Liên Mạng Việt San

[ Trang SaiGon Times]

[ Trang Liên Mạng]

[ Thời Sự VN ]

[ Bình Luận ]

[ Văn Học và Lịch Sử­]

[ Vườn Thơ ]

[ Radio/TV Online ]

Bài Đã Đăng

Trang Bài Cũ

Mục Thư Cũ

Chinh t hức thành lập ngày28/12/2005 Copy Right by Nhất Thanh

Mọi bài vỡ xin đóng góp và gửi vể Liên Mạng Việt San lienmang_vietsan@yahoo.com 

 

Hồi Ký: Tìm Tự Do - Kỳ 48

Bài Viết Đăng Nhập vào: Thursday, April 05, 2007

<< Trở Lại Trang Đầu

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.


*

Tiếp theo...)

Ngay từ khi bị cộng sản bắt vô tù, tôi vô cùng hối hận cho sự lầm lỡ của mình, và quyết tâm phải vượt ngục bằng mọi giá. Tôi biết, ngục tù của cộng sản vô cùng kiên cố, người cộng sản cũng rất tàn nhẫn, sẵn sàng bắn bỏ tù bất cứ lúc nào, và dù có may mắn vượt thoát được nhà tù nhỏ, tôi cũng còn phải tìm cách để vượt thoát ngục tù lớn để ra ngoại quốc. Còn nếu vượt ngục được rồi mà vẫn tiếp tục sống trong chế độ cộng sản, thì trước sau gì tôi cũng sẽ bị cộng sản bắt lại. Biết vậy, nhưng tôi tin, dù lao tù của cộng sản có kiên cố đến đâu đi nữa, một khi mình đã quyết tâm vượt ngục, thì một năm, hai năm, ba năm... trước sau gì mình cũng sẽ tìm ra kẽ hở để trốn thoát.
Trong thời gian bị giam giữ tại Quân lao Gò Vấp, trước khi gặp anh Dzoãn Bình, tôi cũng đã nhiều lần tìm cách vượt ngục, nhưng chưa gặp cơ hội. Quân lao Gò Vấp có mấy hàng rào thép gai từ trong ra ngoài. Lực lượng canh gác của vệ binh được chia làm nhiều toán, lại có cả quân khuyển. Việc leo trèo hoặc chui qua những hàng rào kẽm gai về đêm, cũng như cách đánh lạc hướng thính giác của quân khuyển là điều có thể làm được. Nhưng điều khó khăn nhất chính là trở ngại tù canh gác tù trong mỗi phòng giam. Thời gian đó, để đề phòng tù vượt ngục, cộng sản đã bắt những người tù chúng tôi phải chia thành từng nhóm, mỗi nhóm hai người, có tránh nhiệm thay phiên nhau thức hai tiếng đồng hồ để canh gác tù. Trong thời gian canh gác, chúng tôi không được phép nằm, ngồi, mà phải liên tục đi lại trong phòng giam. Đèn trong phòng giam phải bật sáng suốt đêm. Vệ binh canh gác đi lại bên ngoài có thể mở chiếc cửa tò vò bất cứ lúc nào để ngó vô kiểm soát, theo dõi, hoặc gọi người tù gác tù lại gần cửa tò vò bắt báo cáo. Để tránh tình trạng cả hai người tù cùng canh gác, thông đồng với nhau vượt ngục, danh sách tù gác tù luôn luôn thay đổi, phiên này gác chung với người này, phiên sau lại phải gác chung với người khác.
Trong điều kiện khó khăn như vậy, để có thể vượt ngục, tôi phải vượt qua mấy khó khăn mà khó khăn lớn nhất, tôi chỉ có thể vượt ngục cùng với người bạn tù cùng canh gác với mình. Tôi biết, để có thể kiếm được một người bạn tù mình tin tưởng là điều rất nan giải, nhưng nếu kiên nhẫn, biết cách tìm kiếm, thuyết phục, điều này còn có cơ hội dễ thực hiện hơn, so với việc thuyết phục người bạn tù cùng canh gác, chấp thuận để mình vượt ngục, còn họ ở lại lãnh nhận sự trừng phạt của cộng sản.
Trong số những người bạn tù tôi quen biết, trước khi gặp anh Dzoãn Bìn, tôi chỉ tin tưởng được có hai người. Một anh tên Quang, gốc Thanh Hoá, thuộc lực lượng chính quy Bắc Việt, về hồi chánh, từng tình nguyện tham gia lực lượng Delta Force, sau lấy vợ Huế, có một con trai. Quang tính khí ngang tàng, liều lĩnh, nóng tính, gặp bất cứ điều gì trái tai gai mắt, là la hét chửi bới, và nhào vô đập lộn, bất kể đối thủ là ai, một người hay cả chục người. Ngay bản thân tôi, khi mới chân ướt chân ráo bước vô Quân Lao Gò Vấp, ngay tối hôm đầu tiên, trong lúc chơi cờ tướng với Quang, chỉ vì tôi đùa cợt về một hai nước cờ, Quang đã nổi khùng, chửi tôi, rồi người nhào vô đánh tôi. Sau trận đập lộn đó, tôi và Quang trở thành bạn thân. Tình bạn của chúng tôi trở nên tha thiết hơn, sẵn sàng sống chết cho nhau hơn, sau lần tôi liều mạng cõng Quang, bất chấp lệnh của quản giáo Trường. Câu chuyện đầu đuôi thế này...
Quang vì tính hay đập lộn, nên nhiều lần bị quản giáo bắt giam trong conex. Lần Quang bị giam thê thảm nhất là lần Quang đập lộn với một người tù "tự quản", thuộc loại "gà nòi" của quản giáo Trường. Thông thường bị giam trong conex 5 ngày đã là khủng khiếp, đằng này lần đó Quang bị phạt giam tới 7 ngày! Ngày thứ 7, ngay từ buổi sáng, một người tù nấu bếp cho chúng tôi biết, Quang đã hết "nhúc nhích". Chúng tôi sốt ruột vô cùng, nhưng đành bất lực.
Chiều hôm đó, anh em tù đang xếp hàng điểm danh chuẩn bị vô phòng giam, thì tên quản giáo Trường bước tới ra lệnh:
- Tất cả "chúng anh" đứng nghiêm chờ tôi.
Quản giáo Trường là người thiểu số, nói tiếng Việt không sõi, và không hiểu sao, y có tật chuyên môn gọi "các anh" là "chúng anh".
Sau khi ra lệnh cho chúng tôi đứng nghiêm chờ, tên Trường bước tới conex ở ngay trước phòng giam A-1, mở khoá. Quang đã bị giam trong đó đúng một tuần lễ! Ai bị giam trong conex đều biết, đó là cả một cực hình, nhất là vào những ngày nắng hè oi bức. Trước đó, đã có người bạn tù phải tự tử trong conex vì không chịu đựng nổi sự khổ ải, thì đủ biết bị giam trong đó nguy hiểm và khủng khiếp đến thế nào. Cửa conex đã mở, nhưng chúng tôi không thấy bóng dáng Quang đâu cả. Mùi hôi hám trong conex bốc ra nồng nặc, khiến tên quản giáo Trường thụt lùi lại mấy bước, vừa bịt mũi, vừa khạc nhổ lia lịa. Chúng tôi lo ngại, xót xa cho Quang, nhưng phải im lặng bồn chồn chờ đợi. Tên quản giáo Trường quay về phía chúng tôi, vẫy vẫy chiếc dùi cui, chỉ hai người đứng đầu hàng, phía bên phải, rồi hét giọng e é:
- Hai anh kia, đi vô lôi cổ nó ra...
Hai người tù vội vàng chui vô trong conex, nửa khiêng, nửa kéo Quang ra ngoài. Hai chân Quang vẫn bị còng, thân hình Quang tiều tuỵ, nhẹ tênh, nét mặt thất thần...
Hai người tù vừa khiêng Quang ra đến vỉa hè nhà ăn, thì tên quản giáo Trường hét lên:
- Để nó xuống đó, hai anh đi về hàng.
Hai người tù vội để Quang xuống vỉa hè nhà ăn, rồi trở lại hàng đứng. Vì nhà ăn đối diện phòng giam A-1, và giữa các sân của mỗi phòng giam đều có hàng rào kẽm gai, cửa qua lại giữa các sân cũng làm bằng dây kẽm gai, nên qua những lớp rào kẽm gai, chúng tôi thấy Quang ngồi đó, chống hai tay xuống đất, vai so, cổ rụt... Quang ho rũ rượi một hồi, rồi đưa cặp mắt buồn bã, u uất và tuyệt vọng nhìn chúng tôi....
Tên quản giáo Trường chỉ chiếc dùi cui về phía Quang hét:
- Anh ngồi im đó, chờ lệnh tôi.
Nói xong, quản giáo Trường bước vô sân phòng giam A-2 chúng tôi. Hắn lừ lừ liếc nhìn chúng tôi bằng cặp mắt hằn học, oán giận, đỏ kè những gân máu...
Quản giáo Trường thấp khoảng thước tư, thước rưỡi, trán thấp, tóc rễ tre, có gương mặt u ám, vô học, điển hình của những người cán bộ cải cách ruộng đất. Là người thiểu số, không biết là Nùng, Thượng hay Êđê, Trường nói tiếng Việt không sõi. Tính tình Trường độc ác, hằn học với tù và rất hay kiếm cớ để hành hạ tù. Thời gian đó, tại Quân lao Gò Vấp, vệ binh quản giáo VC có phong trào học võ nghệ, được chính một số tù là võ sư, có võ đường, đứng ra huấn luyện. Với bản chất tàn nhẫn, độc ác, sau khi ti toe học được ít võ nghệ, vệ binh quản giáo tại Quân lao Gò Vấp thường kiếm cớ quy chụp tù tội này, tội nọ rồi mang tù ra dợt hội đồng ngay ngoài sân chơi bóng chuyền, hay trong phòng thẩm vấn. Trong số những quản giáo thích mang tù ra đánh hội đồng, có quản giáo Trường. Tuy nhiên, quản giáo Trường cũng là người rất bộc trực, ruột ngựa, hay mở miệng chửi cộng sản. Mỗi khi về Bắc thăm gia đình trở vô, quản giáo Trường thường tìm đến tù nhân tâm sự, chửi bới chế độ cộng sản, rồi kể lể những nỗi khổ của gia đình y một cách công khai. Thoạt đầu, nghe y nói, tù nhân đều không tin, cho y có mưu mô gì đây, nên chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Sau riết, có nhiều người hiểu, với bản chất của người thiểu số, ít học, y dễ cuồng tín "nuốt sống, nuốt chín" bả tuyên truyền của cộng sản, nhưng cũng dễ chửi bới cộng sản, khi y và gia đình phải chịu đựng những đói khổ, những lừa lọc do cộng sản gây ra.
Sau một hồi lừ lừ nhìn những người tù chúng tôi bằng cặp mắt oán hận, quản giáo Trường hét:
- Đảng nhà nước cho "chúng anh" vô đây để cải tạo thành người tốt. Vậy mà "chúng anh" vô ơn, "chúng anh" phá phách, đánh lộn. Tù "tự quản" là tù tiến bộ nhất của đảng và nhà nước. Anh Quang đánh tù "tự quản" là đánh phá cách mạng, đánh phá đảng, là đồ phản động.
Quay qua phía Quang, Trường dơ dùi cui, chỉ chỏ, hò hét:
- Anh Quang có biết tội phản động của anh chưa?
Quang thều thào nói gì đó nghe không rõ. Tên Trường lại hét:
- Để chuộc tội phản động của anh, tôi ra lệnh anh Quang phải bò từ đó về hàng!...
Nghe tên Trường hét bắt Quang phải bò về hàng, anh em tù trong hàng bỗng xôn xao, phản đối. Là những người tù chính trị, chúng tôi chấp nhận bị trừng phạt như bị cùm chân, cùm tay, bị cắt khẩu phần ăn, bị tống giam trong conex, bị cấm nhận quà thăm nuôi, kể cả bị đánh đập hay bị xử bắn, nhưng chúng tôi không dễ gì chấp nhận bị làm nhục như bị cộng sản bắt phải quỳ, phải bò...
Tên quản giáo Trường quay lại phía chúng tôi, múa chiếc dùi cui rồi hét:
- "Chúng anh" câm miệng!
Quay sang Quang, quản giáo Trường lại thét:
- Anh Quang, nghe tôi nói chưa? Anh bò ngay về hàng!...
Anh em tù chúng tôi vẫn xôn xao phản đối. Còn Quang lúc đó, vì quá mệt mỏi, chân lại bị xiềng bằng loại xiềng gang do lò rèn của trại chế ra theo kiểu vẽ ác độc của tên trưởng trại, nên Quang rất lúng túng. Thêm nữa, từ vỉa hè nhà ăn xuống đến sân của phòng giam A-1 có hai hay ba bậc rồi lại thêm một rãnh thoát nước mưa rộng khoảng hơn gang tay, làm cho Quang quýnh quáng, muốn bò mà không bò được, trông thật tội nghiệp vô cùng... Tôi lúc đó đứng ngay hàng đầu, nên thấy rất rõ cảnh tang thương của Quang. Vì tính khí ngang ngược của Quang nên trong tất cả những người bạn tù, chỉ có tôi là người duy nhất chơi thân với Quang. Nay trong hoàn cảnh đó, Quang không thể trông cậy vào ai ngoài tôi. Tôi cũng biết, tôi chơi thân với Quang, bạn tù ai cũng biết, nên trong thâm tâm, tôi thấy mình có trách nhiệm phải giúp đỡ Quang hơn cả... Nhưng giúp cách nào đây?.. Trong lúc bối rối, không kịp suy nghĩ, không kịp hiểu mình phải làm gì, và tại sao mình lại hành động như vậy, bỗng dưng tôi bước ra khỏi hàng, đi thẳng về phía Quang. Mới bước được vài bước, tôi đã nghe tiếng quản giáo Trường hét lên, vừa ngạc nhiên, lúng túng, vừa phẫn nộ:
- Ê... đứng lại! Anh Chí đứng lại!
Tiếng thét của quản giáo Trường vừa dứt thì tôi cũng đã đến bên Quang. Tôi xoay người, ngồi xuống, chìa lưng về phía Quang và nói:
- Ôm lấy cổ tao, tao cõng...
Quang ngần ngừ và hoảng hốt:
- Đừng mày, nó đánh mày chết.
Tôi dứt khoát:
- Tao nói mày ôm cổ tao...
Vừa nói, tôi vừa xoay người lại, nắm lấy hai cánh tay khẳng khiu của Quang, kéo choàng qua cổ tôi, rồi đứng dậy, cõng Quang về hàng. Hai chân của Quang bị còng bằng còng sắt nên lủng lẳng, đụng vào đùi tôi đau điếng, nhưng tôi cắn răng chịu... Một bước, hai bước,... Cả trại tù bỗng im lặng rợn người... Rồi tự dưng, một tiếng, hai tiếng vỗ tay nổi lên rời rạc, rồi tất cả gần trăm người tù cùng vỗ tay vang dội. Tôi xúc động muốn ứa nước mắt... Quay sang phía quản giáo Trường, tôi thấy mặt y hầm hầm, mắt y lừ lừ nhìn tôi, rồi y quát:
- Ai cho phép anh cõng tên Quang?
Tôi biết, trong giây phút không kịp suy nghĩ, tôi đã làm một điều vô cùng nguy hiểm. Tôi sẽ phải trả giá rất đắt cho hành động của tôi. Vì vậy, để gỡ gạc phần nào nguy hại, tôi cố gắng trả lời quản giáo Trường bằng một giọng thật nhã nhặn:
- Thưa quản giáo, như quản giáo đã nhiều lần nói, chúng tôi vô đây là để được cải tạo trở thành người tốt hơn, chứ không phải để bị làm nhục. Nếu quản giáo thấy anh Quang có tội, quản giáo cứ việc trừng phạt theo đúng nội quy của trại tù, chứ không thể bắt anh ta bò, vì trong nội quy của trại tù không hề có điều khoản nào cho phép quản giáo trừng phạt tù bằng cách bắt tù phải bò.
Quản giáo Trường lừ lừ nhìn tôi, miệng lầu bầu mấy tiếng, tôi nghe không rõ. Rồi y quát lên:
- "Chúng anh" đi vô!
Tôi thở phào thoát nợ, và chẳng hiểu sao lúc đó, trong lòng tôi bỗng dâng lên niềm cảm xúc rất vô lý, "thầm biết ơn" quản giáo Trường đã "tha tội" cho tôi!?
Sau lần xảy ra biến cố đó, tình bạn giữa tôi và Quang vô cùng thân thiết. Tôi tin tưởng Quang đến độ một đêm nọ, tôi nói với Quang ý định vượt ngục của tôi, và rủ Quang cùng vượt ngục khi hai người cùng chung một phiên gác. Tôi nói với Quang mỗi ca gác 2 tiếng, chúng tôi phải mất một tiếng để hai người gác trước ngủ say. Tiếp theo, chúng tôi phải chờ cho tên vệ binh mở cửa tò vò của phòng giam, để báo cáo mọi chuyện yên tĩnh. Sau đó, thời gian để tên vệ binh trở lại mở cửa tò vò lần kế phải mất ít nhất nửa tiếng đến một tiếng. Như vậy chúng tôi sẽ có nửa tiếng đồng hồ để vượt ngục.
Tôi cũng nói cho Quang biết, địa hình của Quân lao tôi đã nắm rất rõ. Thời đó, nóc Quân lao thường bị thủng, mỗi khi mưa, nước chảy vô trong rất nhiều, nên đôi khi chúng tôi được lệnh leo lên trên nóc, lấy nhựa đường bít những chỗ thủng. Tôi may mắn được lên nóc Quân lao hai lần. Lần thứ nhất, tôi quan sát địa hình, địa vật chung quanh, và tình cờ phát hiện ra một cơ hội đặc biệt có thể giúp tôi vượt ngục tại Quân lao Gò Vấp dễ dàng....Tôi không biết cấu trúc của khu B và C của Quân lao Gò Vấp như thế nào, nhưng khu A có 3 phòng giam là A-1, A-2 và A-3. Ngay đằng sau mỗi phòng giam có một phòng vệ sinh dính liền, với mái bằng, đổ bê tông rất kiên cố. Trên nóc của phòng vệ sinh có một lỗ vừa để thông hơi, vừa để lấy ánh sáng mặt trời. Lỗ thông hơi này rộng mỗi chiều khoảng 60 phân. Nằm giữa lỗ thông hơi là hai thanh sắt loại cọc hàng rào kẽm gai, được đặt song song, cách nhau khoảng 20 phân. Vì hai thanh sắt này được đặt ngay trong lớp bê tông khi mới xây, cộng với mặt có rãnh trũng của thanh sắt quay lên trời, nên lâu ngày, nước mưa đọng trong rãnh, đã ăn mòn cả hai thanh sắt. Ở trong phòng vệ sinh, nhìn từ dưới nhìn lên, thì thanh sắt vẫn còn nguyên vẻ kiên cố. Nhưng nhờ lên trên nóc nhà, tôi có cơ hội nhìn hai thanh sát từ phía trên, thấy được sự rỉ sét nhiều tới mức, một người có thể dùng một thanh sắt hay khúc gỗ bẻ gẫy cả hai thanh sắt này dễ dàng.
Phát hiện ra điều này tôi rất mừng. Để có thể tận dụng được cơ hội này, tôi bí mật "đổi chác" cho một anh tù ở nhà bếp để lấy một ít muối. Ngoài ra, tôi cũng nhặt được một ống sắt làm ống nước, dài khoảng 60 phân, có chu vi vừa bằng cổ tay. Tôi vứt ống sắt này ngay ở hàng rào, bên ngoài phòng vệ sinh. Lần lên nóc Quân Lao lần thứ hai, tôi kín đáo mang theo gói muối, trộn lẫn với cát, rồi nhét vô rãnh hai thanh sắt, để tăng tốc độ rỉ sét, bào mòn hai thanh sắt. Tôi cũng kín đáo mang theo ống sắt, rồi để ngay cạnh lỗ thông hơi trên nóc phòng vệ sinh. Vì đó là lỗ thông hơi của nhà cầu, rất hôi thối, nên mọi người đều tránh xa, không một ai để ý đến việc làm kín đáo của tôi. Ống sắt để cách lỗ thông hơi không đầy 20 phân, được các loại dây leo bao phủ, nên rất an toàn. Tôi dự định, khi vượt ngục, từ bên dưới nhà vệ sinh, tôi chỉ cần thò tay lên là nắm được ống sắt và dùng nó bẻ gẫy hai thanh sắt chắn lỗ thông hơi một cách dễ dàng. Sau đó, với khả năng của một thường xuyên chơi xà đơn (high bar), xà kép (parallel bars) ở trung tâm thể thao Phan Đình Phùng thời trước 1975, tôi có thể chui qua lỗ thông hơi ra ngoài một cách dễ dàng.... (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 4/05/2007 11:13:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Tìm Tự Do (kỳ 47)

<< Trở Lại Trang Đầu

Hữu Nguyên

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.


*

Quân lao Gò Vấp được chia là ba khu nhà xây chạy dài là khu A, B và C. Mỗi khu có 3 phòng giam riêng biệt cùng chung một mái nhà, nhưng ngăn cách bằng bức tường xây thiệt cao, trên trần có rào kẽm gai. Mỗi phòng giam đều có hai cánh cửa bằng sắt, dầy và nặng. Ở giữa cửa sắt có một ô nhỏ, mỗi chiều khoảng 15 phân, có cửa để mở, đóng bằng cách kéo sang phải hay trái. Khỉ mở, cửa đủ rộng để cho tù ngó hai con mắt ra ngoài, hoặc tù có thể dí mũi hít thở không khí tươi mát bên ngoài trong những ngày nóng bức. Trong mỗi phòng giam đều có cầu tiêu ở ngay phía sau. Ngoài sân, giữa các phòng giam cũng có hàng rào kẽm gai ngăn cách.
Toán của tôi 5 người được giải vô phòng giam A-2 thuộc khu A. Sau này tôi được biết, A-1 giam giữ tù hình sự thuộc loại quân phạm (bộ đội phạm tội cướp trộm, hủ hoá, tham nhũng...). A-2 giam giữ tù chính trị, mà phần lớn là hồi chánh viên. Riêng A-3, lúc đó cộng sản giam giữ mấy chị bên Phượng Hoàng. Chạy dọc theo Khu A, cách một cái sân có chiều ngang khoảng 10 thước là nhà ăn, rồi đến một dẫy bể nước thấp ngang hông, dành cho tù tắm, và cuối cùng là nhà bếp. Ngay dưới gốc cây bã đậu trong khu A-3 có một cái giếng đường kính khoảng 2 thước, thỉnh thoảng tù có thể quay lấy nước đem vô trong phòng giam, tắm rửa "tự túc". Chữ "tự túc" được tù dùng có nghĩa là tắm ngoài quay định của trại. Thời gian đó, tù chỉ được ban chỉ huy trại cho phép tắm mỗi tuần một lần ở khu bể nước, và mỗi lần chỉ được phép tắm có 10 phút.
Tất cả tù bị giam tại quân lao Gò Vấp khi đó đều nằm trong dạng giam cứu, sẽ có nhân viên ở phòng quân pháp xuống thẩm vấn, phân loại trước khi gửi đi trại giam Kà Tum. Cả trại giam Gò Vấp lẫn trại giam Kà Tùm đều trực thuộc lực lượng quân quản của quân đội cộng sản, nên gác tù thì có vệ binh, cai quản theo dõi tù thì có quản giáo, và thẩm vấn phân loại tù thì có nhân viên ở phòng quân pháp. Tại quân lao Gò Vấp, thỉnh thoảng tù cũng bị đi lao động, nhưng chủ yếu, khi bị đưa đi Kà Tum, tù mới phải lao động liên miên tuần lễ 6 ngày, mỗi ngày 12 tiếng, để sản xuất khoai mì, chuối, khai thác gỗ, đóng giường tủ, bàn ghế... để mang lại tiền bạc cho phòng quân pháp của cộng sản.
Thời gian đó, cả nước Việt Nam đang trải qua những ngày tháng kinh hoàng, thiếu thốn, đói khát, nhất là dân chúng ở Miền Bắc thì nạn đói càng ghê gớm hơn. Ngay cả vệ binh quản giáo canh gác tù cũng thiếu thốn. Nhiều người cho biết, giai đình của họ ở ngoài Bắc phải ăn cả củ chuối, thân chuối, thậm chí phải tranh ăn cả rơm, cỏ với trâu bò. Nhiều nơi dân bị chết đói la liệt. Chính quản giáo Trường nói cho chúng tôi biết, Trung Cộng ép buộc cộng sản Việt Nam phải trả lại những món nợ mà họ đã cho cộng sản Việt Nam vay mượn trong thời kỳ xâm lăng Miền Nam. Mà món duy nhất cộng sản Việt Nam có thể gom góp để trả cho Trung Cộng là gạo. Ngoài ra không có thứ nào khác Trung Cộng chịu nhận. Hậu quả của tình trạng trả nợ này đã khiến kinh tế Miền Bắc kiệt quệ và cả nước phải khốn cùng.
Trong hoàn cảnh đói khát chung của cả nước như vậy, những người tù chúng tôi trong quân lao Gò Vấp càng thấy đói khát thê thảm. Những người tù nào có gia đình thăm nuôi thì còn đỡ, còn những ai không có thân nhân, thì đành cắn răng chịu đựng mọi sự khốn khổ, và chỉ trong thời gian ngắn không đầy hai tháng trời, tôi đã thấy thân hình của tôi chỉ còn là bộ xương bọc da. Mỗi ngày, tù chỉ được ăn có hai bữa "cơm". Mỗi bữa, vỏn vẻn hai lưng chén bo bo độn, một tí rau luộc, một ít nước rau và chút nước muối. Nhưng nếu đói khát hành hạ thể xác người tù một phần, thì sự tuyệt vọng trong hoàn cảnh tù đầy hành hạ người tù gấp mười phần.
Trong phòng giam A-2 lúc đó đều là hồi chánh viên mà phần đông là gốc Miền Nam. Tại đây tôi đã được gặp lại một số anh em hồi chánh tôi đã quen biết trước như anh Duy "đầu bạc" tài hoa có máu văn nghệ viết chữ rất đẹp, anh Nở người Việt từ bên Căm Bốt về, anh Ân người gốc Hoa tính tình điềm đạm, chân thật, chất phác. Vô tù cùng lúc với anh Nở là anh Dzoãn Bình, một ký giả nổi tiếng về những thiên phóng sự chiến trường thời trước 1975. Cả hai anh trước bị giam ở trại tù cải tạo Long Khánh, sau cùng bị chuyển về quân lao Gò Vấp, vì bị xếp loại hồi chánh viên. Sự thực, anh Dzoãn Bình vì lòng yêu nước nên năm 1945, đang sống ở Hà Nội, anh đã trốn gia đình đi theo vệ quốc đoàn, nhưng sau này bị cộng sản xếp vào thành phần "tạch tạch sè" (tiểu tư sản) và anh cũng sớm nhận ra sự tàn ác, bất nhân của VC nên anh đã "dinh T", rồi vô Nam năm 1954. Không ngờ 30 năm sau, khi cộng sản bắt được anh, anh thẳng thắn khai hết từ đầu đến đuôi nên chúng xếp anh vào dạng hồi chánh, đưa về quân lao Gò Vấp.
Trước 1975, mỗi tuần tôi có đến đài phát thanh Sàigòn hai lần để thu chương trình phát thanh của Bộ Dân Vận Chiêu Hồi, nên có quen cô Dzoãn Phượng, con gái của anh Dzoãn Bình. Cô được nhận vô làm xướng ngôn trong đài phát thanh sau khi bà Đàm Chi Lan, vợ của anh Dzoãn Bình qua đời. Thời đó, tôi thấy anh Dzoãn Bình rất phong độ, trẻ trung, tinh anh, thường mặc bộ đồ dân vận 4 túi, đeo kính cận, để hàng ria mép con kiến, đi chiếc xe vespa đến đón Dzoãn Phượng, nhưng không bao giờ được hân hạnh trò chuyện với anh. Đến khi gặp anh trong tù, anh già đi trông thấy, hàm răng giả của anh lại bị mất, người anh lại cao nên trông càng thêm gầy gò, ốm yếu. Thoạt thấy anh, tôi không tài nào nhận ra anh. Về sau nghe anh Nở nói chuyện, tôi mới biết anh là ký giả Dzoãn Bình, người tôi đã đem lòng quý trọng một cách âm thầm từ khi tôi được đọc những phóng sự chiến trường của anh, tại thư viện của Bộ Thông Tin ở đường Phan Đình Phùng. Gặp được anh trong tù, tôi mừng quá, nằm lắng nghe anh kể chuyện thâu đêm. Sáng ra, anh bảo tôi đưa cho anh cây viết và mảnh giấy, rồi anh viết nguệch ngoạc mấy câu thơ, đến nay tôi vẫn còn nhớ:

Gặp nhau mái tóc còn xanh,
Mà nụ cười cằn cỗi
Đường đời sao sớm mỏi
Chuyện mình vừa nói đã thương nhau.
Phải chăng mưa gió giãi dầu
Thời gian sẽ thấy lại màu áo xưa?

Trong suốt thời gian tôi bị giam giữ trong trại tù cộng sản khoảng hơn một năm trời, anh Dzoãn Bình quả thực là bóng mát, là nguồn nước giếng khơi, cho cuộc đời của tôi. Anh dậy dỗ tôi rất nhiều điều. Kiến thức của anh uyên bác, hiểu biết của anh về xã hội Miền Nam gần như vô tận, nên chỉ gần gũi anh một thời gian không đầy một năm, tôi đã được anh kể cho nghe không biết bao nhiêu chuyện về giới nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ Miền Nam. Từ những nhà văn, nhà báo lão thành được anh kính trọng đến những câu chuyện tưởng như huyền thoại về cuộc đời nghiện ngập và cái thú "yên sĩ phi lý thuần" của anh. Anh rất kính trọng văn tài và tư cách của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn. Anh cũng tỏ ra có biệt nhãn khi nhắc đến dòng họ Nguyễn Ngọc là ông Nguyễn Ngọc Trác, Nguyễn Ngọc Linh, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Ngọc Phách. Sau này, trôi nổi sang Úc, được gặp gỡ một số nhà văn, nhà báo lão thành của Miền Nam, các vị kể cho tôi nghe, thời kỳ làm ký giả cho Việt Tấn Xã, anh Dzoãn Bình viết bài đụng chạm đến một vài nhân vật có lai lịch lớn, nhưng đã được ông Nguyễn Ngọc Linh, giám đốc Việt Tấn Xã, tận tình bênh vực và giúp đỡ, nên anh đã ấp ủ mãi mãi ân tình đó.
Một người bình thường khi bị cộng sản bắt đi tù cải tạo đã khốn khổ vô cùng. Nhưng anh Dzoãn Bình khi vô tù cải tạo còn khốn khổ hơn nhiều, vì anh nghiện thuốc phiện, hay nói theo ngôn ngữ của anh là "hít tô phe". Cũng vì nghiện, nên một ngày nọ, anh đem đổi gói thuốc lào để lấy mấy hạt mã tiền khô, đem về nghiền ra rồi pha nước uống. Tôi không biết uống hạt mã tiền vô trong người thế nào, nhưng những người tù cải tạo ở trại Kàtum mỗi khi về quân lao Gò Vấp, người nào cũng có một túi vải nho nhỏ, trong có vài hạt mã tiền. Tù nhân vẫn đồn đại là dùng hạt mã tiền có thể cường dương bổ thận, trị phong thấp, nhức mỏi, tê bại. Tôi không biết chuyện này thực hư thế nào, nhưng đã có lần nếm thử một tí thì thấy đắng vô cùng. Tối hôm đó, anh Dzoãn Bình uống hạt mã tiền vô được khoảng nửa tiếng, thì cả người anh co giật thật khủng khiếp. Cả mấy người chúng tôi xúm vô giữ anh mà giữ không nổi. Kinh hoảng quá, chúng tôi phải đập cửa sắt phòng giam rầm rầm, rồi la hét ầm ĩ, quản giáo mới chịu mở cửa để cho anh ra ngoài cấp cứu. May mắn, lần đó anh thoát nạn.
Vì quen biết Dzoãn Phượng từ hồi trước 1975, nên anh Dzoãn Bình rất tin tưởng và thương yêu tôi. Vì tin tưởng tôi nên anh đã bàn với tôi cách vượt ngục với sự trợ giúp của Dzoãn Phượng. Thời đó, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn phải ra khu gia cư, ngay phía bên ngoài quân lao Gò Vấp để lao động. Công việc thì không nhiều, không nặng nhọc, nhưng tuần nào cũng có toán phải ra ngoài đó lao động, dọn dẹp nhà cửa, làm đường xá.... Mỗi lần như vậy, tù cải tạo chúng tôi thường tìm cách cho tiền tụi vệ binh, quản giáo để chúng mật báo cho thân nhân của mình ở quan vùng đến thăm viếng. Người nào có thân nhân đến thăm, sẽ được quản giáo vệ binh cho vô một căn phòng bỏ hoang hàn huyên tâm sự, rồi nấu nướng đồ ăn thức uống chia sẻ cho nhau. Vệ binh quản giáo cũng rất bằng lòng với lối thăm viếng bí mật kiểu này, vì chúng vừa được ăn uống phủ phê, lại vừa có tiền, có thuốc lá, thuốc lào đút túi, và anh em tù cải tạo cũng vui vẻ vì được người thân của bạn tù, mỗi khi viếng thăm, đều có món "bồi dưỡng" cho tù không món này thì cũng món khác.
Thường mỗi lần thân nhân viếng thăm bí mật như vậy kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, kể từ lúc nghỉ trưa ăn "cơm". Thân nhân đến cứ lặng lẽ đi vô nhà bỏ hoang, xếp đặt các thứ cần nấu nướng rồi lặng lẽ làm các món ăn. Những thứ nào cho bạn tù thưởng thức được xếp riêng một bên, chờ tù nhân vô mang đi phân phát. Thứ nào cho quản giáo, vệ binh thì cũng để riêng. Những món này thường phải nhỏ bé, kín đáo và giá trị cụ thể hơn. Thường, vệ binh quản giáo chỉ nhận tiền mặt, bột ngọt, hoặc thuốc lá. Đến giờ nghỉ trưa ăn "cơm", người tù nào có thân nhân đến thăm sẽ lặng lẽ và thản nhiên đi vô trong nhà hoang, xum họp một, hai tiếng, hoặc có khi cả buổi chiều với gia đình. Tất cả đều đâu vào đấy, tuần tự như tiến, ai cũng có phần mà mọi chuyện trôi chảy, không ai làm phiền đến ai.
Trong thời gian tôi và anh Dzoãn Bình ra ngoài làm việc, Dzoãn Phượng cũng đã đến viếng thăm bí mật như vậy nhiều lần. Có lần Dzoãn Phượng đi một mình, có lần đi với bạn. Vì những cuộc thăm viếng như vậy diễn ra thường xuyên, hầu như ngày nào chúng tôi ra ngoài lao động cũng có vài người tù cải tạo có người thân thăm viếng, và xưa nay chưa bao giờ xảy ra chuyện gì đáng tiếc, nên quản giáo vệ binh canh gác rất lơ là. Thậm chí có nhiều lần, nấu nướng đồ ăn thức uống, thiếu món này món nọ, người thân lại phóng xe Honda ra ngoài chợ Gò Vấp mua thêm đồ về nâu là chuyện vẫn xảy ra. Vì vậy, tôi và anh Dzoãn Bình bàn tính chuyện vượt ngục bằng chính chiếc xe Honda Dzoãn Phượng mang vô.
Trong khu gia cư của quân lao Gò Vấp lúc đó cũng có nhiều gia đình sống tạm bợ, nên chuyện người và xe cộ ra vô là điều bình thường. Tôi tính với anh Dzoãn Bình, để Dzoãn Phượng đi xe Honda vô thăm, nấu nướng đồ ăn thật nhanh chóng, rồi Dzoãn Phượng lẻn ra ngoài. Sau đó, đến giờ nghỉ, anh Dzoãn Bình sẽ bước vô, lấy quà trao cho vệ binh, quản giáo. Còn tôi cũng tìm cách lẻn vô lấy đồ ăn trao cho bạn tù, rồi tôi và anh Dzoãn Bình chờ đợi thời cơ thuận tiện, lấy xe Honda của Dzoãn Phượng phóng ra khỏi quân lao. Từ khi nổ máy xe cho đến khi vọt ra khỏi quân lao Gò Vấp chỉ mất không đầy 5 phút đồng hồ. Quản giáo, vệ binh có phát hiện ra cuộc vượt ngục, sớm nhất cũng phải mất một giờ đồng hồ sau, khi ca lao động buổi chiều bắt đầu. Tôi nói sớm nhất là vì thông thường, những người tù có thân nhân thăm nuôi kiểu đó, nếu quản giáo, vệ binh được "đấm mõm" ngon lành, chúng sẽ chấp nhận để cho người tù đó được miễn lao động ca chiều. Điều tôi lo ngại là chỉ có anh Dzoãn Bình được vô gặp Dzoãn Phượng, còn tôi chỉ có thể vô lén, và nếu tôi vô lén chót lọt, cuộc vượt ngục của tôi và anh Dzoãn Bình mới thực sự tiến hành.
Theo sự bàn bạc của chúng tôi, Dzoãn Phượng sau khi lẻn ra bên ngoài, sẽ chờ ở một chỗ nào đó kín đáo gần đó, để có thể quan sát cổng ra vô quân lao Gò Vấp. Trong khoảng nửa tiếng đến một tiếng sau, nếu thấy chúng tôi đi xe Honda trốn ra được, Dzoãn Phượng sẽ không về nhà, mà nhanh chóng gọi xe ôm đến ẩn náu tạm ở nhà bà con, nơi đã có hai em gái là Dzoãn Hoàng và Dzoãn Điệp chờ sẵn. Nếu trong thời gian một tiếng đồng hồ sau, không thấy chúng tôi đi xe Honda trốn ra, Dzoãn Phượng sẽ thản nhiên trở lại quân lao Gò Vấp với gói đồ ăn mua sẵn, nói là ông Dzoãn Bình bảo ra ngoài mua thêm...
Chuẩn bị đầy đủ và kỹ càng như vậy, chúng tôi tin là nếu có được 5 phút thực sự an toàn, chúng tôi se sẵn sàng chấp nhận phiêu lưu vượt ngục. Bằng không, chúng tôi sẽ bình tĩnh mai phục, chờ đợi thời cơ thuận lợi vào dịp khác. Như vậy, sẽ không có một sự thiệt hại nào về vật chất cũng như tính mạng cho chúng tôi. Hoàn cảnh của anh Dzoãn Bình lúc đó rất bi đát. Nếu không vượt ngục, anh sẽ không có thuốc men điều trị và sẽ chết trong ngục. Qua kinh nghiệm về cộng sản, anh biết, anh sẽ không bao giờ được cộng sản trả tự do. Riêng bản thân tôi, khi tới quân lao Gò Vấp, tôi mới biết, cộng sản đã biết quá rõ về tôi. Với "tội" hồi chánh, "tội" lên đài phát thanh VOA tuyên truyền chống cộng sản, và "tội" làm cho Bộ Dân Vận Chiêu Hồi, chắc chắn tôi sẽ bị cộng sản tử hình, hoặc ít nhất cũng sẽ bị cộng sản cầm tù chung thân. Vì cả anh Dzoãn Bình lẫn tôi đều hiểu được số phận tận cùng bi đát đang chờ đợi mình ở cuối đường hầm, nên hai anh em chúng tôi đã quyết tâm vượt ngục bằng mọi giá. Vấn đề bây giờ chỉ còn là thời gian, khi nào chúng tôi sẽ có được cơ hội ra ngoài lao động ở khu gia cư quân lao Gò Vấp?... (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 4/05/2007 11:12:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Liên Kết

BLOGGER

Bạn là người thứ  

Ghé Thăm LMVS