Liên Mạng Việt San

[ Trang SaiGon Times]

[ Trang Liên Mạng]

[ Thời Sự VN ]

[ Bình Luận ]

[ Văn Học và Lịch Sử­]

[ Vườn Thơ ]

[ Radio/TV Online ]

Bài Đã Đăng

Trang Bài Cũ

Mục Thư Cũ

Chinh t hức thành lập ngày28/12/2005 Copy Right by Nhất Thanh

Mọi bài vỡ xin đóng góp và gửi vể Liên Mạng Việt San lienmang_vietsan@yahoo.com 

 

Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 36)

Bài Viết Đăng Nhập vào: Tuesday, January 02, 2007

<< Trở Lại Trang Đầu

- Hữu Nguyên -

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Từ nhà Mẹ đi ra Ga Hàng Cỏ, có hai lối. Một lối từ nhà ra tới Ô Chợ Dừa rẽ trái vô phố Khâm Thiên, đến cuối đường, rẽ trái khoảng cây số là tới Ga. Lối thứ hai gần hơn, đi tắt theo Ngõ Văn Chương thẳng ra phố Khâm Thiên rồi tới Ga. Cả hai lối đi này đều đến mặt tiền của Ga Hàng Cỏ. Tại đây, tôi phải xuất trình giấy tờ và phải mua vé tàu. Đó là điều tôi không muốn vì hai lẽ. Lẽ thứ nhất, số tiền tôi mang theo từ Miền Nam rất ít ỏi, chỉ đủ dùng thật tằn tiện cho ăn uống dọc đường. Tôi cũng không muốn nhận tiền của Mẹ vì Mẹ đã rất nghèo khổ. Vì vậy, tôi không thể dùng tiền để mua vé tàu, vé xe, trừ khi bắt buộc phải mua. Lẽ thứ hai, quan trọng hơn, vì giấy tờ tôi dùng toàn là thứ giả, nên tôi phải tránh tối đa mọi sự kiểm soát của các cơ quan công quyền cộng sản. Việc dùng giấy tờ giả để qua mặt công an, bộ đội cộng sản tại các nút chặn trên các tuyến đường, hay các trạm kiểm soát giao thông, hoặc trên các phương tiện chuyên chở công cộng là điều không có gì khó khăn. Tuy nhiên, tại các bến tàu xe quan trọng như Ga Hàng Cỏ, việc kiểm soát giấy tờ của công an, bộ đội cộng sản bao giờ cũng kỹ lưỡng hơn và có nhiều phương tiện, kỹ thuật để phát hiện giấy tờ thực giả dễ dàng hơn. Vì vậy, tôi đã chọn lối thứ ba để vô Ga Hàng Cỏ từ phía đường Trần Quý Cáp sau khi đi qua Ngõ Văn Chương, rồi rẽ trái dọc theo Hồ Văn Chương.
Trải qua bao nhiêu lần vượt thoát, sống bất hợp pháp trong chế độ cộng sản, đã giúp tôi có được những kinh nghiệm qua mặt công an cán bộ cộng sản một cách rất đơn giản. Kinh nghiệm thứ nhất, trên đường trốn chạy cộng sản, tôi luôn luôn cố gắng không mang bất cứ thứ hành lý nào trên người. Dĩ nhiên, một chiếc ba lô hay túi xách, với đầy đủ quần áo, mùng mền, lương thực, thuốc men,... bao giờ cũng rất cần thiết cho một người khi chạy trốn cộng sản. Nhưng nếu tôi mang những thứ đó, thì chính những thứ đó là bằng chứng tố giác tôi không phải người địa phương, mà là người từ xa đến, và còn có thể tiếp tục đi xa. Điều này sẽ khiến công an, cán bộ CS rất dễ chú ý nghi ngờ và thận trọng kiểm soát giấy tờ. Vì vậy, không mang thứ gì trên người là điều quan trọng đầu tiên để có thể đánh lạc hướng sự chú ý của cộng sản.
Kinh nghiệm thứ hai, tôi phải cố gắng am tường càng nhiều càng tốt nơi tôi đang có mặt và nơi tôi sắp đến. Để có thể có được những kiến thức cần thiết này, việc đầu tiên khi đặt chân đến bất cứ thành phố, thị trấn, thị xã hay làng xóm nào, tôi cũng đều hỏi thăm đường để đến bưu điện. Tại bưu điện, giả vờ trong vai người mua tem thư, tôi dễ dàng trông thấy những cán bộ, bộ đội hay công nhân viên,... gửi thư từ cho người thân. Chỉ cần kín đáo ngó thoáng qua những chiếc phong bì trong tay họ, tôi cũng đủ thấy họ tên của người gửi, đơn vị, địa chỉ làng xã, quận huyện nơi người đó đang ở. Nhiều khi may mắn, tôi còn nhặt được những chiếc phong bì, những lá thư... ở những đống rác ngay cạnh bưu điện. Đọc những thứ này, tôi sẽ thu lượm và khai thác được nhiều kiến thức cần thiết. Dùng những kiến thức đã thu lượm được, tôi sẽ trò chuyện làm quen với những người đi đường để hỏi thăm tên họ của chủ tịch, bí thư đảng uỷ xã... của xã nơi tôi đang có mặt, và xã tôi đang sắp tới... Với kiến thức về địa phương mà tôi vừa thu lượm, với cách ăn mặc hòa đồng với địa phương, lại không mang hành lý đồ đạc gì trên người, tôi dễ dàng qua mặt công an, cán bộ cộng sản. Ngoài ra, có khi trên đường đi, tôi còn ghé tiệm sách, mua những cuốn "cộng sản đặc" như cuốn Ngục Trung Nhật Ký của Hồ Chí Minh, rồi giả vờ say sưa ngồi đọc trên xe, trên tàu; hay khi đi bộ thì cố ý cầm cho bìa cuốn sách quay ra ngoài... để công an, cán bộ cộng sản trông thấy khỏi nghi ngờ. Kinh nghiệm thứ ba, trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc mọi nơi, tôi luôn luôn cố gắng làm quen với một người đồng hành để trò chuyện, vừa tìm hiểu thêm những điều cần biết, vừa tránh được sự chú ý từ những cặp mắt cú vọ của cán bộ công an cộng sản. Nhất là trên xe lửa, thường có những "toa nằm". Hành khách của những toa này đều là những cán bộ "trung cao" hoặc thân nhân của những cán bộ đó. Tìm cách làm quen, trò chuyện với những người đó là điều không khó. Và khi đã trò chuyện được với một người ở "toa nằm", thì nhân viên soát vé hầu như không bao giờ hỏi vé, vì họ đinh ninh mình cũng là người của "toa nằm".
Kinh nghiệm thứ tư, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, gặp bất cứ đối tượng CS nào, tôi cũng phải cố gắng ứng xử một cách bình tĩnh để tạo cho mình vẻ ngây thơ, ngờ nghệch. Điều này sẽ khiến công an, cán bộ cộng sản có thái độ coi thường, chủ quan, khinh địch. Một khi họ đã có thái độ đó, tôi sẽ có cơ hội qua mặt họ dễ dàng, hoặc trốn thoát cho dù tôi có bị bắt.
Để có thể né tránh được sự kiểm soát giấy tờ của công an cộng sản tại Ga Hàng Cỏ, tôi thấy chỉ có cách trèo tường, nhảy vô sân ga, chứ không thể nào đường hoàng trình giấy tờ để mua vé ở ngay cổng nhà ga. Tôi tin tưởng, một khi đã chót lọt lên được xe lửa, tôi sẽ dễ dàng phát hiện ra nhân viên kiểm soát vé hay công an ngành đường sắt ngay từ xa. Và nhờ không mang theo trên người bất cứ hành lý gì, tôi sẽ kịp thời né tránh họ bằng cách lẩn trốn trong toilet, trèo lên nóc tàu, hay ẩn mình dưới các bậc lên xuống của các toa tàu. Trong trường hợp cực chẳng đã, nhân viên xoát vé hay công an đường sắt phát hiện ra tôi trốn vé, thì với bộ mặt ngờ nghệch của tôi cộng với việc tôi chẳng có hành lý gì, nhân viên xoát vé và công an đường sắt sẽ đinh ninh tôi chỉ là một thanh niên nghèo khổ, túng thiếu, đi xe lửa quịt mà thôi. Vì vậy, giải pháp trừng phạt duy nhất đối với một người đi xe lửa quịt là họ sẽ đuổi tôi xuống ngay khi tàu dừng lại ở một ga nào kế đó. Khi đó, tôi sẽ đóng vai một thanh niên đau khổ, nhưng sợ sệt và ngoan ngoãn vâng theo lời họ, đi ra khỏi nhà ga. Một khi khuất mình trong bóng tối, tôi sẽ chạy thục mạng dọc đường sắt, theo hướng tàu chạy một đoạn, rồi tìm cách chui qua hàng rào, vô gần đường sắt và tìm chỗ ẩn mình chờ đợi. Khoảng 5, 10 phút sau, tàu chuyển bánh, từ từ rời ga với tốc độ chậm, sẽ giúp tôi nhảy lên tàu trở lại một cách dễ dàng. Trong trường hợp lỡ chuyến tàu đó, tôi sẽ chờ để nhảy chuyến tàu khác sau đó. Một thân một mình, không thân nhân, không hành lý, đã giúp tôi tự tin, đi lại dễ dàng theo kiểu "sâu đo" trên khắp mọi nẻo đường của quê hương Việt Nam. Mãi sau này, khi tính chuyện vượt biên đường bộ từ Sàigòn ra Đông Hà, Quảng Trị, rồi trực chỉ đến Savannakhet, Lào, cạnh sông Mêkông, để sang bờ bên kia là Mukdahan của Thái, chỉ vì người chị một lòng một dạ tin vào số mệnh "luôn có quý nhân phù trợ" mà đã trải qua không biết bao nhiêu nguy hiểm của tôi nên hết sức năn nỉ, khiến tôi phá lệ "độc hành, không hành lý" chấp nhận để cho người cháu gái và một người bạn của nó đi cùng, mang theo đủ thứ hành lý cồng kềnh kể cả mùng mền, nên cả ba chúng tôi cùng bị công an biên phòng cộng sản bắt khi cách biên giới Lào Việt chỉ có 4 cây số... Đó là chuyện sau này tôi sẽ trở lại với nhiều tình tiết khổ đau, nguy hiểm, để rồi dẫn đến cuộc vượt thoát của tôi ngay trên đường phố Huế, cách lao Thừa Phủ không đầy mấy trăm mét, và ngay trước mặt hai tên công an áp tải tù.
Ga Hàng Cỏ, nhà ga lớn nhất Miền Bắc, là trung tâm điểm của 5 tuyến đường sắt đi 5 hướng như Lào Cai, Thái Nguyên, Hải Phòng, Lạng Sơn và vô hướng Nam qua ga Phủ Lý, Nam Định là hướng tôi phải đi. Vì 4 hướng kia đều đi về phía bắc và đông bắc, chỉ duy tuyến đường đi Phủ Lý là theo hướng nam, nên việc nhận diện đoàn tàu đi Phủ Lý không phải là điều khó.
Đặt chân tới Ga Hàng Cỏ, tôi lại nhớ ngày xưa, mỗi năm một lần, vào dịp tết nguyên đán, bao giờ Thầy tôi cũng dắt tôi đi lên Hà Nội chơi. Trong những lần đó, khi tuổi thơ trông thấy, nghe thấy không biết bao nhiêu điều lạ lùng ở phố phường Hà Nội, đã khiến tôi luôn miệng hỏi. Có một lần, tôi không nhớ rõ năm nào vì khi đó chắc tôi mới 10, 11 tuổi, tôi có hỏi Thầy tôi, Ga Hàng Cỏ có phải là nơi ngày xưa người ta bán cỏ cho trâu không? Thầy tôi bảo, đúng trước kia ở Ga Hàng Cỏ người ta bán cỏ, nhưng không phải cho trâu mà là cho ngựa. Rồi nhìn những đoàn tàu dài hàng chục toa chạy trên đường sắt, tôi tò mò hỏi Thầy tôi, làm sao những đoàn tàu hỏa đó có thể quay đầu khi nó đi đến tận cuối đường sắt...
Trong những ngày ở chơi Hà Nội, Thầy cũng thường dắt tôi đi xem các danh lam thắng cảnh, trong đó Gò Đống Đa là nơi hay viếng thăm nhất. Theo trí nhớ của tôi, Gò Đống Đa cao to, cây cối mọc um tùm, phải leo tới mấy chục bậc mới tới cổng, rồi qua cổng, lại phải leo thêm mấy chục bậc nữa mới tới đỉnh. Sau này, tôi nghe nói, cộng sản Hà Nội sợ làm phiền lòng quan thầy Bắc Kinh nên đã bí mật tìm cách làm cho Gò Đống Đa càng ngày càng nhỏ lại. Còn Ga Hàng Cỏ thì đổi thành Ga Hà Nội.
Trong những lần trèo lên Gò Đống Đa, có lần tôi nhặt được một con ngựa bằng gỗ không biết của ai đánh rơi. Con ngựa được chạm trổ sơ sài, nhưng đen bóng. Tuổi thơ của tôi chẳng bao giờ có đồ chơi, nên tôi quý con ngựa đó lắm, suốt cả chục năm trời, lúc nào cũng giữ nó bên mình. Đến khi từ động Ông Đô cắt đường, trực chỉ đi về thị xã Quảng Trị trong chuyến đi đầy định mệnh, tôi đã bỏ lại tất cả mọi thứ, kể cả hình ảnh của người thân, chỉ giữ lại duy nhất con ngựa gỗ. Vậy mà rồi khi an toàn tới được thị xã Quảng Trị, tôi mới đau xót nhận ra, không biết trên chặng đường hơn chục cây số bị té lên té xuống, tôi đã đánh rơi mất con ngựa gỗ ở đâu, vào lúc nào...
Bố tôi rất kính trọng các anh hùng dân tộc, và đặc biệt ngưỡng mộ Vua Quang Trung. Bố tôi kể trong số những anh hùng dân tộc Việt Nam, Vua Quang Trung là người khiến cho vua Tàu sợ hãi nhất. Bố tôi bảo, nếu Vua Quang Trung sống thọ thêm chục năm, thì Việt Nam sẽ khôi phục được bờ cõi Bách Việt, bao gồm cả vùng Lưỡng Quảng là Quảng Đông và Quảng Tây. Trong những ngày tháng thơ ngây đầu đời đó, Thầy tôi đã truyền cảm và thêu dệt vào tấm lòng trinh bạch của tôi lòng kính phục vô bờ bến dành cho Vua Quang Trung. Nhờ vậy, sau này khi sống ở Miền Nam tự do, khi đọc thấy trên báo Sóng Thần vào năm 1974, có trang quảng cáo về một cuộc thi hùng biện do một cơ quan của Phật Giáo (tôi không còn nhớ rõ tên) tổ chức, về đề tài "Ai là người anh hùng dân tộc, anh hay chị kính phục nhất?", tôi đã nhớ đến Gò Đống Đa, nhớ đến con ngựa gỗ, và nhớ đến Thầy tôi... nên ghi tên dự thi và chọn Vua Quang Trung là người anh hùng tôi kính phục nhất. Kết quả tôi may mắn được giải nhì. Ngay cuối buổi thi, ông Ngô Khắc Tỉnh, Tổng trưởng Giáo dục, đã đích thân trao giải nhất 100,000 đồng cho một sinh viên y khoa (tôi quên mất tên), và giải nhì, 50,000 đồng cho tôi. Khi nhận được giải thưởng, trước mặt mọi người, trong đó có anh chị và các cháu của tôi, tôi vừa bàng hoàng bất ngờ, vừa xúc động không cầm được nước mắt. Tôi khóc vì nhớ tới Thầy Mẹ, nhớ tới Gò Đống Đa, nhớ tới con ngựa bằng gỗ đen như mun bây giờ không biết thất lạc ở đâu hay đã trở về với cát bụi?!... Tôi cũng khóc vì những xúc động chân thành khi thấy mình tuy là một người hồi chánh, nhưng vẫn được ban giám khảo đối xử bình đẳng để có được cơ hội thăng tiến công bằng như tất cả những người khác của Miền Nam tự do... (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 1/02/2007 10:22:00 AM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Liên Kết

BLOGGER

Bạn là người thứ  

Ghé Thăm LMVS