Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 62)

Bài Viết Đăng Nhập vào: Monday, July 09, 2007

<< Trở Lại Trang Đầu

Hữu Nguyên

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Trong những ngày tháng sau khi trốn khỏi trại cải tạo Kàtum, trở về Sàigòn, tôi có quen một số người bạn, trong đó có P., một người đã biết rõ hoàn cảnh khốn khổ của tôi... Với tấm lòng đôn hậu, đa cảm, thương người của một người sinh ra và lớn lên ở Miền Nam, P. đã giúp đỡ tôi rất nhiều, bất chấp nguy hiểm và sự can ngăn của gia đình. Vì tin tưởng ở P., nên vào trưa Thứ Bảy, khi ghé nhà ba của BL để lấy địa bàn và bản đồ, tôi đã hẹn P. cùng đi. Sống trong cảnh vượt ngục, lường trước những nguy hiểm có thể đến bất cứ lúc nào, nên tôi đã dặn P. đi cách xa tôi khoảng chục thước. Nếu thấy công an, bộ đội xét hỏi giấy tờ, hay bắt giữ tôi, thì P. cứ bình tĩnh coi tôi như người dưng, để khỏi bị liên luỵ. Sau đó sớm muộn gì, tôi cũng trốn thoát, và sẽ gặp lại nhau.
Vì nhà của ba của BL ở trong cổng 2 bộ Tổng Tham Mưu, là con đường vắng vẻ, chỉ có một bên là nhà, nơi đó lại có nhiều bộ đội, vệ binh, quản giáo hay qua lại, nên tôi dặn P. đứng chờ tôi ở ngay chỗ đối diện tiệm Phở Quyền, gần ngã tư Phú Nhuận, Võ Tánh. Vùng Phú Nhuận có 2 tiệm phở nối tiếng là Phở Quyền và Phở Bắc Huỳnh. Tôi nghe P. nói chủ của tiệm Phở Bắc Huỳnh trước 1975 là chủ tiệm Phở Ga ở Đà Lạt. Tiệm Phở Huỳnh thì ở phía dưới, qua đồn cảnh sát quận Tân Bình một đoạn, đối diện nhà thờ Nam, ngay đường Trương Tấn Bửu đổ ra. Ngay đêm tôi bị bắt, mấy tên bộ đội đã không giải tôi đi thẳng đường Võ Di Nguy đến nhà làng là nơi tạm giam, mà giải tôi đi bộ trong hẻm, trổ ra đường Võ Tánh, cách tiệm Phở Huỳnh không xa. Lúc đó trời đã khuya, nhưng vẫn còn một số khách đang ăn ở những bàn ăn bên ngoài tiệm. Khi thấy tôi bị còng, bị trói giật cánh khuỷu, do mấy người bộ đội giải qua, có người huýt sáo. Khi đi qua, tôi nhận ra ra hai người quen, từng có lần uống cà phê ở quán Hồ Hải và đi chơi chợ tết với nhau. Cả hai đều sững sờ, ngạc nhiên khi thấy tôi... Thấy vậy, tôi vẫn giữ nét mặt thản nhiên, coi như không quen biết, để khỏi liên luỵ đến nhau.
Hôm nay trở lại con đường xưa, qua tiệm Phở Huỳnh, tôi thấy khách khứa vẫn tấp nập, trong đó thấp thoáng có nhiều bộ đội. Nhìn sang bên kia đường, là đường Trương Tấn Bửu, nơi trước đây nổi tiếng với các quán nhậu rất đông khách sau giờ tan sở. Nhà thờ Nam vẫn còn đó, nhưng tôi biết, cùng với gót giầy xâm lăng của người cộng sản, tất cả nhà thờ, chùa chiền, trên lãnh thổ Miền Nam đều bị bao vây, và tất cả những con chiên, phật tử ngoan đạo, cũng đang phải tìm mọi cách chống chọi quyết liệt với cộng sản để bảo vệ đức tin của mình. Và tất cả những thảm kịch đó chỉ mới là bắt đầu của cả một đại bi kịch, Miền Nam phải gánh chịu.
Tôi bước vào trong nhà của ba BL đúng 12 giờ trưa Thứ Bảy. Nhìn quang cảnh tiêu điều, đồ đạc sơ sài trong phòng khách, tôi thầm xót xa cho gia đình trong cuộc đổi đời. Gia đình của BL trước 1975 thuộc loại khá giả. Nhưng kể từ sau 30 tháng 4, 1975, gia đình BL cũng giống như tất cả những gia đình khá giả trên lãnh thổ Miền Nam đều bị khánh tận và trở thành kẻ thù của người cộng sản. Mọi đồ đạc trong nhà nếu không lọt vô tay cán bộ, bộ đội cộng sản, thì cũng đều lần lượt ra chợ trời đi tìm chủ mới...
Ba của BL là một người đàn ông tuổi ngoài 50, thân hình quắc thước, ánh mắt sắc bén, kiến thức uyên bác và nói chuyện rất hay. Sau khi rót nước trà mời tôi, ông hỏi ngay:
- Nghe cháu nó nói, cậu định vượt biên bằng đường bộ?
Tôi đáp:
- Dạ thưa bác, hoàn cảnh của cháu quá nghèo, nên chỉ có cách vượt biên bằng đường bộ thôi.
Ông mỉm cười:
- Vượt biên đường bộ cũng có năm, bảy đường. Cậu định đi theo đường nào?
Tôi thật thà thưa:
- Dạ, cháu định vượt biên qua ngả Đông Hà, Quảng Trị, rồi sang Lào, Thái.
Ông gật gù một hồi, rồi nói:
- Chuyện vượt biên là chuyện vô cùng hệ trọng. Cậu đã tính như vậy, chắc chắn cậu đã suy nghĩ kỹ lắm rồi, nên tôi không dám nói gì thêm. Hoàn cảnh của tôi bây giờ, cũng rất khốn khó, nên chẳng giúp được cậu điều gì. Thôi thì chỉ biết lòng thành, chúc cậu lên đường gặp nhiều may mắn.
Tôi xúc động:
- Cháu cảm ơn bác. Thưa thực với bác, cháu phải chọn con đường đó vì trước khi về hồi chánh, cháu đã từng đóng quân ngay ở vùng đó, nên cháu cũng biết sơ sơ đường xá từ Đông Hà sang Lào. Nay nghe bác nói vượt biên đường bộ cũng có năm bảy đường, cháu xin bác chỉ cho cháu những con đường khác...
Ông im lặng kéo chiếc điếu cầy, hút một điếu thuốc lào, hãm bằng ngụm nước trà. Xong ông ngửa cổ, nhả khói trông thật ngon lành, rồi tiếp:
- Nghe thằng con tôi nó nói nhiều về cậu nên tôi biết cậu gian truân, vất vả từ bé đến lớn. Nay trong hoàn cảnh của cậu, cậu phải lao vào cái chết để tìm cái sống. Cái hoàn cảnh của cậu không giống như chúng tôi. Chúng tôi nếu không vượt biên thì cũng vẫn sống, dù không được tự do, sung sướng như trước, nhưng cũng không phải đến nỗi tù tội cho đến mọt gông như cậu. Cái thế của cậu đã vậy thì không cần phải bàn cãi gì nữa, phải vậy không nào?
Tôi lễ phép:
- Dạ. Bác dậy rất đúng.
Ông nói tiếp:
- Bây giờ cậu đã có lòng hỏi, tôi biết mà không nói thì có lỗi. Vì vậy nói ra có điều gì không vừa ý, cậu cứ bỏ qua, coi như chưa nghe tôi nói gì là được. Cậu định vượt biên đường bộ mà đi đường Đông Hà, Quảng Trị rồi sang Lào là thiên nan vạn nan. Chỉ nguyên cái đoạn đường từ Đông Hà đến biên giới là cũng nguy hiểm lắm, vì cậu lạ nước, lạ cái. Rồi từ biên giới đi băng ngang nước Lào sang đến biên giới Lào Thái cũng chẳng có dễ dàng gì. Vẫn biết, cậu từng là bộ đội, trước đóng quân ở đó, nhưng cái biết của cậu là cái biết của người cưỡi ngựa xem hoa mà thôi. Còn bảo biết để có thể cắt rừng lội suối, trèo đèo, vượt núi, cả mấy trăm cây số đường rừng, thì biết vậy chưa đủ. Theo tôi, cũng vượt biên đường bộ, tốn kém lại không nhiều, mà lại tận dụng được cái sở kiến của cậu, có hai con đường vượt biên khác, dễ cho cậu nhiều lắm...
Nói đến đây, ông nhìn tôi im lặng. Tôi cũng im lặng, nhưng trong lòng rất sốt ruột, không biết hai con đường vượt biên mà ông định nói là con đường nào. Sốt ruột nhưng tôi không tiện thúc dục ông.
Sau một lúc im lặng, ông tiếp:
- Cậu sinh và lớn lên ở Miền Bắc, cậu hiểu thủy thổ, phong tục, tập quán của người Miền Bắc, tại sao cậu không vượt biên theo đường Lạng Sơn, hoặc Móng Cái?
Tội giật mình, quả thật đây là điều tôi không hề nghĩ tới từ xưa đến nay. Ba của BL lại tiếp:
- Tôi nghe BL kể, ngay tháng 5 năm 1975, cậu đã dùng giấy tờ giả đi về Hà Nội, rồi từ Hà Nội cậu lại vô đây bình yên?
- Dạ, thưa bác, đúng vậy.
- Nếu vậy, tại sao cậu không dùng giấy tờ giả đi ra tận Lạng Sơn, hay Móng Cái, rồi ở đó tìm đường vượt biên qua biên giới Việt Trung?
Tôi ngần ngại:
- Dạ thưa bác, cháu sợ, Trung cộng cũng là cộng sản, nếu cháu vượt biên sang đó, họ sẽ bắt cháu trả lại cho tụi cộng sản Việt Nam.
Ông lắc đầu:
- Tôi thì tôi lại nghĩ khác. Cậu phải hiểu, Trung cộng với Việt cộng tuy cũng là cộng sản, nhưng hiện tại không phải là chúng không có mâu thuẫn sinh tử. Tôi có thằng cháu họ, ở ngoài Bắc, nó cũng làm cỡ chính uỷ sư đoàn, nó vô thăm kể cho tôi nghe tình hình mâu thuẫn giữa Trung cộng và Việt cộng như nước với lửa đã kéo dài cả chục năm nay rồi, từ thời ông Nixon viếng thăm Bắc Kinh lận. Tôi còn nghe, từ đầu thập niên 1970, Trung cộng đã không chịu tiếp tế vũ khí và gạo cho Việt cộng. Chuyện đó chắc cậu cũng biết?
- Dạ, chuyện đó cháu có nghe.
Ông mỉm cười:
- Tôi còn nghe thằng cháu nó nói, lúc đó để giữ cho lòng dân khỏi hoang mang, cho mọi người tin tưởng là Trung cộng vẫn là hậu phương lớn của cộng sản Việt Nam, và tình hữu nghị "môi hở răng lạnh" giữa hai nước vẫn đời đời bền vững, Việt cộng đã dùng gạo của Việt Nam, đổ vô các bao có chữ Tàu và quốc huy của Trung cộng, rồi cho triển lãm khắp mọi nơi.
Tôi ngạc nhiên:
- Dạ chuyện đó cháu cũng nghe nói, nhưng vì lúc đó cháu đã vô Nam rồi, nên không biết thực hư thế nào. Mà sao bác biết chuyện đó hay vậy?
- Thì cũng thằng cháu nó vô đây nó nói. Nó làm to ở ngoài Bắc nên nó biết những mâu thuẫn, những uẩn khúc bên trong cái "hữu nghị" của chúng. Còn lính tráng bộ đội quèn như cậu thì chỉ nghe nói, chứ đâu có biết thực hư ra làm sao. Trở lại cái chuyện vượt biên đường bộ của cậu, cậu thấy tôi nói vậy có đúng không? Giấy tờ giả thì bảo BL nó lo cho đầy đủ đâu vào đấy. Còn việc trà trộn, leo tàu, nhảy xe, cậu quá rành. Cậu cứ nghe tôi, đi tàu chợ từng đoạn, từng đoạn theo lối sâu đo, từ Sàigòn cậu sẽ ra tận Hà Nội một cách dễ dàng. Sau đó, từ Hà Nội cậu đi Lạng Sơn, hay Móng Cái, cũng theo kiểu đi tàu chợ, vì có đường xe lửa từ Hà Nội đi Lạng Sơn, nên rất dễ cho cậu. Còn nếu cậu tính đi Móng Cái thì đáp tàu chợ từ Hà Nội đi Hải Phòng, rồi từ Hải Phòng cậu đáp xe đò đi Móng Cái. Tôi nghe người ta nói, cửa biên giới Việt Trung ở Móng Cái chỉ là một cái cầu bắc qua sông Kalong. Nếu cậu không đi qua cầu được thì tại sao cậu không bơi qua sông Kalong? À mà cậu có biết bơi không nhỉ?
- Dạ, cháu biết.
Ông cười vui vẻ:
- Nếu vậy thì tốt quá. Chỉ sợ cậu không biết bơi, chứ đã biết bơi, thì vượt biên bằng cách bơi qua sông Kalong đâu có gì khó.
Nghe ông nói vậy, tự dưng tôi thấy mừng rỡ vô cùng. Thị xã Móng Cái là cửa khẩu của Việt Nam, bên kia là thị xã Đông Hưng của Trung cộng. Hai nước cách nhau con sông Kalong. Sông Kalong chạy dài theo hướng Tây Đông và là biên giới thiên nhiên giữa hai nước. Nếu tôi đặt chân đến Móng Cái an toàn, chỉ cần đợi đêm xuống, tôi đi dọc theo sông Móng Cái, thế nào tôi cũng tìm ra được đoạn an toàn, và bơi qua sông dễ dàng.
Mừng quá, tôi vội nói:
- Ý kiến của bác rất hay. Để cháu về bàn với hai đứa cháu...
Ông ngạc nhiên:
- Ủa, như vậy là cậu không có vượt biên một mình à?
Tôi thú thực:
- Thưa bác, cháu vượt biên cùng với hai đứa cháu gọi bằng cậu.
- Hai đứa ở trong Nam?
- Dạ, chị cháu di cư năm 1954, nhưng cả hai đứa đều sanh ở trong Nam.
Ông lắc đầu quầy quậy:
- Như vậy thì không được, không được. Vượt biên bằng đường bộ, đi cả ngàn cây số ở Miền Bắc, chỉ có người nào sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc thì mới dễ trà trộn và may ra thành công. Chứ còn người Miền Nam mà đi trên đất Bắc, bảo đảm, không sớm thì muộn cũng sẽ bị lộ. Theo tôi, cậu chỉ có thể vượt biên qua một trong hai ngả Lạng Sơn hoặc Móng Cái, một mình cậu mà thôi. Một mình thì may ra thành công. Còn đi với hai cái đuôi đó, thì chỉ có mang họa. Tốt nhất là đừng đi.
Lời của ông nói rất chí lý. Tôi biết chắc chắn, nếu tôi để cho hai đứa cháu cùng đi với tôi ra đất Bắc, chuyến vượt biên của chúng tôi sẽ thất bại. Vả lại, tuy ông phân tích về mâu thuẫn giữa Trung cộng và Việt cộng, nghe rất hợp lý, nhưng ngay lúc đó, vào thời điểm 1978, tôi vẫn còn ngây thơ, không tin, Trung cộng sẽ chấp nhận và dung dưỡng cho những người Việt Nam vượt biên tỵ nạn cộng sản. Tôi không tin Trung cộng và Việt cộng sẽ coi nhau như tử thù. Tin như vậy, nhưng tôi không nói ra, sợ phật ý ông.
Nhìn vẻ mặt của tôi, có lẽ ông đoán được phần nào những suy nghĩ của tôi. Ông nói:
- Tôi nói là nói vậy thôi, còn quyết định đi với ai, đi đường nào là do cậu.
Nói đến đó, ông đứng dậy, lấy từ trong tủ, một cái túi da, có dây cột ở đầu rất cẩn thận. Để chiếc túi da trên bàn, ông nó:
- Trong chiếc túi này là hai chiếc địa bàn và 4 tấm bản đồ chi tiết toàn vùng Quảng Trị, Lào và Thái Lan. Tôi đã cẩn thận bọc plastic cả 4 tấm để phòng mưa gió. Chuyện tiền bạc, cậu khỏi lo. Gọi là một chút giúp cậu. Có điều, tôi nghĩ cậu không nên cầm những thứ này về trong lúc này. Lỡ có chuyện gì, chúng bắt được là chết. Thôi thì cậu cứ để đây tôi giữ. Cậu cho tôi địa chỉ bà chị của cậu, tôi sẽ bảo thằng BL hay con KO nó mang đến tận nơi cho cậu. Như vậy an toàn hơn. Cậu thấy thế nào?
Thú thực, lúc đó, thấy chiếc túi, trong đó có bản đồ và hai chiếc địa bàn, tôi rất mừng, chỉ muốn cầm nó trong tay cho chắc ăn. Nhưng thấy lời của ông nói rất hữu lý, cộng với hình ảnh đám vệ binh, quản giáo hiện đang lảng vảng đi lại, ăn chơi, dọc đường Võ Tánh, nên tôi đồng ý:
- Cảm ơn bác đã giúp cháu rất tận tình. Bác cho cháu xin tờ giấy, cháu ghi địa chỉ nhà bà chị, ở ngay cư xá Chu Mạnh Trinh, cách đây không xa...
Sau khi ghi địa chỉ của bà chị, tôi đứng dậy chào ông. Ông bắt tay tôi rất chặt, và nói:
- Tôi tình thực, biết gì nói nấy. Nghe không nghe là tùy cậu. Có điều... có điều...
Thấy ông nói đến đó, vẻ ngần ngừ, như e ngại chuyện gì, tôi lắc lắc tay ông, tha thiết nói:
- Bác thấy cháu có điều gì, bác cứ nói đi, đừng có ngại ngùng gì. Cháu sẵn sàng nghe bác nói.
Ông thở dài, bàn tay phải vẫn nắm tay tôi, bàn tay trái ông đặt lên vai tôi, rồi tiếp lời:
- Có điều... cậu phải cẩn thận lắm vì tôi thấy, gương mặt của cậu lúc này vẫn còn u ám báo điềm nhật hạn, nguyệt hạn của cậu vẫn còn nguy hiểm và long đong nhiều lắm... Nhưng vì trung vận và hậu vận của cậu thì khá, không đến nỗi nào, nên nhật hạn, nguyệt hạn của cậu dù có nguy hiểm mấy đi nữa, cậu cũng tai qua nạn khỏi...
Nói đến đó, ông xúc động, kéo tôi vô sát người của ông, rồi đập đập bàn tay của ông vào lưng tôi. Miệng ông nói mấy tiếng ngay bên tai, nhưng tôi nghe không rõ. Tôi chào ông một lần nữa, rồi chia tay. Khi đó là khoảng hai giờ chiều Thứ Bảy.
Bước ra khỏi nhà ông, tôi bâng khuâng nghĩ đến những gợi ý của ông về con đường vượt biên qua thị xã Móng Cái, Lạng Sơn, rồi những lo ngại của ông về "nhật hạn, nguyệt hạn" của tôi... Tôi không thể ngờ được, tất cả những gợi ý và những lo ngại của ông hôm đó đều trở thành những bước đi định mệnh trên con đường vượt biên của tôi; và "nhật hạn", cái hạn trong ngày mà ông lo ngại, đã trở thành sự thực hiểm nguy đang chờ đợi tôi trong khoảng cách không đầy 500 thước, ngay trước mắt, trên đường Võ Tánh, nơi tôi đang đi đến trong tâm trạng bâng khuâng, phập phồng và lo ngại... (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 7/09/2007 04:52:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Liên Kết

BLOGGER

Bạn là người thứ  

Ghé Thăm LMVS