Liên Mạng Việt San

[ Trang SaiGon Times]

[ Trang Liên Mạng]

[ Thời Sự VN ]

[ Bình Luận ]

[ Văn Học và Lịch Sử­]

[ Vườn Thơ ]

[ Radio/TV Online ]

Bài Đã Đăng

Trang Bài Cũ

Mục Thư Cũ

Chinh t hức thành lập ngày28/12/2005 Copy Right by Nhất Thanh

Mọi bài vỡ xin đóng góp và gửi vể Liên Mạng Việt San lienmang_vietsan@yahoo.com 

 

Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 58)

Bài Viết Đăng Nhập vào: Thursday, June 14, 2007

<< Trở Lại Trang Đầu

Hữu Nguyên

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Sau khi thoát nạn tại trạm kiểm soát Bến Cát, xe chúng tôi chạy về đến Bình Dương không gặp trạm kiểm soát nào nữa. Đến bến xe Bình Dương, sau khi bịn rịn chia tay từng người, tôi được hai anh sinh viên cùng đi trên xe rủ vô quán uống nước. Cả hai đều trẻ măng, tuổi trên dưới 20, tự giới thiệu tên là Hải và Tuấn.
Vô quán, anh Hải và tôi ngồi xuống ghế, còn Tuấn vẫn đứng với chiếc ba lô nặng trĩu trên vai. Hải quay sang Tuấn thì thầm. Tuấn gật đầu chào tôi rồi đi ra. Quay sang tôi, Hải nói:
- Anh ngồi đây uống nước với tụi em. Chờ Tuấn mang gạo đi bán lấy chút tiền cho anh đi xe về Sàigòn.
Tôi cảm động không biết nói gì để bầy tỏ lòng biết ơn của mình. Hải nói tiếp:
- Tụi em là sinh viên sư phạm vừa tốt nghiệp, đang đi thực tập dậy học. Đi dậy thì "người ta" trả lương bằng gạo. Mỗi người mỗi tháng được 12 kí lô. Ngoài ra, họ không trả tiền bạc gì thêm. Gạo họ trả thì chẳng đủ ăn, còn đồ ăn thức uống thì mình phải "tự túc" bằng cách tự "cải thiện". Đời sống tụi em bây giờ thiến thốn cực khổ lắm anh ạ.
Nghe Hải nói, tôi thú thực:
- Hải khổ như vậy vẫn chưa khổ bằng người dân ở ngoài Miền Bắc đâu. Tôi từng sống ở Miền Bắc suốt 20 năm, tôi biết rõ lắm chế độ tem phiếu, tiêu chuẩn lương thực, ở Miền Bắc trước đây. Hải phải biết, ở ngoài Bắc, mỗi người, mỗi tháng chỉ được 10 kí lô lương thực, bao gồm cả ngô, khoai, bột mì. Tất cả những thứ này đều mất chất lượng. Sạn, cát, sỏi đều được họ cố ý cho trộn lẫn trong gạo để tăng kí. Còn ngô, khoai, bột mì, thì đều để lâu trong kho, nên mỗi khi nhúng vào nước, sâu mọt nổi lềnh bềnh. Thời đó ở ngoài Miền Bắc, nếu chúng tôi được ăn một bữa cơm không độn là cả một chuyện hi hữu, chỉ có vào dịp tết nhất, giỗ chạp...
Hải lắc đầu, tỏ vẻ không tin:
- Sống như vậy thì làm sao mà sống nổi?
Tôi cười cay đắng:
- Vậy mà vẫn sống nhăn à. Nói Hải đừng cười chứ, trước đây ở ngoài Miền Bắc, bánh bao làm bằng bột mì của Nga nhập cảng, không có bột nở, đem luộc trong nước sôi, vớt ra để nguội, bánh cứng như cục đá, ném chó cũng chết. Đã vậy, bột mì lại hôi khủng khiếp. Ăn riết, ngấy đến tận cổ. Trông thấy bánh bao là sợ, nghe đến ăn bánh bao là kinh. Đến khi vô Nam, nghe ai mời ăn bánh bao là tôi lắc đầu. Về sau có lần được ăn bánh bao bà cả Cần, tôi mới ngạc nhiên, không ngờ bột mì làm bánh bao lại có thể ngon lành đến như vậy.
Hải hỏi tôi về đời sống của thanh niên, sinh viên Miền Bắc. Tôi say sưa kể. Cuối cùng tôi nói:
- Với quá khứ khổ đau của người Miền Bắc như vậy, tôi nghĩ cuộc sống hiện tại đối với Hải đã là khổ, nhưng tương lai chắc chắn sẽ còn khổ hơn nhiều.
Hải nhìn quanh rồi thấp giọng hỏi tôi:
- Anh đã có kinh nghiệm về cộng sản như vậy thì anh khuyên tụi em phải làm gì?
- Tôi thấy cách tốt nhất là Hải cố gắng tìm đường trốn ra ngoại quốc. Chứ còn ở lại sống trong chế độ cộng sản thì tương lai sẽ mù mịt vô cùng.
Hải nhìn tôi tư lự:
- Vậy chắc anh cũng sẽ trốn ra ngoại quốc?
Tôi gật đầu:
- Bằng bất cứ giá nào, tôi cũng phải trốn. Nếu không, tôi trốn trại tù cải tạo làm gì. Trốn tù rồi, nếu không vượt biên ra ngoại quốc, để chúng bắt trở lại thì có phải thêm khốn khổ không.
Hải lại hỏi:
- Anh nghĩ tình thế này liệu có thay đổi gì không?
Tôi không hiểu:
- Hải muốn nói thay đổi gì?
- Thì em nghe có tin đồn phục quốc, rồi tin Mỹ sẽ trở lại... Vả lại, người Miền Nam không giống người Miền Bắc đâu anh ơi. Em tin là khi người dân Miền Nam hiểu rõ bộ mặt thật cộng sản là họ sẽ quật khởi đứng lên chống lại chúng, chứ họ chẳng chịu yên phận đâu.
- Tôi cũng hy vọng những lời Hải nói là sự thật, nhưng chuyện đó khó xảy ra lắm. Cộng sản nó đã chiếm được đâu rồi thì mình có muốn giành lại được cũng còn khuya. Vì vậy, vượt biên là thượng sách.
Chúng tôi nói chuyện được một lúc, thì Tuấn trở lại, đưa cho Hải một số tiền. Hải giữ lại một ít, còn đưa hết cho tôi, rồi nói:
- Chúng em chẳng có gì để giúp anh... Thôi anh cầm lấy chút tiền đi đường. Cầu mong anh gặp may mắn.
Tôi cảm động bắt tay Hải và Tuấn. Hải nói nhỏ: "Hy vọng, tương lai chúng em sẽ được gặp lại anh". Tôi xiết chặt bàn tay nhỏ bé nhưng chai sần của Hải và nói: "Chắc chắn chúng mình sẽ gặp lại". Sau đó, chúng tôi chia tay. Đi được một đoạn xa, ngoảnh đầu lại, tôi vẫn thấy Hải và Tuấn đứng đó nhìn theo. Chúng tôi vẫy tay chào nhau lần cuối...
Cho đến lúc ngồi trên chuyến xe về Bình Triệu, lòng tôi vẫn bâng khuâng nghĩ thật nhiều về Hải và Tuấn... Từ đó đến nay, đã 30 năm trôi qua, tôi không được gặp lại và cũng không biết Hải và Tuấn ở đâu. Nhưng tôi vẫn tin tưởng và cầu mong, hai anh đã đến được bến bờ của tự do ở một nơi nào đó...
Sau khi đến Bình Triệu, tôi đáp xe buýt về Sàigòn. Chen chúc trong chiếc xe buýt, tôi thấy thật yên tâm. Như vậy là chuyến vượt ngục của tôi từ đầu cho đến giờ đã gặp rất nhiều may mắn. Và may mắn càng nhiều, tôi càng phải cẩn thận, vì tôi biết, may mắn chẳng thể nào đến với mình mãi mãi. Điều tôi phải cân nhắc bây giờ là một khi về đến Sàigòn, tôi sẽ về nhà ai? Chắc chắn tôi không thể về gia đình anh chị của tôi, nơi tôi từng ở trước khi bị bắt. Đó là địa chỉ chính thức trong mọi giấy tờ tù tội của tôi. Cộng sản đã nắm giữ tất cả những giấy tờ đó, và một khi hay tin tôi trốn tù, lập tức, địa chỉ đầu tiên cộng sản điều tra và theo dõi, sẽ là gia đình anh chị của tôi. Từ khi tôi vượt ngục từ tối hôm trước cho đến hiện tại, chưa đầy 24 tiếng đồng hồ, có thể cộng sản chưa kịp báo cho tụi cộng sản ở phường khóm theo dõi gia đình anh chị của tôi. Nhưng tôi không thể nào phiêu lưu chấp nhận rủi ro "có thể". Hơn nữa, như tôi đã kể cùng quý độc giả, tầng dưới căn nhà của anh chị tôi lúc đó là một quán nhậu. Muốn vô nhà phải đi qua tầng dưới. Vì thế, nếu tôi bước vô, gặp tụi cộng sản, cán bộ phường khóm đang ăn nhậu, chúng sẽ nhận ra tôi. Như vậy sẽ rất nguy hiểm cho tôi và anh chị của tôi. Vậy tốt nhất, tôi phải tránh xa căn nhà này bằng mọi giá.
Tại Sàigòn, tôi có một người chị thứ hai ở cư xá Chu Mạnh Trinh. Vì nhiều lý do tế nhị trong gia đình cũng như vì sự an toàn của chị, khi tôi bị cộng sản bắt lại, tôi đã không hề khai tên tuổi, địa chỉ của chị. Tôi chắc chắn cộng sản không hề biết về chị và cũng không khi nào ngờ được, sau khi trốn trại tù, tôi lại về sống ở nhà của chị. Nhưng tôi không muốn về sống ở nhà chị ngay sau khi trốn tù. Tôi muốn để dành căn nhà của chị cho những lúc khốn cùng nhất, nguy hiểm nhất, khi tôi không còn chỗ nào tá túc, ẩn nấp.
Trong thời gian trước 1975, tôi có quen biết và giao thiệp rất thân tình với một số bạn bè ở rải rác vùng Sàigòn và Gia Định. Họ là những người hiểu rõ hoàn cảnh của tôi, và đã tận tình giúp đỡ tôi. Tất cả những người này đều sẵn sàng cưu mang tôi một khi tôi gặp hoạn nạn. Có điều tôi không biết, cùng với sự chiếm đóng của cộng sản, không biết những người bạn đó có còn ở nơi cũ, hay đã dọn đi chỗ khác, hay đã vượt biên ra ngoại quốc. Hơn nữa, trong hoàn cảnh của tôi lúc đó, giấy tờ không có, mạng lưới o ép khủng bố của cộng sản thì bao trùm khắp mọi nơi, nên tôi thực lòng không muốn gây liên luỵ cho họ.
Ngay khi còn ở trong trại tù cải tạo, tôi đã có quyết tâm, sau khi trốn thoát trại tù, bằng bất cứ giá nào, tôi cũng phải vượt biên. Sau thời gian lần khân, không chịu liều mạng vượt biên ngay, để rồi bị cộng sản bắt, phải trả giá gần một năm tù, đã cho tôi bài học, nếu tôi không quyết tâm, không chịu liều mạng tìm cái sống trong cái chết,... không sớm thì muộn tôi sẽ bị cộng sản bắt lại, và khi đó, tôi sẽ mãn kiếp sống trong tù ngục, hoặc sẽ bị cộng sản thủ tiêu. Tôi cũng biết rằng, một người sau thời gian bị tù đầy, khi được tự do, dù là tự do tạm, thường dễ say sưa tận hưởng mọi lạc thú, và thường lần lữa, không dám phiêu lưu đối đấu với những nguy hiểm để giành tự do. Tôi sẽ cố gắng để không bị sa lầy vào những lần lữa nguy hiểm, "chờ đến mai rồi tính", như vậy.
Khoảng 4 giờ chiều hôm đó, chiếc xe buýt chở tôi từ Hàng Sanh qua chợ Bà Chiểu rồi chaỵ dọc theo đường Chi Lăng, đã giúp tôi được nhìn thấy quang cảnh thân quen của ngày xưa. Đến ngã tư Phú Nhuận, tôi xuống xe, đi vào con hẻm nhỏ dẫn tới cư xá Chu Mạnh Trinh...
Tôi gõ cửa. Không có ai trả lời. Chờ một lúc, tôi gõ lần thứ hai, mạnh hơn. Trong lòng tôi lúc đó lo ngại, căn nhà đã đổi chủ. Chị tôi đã dọn đi nơi khác, hoặc đã vượt biên. Chị tôi là người phụ nữ rất tháo vát, giao thiệp rộng, quen biết nhiều, và đã nổi tiếng ngay từ thời trước năm 1954, khi chị còn ở Hải Phòng. Vì vậy, trong bối cảnh nhà nhà đều tìm đường vượt biên, tôi không nghĩ là chị còn ở lại.
Đang định gõ cửa lần nữa, thì tôi nghe thấy có tiếng chân người, rồi tiếng của chị tôi hỏi vọng ra:
- Ai vậy?
Tôi run run:
- Em, Chí đây chị!
Im lặng. Rồi tấm rèm ở cửa sổ lay động. Chị tôi nhìn ra, thấy tôi. Lập tức, cảnh cửa mở vội và mở hé, chị tôi vươn tay nắm lấy tay tôi kéo ngay vô bên trong nhà. Xong, chị tôi thò đầu ra ngoài, ngó trước ngó sau cẩn thận, rồi đóng cửa, cài then trên, then dưới, đóng chốt, khoá trong thật cẩn thận. Thấy thái độ cẩn thận của chị, tôi hiểu ngay, cuộc sống "cá chậu chim lồng" của chị, và hoàn cảnh nguy hiểm của tôi lúc đó.
Đóng cửa xong, chị tôi thì thầm hỏi:
- Cậu vô đây có gặp ai không?
Tôi lắc đầu:
- Em không gặp ai hết.
Chị hỏi tiếp:
- Mấy người hàng xóm có ai nhìn thấy cậu không?
- Em không thấy người nào cả.
- Cậu có thấy con mụ bán bún ốc ở đầu hẻm không?
Tôi ngạc nhiên:
- Em đi vô hẻm thấy có nhiều người bán hàng ở đầu hẻm, nhưng không biết ai là mụ bán bún ốc cả.
Chị tôi nói tiếp giọng gay cấn:
- Con mụ bán bún ốc là "cách mạng 30" đó, cậu ạ. Nó ngồi bán bún ốc là để theo dõi tất cả mọi người trong cái cư xá này. Ốc nó bán tanh tưởi, không để đâu cho hết, nên đâu có ai thèm ăn... Nó có ác cảm với chị ra mặt đó. Đáng lẽ chị cũng bị chúng đuổi khỏi cư xá này từ trước Tết lận. Nhưng vì chị cũng biết cách đấm mõm mấy thằng ở trên, nên đến giờ vẫn còn được ở đây... Mà ở thì cũng ở tạm thôi, chẳng biết phải dọn đi vùng kinh tế mới lúc nào.
Tôi băn khoăn hỏi:
- Chị bị chúng nó theo dõi dữ lắm sao?
Chị tôi lắc đầu:
- Thì ai bây giờ mà chẳng bị chúng nó theo dõi.
- Vậy sao em thấy chị có vẻ lo lắng, cẩn thận quá như vậy?
Chị tôi dí dí tay vào trán tôi:
- Tôi lo là lo cho cậu. Cậu trốn tù cải tạo về mà tôi không lo sao được.
Tôi ngạc nhiên:
- Ủa, sao em chưa nói mà chị đã biết em trốn tù?
Chị tôi cười, miệng liến thoắng:
- Cậu hồi chánh, phản bội "đảng bác", mà tụi nó bắt được, nó không giết, nó cũng phải giam cậu mệt nghỉ, đến tết công gô, hoạ may cậu mới được thả. Đằng này cậu mới bị bắt chưa đầy một năm, cậu đã về thì cậu không trốn tù, tôi cứ đi đầu xuống đất.
Tôi cười, khâm phục trí thông minh và sự phán đoán sáng suốt của chị. Sau đó, tôi kể lại đầu đuôi chuyến vượt ngục của tôi. Nghe chuyện tôi kể, chị cứ xuýt xoa nói tôi may mắn. Sau đó, chị hỏi:
- Bây giờ cậu định thế nào?
- Em định ở lại Sàigòn ít ngày, rồi kiếm đường vượt biên.
- Cậu vượt biên là rất phải. Chết thì chết, cậu cũng phải đi. Mà chị nghĩ, cậu được ơn trên phù hộ, gặp nhiều may mắn như vậy, chắc chắn cậu sẽ vượt biên thành công. Bây giờ, hoàn cảnh của cậu như vậy, thì chị cũng nói thật, cậu đừng có ngại ngần gì, về đây ở tạm với chị. Cậu cứ ở trên căn gác, đừng có ra ngoài. Cần gì nói với chị, chị bảo các cháu nó mua nó lo cho. Nếu dưới này có chuyện gì, chị và các cháu sẽ cầm chân tụi nó, để cậu trên đó, chui qua cửa sổ, ra ngoài, là tụi nó không tài nào khám phá ra được. Còn khi nào cậu vượt biên, cậu cho chị gửi con H. là đứa con gái lớn của chị với thằng bồ của nó. Nói thiệt với cậu, suốt thời gian qua, chị đã lo cho các cháu vượt biên mấy chuyến, mà chuyến nào cũng thất bại. Tiền mất, vàng mất, của cải có bao nhiêu đem ra lo chuyện tàu bè, mất đằng tàu bè, còn lại bao nhiêu, khi bị tụi nó bắt, nó tịch thu bằng hết. Ở nhà, chị lại phải lo vay giật bạn bè, cầm cố đủ thứ để lấy tiền thăm nuôi các cháu, rồi lo lắng cho các cháu không bị tù tội...
Nói đến đó, chị tôi khóc tấm tức:
- Bố các cháu thì bị chúng bắt đi tù cải tạo. Với chức vụ của anh chắc sẽ bị tù chẳng có ngày ra. Ở ngoài này chị thì chỉ có một thân một mình. Phải bươn bả đầu đường xó chợ, buôn bán đủ thứ ở chợ trời để lo cho các cháu, mà đến giờ này vẫn chưa lo được cho đứa nào, khiến chị đau lòng quá, tuyệt vọng quá. Đời chị thì thôi, coi như vất đi. Nhưng đời của các cháu, đâu có thể để tương lai của chúng nó bị vùi dập trong cái chế độ cộng sản chết tiệt này, phải không cậu?
Xúc động, không ngăn nổi những giọt lệ nóng hổi, tôi nói với chị:
- Cảm ơn chị đã lo cho em. Nhưng hôm nay, em chỉ ghé thăm chị một chút, rồi em phải đi. Tương lai, khi nào kẹt lắm, em sẽ ghé đây nhờ vả chị. Còn chuyện để cho cháu H. đi vượt biên với em, chị cho em suy nghĩ, vì đi với em thì vô cùng nguy hiểm...
Chị tôi khóc:
- Cậu hãy thương chị, vì chị mà cố gắng giúp cháu. Chị biết, bề trên đã phù hộ cho cậu tai qua nạn khỏi biết bao nhiêu lần, rồi hôm nay cậu vượt ngục thành công về đến đây, thì thế nào cậu vượt biên cũng thành công.... (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 6/14/2007 02:57:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 56)

<< Trở Lại Trang Đầu

Hữu Nguyên

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Vì không thông thuộc đường xá của thị trấn Dầu Tiếng, mà đường phố lúc đó còn rất vắng vẻ, chẳng có một ai để hỏi thăm, nên tôi cứ cắm cúi đi, miễn sao ra khỏi được thị trấn, rồi sẽ tìm đường đón xe về Bình Dương. (Đến đây tôi xin được đính chính, trong số báo trước, khi tường thuật lời dặn của cụ già trong nhà thờ Dầu Tiếng, cụ dặn tôi từ Dầu Tiếng đón xe về Bình Dương, rồi từ Bình Dương đón xe về Sàigòn. Nhưng vì đã ba chục năm trôi qua, không còn nhớ rõ lời của cụ, nên tôi đã tường thuật sai là đón xe về Tây Ninh). Đi được khoảng nửa tiếng, tôi thấy nhà cửa thưa thớt, ngay cạnh đường có một quán nhỏ, mái tranh, bốn phía trống trải, bàn ghế sơ sài. Tôi bước vô, tính uống ly cà phê, hút điếu thuốc, rồi lân la làm quen, hỏi thăm đường xá...
Trời lúc đó còn rất sớm, nên trong quán không có khách, chỉ có một bà lão, lưng còng, tóc bạc và một cô bé tuổi khoảng 16, 17, mà tôi đoán là hai bà cháu. Tôi cất tiếng chào bà cụ, nhưng bà cụ chỉ hấp háy mắt nhìn tôi, không nói, tay chân của cụ run lẩy bẩy. Có lẽ bà cụ quá già, nhưng vì cuộc sống vô cùng khó khăn, nên hai bà cháu phải dậy sớm, bán quán, đắp đỗi qua ngày. Dưới chế độ cộng sản, tôi đã thấy nhan nhản những hình ảnh khốn khổ như vậy, hoặc hơn thế, trải dài trên khắp mọi miền của quê hương Miền Bắc suốt mấy chục năm. Từ sau tháng 4, 1975, cùng với gót giầy xâm lăng chiếm đóng Miền Nam, người cộng sản tiếp tục gieo rắc tang thương trên khắp quê hương Miền Nam.
Tôi gọi một ly cà phê đen. Cô bé bưng ly cà phê đặt trên bàn, rồi hỏi tôi:
- Chú dùng chi nữa không?
- Cảm ơn cháu, chú uống ly cà phê là đủ rồi.
Cô bé có cặp mắt đen lay láy, thông minh, nhìn tôi có vẻ tò mò khiến tôi băn khoăn, không biết hỏi thăm cô bé về đường xá như thế nào. Vẫn biết, hầu hết người dân Miền Nam không ưa gì cộng sản. Nhất là sau tháng 4 năm 1975, người dân Miền Nam càng hiểu rõ bộ mặt thật của cộng sản, nên sẵn sàng giúp đỡ những người tù cải tạo trốn trại. Hiểu điều đó, nhưng tôi vẫn đắn đo, không biết mở đầu ra làm sao.
Trong lúc đang uống cà phê, tôi thấy cô bé vừa nhìn tôi vừa ghé tai bà thì thầm chuyện gì không rõ, chỉ thấy bà cụ đập nhẹ vào vai cô. Cô bé cười khúc khích, rồi bưng ra một đĩa xôi có trộn lẫn hai, ba miếng khoai mì, và nói:
- Chú ăn xôi đi...
- Cảm ơn cháu, chú vừa ăn sáng xong...
- Chú ăn đi, cháo bao mà. Cháu không lấy tiền chú đâu mà chú ngại.
Tôi ngạc nhiên, chưa kịp hỏi, cô bé lại tiếp:
- Có phải chú là tù mới trốn trại không?
Tôi giật mình, nhìn vội chung quanh. Cô bé cười:
- Chú đừng ngại, ở đây không có ai đâu...
Sau một thoáng ngần ngại, tôi gật đầu thú thật với cô bé:
- Chú mới trốn trại thật. Nhưng sau cháu biết hay vậy?
Cô bé lại cười, răng trắng đều như bắp:
- Nhìn quần áo chú mặc cháu đoán ra liền à. Rồi thấy bộ điệu lo lắng của chú, cháu đoán càng trúng... Với lại ở đây cháu thấy tù trốn trại hoài à, nên nhìn các chú trốn ra là cháu biết liền. Mà chú định về đâu, nói cháu cháu chỉ đường cho?
Tôi vừa lo lắng, vừa ngạc nhiên. Không hiểu sao, cô bé khi biết tôi là một tên tù vượt ngục, nhưng vẫn giữ được sự hồn nhiên, tươi cười như vậy. Tuy ngạc nhiên, nhưng tôi rất tin cậy ở cô bé. Tôi vội nói:
- Thú thực với cháu, chú định đón xe về Bình Dương.
Cô bé hóm hỉnh:
- Chú muốn đón xe về Bình Dương thì chú đừng có vô bến đón xe. Trong đó công an, bộ đội nhiều lắm. Vô đó là chú bị họ bắt liền đó.
- Như vậy thì chú phải đón xe ở đâu cho an toàn?
Cô bé giơ tay phải chỉ về phía con đường đất đỏ và nói:
- Chú cứ đi thẳng con đường này khoảng một cây số, đến ngã ba X (vì lâu ngày nên tôi không còn nhớ tên ngã ba này) có cây bằng lăng thật lớn, thì chú đứng đó chờ. Hễ thấy xe đò nào tới thì chú vẫy đón về Bình Dương....
Nghe cô bé nói, tôi mừng quá, nhưng vẫn hỏi thêm cho chắc ăn:
- Làm sao chú biết xe nào về Bình Dương?
- Chú đừng lo. Tất cả những xe từ Dầu Tiếng đi qua ngã ba X đều chạy về Bình Dương hết. Nhưng xe đò thì mỗi ngày chỉ có 3 chuyến. Chú đi nhanh đi, để đón kịp chuyến xe 8 giờ sáng...
Mừng quá, tôi vội đứng dậy, tính trả tiền ly cà phê, thì cô bé đã nhanh nhảu:
- Chú khỏi trả tiền đi. Chú tù mới trốn trại làm gì có tiền. Lấy tiền của chú kỳ quá hà...
Tôi còn đang bối rối và bâng khuâng, chưa kịp nói gì, cô bé đã lấy một gói thuốc lá, mấy chiếc kẹo mè trong tủ kính, gói vội trong túi nylon nhỏ rồi quýnh quáng dúi vào tay tôi:
- Chú cầm lấy gói thuốc hút cho ấm... Thôi chú đi lẹ lên cho kịp xe... Chúc chú may mắn!...
Cầm gói đồ của cô bé trao, tôi cảm động rưng rưng nước mắt. Bà cụ vẫn đứng đó, chân tay vẫn run lẩy bẩy, nhưng nhìn tôi mỉm cười, miệng móm mém, khiến tôi vừa xúc động vừa thương cảm. Thì ra cụ tuy già, nhưng nghe chuyện, cụ hiểu hết và nụ cười của cụ là cả một nhắn gửi, cầu chúc cho tôi tai qua nạn khỏi... Mắt tôi nhoà đi. Tôi lắp bắp chào bà cụ, chào cô bé, rồi như một cái máy, tôi bước ra khỏi quán. Vừa bước đi tôi vừa cố đè nén niềm cảm xúc đang dâng lên trong lòng. Bước đi được một đoạn, ngoảnh đầu lại, tôi thấy cô bé vẫn đứng đó, đưa tay vẫy vẫy...
Từ ngày đó cho đến bây giờ, đã 30 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh quán nước siêu vẹo bên con đường đất đỏ dẫn vô thị trấn Dầu Tiếng và cô bé có cặp mắt đen láy cùng tấm lòng đôn hậu, hồn nhiên đã giúp tôi trên con đường tôi đào tẩu... Bây giờ, khi viết những dòng chữ này, những hình ảnh đó vẫn hiện lên lung linh, sống động và tươi mát như chuyện mới xảy ra hôm qua, hôm kia...
Tôi đi được khoảng một cây số, quả nhiên thấy một ngã ba. Con đường tôi đang đi là đường đất đỏ, đụng phải con đường liên tỉnh lộ, trải đá răm. Cách ngã ba khoảng chục thước, có một cây bằng lăng thật lớn, ngay cạnh đường. Tôi yên tâm đứng cạnh gốc cây bằng lăng chờ đợi. Đường lúc đó rất vắng vẻ, nhưng để an toàn, tôi ngồi xuống, khuất phía đằng sau cây bằng lăng chời đợi...
Trong khi chờ đợi, điều tôi lo ngại nhất là một khi đón được xe, nếu chẳng may trên xe có bộ đội hay cán bộ cộng sản thì tôi không biết phải đối phó như thế nào. Tệ hại nhất, nếu những cán bộ, bộ đội đó lại là người ở trại tù, nơi tôi vừa trốn đi. Gặp trường hợp đó, chắc chắn chúng sẽ nhận ra tôi, và tôi sẽ vô phương tẩu thoát. Nhất là thời đó, hầu hết bộ đội, cán bộ cộng sản rời khỏi trại, đi bất cứ đâu, chúng đều mang theo vũ khí. Vì thế, việc tôi phải đối phó với chúng để tẩu thoát sẽ vô cùng khó khăn. Biết vậy, nhưng tôi không còn sự lựa chọn nào khác, tôi phải đón xe về Bình Dương, không chiếc xe này thì phải đón xe khác. Và làm sao tôi có thể biết được, trên chuyến xe đò từ Dầu Tiếng chạy tới, chiếc nào có bộ đội cán bộ cộng sản, chiếc nào không? Thôi thì chỉ biết liều, rồi đến đâu hay đến đó.
Tôi chờ khoảng hai mươi phút, thì nghe thấy có tiếng xe hơi từ phía Dầu Tiếng vọng tới. Bước ra khỏi bóng cây bằng lăng, nhìn về phía Dầu Tiếng, tôi thấy một chiếc xe đò đang ì ạch chạy tới. Đó là chiếc xe đò loại vừa, chở khoảng ba chục đến bốn chục người. Trên nóc xe chất đầy quang gánh, thúng mủng, ngay phía bên trái của tài xế có một chiếc ống khói phun ra từng lớp khói đen đặc lên trời.
Khi xe chạy tới gần, tôi dơ tay vẫy. Xe chạy chậm dần rồi dừng lại ngay cạnh chỗ tôi đứng. Anh lơ xe đứng ở phía sau vẫy vẫy tay ra hiệu cho tôi lên xe, mà không hề hỏi han gì. Mừng quá, tôi quýnh quáng chạy về phía sau xe. Anh lơ nhảy xuống mở tung cửa, dục tôi lên lẹ lẹ. Tôi vội vàng leo lên, chưa kịp đứng vững thì chiếc cửa xe đã đóng lại, ép chặt phía sau lưng, rồi chiếc xe giật mạnh, kêu lên khục khục mấy tiếng, và lăn bánh... Tôi loạng choạng, phải nắm vội lấy sợi giây lủng lẳng từ trần xe, cho khỏi té.
Anh lơ xe vừa đập tay vào trần xe vừa hét:
- Các ông các bà ngồi dịch vô, ngồi dịch vô cho chú này chú ngồi...
Mấy người khách ngồi hàng ghế giữa vội dồn vô, để trống một chỗ ngay phía sau cùng. Tôi vội ngồi xuống, thở phào, trút hết mọi sự mệt nhọc rồi kín đáo quan sát. Trong xe có ba hàng ghế, hai hàng hai bên, và một hàng ghế giữa. Những người ngồi ở hàng ghế giữa đều quay lưng vào nhau và quay mặt ra hai phía. Vậy là ba hàng ghế, nhưng có bốn hàng người ngồi. Đa số hành khách trong xe là phụ nữ, chỉ có hai, ba người đàn ông lớn tuổi, vài anh thanh niên và năm, sáu trẻ em, trong đó có cả hai, ba em bé được cha mẹ bồng trên tay. Nhìn thoáng qua khoảng 40 hành khách trên xe, tôi mừng quá, vì không thấy bóng dáng một người bộ đội, hay cán bộ cộng sản nào. Hầu hết hành khách đều là người Miền Nam, nét mặt lam lũ, vất vả, chất phác và chân thật. Chỉ có bốn, năm cô ngồi ở hàng ghế bên phải, phía trong cùng là mặc áo dài trắng. Ngay cạnh mấy cô có hai anh thanh niên trẻ, tuổi mới ngoài hai mươi. Nhìn qua, tôi đoán họ là sinh viên hay thầy cô giáo của một trường học nào đó.
Ngay khi bước lên xe, tôi linh cảm có cái gì bất bình thường. Có lẽ sự bất bình thường đó là do sự xuất hiện của tôi. Trong một thoáng rất nhanh, tôi thấy vài ánh mắt tò mò nhìn tôi. Nhớ đến cô bé trong quán nước bên đường, tôi nghĩ ngay, nếu một cô bé bình thường có thể nhanh chóng nhận ra tôi là một người tù trốn trại, thì làm sao tôi có thể qua mắt được cả 40 người ngồi trong xe? Không hiểu sao, lúc đó mọi người đều im lặng. Đây là chuyện lạ, vì thông thường, các ông các bà ngồi chật trội trong một chiếc xe đò như thế này, bao giờ cũng trò chuyện rôm rả đủ thứ trên đời... Người tôi như nổi gai và tôi thấy thật lúng túng, không biết mình nên phản ứng như thế nào. Chỉ cầu mong làm sao, trong 40 hành khách trên xe, không có cán bộ phường khóm, hay tên "cách mạng 30" nào.
Người lơ xe đập tay vào vai tôi rồi hỏi:
- Chú về đâu?
Tội giật mình, vội trả lời, không kịp suy nghĩ:
- Về Bình Dương.
Người lơ xe nói số tiền, lâu ngày tôi không nhớ là bao nhiêu. Tôi vội lấy tiền trao cho anh lơ xe. Ngay lúc đó, một chị tuổi khoảng bốn mươi, ngồi ngay đối diện tôi, nói trổng:
- Từ đây về Bình Dương tui sợ nhất Bến Cát. Mấy thằng bộ đội ở đó chúng kiểm soát không sót thứ gì.
Tôi nhìn chị. Chị nói trổng, nhưng chị nhìn thẳng tôi, ánh mắt của chị như gói ghém, gửi gắm điều gì đó, khiến tôi có cảm giác như câu nói của chị dành riêng cho tôi. Chị nói tiếp, lần này rõ ràng hơn:
- Đến đó là tụi nó hỏi giấy tờ từng người một. Mấy chú tù cải tạo trốn trại mà đi qua đó là bị chúng bắt lại nhiều lắm đó.
Một ông trong xe cũng cất tiếng phụ hoạ:
- Qua đó, có giấy tờ đầy đủ cũng còn lôi thôi, chớ đừng nói không có giấy tờ... Ai mà không có giấy tờ là cầm chắc bị chúng bắt.
Nghe đến đó, tôi ù tai, kinh hoàng, không biết làm thế nào. Lúc ấy, trong xe ồn ào, mọi người thi nhau kể đủ thứ chuyện xấu xa, ngu ngốc của bộ đội. Tất cả đều kể lể và cười bò ra một cách thoải mái. Ngay cả anh tài xế và anh lơ xe cũng góp chuyện. Trong khoảnh khắc không đầy 10 phút đồng hồ, tôi có cảm giác, tất cả hành khách trong chiếc xe đều là những người cùng chung một chiến tuyến, coi cộng sản là những kẻ côn đồ, ác quỷ, thủ phạm của mọi tội ác. Và tôi có cảm giấc, tất cả mọi người trong xe đều cố ý làm như vậy, để cho tôi hiểu và tin tưởng họ là những người không ưa gì cộng sản.
Ngồi cạnh người đàn bà bốn mươi tuổi, có một bà cụ, tóc bạc như cước, nhưng vóc dáng vẫn khoẻ mạnh, ánh mắt tinh anh. Mọi người cười đùa, trò chuyện ầm ĩ, nhưng cụ không nói, không cười, cụ chỉ nhìn tôi, khiến tôi rất lúng túng. Được một lúc, cụ nhoài người sang phía bên tôi, ghé sát mặt tôi thì thầm hỏi:
- Cậu tù cải tạo phải không?
Tôi giật mình. Nhưng nhìn nét mặt phúc hậu và ánh mắt tinh anh của cụ, tôi biết, tôi không thể nói dối được. Tôi chỉ biết "Dạ" một tiếng, rồi im lặng.
Cụ hỏi tiếp:
- Cậu được tụi nó thả phải không?
- Dạ...
- Thế đồ đoàn của cậu đâu?
Tôi giật mình lúng túng không biết nói làm sao. Một người tù được ra trại mà lại không có đồ đoàn, chỉ đi tay không, thì quả là điều vô lý. Chưa biết trả lời thế nào, cụ già lại thì thầm:
- Cậu là tù trốn trại phải không?
Tôi ngần ngừ. Cụ lại nói tiếp, giọng ân cần:
- Cậu cứ nói thiệt đi, già bảo tụi nó giúp. Trong xe này, tụi nó đều là con cháu của già. Cậu yên tâm đi, chẳng có đứa nào nó ưa tụi cộng sản cả... (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 6/14/2007 02:47:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 55)

<< Trở Lại Trang Đầu

- Hữu Nguyên -

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Nghe tiếng súng, tiếng kẻng, tôi thấy vừa kinh hãi lại vừa mừng. Kinh hãi vì thấy mình vẫn còn bị bóng ma của trại tù bao trùm trong tâm trí. Mừng vì thấy lần đầu tiên nghe tiếng kẻng của trại tù mà mình không phải nằm trong hàng rào kẽm gai. Tôi biết, từ lúc trốn trại đến giờ, tất cả mọi chuyện đều diễn ra thật may mắn. Tôi đã trải qua những nỗi hiểm nguy nhất và đã có được tự do, dù chỉ là tự do tạm thời. Từ giờ phút này trở đi, tôi chỉ cần thật cẩn thận và khéo léo để cố gắng về được Sàigòn. Một khi về đến Sàigòn, tôi sẽ tìm mọi cách để vượt biên. Tôi biết, ban chỉ huy trại tù bây giờ đang mở cuộc truy lùng về hướng thị xã Tây Ninh vì qua chuyện của những người tù, tôi biết, từ xưa đến nay, những cuộc truy lùng tù trốn trại đều theo hai ngả, một về phía thị xã Tây Ninh và một về phía biên giới Miên Việt. Cả hai ngả này đều thuận tiện đường xá, nhưng tù trốn trại thường bị bắt lại tại bến xe Tây Ninh hay các chốt vùng biên giới. Riêng ngả tôi chọn phải đi qua rừng rậm, nên xưa nay chưa có tù trốn trại nào chọn, nên tôi đoán ban chỉ huy trại sẽ không cho người truy lùng tôi theo hướng này. Hơn nữa, việc truy lùng tù trốn trại theo hai ngả kia bao giờ cũng dễ dàng hơn việc truy lùng trong rừng rậm. Tôi cũng biết, bên cạnh việc cho vệ binh truy lùng, ban chỉ huy trại tù cũng sẽ liên lạc với các bến xe trong vùng, đặc biệt là hai bến xe ở thị xã Tây Ninh và thị trấn Dầu Tiếng, là hai nơi cách trại tù không bao xa. Vì vậy, tôi phải tránh xa hai bến xe này.
Sau khi thở dốc một hồi cho đỡ mệt, tôi lại cắm đầu chạy về phía trước. Chạy được khoảng nửa tiếng, tôi đến bìa rừng. Từ bìa rừng, tôi nhìn thấy cả một vùng ánh sáng, cách khoảng 10 cây số nằm về phía tay phải. Phía tay trái là cả một vùng nước mênh mông, tôi không biết đó là sông hay hồ nước. Sau mấy tiếng đồng hồ chạy trong rừng rậm, nay nhìn thấy vùng ánh sáng, lòng tôi mừng vô hạn, vì đó là dấu hiệu của văn minh, của tình người. Đi khoảng chừng nửa tiếng, tôi thấy có con đường mòn ngoằn ngoèo chạy giữa rừng cao su. Tôi không biết con đường chạy từ đâu đến đâu. Suy nghĩ một chút, tôi quyết định đi về phía tay phải, vì tôi tin đó là hướng đi tới thị trấn Dầu Tiếng. Trong tù, suốt nhiều tháng trời, tôi đã âm thầm tìm hiểu, hỏi dò đường xá, nên tôi biết, từ Dầu Tiếng, tôi sẽ kiếm cách đi về Tây Ninh, rồi từ Tây Ninh tôi sẽ về Sàigòn.
Đi theo con đường mòn khoảng một tiếng đồng hồ, tôi đến một ngã ba. Vì trong rừng cao su rộng bạt ngàn, nên tôi không còn nhìn thấy vùng ánh sáng của thị trấn Dầu Tiếng. Hơn nữa, vì đi theo đường mòn quanh co, nên tôi cũng mất luôn cả phương hướng. Đang băn khoăn không biết đi về hướng nào thì tôi bỗng nghe thấy có tiếng chân người từ phía sau. Giật mình ngoảnh lại, tôi thấy có một bóng người đang gồng gánh gì đó, đi tới. Tôi định tạt vào rừng lẩn tránh, nhưng không kịp, vì người đó đã bước tới, đi nhanh như chạy. Vì đường mòn nhỏ hẹp, hai bên là rừng, nên tôi phải né sang bên cho người đó đi qua. Tuy đêm tối, nhưng nhờ có ánh sao nên tôi vẫn nhìn ra đó là một người đàn ông cao to, lực lưỡng, đầu quấn chiếc khăn rằm, áo không cài cúc. Khi đi ngang qua chỗ tôi đứng, ông chỉ hơi quay đầu nhìn tôi một thoáng, rồi đi luôn. Trong một thoáng ngần ngại, cuối cùng tôi đánh liều:
- Thưa bác, cho cháu hỏi...
Ông dừng bước, quay nửa người lại nhìn tôi, chờ đợi. Tôi hỏi tiếp:
- Thưa bác, cháu muốn về Dầu Tiếng mà không biết rẽ lối nào?
Ông quay lại bước đi, miệng nói hai tiếng gọn lỏn:
- Theo tôi.
Mừng quá, tôi vội vàng đi theo ông, hay nói đúng hơn, tôi phải chạy theo ông. Tôi không biết ông gánh vật gì, vì cả hai vật ở hai đầu của đòn gánh đều được bọc trong một lớp vải bố dầy. Chỉ biết chúng rất nặng, vì tôi thấy chiếc đòn gánh trên vai của ông bị quằn trĩu xuống. Vậy mà ông đi rất nhanh, bước chân rất dài. Tôi không hề mang vác vật gì trên người, nhưng phải chạy gằn mới kịp theo ông. Trên đường đi, mấy lần tôi định bắt chuyện, nhưng lại ngần ngại...
Khoảng nửa tiếng sau, đi hết rừng cao su, chúng tôi ra đến đường lộ. Người đàn ông dừng lại, đặt gánh đồ xuống đất, lấy vạt áo quệt mồ hôi trán, rồi không thèm nhìn tôi, hỏi trổng:
- Trốn trại, phải không?
Tôi giật mình, tê điếng cả người. Chẳng hiểu sao lúc đó, trong khi bối rối, chưa kịp nghĩ ngợi, tôi đã vuột miệng trả lời
- Dạ... phải...
Người đàn ông không nói gì thêm, cúi xuống một đầu gánh, hí húi lấy ra chiếc bi đông nước, trao cho tôi:
- Uống đi.
Tôi sung sướng vì đang khát khô cả cổ. Cầm chiếc bi đông, tôi ngửa cổ uống một hơi. Nước mát lạnh, trôi đến đâu biết đến đó. Đậy nắp chiếc bi đông nước, tôi trao lại cho người đàn ông, và cảm động nói:
- Cảm ơn bác.
Người đàn ông trao cho tôi một bọc lá chuối. Tôi mở ra thấy có hai miếng khoai mì. Chưa kịp cảm ơn, thì người đàn ông đã giơ tay chỉ về phía bên phải, nói tiếp:
- Chú mày đi theo hướng này sẽ đến nhà thờ... Ở đó sẽ có người giúp.
Nói xong, người đàn ông xốc gánh lên vai, rảo bước đi thẳng. Tôi nhìn theo người đàn ông, trong lòng vô cùng xúc động và biết ơn. Tôi không biết ông tên gì, ở đâu, nhưng hình ảnh ông chập choạng trong đêm tối, cùng ngụm nước, khúc khoai mì ông cho tôi hôm đó, và đoạn đường tôi chạy theo ông gần nửa tiếng đồng hồ... tất cả vẫn sống trong lòng tôi cho đến hôm nay và mãi mãi về sau...
Theo hướng của người đàn ông chỉ, tôi đi vào thị trấn Dầu Tiếng. Không lâu sau, tôi thấy lòng mình ấm lại khi trông thấy tháp chuông nhà thờ hiện ra xa xa.
Xuất thân trong một gia đình đạo gốc, ở vùng Công giáo toàn tòng, và sống giữa xã hội cộng sản Miền Bắc suốt mấy chục năm, tôi hiểu rất rõ thái độ và sức mạnh chống cộng của giáo hội Công giáo. Đó là sức mạnh của đức tin được bền bỉ tích tụ dưới mỗi mái nhà thờ, được nuôi sống một cách âm ỉ trong lòng của mỗi giáo dân. Vì vậy, những ai trên đường trốn chạy cộng sản, họ luôn luôn tìm đến nhà thờ để tìm nơi nương tựa, gửi gắm đức tin hay tìm kiếm sự giúp đỡ.
Lúc đó trời đã khuya, tôi phỏng đoán, phải một, hai giờ sáng. Nhưng không hiểu sao, cả hai cánh cửa nhà thờ đều mở rộng. Tôi kính cẩn làm dấu, rồi rón rén bước vô, vừa đi vừa nghe ngóng động tĩnh. Bước qua hai cánh cửa nhà thờ, tôi giật mình thấy người nằm ngổn ngang khắp mọi chỗ. Cả một nhà thờ rộng mênh mông, nhưng toàn người là người, gồm đủ cả già, trẻ, lớn, bé, đàn ông, đàn bà. Đèn trong nhà thờ đủ sáng để tôi thấy, tất cả mọi người đều ngủ thành từng cụm, giống như mỗi gia đình ngủ một chỗ. Bên cạnh họ là đủ thứ quang gánh, nồi niêu xoong chảo, túi bị ngổn ngang. Tôi rất ngạc nhiên, không hiểu sao trong nhà thờ lại chứa đủ hạng người nằm ngủ ngổn ngang như vậy. Tôi đang băn khoăn, không biết cách nào có thể gặp vị linh mục để nhờ vả thì bỗng thấy ở phía đầu nhà thờ, có người vẫy vẫy tay. Tôi đi tới thì thấy đó là một vị linh mục, nét mặt khả kính, phúc hậu, mới thoáng nhìn đã thấy trong lòng mình tràn ngập niềm kính ngưỡng, tin yêu. Tôi vừa kính cẩn nói được mấy tiếng, "Con chào Cha", thì vị linh mục đã đưa ngón tay trỏ lên miệng ra dấu cho tôi im lặng. Lúc đó, tôi cứ ngỡ là Cha không muốn tôi to tiếng để giữ im lặng cho mọi người ngủ. Nhưng sau này, tôi mới biết ý tứ thâm sâu của Cha...
Cha ra dấu cho tôi đi theo rồi ngài quay lưng bước đi. Tôi im lặng đi theo. Dọc theo hành lang, tôi thấy vẫn có nhiều người nằm ngổn ngang, nhưng thưa hơn bên ngoài. Qua hai căn phòng nhỏ, đến căn phòng thứ ba, Cha đẩy cửa bước vô. Tôi lặng lẽ bước vô theo Cha. Trong phòng cũng có khoảng chục người nằm ngay trên sàn. Chỉ tay vào một góc phòng còn trống, ở đó có sẵn một tấm mền và chiếc gối, Cha nói nhỏ với tôi: "Chúc con ngủ ngon!" Tôi chưa kịp nói gì, Cha đã lặng lẽ bước ra ngoài, khép cánh cửa lại.
Nhìn chung quanh, tôi thấy tất cả mọi người vẫn say ngủ. Yên tâm, tôi bước vào góc phòng, nằm xuống, và chìm ngay vào giấc ngủ.
Đang ngủ say, bỗng nhiên tôi giật mình vì có người lay vai tôi rất mạnh. Tội giật mình, vội mở mắt, thì thấy có một cụ già, khoảng sáu, bảy chục tuổi đang ngồi ngay cạnh. Phải mất mấy giây sau, tôi mới bàng hoàng nhớ lại mọi chuyện và nhận ra mình đang ở đâu. Cụ già cũng ra dấu cho tôi im lặng, đi theo cụ. Tôi lồm cồm đứng dậy, đi theo, không nói một lời. Qua hai khúc quẹo, tôi bước vào một căn phòng nhỏ, có lẽ là phòng ăn. Trên bàn, có sẵn chén, đũa và một tô mì gói đã đổ nước sôi, được đậy kín bằng một chiếc đĩa sứ. Ở chiếc ghế bên cạnh có một bộ quần áo, một đôi giầy thể thao đã cũ. Cụ già nói với tôi, giọng ân cần:
- Cậu đi thay bộ đồ này ngay, cho khỏi lộ. Rồi ra đây ăn tô mì lót dạ.
Nghe cụ nói hai chữ "khỏi lộ", tôi giật mình nhìn cụ, nhưng thấy cụ rất thản nhiên, nên tôi không dám hỏi han gì. Thì ra, ngay khi tôi bước vô nhà thờ, nhìn bộ dạng và quần áo tôi rách tươm, lấm bê bết đất cát, Cha đã biết rõ tôi là tù trốn trại, nhưng vì tai mắt của tụi cộng sản ở khắp nơi, nên Cha không muốn tôi dài dòng kể lể, nguy hiểm...
Ngồi xuống bàn, vừa ăn mì, tôi vừa trò chuyện với cụ và được cụ cho biết, tất cả những người nằm ngủ trong nhà thờ đều là dân ở Sàigòn và các tỉnh bị cộng sản lùa đi vùng kinh tế mới. Cộng sản cho xe chở người đến nhà thờ yêu cầu Cha phải cho họ tá túc qua đêm, sau đó, cộng sản lại xảo quyệt dùng chính sự giúp đỡ của Cha để tuyên truyền cho chiến dịch lùa người đi vùng kinh tế mới.
Sau khi tôi thay bộ đồ và ăn uống xong, cụ già đưa cho tôi một gói giấy nhỏ, rồi nói:
- Cậu cấm lấy chút tiền đi đường. Không nhiều lắm đâu, nhưng cậu tiêu pha tằn tiện thì đủ tiền ăn, tiền xe cho cậu về đến Sàigòn. Bây giờ, cậu phải đi sớm ra phía xóm Bàu Sen rồi đón xe đi Tây Ninh. Nhớ đừng vô bến xe, mà hãy đón xe dọc đường...
Tôi lặng lẽ chia tay cụ già, bước đi trên đường phố của thị trấn Dầu Tiếng vào một buổi sáng tinh mơ của tháng 4 năm 1977, mà thấy trong lòng rưng rưng như muốn khóc. Cuộc đời tôi, kể từ khi phải rời xa mái gia đình năm 15 tuổi, trôi giạt khắp mọi nơi, luôn luôn tiếp nối bằng những cuộc chia ly, và trong mỗi cuộc chia ly, lúc nào cũng có hình bóng của những ân nhân, của những tấm lòng vàng, trong đó có những vị ân nhân tôi vĩnh viễn không bao giờ biết tên tuổi, địa chỉ; và tôi biết vĩnh viễn trong suốt cả cuộc đời còn lại của mình, tôi sẽ không bao giờ có được cơ hội được gặp lại, được trả ơn... Cũng vì luôn luôn sống và thao thức trong tâm trạng của một người luôn luôn chịu ân nghĩa của không biết bao nhiêu người, nên ngay từ những ngày tháng đó, tôi đã thầm nguyện với lòng, tôi sẽ phải cố gắng sống sao cho xứng đáng phần nào với những ân tình sâu nặng mà tôi đã được lãnh nhận... (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 6/14/2007 02:40:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 54)

<< Trở Lại Trang Đầu

Hữu Nguyên

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.*

(Tiếp theo...)

Trong hoàn cảnh vệ binh canh gác nghiêm ngặt và cẩn mật từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng, tôi thấy thời gian trốn trại hay nhất là từ 8 đến 11 giờ tối, tối Thứ Bảy. Trốn trại vào tối Thứ Bảy có được mấy lợi điểm. Đầu tiên là số vệ binh canh gác chung quanh trại giảm đi gần một nửa, vì thông thường vào sáng Thứ Bảy, rất đông vệ binh kéo nhau đi ra thị xã Tây Ninh hoặc có người về tận Sàigòn chơi, và chỉ trở lại trại vào chiều Chủ Nhật. Tuy số vệ binh canh gác trại giam vẫn không thay đổi, nhưng nếu một cuộc truy lùng tù vượt ngục được tổ chức, số lượng vệ binh tham gia chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều. Thuận lợi thứ hai, tối Thứ Bảy, chúng tôi được thức khuya tới 11 giờ, thay vì 9 giờ như các tối khác. Như vậy, tôi sẽ có nhiều thời gian xoay sở cho cuộc vượt ngục hơn. Thuận lợi thứ ba, tối Thứ Bảy không khí trại tù cũng ầm ĩ hơn, ít căng thẳng hơn. Vào tối Thứ Bảy, tù giữa các lán trong một khu được qua lại thăm nhau, trò chuyện, uống trà, đánh cờ... Trong bầu không khí đó, nếu tôi có trốn, vệ binh cũng sẽ phát hiện chậm hơn, đối phó khó khăn hơn.
Toàn trại giam tù chúng tôi lúc đó được chia làm nhiều khu, mỗi khu có hai lán, mỗi lán giam giữ khoảng hơn 100 tù. Chung quanh mỗi khu có hàng kẽm gai bao quanh và có vệ binh canh gác. Vào tối Thứ Bảy, từ sáng cho đến 11 giờ tối chỉ có một vệ binh canh gác, mỗi vệ binh gác 3 tiếng. Từ 11 giờ tối đến 6 giờ sáng khi chúng tôi đi ngủ, trại sẽ tăng cường ca gác, mỗi ca hai vệ binh canh gác 2 tiếng. Để chống lại việc tù vượt ngục, ban chỉ huy trại đã có biện pháp ghép tù vào những tổ 3 người một để kiểm soát lẫn nhau. Một người tù vượt ngục thì hai người còn lại phải chịu trách nhiệm. Phòng ngừa cả 3 người cùng âm mưu vượt ngục, nội quy của trại quy định những tổ 3 người này phải thường xuyên thay đổi, nên một người nay chung tổ với người này thì mai phải chung tổ với người khác. Đây là biện pháp vô cùng thâm độc, nên từ khi những 3T tổ tam tam được thành lập thì số tù vượt ngục giảm hẳn.
Nhớ lời dặn dò của anh Dzoãn Bình, tôi không dám tin một ai, nên quyết tâm vượt ngục một mình. Muốn vậy, tôi chỉ có thể thoát khỏi sự theo dõi của hai người tù khác bằng cách xin đi cầu rồi vượt ngục. Nhà cầu của mỗi khu giam tù tại trại giam chúng tôi khi đó bao giờ cũng ở tận cuối khu, bên ngoài hàng rao bao quanh khu, nhưng ở bên trong bốn hàng rào kẽm gai bao quanh trại giam. Vì ở xa và biệt lập, nhà cầu nằm ở ngoài vùng ánh sáng đèn điện của trại giam nên được gắn thêm một ngọn điện. Vì tù không được phép đi cầu trong giờ giới nghiêm nên ngọn điện này chỉ bật sáng từ 7 giờ tối đến 9 giờ mỗi tối, riêng tối Thứ Bảy thì bật sáng tới 11 giờ khuya.
Nội quy của trại quy định, tù muốn đi cầu, đều phải đến trước mặt tên vệ binh canh gác và nói: "Báo cáo cán bộ, tôi muốn đi cầu". Thông thường, vệ binh canh gác phải ngồi ở đồn canh trong thời gian từ 7 giờ đến 9 giờ tối, và chỉ được đi lại trong sân trại sau khi tù đã đi ngủ. Nhưng trải qua thời gian, những quy định này không còn nghiêm ngặt như ban đầu, và thường vào những tối Thứ Bảy, vệ binh cũng hay đi lại trong sân trại, và tù khi muốn đi cầu chỉ cần hô to câu "Báo cáo cán bộ, cho phép tôi đi cầu", rồi tự động đi, khỏi cần chờ vệ binh cho phép.
Qua quan sát, tôi nghĩ, nếu vào buổi tối Thứ Bảy, xin đi cầu, tôi sẽ có ít nhất 45 phút để vượt ngục trước khi vệ binh kịp nổ súng báo động, mở cuộc truy lùng. Tính toán như vậy vì một tên vệ binh canh gác tù cho dù có sốt sắng làm việc, khi cho người tù đi cầu, y phải chờ người tù ít nhất 15 phút. Sau 15 phút, không thấy người tù trở lại, tên vệ binh sẽ sốt ruột chờ đợi và rơi vào trạng thái bán tín bán nghi, không biết người tù xin đi cầu đã trở lại lán hay chưa. Trong trạng thái này, tên vệ binh sẽ chờ thêm 15 phút, chứ không khi nào y hô hoán gọi tù, hay ra nhà cầu kiểm soát. Sau 30 phút chờ đợi, vẫn không thấy người tù về, tên vệ binh sẽ cho tù ra nhà cầu kiếm, không thấy, y sẽ cho lệnh thổi còi tập hợp để điểm danh xem có vắng mặt người tù đó không. Toàn bộ việc này cũng mất ít nhất 15 phút nữa. Nói tóm lại, từ khi tôi bắt đầu vượt ngục, cho đến khi bị người vệ binh phát hiện, nổ súng báo động, tôi sẽ có ít nhất 45 phút đồng hồ. Và nếu tôi chạy thục mạng trong rừng rậm, lúc đêm khuya được 45 phút đồng hồ, tôi sẽ chạy được ít nhất là 10 cây số và như vậy, chắc chắn việc truy lùng tôi ngay trong đêm tối không phải là điều dễ dàng.
Khó khăn lớn nhất đối với chuyện vượt ngục của tôi lúc đó là những trái mìn nằm rải rác giữa các hàng rào kẽm gai chung quanh trại giam. Tuy đã học cách dò mìn, gỡ mìn, nhưng tôi không tin vào khả năng của mình. May mắn cho tôi, qua một người "tù tự quản" tôi biết được có một lối đi "bí mật" từ bên ngoài trại giam vô thẳng nhà cầu do những người "tù tự quản" tạo ra. Vì chôn mìn, chăng dây kẽm gai cũng do "tù tự quản" làm, mà "tù tự quản" thường làm việc tự do bên ngoài trại, nên họ đã làm một đường đi riêng, an toàn qua hàng rào kẽm gai, từ bên ngoài đi thẳng vô nhà cầu. Biết được đường đi bí mật này tôi càng thêm quyết tâm và tin tưởng chuyến vượt ngục của mình sẽ thành công.
Một điều nan giải nữa khi trốn tù là quần áo mặc sau khi trốn trại ra ngoài. Thời gian đó, sống trong trại tù của cộng sản, không có quần áo tù, nên chúng tôi đều mặc quần áo của mình mang theo. Nhờ vậy có cái lợi, khi trốn trại ra ngoài, chúng tôi dễ trà trộn với mọi người. Nhưng chuyến trốn trại, cắt rừng suốt nhiều tiếng đồng hồ của tôi chắc chắn sẽ khiến quần áo của tôi bị rách bươm, bẩn thỉu. Với bộ quần áo đó, tôi rất dễ bị nghi ngờ và bị phát hiện trên đường trốn trại. Vì vậy, tôi cần phải mang theo một bộ quần áo sạch sẽ để thay sau khi thoát khỏi khu rừng rậm. Nhưng làm sao một người tù trong lúc đêm hôm, đi cầu lại có thể mang theo một bộ quần áo? Sau khi suy nghĩ, cuối cùng tôi nghĩ ra một kế. Hai tuần trước ngày dự định trốn trại, tôi đã mặc trong người một bộ quần áo tươm tất nhất ở bên trong, và bên ngoài mặc bộ quần áo rách rưới, cũ nát để đi làm. Khi đi trồng khoai mì ở ngoài trại, tôi đã khéo léo cởi bộ quần áo bên trong, gối vô một bao nylon rồi giấu dưới một hốc cây bằng lăng lớn và cao nhất, thẳng hướng với trại tù.
Vào một buổi tối Thứ Bảy của tháng 4 (tôi không nhớ rõ ngày) năm 1978, tôi quyết định trốn trại. Tối hôm đó, trời rất đẹp, bóng tối bao phủ nhưng không mưa không gió. Sau khi bí mật phân phát tất cả tư trang của mình cho bè bạn, ghé thăm những người thân quen, nhưng không hề nói một lời tạm biệt, tôi bước về phía hàng rào kẽm gai, nơi tên vệ binh đang ngồi gác, nói:
- Báo cáo cán bộ, tôi muốn đi cầu.
Tên vệ binh không thèm ngẩng đầu nhìn tôi, chỉ nói gọn lỏn:
- Đi.
Thấy tên vệ binh thờ ơ như vậy tôi rất mừng. Ngay phút đầu như thế là đã tốt đẹp. Tên vệ binh không thèm nhìn mặt tôi, lát nữa, thấy tôi không về, hắn sẽ không nhớ người xin đi cầu là ai. Điều này sẽ khiến hắn lúng túng, ngần ngại không dám vội vàng báo động có tù trốn trại. Và sự ngần ngại của tên vệ binh sẽ cho tôi thêm thời gian an toàn cho cuộc đào tẩu.
Sau khi đi thẳng một mạch ra đến nhà cầu, tôi ngồi xuống quan sát tên vệ binh. Hắn vẫn ngồi đó, quay lưng lại phía tôi. Chung quanh tôi, cả một màn đen dầy đặc, không có bất cứ dấu hiệu gì nguy hiểm. Nhìn quanh một lần nữa, thấy không động tĩnh gì, tôi nhanh chóng, cúi người thật thấp, đi vội vài bước đến sát hàng rào kẽm gai, rồi nằm xuống, bò thật nhanh theo dẫy cọc thép gai mà những người "tù cải tạo" vẫn "bí mật" ra vô. Không đầy mấy phút sau, tôi đã chui qua bốn hàng rào kẽm gai một cách an toàn. Thở phào nhẹ nhõm, tôi lom khom bước vội băng qua con đường đất rộng khoảng chục mét.... Những giây phút đầu tiên được tự do thật tuyệt vời. Cũng bầu không khí này tôi hít thở mỗi ngày, nhưng sao bây giờ bỗng trở nên ngọt ngào và tuyệt diệu khôn tả. Cả mặt đất như nghiêng ngửa, khiến tôi chao đảo, chân thấp chân cao, té rụi xuống không biết bao lần, nhưng tôi không biết đau đớn gì. Sang đến bên kia đường là cả khu đất trống, có những bụi cây rải rác. Tôi vội vàng điên cuồng lao về phía trước như một mũi tên đã bắn ra khỏi cung. Tôi phải chạy đua với thời gian. Tuy đinh ninh mình có ít nhất 45 phút đồng hồ chạy trốn trong rừng trước khi bị phát hiện, tôi vẫn lo ngại, bất cứ lúc nào người vệ binh cũng có thể bắn súng báo động có người trốn trại...
Trong bóng tối, tôi nhằm đúng hướng cây bằng lăng phóng tới. Nhưng ở xa, tôi còn nhìn thấy cây bằng lăng dễ dàng. Khi chui vô rừng rậm, trong đêm tối, lại bị cây cối che khuất, tôi mới thấy việc định hướng quả là chuyện vô cùng khó khăn. Nhưng với tôi lúc này không còn là lúc định hướng và cũng chẳng còn có thì giờ nghĩ đến bộ quần áo giấu dưới hốc cây bằng lăng nữa. Bằng mọi giá, tôi phải chạy càng xa trại giam càng tốt, và phải xa thật nhanh, trước khi tiếng súng báo động nổ vang... Đến lúc này, tôi chẳng còn biết phương hướng là gì, chỉ biết được điều duy nhất, trại tù ở phía sau lưng, và tôi phải chạy về phía trước, chạy thục mạng, chạy bán sống bán chết. Trong thời gian ngắn khoảng nửa tiếng đồng hồ, tôi không biết mình đã chạy được bao xa, tôi chỉ biết, đầu, mình, chân tay của tôi đụng phải không biết bao nhiêu cành lá, cây rừng; tôi phải đứng lên rồi lại bị té rụi xuống không biết bao nhiêu bận. Nhiều lần, đang chạy, bỗng dưng tôi bị hụt hẫng, cả người rớt xuống một hố bom. Tôi vội vàng bám cỏ, bám cây, cào đất cào cát, hối hả leo len, điên cuồng chạy tiếp... để rồi lại rớt xuống một hố bom khác.... Cứ như vậy, tôi chạy, tôi té, tôi đứng dậy chạy tiếp... Nhiều lúc, mệt quá, tôi phải đứng lại, ôm một thân cây, thở hổn hển trong chốc lát rồi lại chạy...
Trong khi chạy chối chết, tôi vẫn chờ đợi tiếng súng báo động từ trại tù. Nhưng chờ hoài vẫn không thấy... Tôi vừa mừng lại vừa lạ lùng không hiểu tại sao. Hay tên vệ binh ngớ ngẩn đinh ninh tôi đã trở lại lán? Hay tên vệ binh đã quên phéng có một thằng tù xin đi cầu? Hay có tên vệ binh khác đổi gác bất ngờ, tên vệ binh trước quên luôn cả chuyện bàn giao về tôi?... Vừa chạy, vừa suy nghĩ vẩn vơ, vừa phập phồng chờ đợi...
Chạy trong rừng được khoảng một tiếng đồng hồ, thì tôi nghe thấy có một tiếng súng nổ vang trong đêm tối. Tôi vội dừng lại, ôm lấy một thân cây, vừa thở dốc vừa nghe ngóng. Tiếng súng ở ngay phía sau lưng của tôi. Như vậy là tôi đã chạy đúng hướng. Tiếp theo tôi nghe thấy hai tiếng súng nữa nổ rời rạc, rồi một tràng súng AK-47. Sau đó là tiếng kẻng vang lên... nghe rõ mồn một từ phía trại tù. Thì ra một phần trong đêm tối âm thanh vang vọng rất xa, phần nữa, tuy tôi chạy điên cuồng trong rừng cả tiếng đồng hồ, nhưng vẫn chưa chạy được bao xa... (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 6/14/2007 02:34:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 53)

<< Trở Lại Trang Đầu

Hữu Nguyên

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Sau trận đòn hội chợ của vệ binh tại Quân lao Gò Vấp, cơ thể của tôi chịu đựng nhiều đau đớn, mà 3 tháng sau, khi bị đổi lên trại tù ở gần núi Bà Đen, mỗi lần kéo gầu nước từ giếng sâu, ngực tôi vẫn nóng ran, và tôi vẫn còn ho ra máu. Thê thảm hơn, những vết máu bầm vẫn còn nguyên ở trong phổi của tôi suốt nhiều năm. Đến cuối năm 1979, khi được qua Úc định cư, hôm trước đến Cabramatta Hostel, thì ngay sáng hôm sau, tôi đã bị chuyển vô Randwick Hospital để điều trị. Lý do là qua chụp X-rays, thấy vết bầm trong phổi, bác sĩ đã nghi ngờ tôi mắc "bệnh lao". Sau 3 tháng uống thuốc, vết bầm vẫn còn nguyên nên bác sĩ ngạc nhiên hỏi tôi có bao giờ đánh lộn với ai không. Tôi kể lại chuyện xưa ở Quân lao Gò Vấp, bác sĩ nghe biết ngay tôi không hề bị bệnh lao, nên ngay tuần lễ sau đó, tôi được xuất viện. Tuy nhiên, mấy năm đầu khi tới Úc, mỗi năm hai lần, tôi vẫn phải tới bệnh viện Canterburry để chụp X-rays, cho đến khi vết bầm trong phổi mờ dần và mất hẳn...
Trận đòn hội chợ của vệ binh khiến tôi càng thêm quyết tâm, phải vượt ngục bằng mọi giá. Nhưng để có thể vượt ngục theo kế hoạch của anh Dzoãn Bình, tôi phải hồi phục sức khỏe. Đáng tiếc, không lâu sau ngày bị chúng đánh hội đồng, tôi và anh Dzoãn Bình, cùng với khoảng 50 người tù khác, bị chuyển đến trại tù ở gần núi Bà Đen, chấm dứt giấc mộng vượt ngục ở Quân lao Gò Vấp.
Trại tù gần núi Bà Đen là trại tù được VC xây dựng khá quy mô, với đầy đủ các hàng rào kẽm gai trong ngoài. Cho đến nay, tôi cũng không nhớ chính xác tên và vị trí của trại tù này, nhưng tôi vẫn thỉnh thoảng nghe anh em bạn tù nhắc đến những địa danh như ấp Tân Thiết, Trại Đèn, ấp Phước Hòa, xã Lộc Ninh... Nhìn về phía sau của trại tù, tôi thấy rõ núi Bà Đen cao to sừng sững chiếm cả một góc trời. Trại tù được chia ra làm nhiều khu, mỗi khu có nhiều lán, giam giữ khoảng trên dưới 1000 tù, gồm đủ các thành phần, tù chính trị, tù hình sự... Hệ thống canh gác tại đây cũng rất nghiêm ngặt. Ngoài các hàng rào kẽm gai, còn có những chòi canh chung quanh trại, và tại mỗi khu gồm có hai lán, luôn luôn có vệ binh luân phiên canh gác vào ban đêm.
Ngay khi đặt chân đến trại tù mới, tôi đã vội tìm hiểu địa hình địa vật để vượt ngục. Tôi biết, lúc đó tôi đã bị vệ binh và quản giáo VC ghi vô "sổ đen", nên tôi bị theo dõi kỹ càng hơn và thường bị trừng phạt chỉ vì những chuyện không đâu. Để có thể vượt ngục, điều đầu tiên, tôi phải làm cho vệ binh quản giáo của trại lơ là cảnh giác đối với tôi. Muốn vậy, một mặt tôi phải tỏ ra tích cực lao động và mặt khác, tôi phải cho mọi người thấy tôi rất yếu đuối, bệnh hoạn, sau trận đòn hội chợ tại Quân lao Gò Vấp. Vì vậy, cùng với những lần ho ra máu, tôi giả vờ đi đứng chậm chạp, ăn uống uể oải, ngoại hình suy nhược...
Vì việc chuyển tù từ Quân lao Gò Vấp về trại tù mới được tiến hành vào ban đêm, nên tôi không biết rõ vị trí của trại tù mới nằm ở đâu. Trong những lúc đi lao động ngoài trời, tôi tìm cách khéo léo dò hỏi anh em bạn tù đường đi nước bước, nên biết được, trại tù của chúng tôi nằm gần xã Lộc Ninh, cách biên giới Việt Miên không bao xa. Thời gian đó vào khoảng năm 1977, mối quan hệ Việt Miên ngày càng căng thẳng thù nghịch, nên có tin đồn, cộng sản Miên đang có ý đồ xâm lăng Việt Nam. Nghe tin này, có một số người lo sợ sẽ bị Miên cộng giết; nhưng cũng có người nuôi hy vọng, cuộc xâm lăng của cộng sản Miên sẽ "giải phóng" chúng tôi thoát khỏi sự kìm kẹp của cộng sản Việt Nam. Có điều mọi người lúc đó đều không thể ngờ được, chính viễn ảnh xâm lăng Việt Nam của Miên cộng đã khiến cộng sản Việt Nam có âm mưu sẵn sàng thủ tiêu tất cả những người tù chúng tôi bằng mìn Claymore một khi trại tù bị quân đội Miên tấn công... Tôi chỉ biết được âm mưu này vào một buổi chiều, sau khi đi lao động trồng khoai mì trở về trại...
Chiều hôm đó, tôi được anh Dzoãn Bình gọi sang lán của anh uống trà. Tôi quên thưa với quý độc giả, anh Dzoãn Bình và tôi tuy cùng được chuyển trại tù từ Quân lao Gò Vấp, nhưng khi lên đến trại tù mới, anh bị chuyển sang lán tù đối diện với lán của tôi. Là một nhà báo tên tuổi của VNCH trước năm 1975, từng được giải thưởng của Tổng Thống qua phóng sự chiến trường viết về trận Bình Giã, nên anh Dzoãn Bình rất có uy tín trong trại tù. Nhờ vậy, anh biết được những tin tức đặc biệt, mà những người tù bình thường không thể biết, hoặc biết rất muộn.
Buổi chiều hôm đó, gặp tôi anh Dzoãn Bình thì thầm nói:
- Cậu biết không, tôi vừa mới nghe được một tin "con cuốc"...
Anh Dzoãn Bình có thói quen khi nói chuyện thường hay dùng chữ "con cuốc" để mô tả bất cứ chuyện gì không rõ xuất sứ hoặc có nội dung không tốt lành, không được như ý.
- Cậu biết thằng Tuân, tù "tự quản" không?
Tôi thưa:
- Có phải Tuân bên khu rèn không anh?
Anh Dzoãn Bình gật đầu:
- Thằng đó nó vừa nói với tôi, sáng hôm qua, những người tù "tự quản" được lệnh của tụi giám đốc trại cho gài mìn Claymore chung quanh trại...
Tôi giật mình, hỏi anh:
- Chắc chúng cho gài mìn để chống tụi Miên xâm lăng?
Anh Bình lắc đầu:
- Không phải để chống tụi Miên cộng đâu. Nó gài mìn là để giết mình đó. Thằng Tuân nó nói số lượng mìn gài chung quanh trại không rõ bao nhiêu, nhưng cứ cách 20 thước, chúng bắt chôn một trái, mà mìn hướng vào trong trại. Cậu biết mìn Claymore chứ gì?
- Em biết.
Mặc dù chính mắt tôi chưa hề thấy trái mìn Claymore bao giờ, nhưng tôi đã nghe rất nhiều bộ đội đề cập đến nó như là một loại vũ khí quái ác, gây nhiều tử vong và tàn tật cho binh lính VC.
Anh Dzoãn Bình nói tiếp:
- Cậu phải biết, mìn Claymore khác với loại mìn thường. Mìn thường, phải chôn dưới đất, còn mìn Claymore thì để trên mặt đất, với mặt cong có dòng chữ bằng tiếng Anh ghi rõ hướng về phía kẻ thù. Thằng Tuân nó cũng là lính nên nó biết, khi gài mìn Claymore mà quay hướng mìn vô trong trại tù là rõ ràng, tụi VC chúng muốn giết tù, chứ không phải giết tụi Miên cộng đâu. Cậu phải biết, với tầm sát thương từ 100 mét đến 200 mét theo hình quạt 60 độ của 700 viên bi thép cho mỗi trái mìn Claymore, mà tụi VC nó cho gài các trái mìn Claymore sát nhau như vậy thì rõ ràng, cộng sản nó sẽ giết cả trại tù này không còn một mống cho coi...
Tôi lạnh người:
- Như vậy là Miên cộng chưa kịp "giải phóng" thì mình đã bị tụi VC nó giết sạch...
Anh Dzoãn Bình kéo một hơi thuốc lào rồi nói thiệt nhỏ:
- Tôi nghĩ tình thế này, cậu phải tìm mọi cách trốn trại ngay. Ở lại thêm ngày nào là nguy hiểm ngày ấy...
Tôi ngạc nhiên:
- Ủa, như vậy anh không vượt ngục cùng với em hay sao?
Anh Dzoãn Bình thở dài:
- Tôi già rồi, trốn không được, cậu ạ. Ở đây rừng rú bao bọc chung quanh, muốn trốn phải có sức. Già yếu như tôi mà trốn tù với cậu thì chỉ là gánh nặng cho cậu. Cậu nghe tôi, đi đi...
Tôi rưng rưng nước mắt, nghẹn ngào không biết nói làm sao, khi tôi phải chấp nhận một sự thực chua xót: Tôi phải trốn trại một mình và anh Dzoãn Bình phải ở lại! Anh Bình nói tiếp:
- Nghe cậu kể chuyện ở Quảng Trị, tôi biết cậu có kinh nghiệm đi rừng, nên chuyện trốn trại ở đây không có gì khó khăn với cậu. Theo tôi biết, từ đây về thị trấn Dầu Tiếng chỉ khoảng vài tiếng đồng hồ đường rừng. Trốn khỏi trại tù, cậu cứ nhắm vùng ánh sáng về phía tay phải mà đi, thế nào cũng băng qua khu rừng cao su trước khi đến được thị trấn Dầu Tiếng... Sau đó cậu đón xe về Tây Ninh... rồi về Sàigòn.
Tôi lo lắng hỏi:
- Anh nghĩ em có nên rủ Minh trốn cùng với em không?
Anh Bình lắc đầu:
- Không nên. Tính Minh tôi biết, hắn rất tốt với bè bạn, nhưng phổi bò, mắt lồi như mắt trâu nên nhát lắm. Trong tù, Minh ngang tàng, thích làm người hùng những chuyện cỏn con. Nhưng đụng chuyện lớn thì nhát. Tôi biết, khi ở Quân lao Gò Vấp, Minh đã hứa sẽ vượt ngục chung với cậu, nhưng Minh đâu có dám thực hiện lời hứa. Tôi nói vậy có đúng không nào?
Nhận xét của anh Bình về Minh rất chính xác. Trong tù Minh ngang tàng, đánh đấm hết người này người nọ và trở thành một "vua tù". Nhưng thực tế, dù đã hứa sẽ vượt ngục với tôi, nhiều lần Minh lần khân, khất lần, không muốn vượt ngục với tôi.
Anh Bình dặn tôi:
- Cậu nhớ, đừng nói với Minh và bất kỳ ai về ý định trốn trại của mình. Cậu đừng có tin một ai cả. Điều khó khăn nhất cho chuyến vượt ngục của cậu là cậu không có tiền mặt mà tôi cũng không có. Nhưng tôi tin, nếu cậu trốn ra ngoài thế nào cũng được người dân họ giúp đỡ. Lòng dân bây giờ khác với ngày xưa nhiều lắm. Chẳng còn ai ảo tưởng vào tụi VC nữa đâu. Cậu đi lao động thì cậu biết lòng người ra sao rồi...
Anh Bình nói rất đúng. Trong suốt thời gian bị tù đầy hơn một năm trời, mỗi khi phải ra ngoài lao động, chúng tôi đều có dịp được chứng kiến những tấm lòng vàng của người dân đối với tù cải tạo. Vì vậy, tôi tin chắc, một khi thoát khỏi hàng rào kẽm gai của trại tù, được gặp gỡ người dân Miền Nam, tôi sẽ như con cá sống trong nước, tha hồ vùng vẫy, xuôi ngược.
Anh Bình đưa chiếc điếu cầy làm bằng nhôm cho tôi, rồi tiếp:
- Từ nay trở đi, cậu và tôi cũng đừng nên gặp nhau nữa, kẻo khi cậu đi, chúng lại lôi tôi ra hành hạ. Nếu có gì gấp gáp lắm, cậu cứ nói với Duy...
Sau lần trò chuyện với anh Dzoãn Bình, tôi gấp rút chuẩn bị cho việc trốn trại. Qua tìm hiểu địa hình địa vật, tôi thấy có hai cách trốn trại. Cách thứ nhất, trốn trại vào ban ngày khi đi lao động. Trốn trại cách này tôi có được lợi thế lớn nhất là không phải vượt qua bốn hàng rào kẽm gai và bãi mìn Claymore chung quanh trại. Theo lời anh Dzoãn Bình, mìn Claymore có 3 cách phát hoả. Cách thứ nhất do người gài mìn chủ động khai hoả. Cách thứ hai là gài bẫy, khiến mình đụng phải, mìn sẽ nổ tung. Cách thứ ba là dùng mìn giờ để kích hoả vào đúng lúc mình muốn. Tại trại tù của chúng tôi vào lúc đó, VC đã gài mìn Claymore theo cách thứ hai. Ngoài ra, chúng còn gài những loại mìn cá nhân khác, nên rất nguy hiểm cho những ai trốn trại phải chui qua mấy hàng rào kẽm gai quanh trại. Lợi thế thứ hai khi trốn trại ban ngày là tôi có thể chui vào rừng rậm, ẩn mình chờ đến tối đi tiếp. Lợi thế thứ ba, từ chỗ chúng tôi lao động đến thị trấn Dầu Tiếng, gần hơn một tiếng đồng hồ đi bộ so với từ trại tù đến thị trấn Dầu Tiếng. Tuy nhiên, nếu trốn trại ban ngày, tôi chỉ có thể trốn vào lúc ăn trưa, và có tối đa 30 phút đồng hồ trước khi bị phát hiện. Với lực lượng vệ binh gần một trung đội cộng với quân khuyển, việc truy lùng một người tù trốn trại trước đó 30 phút là điều không khó khăn. Vả lại, khi tù lao động ở ngoài trại, đều bị vệ binh và tù "tự quản" kiểm soát rất chặt chẽ, và mọi người tù đều bị tổ chức thành từng tổ 3 người một để theo dõi lẫn nhau. Tránh tình trạng những người quen thân cùng chung một nhóm 3 người, cùng trốn trại với nhau, quản giáo thường bắt thay đổi, nay người này ở nhóm này, mai phải ở nhóm khác...
Chính vì những khó khăn và nguy hiểm lớn lao như vậy, nên tôi quyết định trốn trại vào ban đêm. Có hai cách, có thể trốn trại vào ban đêm. Cách thứ nhất, trốn trong lúc tù còn thức từ 6 giờ chiều đến 9 giờ tối. Cách thứ hai, chờ tù ngủ hết, trốn từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng. Cách thứ hai rất khó trốn, vì lúc đó, trong mỗi lán tù cứ mỗi hai tiếng đồng hồ, đều có bốn người tù luân phiên canh gác từ đầu lán đến cuối lán. Bên ngoài lán tù, còn có hai vệ binh canh gác ở hai đầu lán. Riêng cách thứ nhất, có vẻ khó khăn hơn, vì lúc đó tù còn thức, đèn điện còn sáng choang, nhưng trên thực tế, lúc này là lúc có cơ hội trốn hơn cả, vì thứ nhất, tù còn thức nên đi lại trong lán rất lộn xộn, không ai có thể theo dõi và biết tù nào còn trong lán, tù nào đã ra ngoài lán đi dao. Thứ hai, vì đèn đuốc sáng choang nên lúc này chỉ có một vệ binh canh gác mỗi lán tù khoảng 120 người. Thứ ba, thời gian này là thời gian duy nhất, tù được phép đi vệ sinh ở một nhà cầu nằm ở cuối trại, sát hàng rào kẽm gai. Sau 9 giờ tối, tất cả mọi chuyện vệ sinh cá nhân của tù đều phải thực hiện ngay trong lán. Đi tiểu, thì tù phải đi vào trong một ống lồ ô, hôm sau đem đổ. Còn đại tiện thì phải đào hố ngay trong lán, đi vô đó, rồi lấp đất, ngày hôm sau phải dọn sạch sẽ. Tù nhân muốn đi tiểu hay đi tiêu từ sau 9 giờ tối đều phải hô to: "Báo cáo cán bộ tôi muốn đi tiểu / đi cầu". Đến khi nghe vệ binh nói "Được" thì mới được nghiêng mình trút bầu tâm sự vô ống hay ngồi dậy đào lỗ.... (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 6/14/2007 02:21:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 51)

<< Trở Lại Trang Đầu

Hữu Nguyên

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.
*

(Tiếp theo...)

Nghe Thìn "rỗ" nói, mọi người bỗng dưng đều im lặng. Sự im lặng thú nhận một sự thực, chúng tôi hoàn toàn bất lực trong bàn tay của kẻ thù. Tụi vệ binh quản giáo đã muốn lôi tôi ra đánh vào buổi chiều này, thì tôi không có cách nào tránh thoát. Tôi đã gây nên chuyện thì tôi phải có gan gánh chịu. Điều quan trọng nhất bây giờ là làm sao tôi có thể sống sót sau trận đòn thù. Vì vậy, đúng như Thìn "rỗ" nói, trong hoàn cảnh hiện tại, mọi bàn luận đều vô ích, mọi biện pháp đều chẳng giải quyết được gì, chỉ chọc giận tụi nó, và như vậy chỉ nguy hiểm thêm cho tôi mà thôi. Bây giờ cách thiết thực nhất, giúp tôi có thể sống sót sau trận đòn hội đồng, là tôi phải nhịn bữa ăn trưa. Đơn giản vậy thôi!
Nghĩ vậy, tôi cố nén xúc động, nói:
- Em cảm ơn anh Dzoãn Bình và các anh đã lo lắng cho tôi. Nhưng tôi thấy tất cả những cách các anh bàn từ nãy đến giờ đều rất khó thực hiện. Vì vậy tôi không còn sự chọn lựa nào khác ngoài việc chấp nhận để cho chúng nó đánh. Nếu các anh la hét hay tuyệt thực để bảo vệ tôi, không cho chúng đánh tôi hôm nay, thì cho dù chúng có chịu thua hôm nay, chúng vẫn còn nhiều dịp để đánh tôi trong tương lai. Thậm chí, nếu tôi chống cự hôm nay, mai kia khi tôi ra ngoài lao động, chúng có thể bắn bỏ tôi bất cứ lúc nào, rồi ghép tôi vào tội vượt ngục...
Chuyện ghép tù vào tội vượt ngục rồi bắn bỏ là chuyện có thật đã xảy ra ngay ở Quân lao Gò Vấp trước khi tôi tới. Ít nhất có hai chuyện, tôi được nghe. Anh em trong tù vẫn thường kể cho nhau nghe những chuyện này để giúp nhau cảnh giác, thận trọng mỗi khi phải ra ngoài lao động. Chuyện thứ nhất, một anh tù hình sự (lâu ngày tôi không còn nhớ tên), gốc bộ đội, phạm tội ăn cướp một tiệm vàng ở Sàigòn. Khi vào Quân lao Gò Vấp, không hiểu vì lý do gì, có lần anh cãi với một tên vệ binh. Tên vệ binh đuối lý nên nuôi lòng thù hận. Ngày nọ, khi mang tù ra ngoài lao động, tên vệ binh liền gọi anh đi theo hắn. Nội vụ sau đó như thế nào không ai rõ, chỉ biết tên vệ binh đã bắn chết người tù và khai anh ta đã bỏ chạy nên tên vệ binh phải bắn. Chuyện thứ hai, một người tù đi lao động về, bị vệ binh giữ lại chuyện trò cho đến chập tối, rồi tên vệ binh sai anh chui vô trong hàng rào kẽm gai nhặt hộ trái bóng chuyền. Khi người tù chui vô, tay chưa với tới quả banh, thì bị tên vệ binh bắn chết, và bị vu cho tội vượt ngục.
Tôi biết, tôi đánh lại quản giáo là điều vô cùng dại dột. Nhưng để chuộc lại sự dại dột đó, tôi chỉ có cách duy nhất là ngoan ngoãn ra ngoài cho chúng đánh. Còn chống lại chúng, trong hoàn cảnh tù đầy như vậy, là tôi đã đi từ dại dột này đến dại dột khác, để rồi cuối cùng, tôi có thể phải trả giá đắt bằng chính tính mạng của mình.
Vì anh em bạn tù ai cũng nghe, cũng biết những vụ hành quyết tù bằng cách ghép cho tù tội vượt ngục, nên nghe tôi nói vậy, ai cũng thấy hợp lý. Mọi người chỉ biết chúc tôi may mắn, rồi buồn bã về chỗ của mình. Còn tôi, cố giữ thái độ bình thản, trò chuyện thản nhiên với anh Dzoãn Bình, nhưng trong lòng tôi, bồn chồn lo lắng khôn tả.
Trưa hôm đó, khi chia "cơm", tôi nói anh em đừng chia cho tôi. Nếu sau trận đòn hội đồng, tôi còn đủ mạnh để ăn, thì tôi ăn xuất "cơm" chiều cũng đủ. Hồi đó, cứ 5 người tù chung một mâm "cơm". Để bảo đảm chia chác được công bằng, mỗi người tù được chia một bữa. Chia xong, các người tù nhận phần của mình, còn người tù nhận trách nhiệm chia bữa đó phải nhận phần của mình sau cùng.
Sống trong tù, đói khát triền miên là chuyện thường. Trong tù cộng sản, đói khát lại khủng khiếp hơn một bậc. Vậy mà buổi trưa hôm đó, tôi phải nhịn đói, nhìn cảnh anh em bạn tù ăn uống, mà lòng tôi bồn chồn lo lắng trận đòn thù sắp tới.... Đói, lo, tinh thần căng thẳng, tôi đã ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Đang ngủ, bỗng tôi giật mình thức giấc khi có người lay gọi. Mở mắt, tôi thấy anh Dzoãn Bình ngồi ngay cạnh, nhìn tôi với anh mắt lo âu. Anh bảo:
- Bốn giờ rồi, cậu dậy chuẩn bị.
Phải một vài giây bàng hoàng, tôi mới nhớ ra trận đòn thù đang từng phút đến gần. Tôi ngạc nhiên:
- Em đâu cần phải chuẩn bị gì?
Anh Minh hất cằm về phía Minh "mã tấu":
- Nó bảo cậu mặc thêm một bộ quần áo nữa bên ngoài... Mặc vậy nhẹ đòn đi nhiều lắm.
Ngay lúc đó, Minh bước tới, cũng nói:
- Ông Chí nghe tôi mặc thêm bộ quần áo nữa.
Minh hơn tuổi tôi. Người Hải Phòng, tính khí ngang tàng, thích đập lộn, nhưng rất tốt với bạn. Trong tù, Minh quý Cẩm, vì Cẩm là quân sư, chuyên viết thư hộ cho Minh; và tôi vì Minh rất thích nghe tôi kể chuyện chưởng.
Tôi lắc đầu:
- Mặc làm gì hai bộ. Ra ngoài nó thấy nó lột ra thì cũng vậy, mà nó còn khinh mình nhát.
Anh Dzoãn Bình cười héo hắt:
- Thì cậu nghe tôi, cứ mặc vô, khi nào nó lột hãy hay. Còn nó khinh mình nhát thì mặc cha nó... Miễn sao mình còn sống là được.
Tôi vẫn cương quyết:
- Không, em không mặc.
Thấy tôi cương quyết như vậy, Minh bỏ về. Anh Dzoãn Bình nhìn tôi định nói gì, lại thôi.
Tôi lấy khăn mặt, nhúng nước, lau mặt mũi tử tế, rồi ngồi xuống chờ đợi. Cho đến lúc đó, tôi vẫn cầu mong, tin tụi vệ binh quản giáo sẽ đánh hội đồng tôi do người tù "tự quản" bao tin là tin vịt. Tôi biết niềm hy vọng của tôi vô cùng mong manh và vô lý, nhưng trong giây phút đó, tôi đâu biết bấu víu vào đâu...
Không khí trong phòng giam lúc đó oi bức và ngột ngạt khôn tả. Tất cả mọi người tù trong phòng, không ai bảo ai, cũng đều ngồi im lặng, chờ đợi...
Bốn giờ 20, rồi bốn giờ rưỡi... vẫn không thấy động tĩnh gì. Bỗng nhiên, người tù đứng ở cửa sắt, khom lưng nhìn qua cửa tò vò la lên khe khẽ:
- Tới rồi... Chúng nó tới...
Cả phòng giam đột nhiên trở nên hối hả, gay cấn. Người tôi bỗng dưng lạnh toát, mà chẳng hiểu sao, mồ hôi lại vã ra đầy trán. Tôi vẫn cố gắng giữ bình tĩnh, nhưng trái tim đập thình thịch liên hồi, như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực...
Tiếng Minh vang lên:
- Bao nhiêu thằng?
Người tù không trả lời thẳng vào câu hỏi. Thay vì vậy anh nói:
- Thằng "lùn" đi đầu. Theo sau là tụi vệ binh... Một, hai, ba, bốn,... tám, chín... Khoảng hơn chục đứa.
Thằng "lùn" là bí danh anh em tù đặt cho quản giáo Trường.
Nghe người tù đếm số vệ binh, cứ thêm một đứa, bụng tôi lại đau thắt lại. Tôi nghĩ hôm nay chắc là ngày tôi tận số. Tôi kinh hoàng, lo sợ, vội cầu Trời, khấn Phật. Mẹ tôi theo đạo Phật, nhà nghèo xác xơ nhưng lúc nào trên bàn thờ cũng hương khói nghi ngút. Bố tôi theo đạo Thiên Chúa và là đạo gốc, nhưng vì sống dưới chế độ cộng sản, nên tôi chỉ thuộc lõm bõm có Kinh Kính Mừng và Kinh Lậy Cha, nên trong lúc sợ hãi, tôi cũng vội lẩm bẩm đọc...
Bỗng nhiên, người tù đứng ở cửa vội quay về chỗ, miệng la lên:
- Thằng "lùn" tới...
Cả phòng giam đột nhiên im lặng. Sau đó không lâu, tôi nghe tiếng mở khoá, tiếng xích sắt vang lên, rồi hai cánh cửa sắt mở toang. Nhìn ra, tôi thấy quản giáo Trường đứng giữa, hai bên là hai vệ binh cầm súng AK-47 trong tư thế sẵn sàng nhả đạn. Tên Trường quét cặp mắt cú vọ một vòng, rồi la lớn:
- Anh Chí ra ngoài làm việc.
Tôi đứng dậy, bước đi, tai còn nghe tiếng anh Dzoãn Bình nói với theo trong vội vã, nghẹn ngào, "màu áo xưa". Nghe anh nói, tôi nghẹn ngào, rưng rưng lệ. "Màu áo xưa" là ba tiếng cuối trong bài thơ anh viết tặng cho tôi ngay buổi đầu gặp gỡ, "Thời gian sẽ thấy lại màu áo xưa". Ba tiếng đó như một lời nhắn gửi trinh nguyên tình nghĩa, một hứa hẹn thủy chung vuông tròn cho quá khứ, cho những người thân thương, nhưng ba tiếng đó cũng là mật hiệu được hai anh em thường dùng để khích lệ nhau mỗi khi gặp khó khăn, mà chỉ có anh và tôi biết...
Tôi bước ra ngoài, và bỗng dưng tôi chợt thấy trời buổi chiều thật đẹp. Nắng chiều chưa kịp tắt, vàng rực cả đất trời. Không khí bên ngoài thiệt tươi mát. Tôi hít một hơi thở thật sâu, và đột nhiên, thấy lòng mình thật thanh thản. Tôi chấp nhận hôm nay ăn trận đòn thù. Dù chúng có đánh tôi tàn nhẫn, dã man đến thế nào đi nữa, tôi sẽ cố gắng cắn răng chịu đựng, không một lời rên rỉ, không một tiếng van xin. Tôi cũng không chống lại chúng, không chửi bới chúng, vì tôi hiểu, sống trong chế độ cộng sản, ngay cả những người cộng sản cũng chỉ là công cụ; và nhiều khi, họ chỉ là những nạn nhân đáng thương mà thôi. Tôi biết, tôi sẽ chịu đựng được tất cả, tôi sẽ vượt qua được cửa ải vô cùng khó khăn này, sẽ giữ được mạng sống của mình, để trở lại phòng giam cho anh Dzoãn Bình thấy được "màu áo xưa"; để rồi trong một tương lai không xa, anh Dzoãn Bình và tôi sẽ vượt biên, đến một vùng trời tự do. Mang trong tâm tư ý nghĩ đó, tự dưng tôi thấy lòng mình thật bình tĩnh, khác hẳn lúc trước, trong phòng giam, lòng tôi bồn chồn, lo sợ, hoảng hốt vô cùng.
Sau khi đóng cửa sắt và khoá lại, Trường quay qua bảo:
- Đi theo tôi.
Tôi lặng lẽ đi theo Trường. Sau tôi là hai vệ binh. Đi khoảng ba chục thước, tôi bước vào phòng ăn, đối diện phòng giam A-1. Mang tiếng là phòng ăn, cả phòng ăn rộng mênh mông hơn 100 thước vuông chỉ có một chiếc bàn nhưng không phải là bàn ăn. Vào giờ ăn, chỉ có tù giam trong A-1 được ăn ở phòng ăn này, và tất cả đều phải ngồi ăn ngay trên sàn xi măng.
Trong phòng ăn lúc đó có khoảng chục tên vệ binh tay không, đứng chung quanh tường. Tất cả đều im lìm, lạnh lùng. Góc trong cùng về phía tay phải là chiếc bàn duy nhất. Quản giáo Trường bước lại phía sau bàn, chống hai tay vào mặt bàn, im lặng nhìn tôi. Hai tên vệ binh ghìm súng, đứng hai bên. Tôi đứng trước mặt tên Trường, cách chiếc bàn khoảng hơn một thước. Tên Trường quắc mắt nhìn tôi, ánh mắt đầy oán độc. Tôi nhìn thẳng mắt Trường, cố gắng giữ ánh mắt thản nhiên, không chút căm giận, thù hận. Thú thực, lúc đó, tôi không muốn chọc giận quản giáo Trường chút nào. Tôi tha thiết muốn sống bằng mọi giá. Chọc giận hắn sẽ vô cùng nguy hiểm, vì Trường là người thiểu số, thẳng tính, nhưng rất nóng, khi cơn giận nổi lên, y sẵn sàng làm mọi chuyện kể cả giết người. Thứ hai, chế độ cộng sản đã cố tình dung dưỡng và trao cho những người như Trường quyền sinh sát, để hắn thẳng tay diệt trừ tất cả những ai ngang bướng chống đối lại chế độ. (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 6/14/2007 02:15:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Liên Kết

BLOGGER

Bạn là người thứ  

Ghé Thăm LMVS