- Hữu Nguyên SGT-UC-
Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể. *********** Thật tôi không ngờ, chỉ vì nắm đấm hù doạ của tiểu đội trưởng Q. đã khiến tài xế đổi ý, và nhờ vậy đã giúp tôi thoát nạn. Lúc đó, tôi cũng không hiểu tại sao bỗng dưng tiểu đội trưởng Q. lại dơ nắm đấm hù doạ viên tài xế. Tôi chỉ biết Q. là người thiểu số, thuộc thành phần cảm tình đảng, rất mù quáng, cuồng tín, trung thành với "đảng Bác" vô cùng. Vốn là người Nùng, Q. rất khỏe, tóc mọc thẳng và cứng như rễ tre, lông mày rậm như hai con sâu róm, hai mắt lồi như hai con ốc nhồi, lòng trắng đầy gân máu, mỗi khi y tức giận điều gì, cả cặp mắt của y bỗng đỏ ngầu, tiếng nói của y trở nên lắp bắp, lồng ngực của y phập phồng như hai tấm phản gặp cuồng phong, và khi cơn giận bùng nổ, y sẵn sàng đập phá bất cứ thứ gì có ở trước mắt, bất chấp hậu quả. Trong tiểu đội tôi, ai cũng kinh hãi khi thấy Q. nổi giận. Nhưng tối hôm đó, tôi không hiểu sao Q. lại dơ nắm đấm về phía người tài xế. Thú thực, lúc đầu khi thấy Q. dơ nắm đấm về phía viên tài xế, tôi hoảng hốt, tưởng Q. biết có tôi ngồi trên xe, nên vô tình, vội thu người lại. Đến khi xe chạy qua, tôi mới hiểu, nắm đấm của Q. khi đó là dành cho tài xế. Nhưng tại sao Q. lại dơ nắm đấm dọa tài xế, thì quả tình lúc đó tôi không hiểu. Mãi mấy tháng sau, khi trở lại đơn vị "nạp mạng" để phải trải qua những cuộc đấu tố dai như đỉa của đơn vị, tôi mới biết, đêm hôm đó, trên chặng đường truy đuổi tôi suốt 2 tiếng đồng hồ trước đó, toán bộ đội do Q. chỉ huy đã nhiều lần vẫy xe xin quá giang, nhưng không lần nào thành công. Vì thế, khi gặp chiếc xe tôi "quá giang" lậu, Q. vừa chán, vừa tức giận không thèm xin quá giang, vì y đinh ninh có xin quá giang cũng không thành công. Không những thế Q. còn dở thói côn đồ, dơ nắm đấm hù doạ và chửi bới viên tài xế. Q. không thể ngờ, chính thói côn đồ của y đã giúp tôi vượt qua được một cửa ải nguy hiểm do y giăng mắc. Thoát khỏi nguy hiểm lần này, tôi vừa mừng vừa lo. Tôi thấy suốt từ lúc rời khỏi đơn vị cho đến giờ, tôi đã gặp bao nhiêu khó khăn, nhưng toàn gặp những may mắn. Tôi biết, những may mắn như vậy sẽ không thể đến mãi, và không sớm thì muộn, tôi sẽ phải gặp rủi ro. Vì vậy, tôi cần phải cẩn thận thật nhiều trong những chặng đường sắp tới, vì những rủi ro nguy hiểm đang chờ đợi tôi. Xe chạy được khoảng nửa tiếng đồng hồ nữa trong đường rừng, tôi bỗng thấy phía trước, có 3 người đeo súng, đang đạp xe cùng hướng xe chạy. Tôi linh cảm, 3 người lính đó cũng đang trên đường truy đuổi tôi. Nhưng vì trời tối, ánh đèn pha của xe lại không chiếu xa (vì sợ máy bay Mỹ oanh tạc), nên tôi không thể nhận ra họ là ai. Sau này, khi trở lại đơn vị, tôi mới biết, linh cảm của tôi là đúng. Thì ra, sau khi ra lệnh cho Q. tiểu đội trưởng mang nửa tiểu đội đi bộ truy đuổi tôi, ban chỉ huy đại đội nhận ra, dùng người đi bộ đuổi người đi bộ, khó có cơ hội đuổi kịp, nên đã cho 3 người lính trinh sát đi xe đạp đuổi tôi cho nhanh. Nhưng họ đã không nghĩ tới 2 điểm quan trọng. Một, khi xuống tới đường lộ, tôi đã không dại dột rẽ phải về hướng bắc để đi thẳng xuống đồng bằng ngay. Trái lại, tôi đã rẽ trái đi về hướng nam khoảng mấy cây số, rồi chui vô rừng rậm nằm nghỉ, khoảng hai tiếng, trong khi cả hai toán bộ đội truy đuổi tôi vẫn tiếp tục lao về hướng bắc, và càng đi thì họ lại càng cách xa tôi mà không hề hay biết. Điểm quan trọng thư hai họ không ngờ tới là tôi có thể "quá giang lậu" một trong những chiếc xe từ nam ra bắc. Chính hai yếu tố bất ngờ này đã giúp tôi thoát khỏi cuộc truy lùng của đơn vị. Nhưng đó chỉ là những may mắn bước đầu. Trước mắt tôi sẽ còn phải đối phó với rất nhiều khó khăn. Dĩ nhiên, khi cả hai toán bộ đội truy đuổi tôi đều không bắt được tôi, họ sẽ tìm cách báo cho ban chỉ huy đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn và có thể cả sư đoàn biết để đối phó. Lúc ấy, họ sẽ đoán ra được, tôi đã quá giang một chiếc xe nào đó, và sẽ tìm cách chặn xét tại các trạm gác giao thông ở các bến xe, bến phà. Đây là điều tôi lo xa, chứ thực ra tôi cũng biết, đối phó với một người "bộ đội quèn", cấp bậc binh nhì như tôi, chưa chắc gì ban chỉ huy đại đội đã báo cáo lên thượng cấp trong vòng 48 tiếng đồng hồ đầu tiên. Thông thường, những vấn đề nghiêm trọng như đảo ngũ, rã ngũ, quậy phá nhà dân nơi đóng quân, "hủ hoá", hay có xung đột, ẩu đả với cán bộ, công an của chính quyền an địa phương... ban chỉ huy đại đội, hay tiểu đoàn, thường giấu diếm, cố gắng giải quyết trong nội bộ, để khỏi ảnh hưởng đến thành tích thi đua của đơn vị. Sau 48 tiếng đồng hồ, ban chỉ huy đại đội hay tiểu đoàn không giải quyết được nội vụ, lúc đó họ mới báo cáo thượng cấp. Thêm vào đó, mạng lưới thông tin trong quân đội cũng như xã hội dân sự ở Miền Bắc lúc đó còn rất thô sơ, lạc hậu. Điện thoại vô tuyến cũng như hữu tuyến chỉ dùng để liên lạc giữa các đơn vị tại mặt trận. Còn tại hậu cứ, việc sử dụng những thứ đó rất hạn chế, nhất là khi liên lạc với chính quyền dân sự, vì trang bị của chính quyền dân sự rất thô sơ. Vì thế, tôi tin tưởng trong thời gian 48 tiếng đồng hồ đầu tiên, dù cho có dự đoán được khả năng tôi quá giang xe trên đường đào thoát, ban chỉ huy đại đội không đủ khả năng, cũng như thẩm quyền để điều động một cuộc truy lùng rộng khắp tại các trạm gác ở các bến xe, bến phà. Nghĩ đi đã vậy, nghĩ lại, tôi thấy không gì bằng sự thận trọng trong mọi tình huống. Lúc đó, tôi đã có sẵn trong người giấy tờ công tác do chính sư đoàn trưởng cấp với chữ ký và con dấu đầy đủ. Ngoại trừ tên giả do tôi phịa ra, còn tất cả đều là thật 100%. Tôi đoán, nếu đơn vị có báo cho các trạm gác biết có người đào ngũ tên là Nguyễn Hữu Chí, thì họ cũng không thể ngờ được, tôi lại có sự vụ lệnh thật với tên giả, không phải là tên Nguyễn Hữu Chí. Tôi cũng xin thưa thêm để quý độc giả hiểu, thời buổi đó, ở Miền Bắc, chế độ CS kiểm soát con người vô cùng chặt chẽ, mà không cần đến giấy tờ, thẻ căn cước. Bằng chính sách kiểm soát chặt chẽ lương thực, thực phẩm; cộng với ảo tưởng của người dân đối với chế độ CS, đã sản sinh ra cả một mạng lưới "công an nhân dân, mỗi người dân là một người công an" bao trùm tất cả mọi nơi, mọi lúc. Chính vì hai yếu tố quan trọng này, nên trong mọi sinh hoạt, người bộ đội chỉ có những giấy tờ tuỳ thân rất đơn giản, đánh máy trên một tờ giấy nhàu nát, đen đủi, hoặc không có một thứ giấy tờ gì trong người, ngoại trừ đơn vị trưởng, khi thi hành công vụ. Trong hoàn cảnh đó, tôi tin tưởng, với sự vụ lệnh thật do chính sư đoàn trưởng cấp, tôi sẽ qua mặt dễ dàng các trạm gác từ Thanh Hoá, Nghệ An, trở ra Hà Nội. Riêng với những trạm gác tại vùng tỉnh Quảng Trị, tôi vẫn lo ngại, có thể gặp người quen của đơn vị, hoặc biết đâu, những người được lệnh đang truy đuổi tôi, nhờ một sự may mắn nào đó, có thể quá giang được xe, đến được những trạm gác đó trước tôi, đóng chốt chờ tôi tới nộp mạng. Nghĩ như vậy, tôi thấy tốt nhất vẫn là tránh tất cả những trạm gác ở các bến phà, bến xe. Nếu có đi xe khách, tôi sẽ không mua vé ngay tại bến, vì nơi đó, công an, bộ đội luôn luôn hiện diện. Thay vì vậy, tôi chọn giải pháp đợi xe ở một nơi cách bến xe khoảng một, hai cây số, rồi vẫy xe quân sự đi nhờ, hoặc vẫy đón xe khách rồi trả tiền vé. Xe chạy tiếp khoảng 4 tiếng đồng hồ thì trời hửng sáng. Đến lúc đó, người tài xế vẫn không hề hay biết, trong thùng xe phía sau có một người "quá giang". Nhìn đường xá, tôi biết, khoảng hai tiếng nữa, xe sẽ qua phà. Vì lâu ngày quá, nên tôi không còn nhớ tên của bến phà này, mong quý độc giả thông cảm. Đến lúc này, tôi thấy đã đến lúc cần phải làm quen với tay tài xế và cho biết, mình đã "quá giang lậu" để xem thái độ của y như thế nào. Nếu thuận lợi, tôi sẽ quá giang xe của y đi tiếp, càng xa càng tốt, trên chặng đường ra bắc. Còn nếu không thuận lợi, tôi sẽ khéo léo chia tay, tìm xe khác quá giang. Tôi phải làm như vậy là vì tại các trạm gác ở các bến phà bao giờ cũng kiểm soát rất nghiêm ngặt các xe cộ và người qua lại. Tại những trạm gác này, nếu tôi tiếp tục ngồi trên xe, tôi sẽ bị phát giác dễ dàng, và khi đó sẽ rất bất lợi cho tôi, dù tôi có xuất trình giấy tờ hợp lệ. Còn nếu như tôi xuống xe, trình giấy tờ đầy đủ tại trạm gác, tôi có thể rủi ro bị người của đơn vị đóng chốt ở đó phát hiện. Tốt nhất, khi xe xếp hàng chờ xuống phà, mọi người trên xe phải xuống xe, xếp hàng trình giấy tờ, tôi sẽ tìm cách, tuỳ cơ ứng biến, lẩn trốn việc trình giấy tờ. Thông thường việc trốn trình giấy tờ là điều rất khó tại các trạm gác. Nhưng nếu tinh ý một chút, ta có thể qua mặt lính gác một cách dễ dàng, bằng cách làm những việc sau đây. Thứ nhất là đừng có mang bất cứ hành lý gì trong tay khi đi lại. Thứ hai, nên cởi trần, hoặc chỉ mặc áo lót. Thứ ba, giữ thái độ bình thản, nhàn tản của người địa phương. Quả nhiên, mỗi khi làm như vậy, tôi đều thản nhiên đi qua trạm gác, mà không hề bị xét hỏi giấy tờ. Khoảng 7 giờ sáng, xe dừng lại tại bến phà đầu tiên. Trước mặt tôi về phía bên phải là một dẫy xe cộ đủ loại tới khoảng 20 chiếc đang chờ kiểm soát giấy tờ. Phía bên trái là đoàn người dài tới hơn trăm thước cũng đang xếp hàng chờ kiểm xét giấy. Giữa đường, lác đác một số người đi lại, ăn mặc đủ hình đủ kiểu, nhưng tất cả đều rách rưới, sầu muộn và đói khổ. Họ là những phu khuân vác, người bán hàng rong, người ăn xin, người đi gánh nước, người đi tắm giặt, hay đánh cá về muộn... Tôi nhảy xuống xe, nhưng ba lô vẫn để lại trong thùng xe. Sau khi quan sát cách ăn mặc, đi đứng của người địa phương, tôi kín đáo cởi chiếc áo bộ đội, vắt lên vai, chỉ mặc chiếc có chiếc áo lót. Tiếp đến, tôi cởi luôn đôi giầy, buội giây giầy của hai chiếc vô một, rồi đi chân đất, quần xắn móng lợn bên cao bên thấp... Xong tôi thản nhiên lững thững đi theo một người đàn ông quảy hai chiếc xọt xuống bờ sông. Tôi đi qua trạm gác, liếc vô thấy mấy người lính gác đang chúi mũi lo kiểm tra giấy tờ đoàn người, không một ai thèm ngẩng đầu ngó chúng tôi. Khi xuống đến bến sông, tôi lặng lẽ bước lên chiếc phà, không một ai để ý, và cũng chẳng một ai quan tâm. Trung bình mỗi chuyến phà chỉ chở được khoảng 10 chiếc xe hơi, còn xe đạp và người thì không giới hạn. Sau khi sang được bên kia sông, tôi phải chờ cho chiếc xe tôi "quá giang" qua phà, rồi tìm cách kín đáo leo lên đi tiếp... (Còn tiếp...)
- Hữu Nguyên SGT-UC- |