Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 58)
Bài Viết
Đăng Nhập vào: Thursday, June 14, 2007
|
<< Trở Lại Trang Đầu |
Hữu Nguyên
Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.
*
(Tiếp theo...)
Sau khi thoát nạn tại trạm kiểm soát Bến Cát, xe chúng tôi chạy về đến Bình Dương không gặp trạm kiểm soát nào nữa. Đến bến xe Bình Dương, sau khi bịn rịn chia tay từng người, tôi được hai anh sinh viên cùng đi trên xe rủ vô quán uống nước. Cả hai đều trẻ măng, tuổi trên dưới 20, tự giới thiệu tên là Hải và Tuấn. Vô quán, anh Hải và tôi ngồi xuống ghế, còn Tuấn vẫn đứng với chiếc ba lô nặng trĩu trên vai. Hải quay sang Tuấn thì thầm. Tuấn gật đầu chào tôi rồi đi ra. Quay sang tôi, Hải nói: - Anh ngồi đây uống nước với tụi em. Chờ Tuấn mang gạo đi bán lấy chút tiền cho anh đi xe về Sàigòn. Tôi cảm động không biết nói gì để bầy tỏ lòng biết ơn của mình. Hải nói tiếp: - Tụi em là sinh viên sư phạm vừa tốt nghiệp, đang đi thực tập dậy học. Đi dậy thì "người ta" trả lương bằng gạo. Mỗi người mỗi tháng được 12 kí lô. Ngoài ra, họ không trả tiền bạc gì thêm. Gạo họ trả thì chẳng đủ ăn, còn đồ ăn thức uống thì mình phải "tự túc" bằng cách tự "cải thiện". Đời sống tụi em bây giờ thiến thốn cực khổ lắm anh ạ. Nghe Hải nói, tôi thú thực: - Hải khổ như vậy vẫn chưa khổ bằng người dân ở ngoài Miền Bắc đâu. Tôi từng sống ở Miền Bắc suốt 20 năm, tôi biết rõ lắm chế độ tem phiếu, tiêu chuẩn lương thực, ở Miền Bắc trước đây. Hải phải biết, ở ngoài Bắc, mỗi người, mỗi tháng chỉ được 10 kí lô lương thực, bao gồm cả ngô, khoai, bột mì. Tất cả những thứ này đều mất chất lượng. Sạn, cát, sỏi đều được họ cố ý cho trộn lẫn trong gạo để tăng kí. Còn ngô, khoai, bột mì, thì đều để lâu trong kho, nên mỗi khi nhúng vào nước, sâu mọt nổi lềnh bềnh. Thời đó ở ngoài Miền Bắc, nếu chúng tôi được ăn một bữa cơm không độn là cả một chuyện hi hữu, chỉ có vào dịp tết nhất, giỗ chạp... Hải lắc đầu, tỏ vẻ không tin: - Sống như vậy thì làm sao mà sống nổi? Tôi cười cay đắng: - Vậy mà vẫn sống nhăn à. Nói Hải đừng cười chứ, trước đây ở ngoài Miền Bắc, bánh bao làm bằng bột mì của Nga nhập cảng, không có bột nở, đem luộc trong nước sôi, vớt ra để nguội, bánh cứng như cục đá, ném chó cũng chết. Đã vậy, bột mì lại hôi khủng khiếp. Ăn riết, ngấy đến tận cổ. Trông thấy bánh bao là sợ, nghe đến ăn bánh bao là kinh. Đến khi vô Nam, nghe ai mời ăn bánh bao là tôi lắc đầu. Về sau có lần được ăn bánh bao bà cả Cần, tôi mới ngạc nhiên, không ngờ bột mì làm bánh bao lại có thể ngon lành đến như vậy. Hải hỏi tôi về đời sống của thanh niên, sinh viên Miền Bắc. Tôi say sưa kể. Cuối cùng tôi nói: - Với quá khứ khổ đau của người Miền Bắc như vậy, tôi nghĩ cuộc sống hiện tại đối với Hải đã là khổ, nhưng tương lai chắc chắn sẽ còn khổ hơn nhiều. Hải nhìn quanh rồi thấp giọng hỏi tôi: - Anh đã có kinh nghiệm về cộng sản như vậy thì anh khuyên tụi em phải làm gì? - Tôi thấy cách tốt nhất là Hải cố gắng tìm đường trốn ra ngoại quốc. Chứ còn ở lại sống trong chế độ cộng sản thì tương lai sẽ mù mịt vô cùng. Hải nhìn tôi tư lự: - Vậy chắc anh cũng sẽ trốn ra ngoại quốc? Tôi gật đầu: - Bằng bất cứ giá nào, tôi cũng phải trốn. Nếu không, tôi trốn trại tù cải tạo làm gì. Trốn tù rồi, nếu không vượt biên ra ngoại quốc, để chúng bắt trở lại thì có phải thêm khốn khổ không. Hải lại hỏi: - Anh nghĩ tình thế này liệu có thay đổi gì không? Tôi không hiểu: - Hải muốn nói thay đổi gì? - Thì em nghe có tin đồn phục quốc, rồi tin Mỹ sẽ trở lại... Vả lại, người Miền Nam không giống người Miền Bắc đâu anh ơi. Em tin là khi người dân Miền Nam hiểu rõ bộ mặt thật cộng sản là họ sẽ quật khởi đứng lên chống lại chúng, chứ họ chẳng chịu yên phận đâu. - Tôi cũng hy vọng những lời Hải nói là sự thật, nhưng chuyện đó khó xảy ra lắm. Cộng sản nó đã chiếm được đâu rồi thì mình có muốn giành lại được cũng còn khuya. Vì vậy, vượt biên là thượng sách. Chúng tôi nói chuyện được một lúc, thì Tuấn trở lại, đưa cho Hải một số tiền. Hải giữ lại một ít, còn đưa hết cho tôi, rồi nói: - Chúng em chẳng có gì để giúp anh... Thôi anh cầm lấy chút tiền đi đường. Cầu mong anh gặp may mắn. Tôi cảm động bắt tay Hải và Tuấn. Hải nói nhỏ: "Hy vọng, tương lai chúng em sẽ được gặp lại anh". Tôi xiết chặt bàn tay nhỏ bé nhưng chai sần của Hải và nói: "Chắc chắn chúng mình sẽ gặp lại". Sau đó, chúng tôi chia tay. Đi được một đoạn xa, ngoảnh đầu lại, tôi vẫn thấy Hải và Tuấn đứng đó nhìn theo. Chúng tôi vẫy tay chào nhau lần cuối... Cho đến lúc ngồi trên chuyến xe về Bình Triệu, lòng tôi vẫn bâng khuâng nghĩ thật nhiều về Hải và Tuấn... Từ đó đến nay, đã 30 năm trôi qua, tôi không được gặp lại và cũng không biết Hải và Tuấn ở đâu. Nhưng tôi vẫn tin tưởng và cầu mong, hai anh đã đến được bến bờ của tự do ở một nơi nào đó... Sau khi đến Bình Triệu, tôi đáp xe buýt về Sàigòn. Chen chúc trong chiếc xe buýt, tôi thấy thật yên tâm. Như vậy là chuyến vượt ngục của tôi từ đầu cho đến giờ đã gặp rất nhiều may mắn. Và may mắn càng nhiều, tôi càng phải cẩn thận, vì tôi biết, may mắn chẳng thể nào đến với mình mãi mãi. Điều tôi phải cân nhắc bây giờ là một khi về đến Sàigòn, tôi sẽ về nhà ai? Chắc chắn tôi không thể về gia đình anh chị của tôi, nơi tôi từng ở trước khi bị bắt. Đó là địa chỉ chính thức trong mọi giấy tờ tù tội của tôi. Cộng sản đã nắm giữ tất cả những giấy tờ đó, và một khi hay tin tôi trốn tù, lập tức, địa chỉ đầu tiên cộng sản điều tra và theo dõi, sẽ là gia đình anh chị của tôi. Từ khi tôi vượt ngục từ tối hôm trước cho đến hiện tại, chưa đầy 24 tiếng đồng hồ, có thể cộng sản chưa kịp báo cho tụi cộng sản ở phường khóm theo dõi gia đình anh chị của tôi. Nhưng tôi không thể nào phiêu lưu chấp nhận rủi ro "có thể". Hơn nữa, như tôi đã kể cùng quý độc giả, tầng dưới căn nhà của anh chị tôi lúc đó là một quán nhậu. Muốn vô nhà phải đi qua tầng dưới. Vì thế, nếu tôi bước vô, gặp tụi cộng sản, cán bộ phường khóm đang ăn nhậu, chúng sẽ nhận ra tôi. Như vậy sẽ rất nguy hiểm cho tôi và anh chị của tôi. Vậy tốt nhất, tôi phải tránh xa căn nhà này bằng mọi giá. Tại Sàigòn, tôi có một người chị thứ hai ở cư xá Chu Mạnh Trinh. Vì nhiều lý do tế nhị trong gia đình cũng như vì sự an toàn của chị, khi tôi bị cộng sản bắt lại, tôi đã không hề khai tên tuổi, địa chỉ của chị. Tôi chắc chắn cộng sản không hề biết về chị và cũng không khi nào ngờ được, sau khi trốn trại tù, tôi lại về sống ở nhà của chị. Nhưng tôi không muốn về sống ở nhà chị ngay sau khi trốn tù. Tôi muốn để dành căn nhà của chị cho những lúc khốn cùng nhất, nguy hiểm nhất, khi tôi không còn chỗ nào tá túc, ẩn nấp. Trong thời gian trước 1975, tôi có quen biết và giao thiệp rất thân tình với một số bạn bè ở rải rác vùng Sàigòn và Gia Định. Họ là những người hiểu rõ hoàn cảnh của tôi, và đã tận tình giúp đỡ tôi. Tất cả những người này đều sẵn sàng cưu mang tôi một khi tôi gặp hoạn nạn. Có điều tôi không biết, cùng với sự chiếm đóng của cộng sản, không biết những người bạn đó có còn ở nơi cũ, hay đã dọn đi chỗ khác, hay đã vượt biên ra ngoại quốc. Hơn nữa, trong hoàn cảnh của tôi lúc đó, giấy tờ không có, mạng lưới o ép khủng bố của cộng sản thì bao trùm khắp mọi nơi, nên tôi thực lòng không muốn gây liên luỵ cho họ. Ngay khi còn ở trong trại tù cải tạo, tôi đã có quyết tâm, sau khi trốn thoát trại tù, bằng bất cứ giá nào, tôi cũng phải vượt biên. Sau thời gian lần khân, không chịu liều mạng vượt biên ngay, để rồi bị cộng sản bắt, phải trả giá gần một năm tù, đã cho tôi bài học, nếu tôi không quyết tâm, không chịu liều mạng tìm cái sống trong cái chết,... không sớm thì muộn tôi sẽ bị cộng sản bắt lại, và khi đó, tôi sẽ mãn kiếp sống trong tù ngục, hoặc sẽ bị cộng sản thủ tiêu. Tôi cũng biết rằng, một người sau thời gian bị tù đầy, khi được tự do, dù là tự do tạm, thường dễ say sưa tận hưởng mọi lạc thú, và thường lần lữa, không dám phiêu lưu đối đấu với những nguy hiểm để giành tự do. Tôi sẽ cố gắng để không bị sa lầy vào những lần lữa nguy hiểm, "chờ đến mai rồi tính", như vậy. Khoảng 4 giờ chiều hôm đó, chiếc xe buýt chở tôi từ Hàng Sanh qua chợ Bà Chiểu rồi chaỵ dọc theo đường Chi Lăng, đã giúp tôi được nhìn thấy quang cảnh thân quen của ngày xưa. Đến ngã tư Phú Nhuận, tôi xuống xe, đi vào con hẻm nhỏ dẫn tới cư xá Chu Mạnh Trinh... Tôi gõ cửa. Không có ai trả lời. Chờ một lúc, tôi gõ lần thứ hai, mạnh hơn. Trong lòng tôi lúc đó lo ngại, căn nhà đã đổi chủ. Chị tôi đã dọn đi nơi khác, hoặc đã vượt biên. Chị tôi là người phụ nữ rất tháo vát, giao thiệp rộng, quen biết nhiều, và đã nổi tiếng ngay từ thời trước năm 1954, khi chị còn ở Hải Phòng. Vì vậy, trong bối cảnh nhà nhà đều tìm đường vượt biên, tôi không nghĩ là chị còn ở lại. Đang định gõ cửa lần nữa, thì tôi nghe thấy có tiếng chân người, rồi tiếng của chị tôi hỏi vọng ra: - Ai vậy? Tôi run run: - Em, Chí đây chị! Im lặng. Rồi tấm rèm ở cửa sổ lay động. Chị tôi nhìn ra, thấy tôi. Lập tức, cảnh cửa mở vội và mở hé, chị tôi vươn tay nắm lấy tay tôi kéo ngay vô bên trong nhà. Xong, chị tôi thò đầu ra ngoài, ngó trước ngó sau cẩn thận, rồi đóng cửa, cài then trên, then dưới, đóng chốt, khoá trong thật cẩn thận. Thấy thái độ cẩn thận của chị, tôi hiểu ngay, cuộc sống "cá chậu chim lồng" của chị, và hoàn cảnh nguy hiểm của tôi lúc đó. Đóng cửa xong, chị tôi thì thầm hỏi: - Cậu vô đây có gặp ai không? Tôi lắc đầu: - Em không gặp ai hết. Chị hỏi tiếp: - Mấy người hàng xóm có ai nhìn thấy cậu không? - Em không thấy người nào cả. - Cậu có thấy con mụ bán bún ốc ở đầu hẻm không? Tôi ngạc nhiên: - Em đi vô hẻm thấy có nhiều người bán hàng ở đầu hẻm, nhưng không biết ai là mụ bán bún ốc cả. Chị tôi nói tiếp giọng gay cấn: - Con mụ bán bún ốc là "cách mạng 30" đó, cậu ạ. Nó ngồi bán bún ốc là để theo dõi tất cả mọi người trong cái cư xá này. Ốc nó bán tanh tưởi, không để đâu cho hết, nên đâu có ai thèm ăn... Nó có ác cảm với chị ra mặt đó. Đáng lẽ chị cũng bị chúng đuổi khỏi cư xá này từ trước Tết lận. Nhưng vì chị cũng biết cách đấm mõm mấy thằng ở trên, nên đến giờ vẫn còn được ở đây... Mà ở thì cũng ở tạm thôi, chẳng biết phải dọn đi vùng kinh tế mới lúc nào. Tôi băn khoăn hỏi: - Chị bị chúng nó theo dõi dữ lắm sao? Chị tôi lắc đầu: - Thì ai bây giờ mà chẳng bị chúng nó theo dõi. - Vậy sao em thấy chị có vẻ lo lắng, cẩn thận quá như vậy? Chị tôi dí dí tay vào trán tôi: - Tôi lo là lo cho cậu. Cậu trốn tù cải tạo về mà tôi không lo sao được. Tôi ngạc nhiên: - Ủa, sao em chưa nói mà chị đã biết em trốn tù? Chị tôi cười, miệng liến thoắng: - Cậu hồi chánh, phản bội "đảng bác", mà tụi nó bắt được, nó không giết, nó cũng phải giam cậu mệt nghỉ, đến tết công gô, hoạ may cậu mới được thả. Đằng này cậu mới bị bắt chưa đầy một năm, cậu đã về thì cậu không trốn tù, tôi cứ đi đầu xuống đất. Tôi cười, khâm phục trí thông minh và sự phán đoán sáng suốt của chị. Sau đó, tôi kể lại đầu đuôi chuyến vượt ngục của tôi. Nghe chuyện tôi kể, chị cứ xuýt xoa nói tôi may mắn. Sau đó, chị hỏi: - Bây giờ cậu định thế nào? - Em định ở lại Sàigòn ít ngày, rồi kiếm đường vượt biên. - Cậu vượt biên là rất phải. Chết thì chết, cậu cũng phải đi. Mà chị nghĩ, cậu được ơn trên phù hộ, gặp nhiều may mắn như vậy, chắc chắn cậu sẽ vượt biên thành công. Bây giờ, hoàn cảnh của cậu như vậy, thì chị cũng nói thật, cậu đừng có ngại ngần gì, về đây ở tạm với chị. Cậu cứ ở trên căn gác, đừng có ra ngoài. Cần gì nói với chị, chị bảo các cháu nó mua nó lo cho. Nếu dưới này có chuyện gì, chị và các cháu sẽ cầm chân tụi nó, để cậu trên đó, chui qua cửa sổ, ra ngoài, là tụi nó không tài nào khám phá ra được. Còn khi nào cậu vượt biên, cậu cho chị gửi con H. là đứa con gái lớn của chị với thằng bồ của nó. Nói thiệt với cậu, suốt thời gian qua, chị đã lo cho các cháu vượt biên mấy chuyến, mà chuyến nào cũng thất bại. Tiền mất, vàng mất, của cải có bao nhiêu đem ra lo chuyện tàu bè, mất đằng tàu bè, còn lại bao nhiêu, khi bị tụi nó bắt, nó tịch thu bằng hết. Ở nhà, chị lại phải lo vay giật bạn bè, cầm cố đủ thứ để lấy tiền thăm nuôi các cháu, rồi lo lắng cho các cháu không bị tù tội... Nói đến đó, chị tôi khóc tấm tức: - Bố các cháu thì bị chúng bắt đi tù cải tạo. Với chức vụ của anh chắc sẽ bị tù chẳng có ngày ra. Ở ngoài này chị thì chỉ có một thân một mình. Phải bươn bả đầu đường xó chợ, buôn bán đủ thứ ở chợ trời để lo cho các cháu, mà đến giờ này vẫn chưa lo được cho đứa nào, khiến chị đau lòng quá, tuyệt vọng quá. Đời chị thì thôi, coi như vất đi. Nhưng đời của các cháu, đâu có thể để tương lai của chúng nó bị vùi dập trong cái chế độ cộng sản chết tiệt này, phải không cậu? Xúc động, không ngăn nổi những giọt lệ nóng hổi, tôi nói với chị: - Cảm ơn chị đã lo cho em. Nhưng hôm nay, em chỉ ghé thăm chị một chút, rồi em phải đi. Tương lai, khi nào kẹt lắm, em sẽ ghé đây nhờ vả chị. Còn chuyện để cho cháu H. đi vượt biên với em, chị cho em suy nghĩ, vì đi với em thì vô cùng nguy hiểm... Chị tôi khóc: - Cậu hãy thương chị, vì chị mà cố gắng giúp cháu. Chị biết, bề trên đã phù hộ cho cậu tai qua nạn khỏi biết bao nhiêu lần, rồi hôm nay cậu vượt ngục thành công về đến đây, thì thế nào cậu vượt biên cũng thành công.... (Còn tiếp...) |
posted by
Lien Mang Viet San @
6/14/2007 02:57:00 PM |
|
|