Tôi Tìm Tự Do (kỳ 71)

Bài Viết Đăng Nhập vào: Friday, September 28, 2007

<< Trở Lại Trang Đầu

Hữu Nguyên

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.


*

(Tiếp theo...)

Cửa lán tù vừa mở, tên Biền ra lệnh cho tôi và T chui ra. Ngay khi bò được ra ngoài, chúng tôi thấy mấy tên bộ đội cầm súng AK hườm sẵn, nét mặt lạnh lùng vô hồn. Không đầy mấy phút sau, H từ lán bên cạnh cũng cùng chung số phận được giải tới đứng cạnh chúng tôi. Tên Biền cầm đèn bấm lia ngang lia dọc vô mặt chúng tôi rồi nói giọng xấc láo, hăm dọa:
- Tụi bây đã phạm tội vượt biên phản bội tổ quốc là tội đáng bắn bỏ ngay tại chỗ, khỏi cần xét xử. Đến khi bị bắt, đảng đã khoan hồn, tha tội chết, nhưng tụi bây vẫn không thành tâm hối cải, tiếp tục có âm mưu trốn trại là lại một lần nữa thêm tội chết. Đã vậy tụi bây lại còn kéo bè kết đảng rủ rê những người khác cùng trốn trại là ba tội đáng chết. Vì thế, ban chỉ huy trại quyết định đưa tụi bây đi trại khác, để ở đó sẽ có biện pháp giáo dục tụi bây thích đáng.
Tên Biền có thói quen khi tức giận chuyện gì y chuyên xưng hô mày tao, gọi chúng tôi là "tụi bây". Thú thực, trong cuộc đời tù đầy của tôi dưới chế độ cộng sản, tôi đã nhiều lần bị đối xử tàn nhẫn, nhưng chưa có lần nào gặp phải lối xưng hô "mày tao, tụi bây" một cách trắng trợn và vô học như tên Biền.
Sau khi lên lớp một hồi về tội trạng của tụi tôi, tên Biền quay sang tên bộ đội đứng cạnh, gật đầu. Tên bộ đội hiểu ý bước tới, lên đạn, chĩa nòng súng về phía chúng tôi và ra lệnh chúng tôi đứng nghiêm. Một tên công an bước lại, tháo còng, để chúng tôi người nào đeo ba lô của người đó. Sau đó, tên công an tiếp tục còng hai tay chúng tôi về phía trước. Riêng H. có lẽ là con gái, nên chúng không còng tay. Cuối cùng, để cho chắc ăn, tên công an lấy ra một sợi dây dù dài, trói tay tôi một đoạn, trói tay T một đoạn, trói tay H một đoạn, rồi đoạn cuối cùng y quấn chặt vào tay của y. Vậy là cả ba chúng tôi đều bị trói chung vô một sợi dây mà một đầu của sợi dây do tên công an nắm giữ. Với lối trói như thế, dù có liều mạng cách mấy, tôi cũng chẳng dám và chẳng thể nào chạy trốn.
Tên công an này là người Nùng, không rõ là họ Nùng hay họ Nông, nhưng chắc chắn tên của y là Trí Vân. Vân có một chiếc răng vàng ở hàm trên, hình như đó là phong tục tập quán của người Nùng ở miền thượng du Bắc Việt. Người Vân lùn, thân hình rắn chắc, da ngăm đen, khi cởi trần trông như khối đồng hun. Vân cuồng tín tin tưởng vào chủ nghĩa cộng sản, nhưng vì ít học, nên thích nghe chuyện đông tây kim cổ, và dễ nghe lời phỉnh nịnh. Trong số những công an, bộ đội giam giữ chúng tôi ở Đông Hà lúc đó, tôi chỉ cầu mong Vân là người giải giao chuyển trại cho chúng tôi. Vì với Vân, tôi hy vọng sẽ dễ dàng qua mặt để biến mình trở thành một tên "tù vượt biên ngu ngơ, dại khờ nhưng thuộc loại con ông cháu cha"... Thiệt may mắn cho tôi, hy vọng của tôi đã thành sự thật...
Bình minh hôm đó, trong khí lạnh của núi rừng, tên Biền cùng với bốn tên bộ đội và bốn tên công an áp giải chúng tôi tới bến xe Đông Hà. Có lẽ ban giám đốc bến xe đã nhận được lệnh từ trước, nên chiếc xe đò duy nhất tuy đã đầy khách, vẫn đậu ở bến xe chờ chúng tôi. Hai tên công an, trong đó có Vân, giải chúng tôi lên xe. Còn lại tên Biền, hai tên công an và bốn tên bộ đội thì quay về ngay khi xe chuyển bánh. Tôi thở phào nhẹ nhõm phần nào vì lúc trước, tôi cứ đinh ninh, nếu cả bọn bốn tên bộ đội cùng bốn tên công an cùng giải giao chúng tôi về Huế, thì tôi chẳng có cơ hội nào trốn chạy.
Cả ba chúng tôi được ngồi vô một băng ghế, ngay phía sau tài xế. Một tên công an, ngồi trên chiếc ghế duy nhất ngay bên phải tài xế. Tên Vân ngồi ở ghế bên cạnh, ngang với ghế chúng tôi. Sợi dây dù trói chung chúng tôi được tên Vân buộc cẩn thận vô thành ghế. Trong tình thế bị còng lại bị trói chung cả ba vô một sợi dây đã buộc vô thành ghế trong xe như vậy, tôi biết, tôi không tài nào có thể trốn được.
Ngay khi bước lên xe, nhìn lướt qua những hành khách trên xe, tôi nhận ra đa số họ là người miền núi. Chỉ có vài người Kinh ngồi ở phía trước. Thấy ba người chúng tôi bước lên xe, tay bị còng, lưng đeo ba lô, lại bị trói chùm với nhau, mọi người, kể cả viên tài xế, đều không lộ vẻ gì ngạc nhiên. Mọi người vẫn trò chuyện tự nhiên. Vài người, quay nhìn chúng tôi một thoáng rồi tỉnh bơ quay ra ngoài cửa sổ. Điều này chứng tỏ, công an Đông Hà đã thường xuyên trói tù từng chùm rồi giải giao tù bằng xe đò. Thú thực, thoạt đầu, khi được lệnh chuyển trại, tôi cứ đinh ninh, bị giải giao bằng xe riêng của đồn công an Đông Hà. Nhưng khi thấy mình được giải giao bằng xe đò, lòng tôi có thêm hy vọng. Tuy không tin tưởng những người dân trong chuyến xe đò từ Đông Hà sẽ sẵn sàng giúp đỡ tôi như chuyến xe từ Dầu Tiếng về Bình Dương, nhưng tôi thành thực hy vọng, thế nào cũng có người giúp đỡ tôi không cách này cũng cách khác.
Sáng hôm đó, tên Biền chỉ tuyên bố chung chung sẽ chuyển chúng tôi đến một trại giam khác, nhưng qua những lời thì thầm của ông HK trong đêm, tôi biết chắc chắn, chúng sẽ chuyển chúng tôi về lao Thừa Phủ, Huế. Qua chuyện trò với ông HK tôi biết, lao Thừa Phủ xây cất rất kiên cố, nếu tôi đã bị giam giữ ở đó, tôi sẽ vô phương vượt ngục. Nguy hiểm thứ hai, một khi đã về đến lao Thừa Phủ, chắc chắn lý lịch của tôi sẽ bị phanh phui, và khi đó tôi sẽ phải chịu nhiều hình phạt khủng khiếp, cuộc đời của tôi sẽ vĩnh viễn bị khâm liệm, không bị xử bắn, thì cũng bị tù mọt gông. Vì vậy, tôi đã âm thầm nuôi quyết tâm, trên đoạn đường từ Đông Hà về đến lao Thừa Phủ, bằng bất cứ giá nào, tôi cũng phải chạy trốn. Vẫn biết, chạy trốn trên đoạn đường này, trong khi hai tên công ai giải giao đều đeo súng ngắn, sẽ vô cùng nguy hiểm, nhưng dù vậy, tôi vẫn còn có cơ hội thoát cũi sổ lồng nhiều hơn so với khi bị nhốt vô lao Thừa Phủ.
Trên đoạn đường bị giải giao từ trại tù Đông Hà ra bến xe, tôi miên man nghĩ ngợi cách tẩu thoát. Trước mắt, tôi nghĩ, nếu chúng tôi bị trói chùm lại với nhau bằng một sợi dây, tôi không thể nào chạy trốn một mình được. Vì vậy, điều đầu tiên, tôi phải tìm cách thuyết phục tên Vân công an tháo sợi dây dù trói chung chúng tôi. Có như vậy, tôi mới có thể chạy trốn khi gặp cơ hội. Tôi cũng hy vọng, cho dù tôi không thuyết phục được Vân tháo sợi dây dù, thì trên đoạn đường từ Đông Hà về lao Thừa Phủ, chắc chắn thế nào cũng có lúc, chúng phải cởi sợi dây dù trói chúng tôi để chúng tôi giải quyết chuyện vệ sinh cá nhân. Khi đó sẽ là cơ hội cuối cùng để tôi có thể chạy trốn.
Để có thể thuyết phục được Vân chấp nhận cởi sợi dây dù, tôi phải tìm cách làm cho Vân lơ là cảnh giác, coi thường chúng tôi. Trong thời gian bị giam giữ ở Đông Hà, chúng tôi cũng đã thành công chứng tỏ cho bộ đội, công an ở đó thấy chúng tôi chỉ là những đứa trẻ ngu ngơ, nghe người khác xúi dục mà đi vượt biên. Nhất là T và H, tuổi còn quá trẻ, sinh ra và lớn lên ở thành phố, chưa một ngày quen với phong ba bão táp cuộc đời, nên khi đi lao động trong rừng, cả hai đều có tất cả những đường nét ngây thơ, non nớt của tuổi trẻ thành phố. Và đó là những thuận lợi mà tôi thấy cần phải tiếp tục khai thác trong chuyến đi này để hai tên công an mất cảnh giác, coi thường chúng tôi.
Sau khi thì thầm bàn bạc với T và H, tôi quay sang Vân xin y cho chúng tôi trích một ít tiền "tang vật" mà chúng đã tịch thu, để chúng tôi có thể mua bán dọc đường. Tên Vân bàn bạc với tên công an kia một lúc, rồi chúng gật đầu chấp thuận. Thế là trên đường đi, mỗi khi có dịp, tôi đều gọi mua đồ ăn, thức uống, thuốc lá thật hậu hĩ cho hai tên công an. Cả hai tên đều vui vẻ ăn uống, chấp nhận quà cáp do chúng tôi mua cho. Không khí căng thẳng lúc ban đầu giữa hai tên công an và chúng tôi dần dần giảm bớt cùng với thời gian và đoạn đường chúng tôi đi từ Đông Hà về thị xã Quảng Trị.
Vì quyết tâm bằng mọi giá, tôi sẽ chạy trốn trên đường từ Đông Hà về lao Thừa Phủ, nên tôi rất lo ngại hai tên công an có súng ngắn sẽ bắn tôi. Tôi không biết khả năng bắn súng của tên công an kia như thế nào, nhưng tên Vân thì tôi vẫn nghe ông HK và các bạn tù ở Đông Hà ca ngợi tên Vân là tên công an bắn súng giỏi nhất ở Đông Hà. Có lẽ là người Nùng, thường xuyên săn bắn thú rừng trước khi vô công an, nên tên Vân bắn súng dài cũng như súng ngắn, súng nào cũng rất thiện nghệ. Tôi nghe ông HK nói, chính tên Vân đã có lần bắn hai phát súng hạ hai con sóc cùng một lúc. Ông HK giải thích cho tôi hiểu, con sóc là con vật bé bỏng, lại chạy nhanh khủng khiếp. Bắn trúng một con đã khó, huống hồ bắn hạ cả hai con cùng một lúc. Lý do là khi bắn trúng con thứ nhất, con thứ hai sẽ chạy mất tăm hơi ngay, lấy đâu mà nhắm bắn.
Với tài bắn súng thiện nghệ như vậy, tên Vân sẽ bắn chết tôi dễ dàng, nếu tôi chạy trốn. Dù cho tôi có bị bắn bị thương đi nữa, thì tôi cũng sẽ bị chúng bắt lại và sẽ phải chịu nhiều cực hình tra tấn. Vì thế, tôi nghĩ, cách duy nhất để tôi có thể trốn thoát, là tôi phải làm cách nào để cho tên Vân không bắn tôi, hoặc nếu có bắn, y sẽ có những tích tắc ngập ngừng, không muốn bắn trúng tôi. Để làm được điều đó, tôi thấy phải làm cả hai cách. Một là tôi phải tạo tình thân với y qua quà cáp và trò chuyện. Điều này tôi đã và đang làm. Hai là tôi phải tìm cách đánh đòn tâm lý qua những câu chuyện, để qua đó, tôi cho y có ý tưởng tôi thuộc loại "con ông cháu cha" có "gốc bự" đang làm cho VC. Mà đối với một tên công an người Nùng ở Đông Hà, "gốc bự" phải là một nhân vật có thật, nhân vật đó không thể ở đâu xa, mà phải ở ngay tỉnh Quảng Trị.
Nhờ trò chuyện với ông HK, tôi biết được tên của trưởng ty công an Quảng Trị lúc đó họ Nguyễn, tên là gì thì lâu ngày quá tôi không còn nhớ, nên tôi tạm gọi là X. Đợi dịp thuận tiện, tôi hỏi Vân:
- Thưa cán bộ tôi muốn hỏi cán bộ một câu?
Tên Vân gật đầu không nói.
- Thưa cán bộ có biết ông X?
Tên Vân vừa nhồm nhoàm nhai bánh vừa hỏi lại:
- X nào?
- Thưa ông Nguyễn Hữu X, trưởng ty công an nhân dân tỉnh Quảng Trị...
Vân ngừng nhai, trợn mắt nhìn tôi, ngạc nhiên hỏi:
- Nguyễn Hữu X trưởng ty công an nhân dân tỉnh Quảng Trị? Sao tôi không biết. Thủ trưởng của tôi mà. Mà làm sao anh biết ổng?
Không trả lời thẳng câu hỏi của Vân, tôi tỏ vẻ ái ngại, lo sợ, rồi rụt rè nói nhỏ với tên Vân:
- Nói thật với cán bộ, tụi tôi dại dột nghe người ta xúi dại đi vượt biên. Bây giờ bị bắt, bố tôi tôi không sợ, tôi chỉ sợ chú X thôi.
Vân kéo vạt áo lên chùi mép, rồi hỏi tôi giọng có vẻ tò mò:
- Anh là ai mà dám gọi ông X là chú?
Thú thực, tôi không biết gì về X. Qua chuyện trò với ông HK, tôi chỉ biết X là trưởng ty công an, có một vợ, hai con. Có vậy thôi. Chính ông HK cũng không biết gì hơn về X. Nay tôi đánh liều đi nước cờ này, để Vân tưởng tôi và ông X có quan hệ ruột thịt. Nhưng nếu không cẩn thận, Vân biết rõ về X hơn tôi, hỏi tới mấy câu, thì tôi đâu biết trả lời làm sao. Như vậy, mọi chuyện đổ bể, tôi càng kẹt, và mối quan hệ giữa tôi và Vân được bồi đắp trên đường đi sẽ bị sụp đổ. Nghĩ vậy, tôi không chính thức nhận X là chú, và cũng không trả lời thẳng câu hỏi của Vân, mà chỉ nói nước đôi:
- Chú X đã nhiều lần bảo tôi, bây giờ đã giải phóng, đất nước đã thống nhất thì phải lo mang công sức ra để cống hiến cho cách mạng chứ đừng có dại dột vượt biên đi theo đế quốc nữa...
Tên Vân gật đầu đồng ý:
- Đúng như vậy. Tuổi của anh còn trẻ, tại sao anh không ở lại phục vụ cách mạng có phải anh có tương lai tươi sáng không nào.
Nói đến đó, Vân nhìn tôi bán tín bán nghi:
- Nhất là khi anh lại có chú làm lớn trong ngành công an...
Tôi giả bộ ăn năn hối hận:
- Tôi nói, biết cán bộ không tin, nhưng không nói thì lòng áy náy vô cùng. Thú thực với cán bộ, ngay hôm tôi bị bắt ở Đông Hà, tôi cứ tưởng mình bất hạnh. Nhưng trong suốt mấy tuần qua, nằm vắt tay lên trán, nghĩ đi nghĩ lại, tôi mới thấy mình bị bắt như vậy đâm ra lại may mắn, vì có bị bắt, tôi mới có cơ hội nhận ra mình vượt biên là sai lầm. Vì vậy, tôi chỉ mong sao cán bộ đừng cho chú X của tôi biết là tôi vượt biên bị bắt, kẻo chú biết, chú rầy la thì tôi sợ lắm...
Công an Vân nhìn tôi có vẻ thương hại, nói:
- Anh yên tâm đi. Danh sách những người vượt biên giải giao đi lao Thừa Phủ sẽ trình lên bộ nội vụ, nên công an tỉnh không hề hay biết gì chuyện này.
Nhìn vẻ mặt, thái độ và nghe câu nói của Vân, tôi rất mừng. Ít ra, Vân cũng tin tưởng phần nào, tôi là cháu của X. Như vậy, khi tôi chạy trốn, nếu Vân có định bắn tôi, y cũng phải ngần ngừ một hai tích tắc. Và biết đâu, một hai tích tắc đó, sẽ cứu tôi thoát nạn? Cho đến nay, tôi không biết sự thực, Vân đã suy nghĩ gì khi nổ mấy phát súng lúc tôi chạy trốn trên đường phố Huế cách lao Thừa Phủ có vài trăm thước, nhưng quả thực, không một viên đạn nào trúng tôi. Nhờ vậy, tôi đã trốn thoát, rồi được người khác giúp đỡ, gọi xe ôm ra Huế, và đáp tàu chợ trở lại Biên Hoà ngay tối hôm đó.... (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 9/28/2007 10:38:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Liên Kết

BLOGGER

Bạn là người thứ  

Ghé Thăm LMVS