồi xuống giường, Mẹ kéo vạt áo lau nước mắt, rồi xụt xịt:
- Mẹ đang lấy "gạo" thổi "cơm" thì nghe gõ cửa. Mới đầu Mẹ giật mình vì cổng thì khóa, ai vô được trong này mà gõ cửa. Rồi thần hồn mách thần tính, Mẹ nghĩ ngay đến con, vì chỉ có con mới biết chỗ Mẹ giấu chìa khóa, mà mở cổng, vô gõ cửa... Nghĩ vậy là Mẹ rụng rời chân tay, đánh đổ cả nồi, cả "gạo"...
Nhìn chỗ khoai độn gạo tung tóe dưới đất, tôi thở dài:
- Ở nhà, Mẹ vẫn phải ăn độn hở Mẹ?
Mẹ tôi chép miệng:
- Mấy chục năm nay, cả nước ai mà chẳng ăn độn, hở con? Còn có độn mà ăn là may mắn lắm đó. Ở Đọi, Đệp [quê ngoại của tôi], Mẹ còn thấy người ta phải đào cả củ chuối lên mà ăn nữa đó...
Tôi cúi xuống hốt chỗ gạo và khoai độn bỏ vào nồi, mà ứa nước mắt. Cuộc đời của tôi trong những năm tháng dài sống trên đất Bắc, cũng thường xuyên phải ăn độn khoai, độn sắn, độn bột mì. Và Mẹ tôi đã nói đúng, mấy chục năm trời, ở Miền Bắc, hầu hết mọi người dân đều phải ăn độn quanh năm. Một năm, họa may chỉ có một, hai ngày Tết, người dân Miền Bắc mới may mắn được ăn cơm không độn.
Tối hôm đó, tôi kể cho Mẹ nghe tất cả sự thật về cuộc đời của tôi, kể từ khi tôi rời động Ông Đô đi tìm tự do cho đến khi tôi trở lại Miền Bắc. Nghe chuyện, Mẹ tôi khóc ròng, trong khi hai bàn tay của Mẹ cứ nắm chặt lấy tay tôi. Mẹ cũng kể cho tôi nghe những chuyện liên quan đến tôi. Vì tôi xa cách Mẹ từ khi còn nhỏ, nên tôi không có "hộ khẩu" ở Hà Nội. Sau này, tuy tìm thấy Mẹ, nhưng tôi chưa kịp chuyện "hộ khẩu" về Hà Nội, thì đã bị gọi đi "bộ đội". Trong suốt thời gian hơn một năm trời sống trong hàng ngũ "bộ đội", tôi vẫn không hề khai địa chỉ của Mẹ ở Hà Nội. Vì vậy, khi tôi hồi chánh, vô Nam tìm tự do, rồi viết bài tố cáo cộng sản và lên đài VOA đọc những bài viết đó, chỉ những người cộng sản ở quê biết. Còn ở Hà Nội, cộng sản vẫn không hề biết, Mẹ của tôi có một người con "phản bội đảng bác, chạy theo đế quốc". Anh, chị và một số bạn bè thân thiết của tôi, có ghé thăm Mẹ, cho biết những tin tức về tôi, nhưng không một ai khai báo cho cộng sản hay biết. Nhờ vậy, Mẹ của tôi vẫn sống bình an trong suốt những năm dài. Bây giờ, thấy tôi đột ngột trở về, Mẹ muốn tôi ở lại Hà Nội sống với Mẹ.
Mẹ bảo tôi:
- Con đã về đây thì ở đây với Mẹ. Mẹ sẽ xoay sở mua cho con cái "hộ khẩu". Chuyện đó chẳng có khó đâu con. Thời này chỉ có tiền là xong hết.
Trong thâm tâm, tôi đã quyết tâm về thăm Thầy Mẹ và một số người bạn thân cùng chí hướng, rồi tôi sẽ tìm đường vượt biên ra ngoại quốc. Đã được sống ở Miền Nam tự do, tôi không thể nào chấp nhận cả cuộc đời của mình sẽ mục ruỗng trong chế độ cộng sản. Đó là chưa kể đến việc, không sớm thì muộn, cộng sản sẽ phát hiện ra tôi, sẽ tống tôi vô tù chung thân, thậm chí có thể choàng vào cổ tôi cái án tử hình. Bên cạnh tương lai u ám và sự hiểm nguy cho bản thân, tôi còn lo sợ đến sự an toàn của Mẹ, anh chị, các cháu và bạn bè của tôi, nếu chẳng may tôi bị bắt ở nhà của Mẹ. Với những giấy tờ giả, tôi có thể đi lại ở Miền Bắc, Miền Nam, và tôi có thể bị cộng sản bắt, nhưng chúng không thể nào phăng ra được lý lịch của tôi, nếu tôi bị bắt ở một nơi xa lạ.
Nghĩ vậy, tôi nói:
- Con ở lại đây ngày nào là nguy hiểm cho Mẹ ngày ấy. Con phải đi...
Mẹ tôi khóc:
- Nguy hiểm thế nào đi nữa Mẹ cũng chịu. Mẹ già rồi, sống được ngày nào với con là Mẹ hạnh phúc ngày ấy...
Nghe Mẹ nói, tôi xúc động nhận ra, chỉ có tình Mẫu Tử thiêng liêng, lòng yêu con vô bờ bến, người Mẹ mới có thể sẵn sàng chấp nhận mọi sự hiểm nguy, để hy sinh tất cả cho con. Sống trong chế độ cộng sản, Mẹ tôi biết rõ những hình phạt tàn nhẫn của cộng sản, nếu chúng bắt được Mẹ chứa chấp tôi. Nhưng Mẹ sẵn sàng chấp nhận tất cả những hình phạt tàn nhẫn đó để đánh đổi lấy hạnh phúc mong manh được sống chung với người con của Mẹ trong vài tháng, vài năm... Tôi biết, trong hoàn cảnh lúc đó, tôi chỉ có thể dùng sự an nguy của chính tôi để thuyết phục Mẹ chấp thuận cho tôi một lần nữa phải chia tay Mẹ, ra đi...
Tôi khuyên Mẹ:
- Thưa Mẹ, nếu con ở lại, sớm muộn gì con cũng bị bắt. Khi đó, không những Mẹ khổ, mà con cũng khổ. "Tội" của con thế nào cũng bị họ xử bắn, hoặc bỏ tù chung thân mà Mẹ...
Mẹ tôi nức nở:
- Khổ quá, con ơi, con đừng nói nữa.... Thôi thì con đi đi... Ở lại với Mẹ vài tháng cho Mẹ đỡ nhớ, rồi con đi... Mẹ đã chả có công nuôi con thì Mẹ cũng chả dám ngăn cản con nữa...
Nghe Mẹ nói, tôi thấy thương Mẹ vô cùng. Tôi biết, Mẹ tôi lúc nào cũng mang mặc cảm đã không nuôi tôi, nên thường dễ dàng chiều ý tôi, không muốn làm tôi phật ý. Ngay lúc đó, tôi biết, tôi chỉ có thể ở lại với Mẹ một vài ngày, chứ không thể nào ở lại tới vài tháng. Thêm ngày nào ở lại Hà Nội, tôi sẽ gặp nguy hiểm ngày đó. Nhưng lúc đó, tôi không thể nói rõ cho Mẹ biết ý định của tôi. Nói ra lúc đó, chỉ làm cho Mẹ tôi thêm đau đớn, ảnh hưởng đến sức khỏe của Mẹ. Tôi sẽ nói với Mẹ khi nào gặp dịp thuận lợi.
Cả ngày hôm sau, tôi được hưởng hạnh phúc ở trong nhà của Mẹ, được Mẹ chăm sóc từ miếng ăn, thức uống, đến giấc ngủ, được thấy bóng dáng hiền thục của Mẹ thấp thoáng đi lại trong phòng. Đến khi bóng tối buông phủ, tôi chào Mẹ, rồi đi bộ theo đường tắt ra ga Hàng Cỏ, đáp tầu về Phủ Lý, để bắt đầu chuyến đi đầy nguy hiểm: Viếng thăm mộ của Thầy tôi! (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 12/16/2006 05:04:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Liên Kết

BLOGGER

Bạn là người thứ  

Ghé Thăm LMVS