Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 55)

Bài Viết Đăng Nhập vào: Thursday, June 14, 2007

<< Trở Lại Trang Đầu

- Hữu Nguyên -

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Nghe tiếng súng, tiếng kẻng, tôi thấy vừa kinh hãi lại vừa mừng. Kinh hãi vì thấy mình vẫn còn bị bóng ma của trại tù bao trùm trong tâm trí. Mừng vì thấy lần đầu tiên nghe tiếng kẻng của trại tù mà mình không phải nằm trong hàng rào kẽm gai. Tôi biết, từ lúc trốn trại đến giờ, tất cả mọi chuyện đều diễn ra thật may mắn. Tôi đã trải qua những nỗi hiểm nguy nhất và đã có được tự do, dù chỉ là tự do tạm thời. Từ giờ phút này trở đi, tôi chỉ cần thật cẩn thận và khéo léo để cố gắng về được Sàigòn. Một khi về đến Sàigòn, tôi sẽ tìm mọi cách để vượt biên. Tôi biết, ban chỉ huy trại tù bây giờ đang mở cuộc truy lùng về hướng thị xã Tây Ninh vì qua chuyện của những người tù, tôi biết, từ xưa đến nay, những cuộc truy lùng tù trốn trại đều theo hai ngả, một về phía thị xã Tây Ninh và một về phía biên giới Miên Việt. Cả hai ngả này đều thuận tiện đường xá, nhưng tù trốn trại thường bị bắt lại tại bến xe Tây Ninh hay các chốt vùng biên giới. Riêng ngả tôi chọn phải đi qua rừng rậm, nên xưa nay chưa có tù trốn trại nào chọn, nên tôi đoán ban chỉ huy trại sẽ không cho người truy lùng tôi theo hướng này. Hơn nữa, việc truy lùng tù trốn trại theo hai ngả kia bao giờ cũng dễ dàng hơn việc truy lùng trong rừng rậm. Tôi cũng biết, bên cạnh việc cho vệ binh truy lùng, ban chỉ huy trại tù cũng sẽ liên lạc với các bến xe trong vùng, đặc biệt là hai bến xe ở thị xã Tây Ninh và thị trấn Dầu Tiếng, là hai nơi cách trại tù không bao xa. Vì vậy, tôi phải tránh xa hai bến xe này.
Sau khi thở dốc một hồi cho đỡ mệt, tôi lại cắm đầu chạy về phía trước. Chạy được khoảng nửa tiếng, tôi đến bìa rừng. Từ bìa rừng, tôi nhìn thấy cả một vùng ánh sáng, cách khoảng 10 cây số nằm về phía tay phải. Phía tay trái là cả một vùng nước mênh mông, tôi không biết đó là sông hay hồ nước. Sau mấy tiếng đồng hồ chạy trong rừng rậm, nay nhìn thấy vùng ánh sáng, lòng tôi mừng vô hạn, vì đó là dấu hiệu của văn minh, của tình người. Đi khoảng chừng nửa tiếng, tôi thấy có con đường mòn ngoằn ngoèo chạy giữa rừng cao su. Tôi không biết con đường chạy từ đâu đến đâu. Suy nghĩ một chút, tôi quyết định đi về phía tay phải, vì tôi tin đó là hướng đi tới thị trấn Dầu Tiếng. Trong tù, suốt nhiều tháng trời, tôi đã âm thầm tìm hiểu, hỏi dò đường xá, nên tôi biết, từ Dầu Tiếng, tôi sẽ kiếm cách đi về Tây Ninh, rồi từ Tây Ninh tôi sẽ về Sàigòn.
Đi theo con đường mòn khoảng một tiếng đồng hồ, tôi đến một ngã ba. Vì trong rừng cao su rộng bạt ngàn, nên tôi không còn nhìn thấy vùng ánh sáng của thị trấn Dầu Tiếng. Hơn nữa, vì đi theo đường mòn quanh co, nên tôi cũng mất luôn cả phương hướng. Đang băn khoăn không biết đi về hướng nào thì tôi bỗng nghe thấy có tiếng chân người từ phía sau. Giật mình ngoảnh lại, tôi thấy có một bóng người đang gồng gánh gì đó, đi tới. Tôi định tạt vào rừng lẩn tránh, nhưng không kịp, vì người đó đã bước tới, đi nhanh như chạy. Vì đường mòn nhỏ hẹp, hai bên là rừng, nên tôi phải né sang bên cho người đó đi qua. Tuy đêm tối, nhưng nhờ có ánh sao nên tôi vẫn nhìn ra đó là một người đàn ông cao to, lực lưỡng, đầu quấn chiếc khăn rằm, áo không cài cúc. Khi đi ngang qua chỗ tôi đứng, ông chỉ hơi quay đầu nhìn tôi một thoáng, rồi đi luôn. Trong một thoáng ngần ngại, cuối cùng tôi đánh liều:
- Thưa bác, cho cháu hỏi...
Ông dừng bước, quay nửa người lại nhìn tôi, chờ đợi. Tôi hỏi tiếp:
- Thưa bác, cháu muốn về Dầu Tiếng mà không biết rẽ lối nào?
Ông quay lại bước đi, miệng nói hai tiếng gọn lỏn:
- Theo tôi.
Mừng quá, tôi vội vàng đi theo ông, hay nói đúng hơn, tôi phải chạy theo ông. Tôi không biết ông gánh vật gì, vì cả hai vật ở hai đầu của đòn gánh đều được bọc trong một lớp vải bố dầy. Chỉ biết chúng rất nặng, vì tôi thấy chiếc đòn gánh trên vai của ông bị quằn trĩu xuống. Vậy mà ông đi rất nhanh, bước chân rất dài. Tôi không hề mang vác vật gì trên người, nhưng phải chạy gằn mới kịp theo ông. Trên đường đi, mấy lần tôi định bắt chuyện, nhưng lại ngần ngại...
Khoảng nửa tiếng sau, đi hết rừng cao su, chúng tôi ra đến đường lộ. Người đàn ông dừng lại, đặt gánh đồ xuống đất, lấy vạt áo quệt mồ hôi trán, rồi không thèm nhìn tôi, hỏi trổng:
- Trốn trại, phải không?
Tôi giật mình, tê điếng cả người. Chẳng hiểu sao lúc đó, trong khi bối rối, chưa kịp nghĩ ngợi, tôi đã vuột miệng trả lời
- Dạ... phải...
Người đàn ông không nói gì thêm, cúi xuống một đầu gánh, hí húi lấy ra chiếc bi đông nước, trao cho tôi:
- Uống đi.
Tôi sung sướng vì đang khát khô cả cổ. Cầm chiếc bi đông, tôi ngửa cổ uống một hơi. Nước mát lạnh, trôi đến đâu biết đến đó. Đậy nắp chiếc bi đông nước, tôi trao lại cho người đàn ông, và cảm động nói:
- Cảm ơn bác.
Người đàn ông trao cho tôi một bọc lá chuối. Tôi mở ra thấy có hai miếng khoai mì. Chưa kịp cảm ơn, thì người đàn ông đã giơ tay chỉ về phía bên phải, nói tiếp:
- Chú mày đi theo hướng này sẽ đến nhà thờ... Ở đó sẽ có người giúp.
Nói xong, người đàn ông xốc gánh lên vai, rảo bước đi thẳng. Tôi nhìn theo người đàn ông, trong lòng vô cùng xúc động và biết ơn. Tôi không biết ông tên gì, ở đâu, nhưng hình ảnh ông chập choạng trong đêm tối, cùng ngụm nước, khúc khoai mì ông cho tôi hôm đó, và đoạn đường tôi chạy theo ông gần nửa tiếng đồng hồ... tất cả vẫn sống trong lòng tôi cho đến hôm nay và mãi mãi về sau...
Theo hướng của người đàn ông chỉ, tôi đi vào thị trấn Dầu Tiếng. Không lâu sau, tôi thấy lòng mình ấm lại khi trông thấy tháp chuông nhà thờ hiện ra xa xa.
Xuất thân trong một gia đình đạo gốc, ở vùng Công giáo toàn tòng, và sống giữa xã hội cộng sản Miền Bắc suốt mấy chục năm, tôi hiểu rất rõ thái độ và sức mạnh chống cộng của giáo hội Công giáo. Đó là sức mạnh của đức tin được bền bỉ tích tụ dưới mỗi mái nhà thờ, được nuôi sống một cách âm ỉ trong lòng của mỗi giáo dân. Vì vậy, những ai trên đường trốn chạy cộng sản, họ luôn luôn tìm đến nhà thờ để tìm nơi nương tựa, gửi gắm đức tin hay tìm kiếm sự giúp đỡ.
Lúc đó trời đã khuya, tôi phỏng đoán, phải một, hai giờ sáng. Nhưng không hiểu sao, cả hai cánh cửa nhà thờ đều mở rộng. Tôi kính cẩn làm dấu, rồi rón rén bước vô, vừa đi vừa nghe ngóng động tĩnh. Bước qua hai cánh cửa nhà thờ, tôi giật mình thấy người nằm ngổn ngang khắp mọi chỗ. Cả một nhà thờ rộng mênh mông, nhưng toàn người là người, gồm đủ cả già, trẻ, lớn, bé, đàn ông, đàn bà. Đèn trong nhà thờ đủ sáng để tôi thấy, tất cả mọi người đều ngủ thành từng cụm, giống như mỗi gia đình ngủ một chỗ. Bên cạnh họ là đủ thứ quang gánh, nồi niêu xoong chảo, túi bị ngổn ngang. Tôi rất ngạc nhiên, không hiểu sao trong nhà thờ lại chứa đủ hạng người nằm ngủ ngổn ngang như vậy. Tôi đang băn khoăn, không biết cách nào có thể gặp vị linh mục để nhờ vả thì bỗng thấy ở phía đầu nhà thờ, có người vẫy vẫy tay. Tôi đi tới thì thấy đó là một vị linh mục, nét mặt khả kính, phúc hậu, mới thoáng nhìn đã thấy trong lòng mình tràn ngập niềm kính ngưỡng, tin yêu. Tôi vừa kính cẩn nói được mấy tiếng, "Con chào Cha", thì vị linh mục đã đưa ngón tay trỏ lên miệng ra dấu cho tôi im lặng. Lúc đó, tôi cứ ngỡ là Cha không muốn tôi to tiếng để giữ im lặng cho mọi người ngủ. Nhưng sau này, tôi mới biết ý tứ thâm sâu của Cha...
Cha ra dấu cho tôi đi theo rồi ngài quay lưng bước đi. Tôi im lặng đi theo. Dọc theo hành lang, tôi thấy vẫn có nhiều người nằm ngổn ngang, nhưng thưa hơn bên ngoài. Qua hai căn phòng nhỏ, đến căn phòng thứ ba, Cha đẩy cửa bước vô. Tôi lặng lẽ bước vô theo Cha. Trong phòng cũng có khoảng chục người nằm ngay trên sàn. Chỉ tay vào một góc phòng còn trống, ở đó có sẵn một tấm mền và chiếc gối, Cha nói nhỏ với tôi: "Chúc con ngủ ngon!" Tôi chưa kịp nói gì, Cha đã lặng lẽ bước ra ngoài, khép cánh cửa lại.
Nhìn chung quanh, tôi thấy tất cả mọi người vẫn say ngủ. Yên tâm, tôi bước vào góc phòng, nằm xuống, và chìm ngay vào giấc ngủ.
Đang ngủ say, bỗng nhiên tôi giật mình vì có người lay vai tôi rất mạnh. Tội giật mình, vội mở mắt, thì thấy có một cụ già, khoảng sáu, bảy chục tuổi đang ngồi ngay cạnh. Phải mất mấy giây sau, tôi mới bàng hoàng nhớ lại mọi chuyện và nhận ra mình đang ở đâu. Cụ già cũng ra dấu cho tôi im lặng, đi theo cụ. Tôi lồm cồm đứng dậy, đi theo, không nói một lời. Qua hai khúc quẹo, tôi bước vào một căn phòng nhỏ, có lẽ là phòng ăn. Trên bàn, có sẵn chén, đũa và một tô mì gói đã đổ nước sôi, được đậy kín bằng một chiếc đĩa sứ. Ở chiếc ghế bên cạnh có một bộ quần áo, một đôi giầy thể thao đã cũ. Cụ già nói với tôi, giọng ân cần:
- Cậu đi thay bộ đồ này ngay, cho khỏi lộ. Rồi ra đây ăn tô mì lót dạ.
Nghe cụ nói hai chữ "khỏi lộ", tôi giật mình nhìn cụ, nhưng thấy cụ rất thản nhiên, nên tôi không dám hỏi han gì. Thì ra, ngay khi tôi bước vô nhà thờ, nhìn bộ dạng và quần áo tôi rách tươm, lấm bê bết đất cát, Cha đã biết rõ tôi là tù trốn trại, nhưng vì tai mắt của tụi cộng sản ở khắp nơi, nên Cha không muốn tôi dài dòng kể lể, nguy hiểm...
Ngồi xuống bàn, vừa ăn mì, tôi vừa trò chuyện với cụ và được cụ cho biết, tất cả những người nằm ngủ trong nhà thờ đều là dân ở Sàigòn và các tỉnh bị cộng sản lùa đi vùng kinh tế mới. Cộng sản cho xe chở người đến nhà thờ yêu cầu Cha phải cho họ tá túc qua đêm, sau đó, cộng sản lại xảo quyệt dùng chính sự giúp đỡ của Cha để tuyên truyền cho chiến dịch lùa người đi vùng kinh tế mới.
Sau khi tôi thay bộ đồ và ăn uống xong, cụ già đưa cho tôi một gói giấy nhỏ, rồi nói:
- Cậu cấm lấy chút tiền đi đường. Không nhiều lắm đâu, nhưng cậu tiêu pha tằn tiện thì đủ tiền ăn, tiền xe cho cậu về đến Sàigòn. Bây giờ, cậu phải đi sớm ra phía xóm Bàu Sen rồi đón xe đi Tây Ninh. Nhớ đừng vô bến xe, mà hãy đón xe dọc đường...
Tôi lặng lẽ chia tay cụ già, bước đi trên đường phố của thị trấn Dầu Tiếng vào một buổi sáng tinh mơ của tháng 4 năm 1977, mà thấy trong lòng rưng rưng như muốn khóc. Cuộc đời tôi, kể từ khi phải rời xa mái gia đình năm 15 tuổi, trôi giạt khắp mọi nơi, luôn luôn tiếp nối bằng những cuộc chia ly, và trong mỗi cuộc chia ly, lúc nào cũng có hình bóng của những ân nhân, của những tấm lòng vàng, trong đó có những vị ân nhân tôi vĩnh viễn không bao giờ biết tên tuổi, địa chỉ; và tôi biết vĩnh viễn trong suốt cả cuộc đời còn lại của mình, tôi sẽ không bao giờ có được cơ hội được gặp lại, được trả ơn... Cũng vì luôn luôn sống và thao thức trong tâm trạng của một người luôn luôn chịu ân nghĩa của không biết bao nhiêu người, nên ngay từ những ngày tháng đó, tôi đã thầm nguyện với lòng, tôi sẽ phải cố gắng sống sao cho xứng đáng phần nào với những ân tình sâu nặng mà tôi đã được lãnh nhận... (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 6/14/2007 02:40:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Liên Kết

BLOGGER

Bạn là người thứ  

Ghé Thăm LMVS