Tôi Tìm Tự Do (kỳ 61)
Bài Viết
Đăng Nhập vào: Sunday, July 01, 2007
|
<< Trở Lại Trang Đầu |
Hữu Nguyên
Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.
* (Tiếp theo...)
Cuộc sống của tôi lúc này ở Sàigòn có vẻ an toàn hơn vì tôi đã có giấy tờ tuỳ thân. Dùng những giấy tờ đó, tôi có thể tạm thời qua mặt các trạm kiểm soát giao thông của bộ đội, công an. Tuy nhiên, tôi vẫn hạn chế việc đi lại của mình vì ngại gặp người quen. Thời thế thay đổi, lòng người có thể thay đổi theo. Thêm nữa, tôi đã từng sống trong chế độ cộng sản, nên tôi hiểu, người cộng sản với thủ đoạn nham hiểm và độc ác, họ sẽ đẩy những người dân hiền lành vào những hoàn cảnh hiểm nghèo, phải làm những chuyện họ không muốn. Đáng lo ngại hơn nữa, trong thời gian bị giam giữ tại Quân lao Gò Vấp, rất nhiều vệ binh, quản giáo đã biết rõ mặt tôi. Những vệ binh, quản giáo này đều thuộc phòng quân pháp, đồn trú tại bộ Tổng Tham Mưu VNCH cũ và thường xuyên xuất hiện trong khu vực Phú Nhuận. Nếu tôi đi lại nhiều, sẽ dễ có nguy cơ gặp gỡ những tên vệ binh quản giáo đó và sẽ bị chúng nhận diện, bắt giữ. Để bảo đảm an toàn, tôi không ăn ngủ ở một nơi nào nhất định tại Sàigòn. Tôi tránh không ghé thăm gia đình bà chị, là nơi tôi ở trước khi tôi bị bắt. Tôi chỉ ẩn náu ở những gia đình biết rõ hoàn cảnh của tôi, và tôi hoàn toàn tin tưởng là cộng sản không hề biết đến mối quan hệ giữa tôi với những gia đình đó. Lúc đó, tại Sàigòn, may mắn có bốn gia đình sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ tôi bất cứ lúc nào, mà cộng sản không hề hay biết. Đó là một gia đình ở Thị Nghè, một gia đình ở khu Đa Kao, một gia đình ở vùng Bà Chiểu và một gia đình ở chợ Trương Minh Giảng. Ngoài ra, ông cụ thân sinh ra BL cũng rất yêu thương tôi, sẵn sàng cưu mang tôi, nhưng vì nhà cụ ở ngay trong một con đường cụt, nơi tụi vệ binh quản giáo thường xuyên đi lại, nên tôi không dám tới làm phiền cụ. Quả nhiên, nỗi lo ngại của tôi đã trở thành sự thực khi tôi phải ghé vô nhà cụ để lấy địa bàn và bản đồ, vào một buổi chiều, đúng hai tuần sau khi tôi gặp BL. Trước khi kể lại câu chuyện tôi suýt bị bắt lại ở ngay cổng hai Bộ Tổng Tham Mưu cũ, tôi xin kể về chuyện tôi đang tá túc tại một gia đình ở Thị Nghè thì bị bố ráp bất ngờ vào lúc gần giờ giới nghiêm, nên tôi phải trốn khỏi Thị Nghè và tìm đến nhà ông Tâm ở chợ Trương Minh Giảng để tá túc. Câu chuyện đầu đuôi như thế này. Lúc đó, gia đình cho tôi ẩn náu ở vùng Thị Nghè, nằm trong một căn hẻm. Đó là một gia đình rất đức hạnh và ngoan đạo. Ông cụ đã qua đời từ lâu, còn lại có bà cụ và ba người con gái, hai người con trai. Một anh xuất thân võ bị Đà Lạt, sau 1975 phải đi học tập cải tạo. Còn anh cả làm việc gì thì tôi không rõ, nhưng mỗi khi tôi ghé thăm, đều gặp anh ở nhà. Gia đình hiểu rất rõ hoàn cảnh của tôi và rất thương yêu tôi, vì ngay khi tôi mới chuyển về Trung Tâm Chiêu Hồi Thị Nghè, ông VL, một nhân viên của Trung Tâm, đã dắt tôi đi chơi đó đây, rồi ghé thăm gia đình cụ. Qua lời kể của cụ, tôi được biết, gia đình cụ cũng là nạn nhân của cộng sản từ những năm đầu thập niên 1950, nên đã di cư vô Nam hồi năm 1954. Vì vậy, cụ hiểu rất rõ về cộng sản, và thương yêu tôi như con. Sau này, ngay khi trốn trại tù Kàtum, trở về được Sàigòn, tôi đã tìm đến gia đình cụ và được cụ bao bọc, giúp đỡ, dù hoàn cảnh của gia đình cụ sau 1975 vô cùng khốn khó. Thời gian được cụ cho tá túc, tôi thường ở trên một căn gác xép, rất kín đáo. Từ căn gác xép có hai cửa sổ, trông ra hai phía. Cửa sổ có thể mở dễ dàng. Anh con trai của cụ vẫn dặn tôi, nếu dưới nhà có động, hay có chuyện gì bất lợi, cứ để cho anh và gia đình thu xếp. Còn tôi cứ việc mở cửa sổ, leo ra ngoài, nhẹ nhàng đi trên các mái ngói rồi tụt xuống đường mà tẩu thoát. Buổi tối hôm đó, khoảng 10 giờ hơn, tôi đang nằm xem sách ở trên lầu, chờ bữa cơm tối, cụ sẽ cho người bưng lên lầu, thì tôi nghe có tiếng gõ cửa ầm ĩ, rồi tiếng la hét rất lớn, rất hách dịch, "Mở cửa! Mở cửa!" Tôi ở tận trên lầu còn nghe rõ mồn một. Nghe tiếng hét như vậy, tôi biết ngay là có chuyện bất thường. Vội vàng tôi ghé mắt qua khe ván, nhìn ra phía trước. Từ trên cao, qua khe ván nhỏ, tôi nhìn thấy dọc theo con hẻm nhỏ có đến mấy chục tên bộ đội cùng với những người mặc đồ dân sự, nhưng trên cánh tay có đeo băng đỏ. Loại người này được người dân Miền Nam gọi là tụi "cách mạng 30". Thì ra, cả con hẻm lúc đó đang bị tụi VC bố ráp đột ngột. Chuyện này, tôi đã đề phòng và bàn bạc rất kỹ với cụ và anh con trai của cụ, nên tôi rất bình tĩnh. Vì giấy tờ tuỳ thân của tôi do anh BL đưa chỉ có giá trị đi lại trên đường khi công tác, nên không hợp lệ khi đang cư ngụ trong một gia đình nếu gia đình đó không trình báo uỷ ban phường. Đối với những gia đình tôi đang cư ngụ lúc đó lại ở ngay Sàigòn, cách "cơ quan chủ quản" cấp giấy không bao xa, thì việc trình giấy là điều không hợp lý và nguy hiểm, chẳng khác chi "lậy ông tôi ở bụi này". Do đó, mỗi khi cư ngụ ở nhà ai tại Sàigòn, tôi đều nằm trong tình trạng cư ngụ bất hợp pháp, và tôi phải trốn khỏi nơi đó ngay khi có sự bố ráp, xét sổ gia đình. Để bảo đảm trong khi vội vã trốn khỏi nơi đó, không để lại bất cứ vết tích gì của mình, tôi không bao giờ có hành trang hay đồ dùng cá nhân. Trở lại tối khuya hôm đó, thấy tình thế nguy hiểm, tội vội nhìn lại căn gác xép lần cuối, bảo đảm không còn dấu vết gì khả nghi, rồi nhanh chóng mở cửa sổ, nhẹ nhàng chui ra bên ngoài. Sau đó, tôi đóng cửa, kéo chốt khoá lại bằng sợi dây dù nhỏ giấu kín bên mép cửa sổ. Ngoài trời tối đen, tôi nép mình dễ dàng trong bóng đêm. Theo kế hoạch đã bàn bạc, tôi có thể ẩn mình bên ngoài chờ cuộc bố ráp, xét sổ gia đình xong, tôi sẽ chui vô trở lại. Nhưng từ trên cao, nhìn quang cảnh bố ráp bao trùm cả con hẻm, chạy dài cho đến chợ Thị Nghè, và không khí của cuộc bố ráp rất căng thẳng, gắt gao nên tôi vội bò đi một đoạn thật xa, rồi tụt xuống đường, gọi xe ôm đến nhà bà chị ở cư xá Chu Mạnh Trinh. Xui xẻo cho tôi, tối hôm đó, cả gia đình bà chị đi vắng, nên tôi phải chạy lại nhà ông Tâm ở cạnh chợ Trương Minh Giảng. Ông Tâm là người Bắc di cư vô Nam, rất am tường về chủ nghĩa cộng sản và căm thù cộng sản. Theo lời ông kể, vào năm 1945, ông đang sống ở Hà Nội thì chứng kiến người cộng sản cướp chính quyền, nên ông đã dại dột trốn cha mẹ đi theo Việt Minh. Trước khi đi, ông còn đập vỡ chiếc nồi đất bằng sành, lấy hết số vàng lá mà cha mẹ của ông đã giấu trong đó để đem nộp cho "cách mạng". Sau thời gian hai năm đi theo Việt Minh, ông mới hiểu rõ cộng sản là gì, nên ông đã từ bỏ cộng sản "dinh T", trở về Hà Nội. Khi đó, ông cụ thân sinh ra ông vốn là đảng viên Quốc Dân Đảng nên đã bị Việt Minh giết chết trong vụ thảm sát Ôn Như Hầu. Trước khi chết, ông cụ còn để lại mảnh giấy nói vợ và các con cố gắng tìm kiếm ông Tâm, thuyết phục ông đừng đi theo Việt Minh. Qua đau lòng trước cái chết của thân phụ, cộng với những kinh nghiệm kinh hoàng của ông về cộng sản, nên năm 1954, ông Tâm cùng với mẹ và cả gia đình vội vã trốn ra Hải Phòng để di cư vô Nam. Tại Hải Phòng, ông Tâm quen biết chị của tôi và hai gia đình đã chơi thân với nhau từ ngày đó. Sau khi vô được Miền Nam, tôi thường được chị tôi dắt đến thăm ông Tâm và lần nào cũng ở lại ăn cơm tối với gia đình, nên chúng tôi có rất nhiều thì giờ để trò chuyện tâm sự. Tôi rất thích nghe ông kể về cuộc đời chìm nổi, ngang dọc của ông, và ông cũng rất thích nghe tôi kể về những chuyện xảy ra ở Miền Bắc từ sau năm 1954. Ông Tâm cao to, nước da trắng trẻo, cử chỉ đường bệ, trong khung cảnh nhà cửa sang trọng, nên lời ông nói rất thuyết phục. Mỗi khi nói chuyện, hay nghe người khác nói, ông có thói quen hay nói đệm "vậy hả, vậy hả". Bà Tâm vợ của ông thì rất hiền lành, nhu mì, tuân phục chồng mọi chuyện từ trong nhà cho đến ngoài đường. Mỗi khi tiếp khách, bao giờ bà cũng ngồi ở vị trí khiêm tốn, hoặc đằng sau ông, hoặc ngồi ở chiếc ghế thấp hơn ông một chút. Vì tin tưởng ông Tâm là người chống cộng, nên theo lời khuyên của chị tôi, và được chị gửi gắm với ông, tôi đã đôi lần ghé lại nhà của ông Tâm ẩn náu. Ông Tâm là người rất chịu chơi. Trước 1975, mỗi khi đến gặp ông, qua phong thái và lối trò chuyện của ông, tôi chỉ nghĩ ông là một công chức cao cấp. Nhưng sau 1975, khi gặp hoạn nạn, vượt ngục trở về Sàigòn, ghé nhà ông tá túc, tôi mới thấy được bản lãnh giang hồ của ông. Ông cho tôi ở trên căn gác xép trên lầu, và chỉ dẫn đường đi nước bước, mỗi khi có chuyện nguy hiểm. Ông còn chỉ chỗ cho tôi giấu chiếc chìa khoá cửa ở ngay ngoài nhà, để tôi có thể đến nhà ông ẩn náu bất cứ lúc nào, ngày cũng như đêm, cho dù ông và gia đình không có ai ở nhà. Đêm hôm đó, tôi đi xe ôm đến nhà ông. Cẩn thận, tôi xuống xe ôm ngay ngoài đường Trương Minh Giảng, rồi đi bộ vô nhà. Lúc đó đã gần 12 giờ đêm, giờ giới nghiêm, nên đường phố rất vắng. Con hẻm dẫn vô nhà ông cũng không còn người đi lại. Đến trước nhà của ông, tôi thấy trong nhà tối om. Vì tôi và ông đã thống nhất với nhau từ trước, nên tôi không bấm chuông, chỉ gõ cửa theo đúng ám hiệu, ba nhanh hai chậm. Gõ xong, tôi im lặng đứng chờ. Nếu không có ai ở nhà, tôi sẽ lấy chìa khoá, mở cửa vô nhà, ngủ tạm qua đêm, đến sáng mai tính. Khoảng hai phút trôi qua, không nghe động tĩnh gì, tôi đang tính gõ cửa lần nữa thì nghe có tiếng chân người từ trên cầu thang đi xuống. Sau đó, tiếng ông Tâm hỏi, thì thầm nhưng chậm rãi, rõ ràng: - Cậu Chí đấy hả? Tôi mừng quá, vội thưa: - Dạ, em Chí đây! Sau đó có tiếng lách cách mở khoá từ phía bên trong. Cách cửa mở hé, vừa đủ cho tôi lách vô. Ông Tâm đóng cửa, khoá lại cẩn thận, rồi quay qua tôi nói: - Cậu theo tôi... Nói xong, ông đi lên cầu thang. Tôi lặng lẽ đi theo. Lên đến căn gác xép trên cùng, ông chỉ vô chiếc giường tôi vẫn nằm mỗi khi ghé lại nhà ông, và nói: - Tất cả còn y nguyên, chờ cậu... Cậu ngồi xuống đó đi. Sao, cậu đã ăn uống gì chưa? Tôi thành thực: - Thưa chưa. Em đang chờ ăn tối thì bị chúng bố ráp, phải chạy vội sang đây nhờ anh. Ông Tâm là người lớn tuổi, đáng bậc cha chú. Nhưng vì là bạn thân với chị tôi, nên ông coi tôi như em, và tôi vẫn gọi ông là anh, xưng em. Ông Tâm vỗ vai tôi thân mật: - Nhờ vả gì đâu. Chị cậu trước đây giúp tôi những chuyện to như núi, mà tôi đâu có trả ơn được gì. Bây giờ, cậu đi tắm rửa, rồi ăn tạm mì gói. Khuya rồi nên tôi chả dám đánh thức chị, sợ tụi hàng xóm nó để ý, phiền phức lắm... Tôi tắm xong, ra ngồi trên giường, kéo chiếc bàn nhỏ lại cạnh, vừa ăn mì vừa nghe ông Tâm kể chuyện. Từ những chuyện buồn cười về những sự ngớ ngẩn của bộ đội khi vô Nam đến những tin tức phong phanh về phong trào phục quốc đang lớn mạnh trong rừng, đến chuyện Mỹ sẽ trở lại Miền Nam trong một ngày không xa, vân vân. Ông Tâm cũng kể cho tôi nghe những tính toán khôn ngoan của ông về cách vượt biên, phòng khi thất bại phải trở về thì vẫn còn nhà cửa để ở. Ông Tâm là người khôn ngoan, biết tính toán, lại hào hiệp, sẵn sàng bỏ tiền, bỏ vàng giúp đỡ cho mấy người con của chị tôi đi vượt biên. Nhưng không hiểu vì lý do gì, chị tôi nhất định không chịu. Vì vậy, tôi cũng không dám nhận sự giúp đỡ của ông, mặc dù nhiều lần, ông nói, sẵn sàng cho tôi đi chung tàu với gia đình ông. Sáng sớm hôm sau, tôi còn đang say ngủ thì ông Tâm vội đánh thức tôi dậy và cho tôi biết, chị tôi đến tìm. Biết ngay có tin quan trọng, tội vội vàng nhảy ra khỏi giường, tính xuống lầu, thì đã thấy chị tôi đi lên. Chị tôi nói ngay: - Có một "ông" tên là BL đến tìm cậu. Tôi giật mình, vì trong những lần nói chuyện với BL, tôi không hề đả động gì đến bà chị của tôi và cũng không nói đến địa chỉ của bà. Như vậy sao BL lại biết? Tôi đang tính tìm cách liên lạc với BL để hỏi về địa bàn, bản đồ, thì nay BL tìm đến bà chị của tôi là thế nào? Tôi lo lắng hỏi: - BL có nói tìm em làm gì không? Chị tôi mỉm cười: - Nói thiệt với cậu, BL với chị là bạn hàng trước bán thuốc tây ở chợ trời. Sau cũng nhiều lần BL cùng lo mối lái vượt biên, nên quen thân với chị. Chị đâu biết cậu đang nhờ vả BL. Đến khi nói chuyện với BL về cậu, chị mới biết, chính BL là người đã lo giấy tờ cho cậu. Tối qua, BL có đến nhà chị tìm cậu, nhưng không gặp. BL có nhắn với chị là bản đồ địa bàn đã có, cậu ghé ngay vô nhà ba của BL vào trưa Thứ Bảy tuần này để lấy. Nghe vậy tôi mừng quá. Cho đến hiện tại, chuyến đi của tôi và hai đứa cháu đã sẵn sàng tất cả, chỉ còn đợi có địa bàn, bản đồ. Nay BL đã lo được cả hai thứ đó, và nếu tôi có được chúng trên tay vào trưa Thứ Bảy, thì chúng tôi sẽ khởi hành ngay sáng Thứ Hai, trên chuyến xe đò từ Sàigòn ra Huế. Nhưng bên cạnh niềm vui mừng, tôi cũng có những lo ngại. Nhà của ba của BL ở cổng hai Bộ Tổng Tham Mưu cũ. Đây là nơi những tên bộ đội, quản giáo thuộc phòng quân pháp cộng sản thường lai vãng nhất là vào ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật. Trong số đó, có những tên trông coi Quân lao Gò Vấp, từng biết mặt tôi rất rõ. Nếu đến đó vào trưa Thứ Bảy, chẳng may, chạm trán bọn chúng trong ngõ hẹp này, tôi sẽ dễ dàng bị chúng tóm gọn. Nhưng nếu lần khân, tìm cách gặp BL để rời ngày lấy địa bàn, bản đồ sang một ngày khác, biết đâu tôi sẽ gặp những trục trặc bất ngờ khác. Sau một hồi suy nghĩ, tôi quyết định, sẽ đến nhà ba của BL vào đúng trưa Thứ Bảy để lấy bản đồ và địa bàn. Đây là một quyết định vội vàng, đưa tôi đến những nguy hiểm bất ngờ, khiến tôi suýt bị những tên vệ binh VC bắt sống ngay chiều Thứ Bảy. Nhưng không ngờ, đằng sau những nguy hiểm chết người đó, tôi lại một lần nữa được những người mẹ, những người chị của Miền Nam tự do, tận tình giúp đỡ và cứu thoát trên suốt chặng đường từ Võ Tánh đến Trương Minh Giảng... (Còn tiếp...) |
posted by
Lien Mang Viet San @
7/01/2007 09:50:00 PM |
|
|