Liên Mạng Việt San

[ Trang SaiGon Times]

[ Trang Liên Mạng]

[ Thời Sự VN ]

[ Bình Luận ]

[ Văn Học và Lịch Sử­]

[ Vườn Thơ ]

[ Radio/TV Online ]

Bài Đã Đăng

Trang Bài Cũ

Mục Thư Cũ

Chinh t hức thành lập ngày28/12/2005 Copy Right by Nhất Thanh

Mọi bài vỡ xin đóng góp và gửi vể Liên Mạng Việt San lienmang_vietsan@yahoo.com 

 

Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 50)

Bài Viết Đăng Nhập vào: Wednesday, June 13, 2007

<< Trở Lại Trang Đầu

Hữu Nguyên

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.
*

(Tiếp theo...)

Sau khi được gặp anh Dzoãn Bình, cuộc đời của tôi ở trong tù không còn tẻ nhạt và vô bổ như trước. Kiến thức đa dạng cùng kinh nghiệm sống phong phú của anh qua những câu chuyện anh kể đã giúp tôi có được những ngày tháng hứng thú và bổ ích. Tôi được nằm ngay bên cạnh anh phía tay phải. Còn phía tay trái của anh là anh Nở. Anh Nở thì ít nói chuyện, còn tôi và anh Bình thì tối nào cũng thì thầm nói đủ thứ chuyện, từ chuyện gia đình, tình yêu, nghề nghiệp, đến những nhân vật tên tuổi của Miền Nam. Sau này tôi ra ngoại quốc, tình cờ gặp gỡ nhiều nhà văn, nhà báo tên tuổi của Miền Nam, tôi mới biết, hầu hết những chuyện anh nói, đều là sự thật.
Sau vài tháng quen biết và hoàn toàn tin tưởng ở tôi, anh Dzoãn Bình và tôi bàn bạc kế hoạch vượt ngục như tôi đã kể. Chúng tôi biết, cuộc vượt ngục nào cũng rất phiêu lưu, mọi bất trắc đều có thể xảy ra, và khả năng thành công bao giờ cũng rất mong manh. Nhưng chẳng hiểu sao, kế hoạch vượt ngục của chúng tôi lúc đó thật đơn giản, dễ dàng, và cả hai anh em chúng tôi đều tin tưởng sẽ thành công. Vì vậy, chúng tôi đều hồi hộp chờ đợi ngày cả hai anh em cũng được lệnh ra ngoài lao động, để có cơ hội đào thoát tìm tự do như đã dự tính. Giữa lúc cả hai anh em đều hồi hộp chờ đợi trong hy vọng, thì không ngờ, chỉ vì một tích tắc nóng giận mất khôn, tôi đã làm đảo lộn tất cả... Câu chuyện đầu đuôi như sau.
Thời đó, tại Quân lao Gò Vấp, mỗi buổi sáng, anh em tù cải tạo chúng tôi phải xếp hàng trước nhà giam, chờ quản giáo Trường và vệ binh đến lấy người đi lao động. Để tránh tình trạng tù có thể cướp súng vệ binh, quản giáo, nên ban chỉ huy trại giam đã có lệnh bắt vệ binh khi đeo súng, đến trại giam nhận tù, phải đứng ngoài hàng rào kẽm gai. Còn quản giáo khi vô trong hàng rào để điểm danh tù đi lao động thì không được phép đeo súng.
Thông thường, ra ngoài lao động là điều tù nào cũng muốn, vì được thở hít không khí trong sạch tươi mát; được phần nào bớt tù túng khi trông thấy sinh hoạt xã hội bên ngoài; có điều kiện "cải thiện" hái được ít ngọn rau, nhặt được một hai trái ớt, quả chanh; và nếu may mắn, có khi còn được dân thương giấu diếm ở bờ bụi cho ít cà phê, đường, trà, thuốc lào, thuốc lá... Riêng tôi, vì chỉ thích nằm nhà nghe anh Dzoãn Bình kể chuyện, hoặc đọc sách, nên tôi thường cáo ốm, để khỏi phải đi lao động.
Vì lúc đó, công việc tại Quân lao Gò vấp không nhiều, nên quản giáo và ban chỉ huy trại giam cũng không có biện pháp gắt gao đối với việc tù cáo ốm để khỏi phải đi lao động. Nhưng phần vì quản giáo Trường không ưa tôi kể từ lần tôi trái lệnh hắn, cõng Quang về hàng, phần hôm đó số tôi không may, nên cả bốn người tù đứng trước tôi đều lần lượt cáo ốm, nên tên Trường rất bực tức. Khi nhìn thấy tôi đứng ở hàng thứ 5, tên quản giáo Trường càng tức giận, y chỉ chiếc dùi cui vô ngực tôi rồi ra lệnh, giọng gắt gỏng:
- Còn anh này, hôm nay có ốm nữa không?
Trong một thoáng rất nhanh, tôi tính bước ra khỏi hàng, chấp nhận đi lao động ngày hôm nay. Nhưng nghĩ tới câu chuyện hấp dẫn mà anh Dzoãn Bình đang kể dở dang tới đoạn phái đoàn báo chí ra thăm Hạm Đội 7, nên tôi quyết ý "cáo ốm ở lại". Tôi nói, giọng nhún nhường:
- Báo cáo quản giáo, hôm nay tôi vẫn còn ốm, xin quản giáo cho phép tôi...
Tôi nói chưa dứt câu, quản giáo Trường đã đỏ mặt, phùng mang, hét lên:
- Ốm nữa hả? Không được ốm! Hôm nay tôi bảo anh đi lao động!
Tôi mềm mỏng hơn:
- Báo cáo quản giáo, hôm nay tôi còn ốm, ngày mai tôi sẽ..
- Không có ngày mai, ngày kia gì cả. Anh là chuyên môn ốm giả vờ!
- Thưa quản giáo, tôi... ốm thật.
Đến đây, quản giáo Trường tức giận, y vừa dứ dứ chiếc dùi cui vào mặt tôi vừa thét lên:
- Ốm thật cũng đi. Ốm giả cũng đi. Anh có đi không thì bảo?
Đến lúc này tôi thấy quả thật mình đã cưỡi trên lưng cọp. Xuống cũng nguy hiểm mà tiếp tục cưỡi cũng khủng khiếp không kém. Tôi chọn con đường nửa lý nửa tình:
- Thưa quản giáo, nội quy của trại cho phép tù cải tạo nào ốm đau nặng được phép nghỉ lao động. Mà tôi hiện giờ đang ốm nặng thật.
Quản giáo Trường điểm điểm chiếc dùi cui vào ngực tôi, hai mắt hắn long lên sòng sọc, khoảng cách giữa mặt hắn và mặt tôi chỉ có hơn gang tay, và lần này hắn nghiến răng, giọng rít lên, đổi luôn cách xưng hô:
- Mày, mày, mày ngoan cố hả? Tao nói, mày ốm giả vờ...
Bị chiếc dùi cui điểm vào ngực, cộng với lối xưng hô thô lỗ mất dậy của tên quản giáo, khiến tôi cũng nổi điên. Nhưng biết mình thân phận cá chậu chim lồng, nên tôi cố nén giận, nhưng mỗi lời nói ra, tôi đều nói chậm rãi và nhấn từng tiếng:
- Quản... giáo... không... phải là bác sĩ sao biết tôi ốm giả vờ?
Tên Trường càng tức giận thêm:
- Dù ốm thật, mày cũng phải đi lao động hôm nay.
- Tôi...
- Tao đếm đến ba, mày không đi là mày biết tay tao. Một...
- Thưa...
- Hai...
- Tôi...
- Ba...
Tiếng "ba" vừa dứt, tôi chưa kịp nói, chưa kịp có phản ứng gì, kể phản ứng "chấp nhận đầu hàng", chịu đi lao động, thì tên Trường, tay phải vẫn dí chiếc dùi cui vào ngực tôi, tay trái vung lên đấm ngay vào mặt tôi. Nếu lúc đó, tên Trường báo trước cho tôi biết, y sẽ đánh tôi, chắc chắn tôi sẽ đủ khôn ngoan và bình tĩnh đứng yên để chịu đòn. Nhưng vì hành động của tên Trường diễn ra quá đột ngột, nên ngay khi trái đấm tay trái của tên Trường bay tới, theo phản ứng tự nhiên, tôi vội vung tay phải gạt mạnh, đồng thời nắm đấm bên tay trái của tôi bung thẳng vô ngực quản giáo Trường... Nói thì lâu, nhưng sự việc diễn ra lúc đó quá nhanh, và trước khi ý thức được chuyện tày trời mình vừa làm là chuyện gì, thì tôi đã giật mình bàng hoàng khi thấy quản giáo Trường té ngửa ngay trước mặt. Lúc đó, tuy sợ hãi, nhưng sự tức giận khiến tôi mất khôn. Vì vậy, tôi vẫn chỉ thẳng vào mặt quản giáo Trường, miệng hét to và toàn thân run bắn:
- Quản giáo... quản giáo... không được quyền đánh tôi! Tôi có tội cứ đem bắn chết!...
Sau một, hai tích tắc lúng túng, điên khùng, quản giáo Trường vội vã vớ chiếc kèn y vẫn đeo ở cổ, đưa lên miệng thổi liên tục... Những người vệ binh đứng ngoài hàng rào vội vã lên đạn, chĩa súng qua hàng rào rồi ra lệnh cho tôi phải đứng yên, nếu tôi nhúc nhích là bắn!
Tôi đứng yên. Tôi không nhúc nhích. Nhưng miệng tôi vẫn la to:
- Chúng tôi vô đây là để "cải tạo" chứ không phải để quản giáo đánh đập. Quản giáo không được quyền đánh chúng tôi.
Thời đó, tại Quân lao Gò Vấp, vào mỗi buổi sáng từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, đều có cán bộ chấp pháp cộng sản từ phòng quân pháp của bộ tổng tham mưu đến Quân lao Gò vấp để làm việc, lấy khẩu cung, tra khảo tù cải tạo, nên khi xảy ra chuyện, ở phía tay phải của phòng giam A-1 lúc đó đang có mấy tên cán bộ chấp pháp, đeo "xà cột" đi ngang qua. Nghe tiếng tôi la hét ầm ĩ, mấy tên vội đứng lại, nhìn qua hàng rào. Có lẽ nhận ra tình thế lúc đó không thuận lợi cho y phát tác, tên quản giáo Trường vội lồm cồm đứng dậy, xua tay và ra lệnh ngắn gọn:
- "Chúng anh" đi vô phòng.
Tất cả mọi người lặng lẽ vô phòng. Riêng tôi không biết nên đi theo bạn tù, hay đứng lại chờ tên quản giáo Trường ra lệnh. Giữa lúc tôi đang ngần ngừ, tên Trường phẩy tay:
- Đi vô, đi vô...
Vừa nói, miệng y vừa lẩm bẩm điều gì, tôi nghe không rõ.
Ngay khi bước vô trong phòng giam, tôi thấy không khí trong phòng khác hẳn. Mọi người đều yên lặng. Mọi sinh hoạt bình thường của buổi sáng mọi ngày như chơi cờ tướng, trò chuyện, nấu trà... đều ngưng hẳn. Ngoại trừ anh Dzoãn Bình và một số người bạn thân thiết của tôi, còn mọi người đều có vẻ xa lánh tôi. Sau mươi phút bần thần, lo ngại, không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho tôi, anh Dzoãn Bình ái ngại và buồn bã trách tôi:
- Cậu nóng quá... cậu mất khôn rồi...
Tôi im lặng nhận lỗi.
Minh "mã tấu" bước tới, nói bộc tuyệch bộc toạc, khiến tôi càng lo sợ:
- Tao nghĩ sớm muộn gì tụi nó cũng sẽ đem mày ra xử bắn.
Cẩm, một hồi chánh viên, gốc cán bộ tuyên truyền cấp trung đoàn của một đơn vị chính quy Bắc Việt, và là người thuộc rất nhiều thơ của Nguyễn Bính, phân tích mạch lạc hơn:
- Bắn thì không, nhưng "nắn xương nắn cốt" mày thì chắc chắn là phải có. Mày cứ lo chuẩn bị sẵn nửa kí lô hạt mã tiền đi là vừa.
Thìn "rỗ", cũng hồi chánh viên, nhưng vì rất nhỏ con, lại rất khôn ngoan, nên tình nguyện "suốt đời kết cỏ ngậm vành" làm chân điếu đóm cho đại ca Minh "mã tấu", thì có vẻ thức thời hơn:
- Mã tiền mà làm cái gì. Sợ dùng một hạt chưa xong thì đã ngoẻo rồi, lấy đâu mà dùng tới nửa ký. Anh Chí phải biết, tù mà đánh quản giáo là dại dột vô cùng.
Tôi thở dài:
- Điều đó ai mà chả biết. Nhưng nó đánh bất ngờ quá nên tôi mới mất khôn đi đánh lại nó...
Ngay lúc đó, có người gõ cửa tò vò. Thìn "rỗ" vội nhanh chân chạy ra. Thìn "rỗ" và người bên ngoài không biết là ai, cùng trò chuyện một hồi, rồi sau đó, Thìn đóng cửa tò vò, chạy vô, thì thầm báo tin cho mọi người biết:
- Chiều nay, tụi nó sẽ đem anh Chí ra đánh hội đồng.
Mọi người ồ lên, xúc động và lo lắng. Tôi lịm người trong sợ hãi và ân hận. Minh "mã tấu" hỏi Thìn:
- Chiều nay là mấy giờ?
Thìn "rỗ" kính cẩn:
- Thưa anh cả, em nghe nói là sau 4 giờ chiều, khi tụi cán bộ của phòng quân pháp ra về, là chúng sẽ đem anh Chí ra đánh cho nhừ xương.
Cẩm, người được coi là "quân sư" cho Minh "mã tấu", hỏi:
- Mày nói "chúng nó" là gồm mấy người?
- Em chỉ biết là tụi vệ binh chúng nó, nhưng không biết bao nhiêu người.
Minh "mã tấu" gầm gừ:
- Thì vẫn "tiểu đội hành quyết SS" của thằng Trường lùn.
Quản giáo Trường có dưới tay một tiểu đội vệ binh. Tiểu đội này thường hành hạ, đánh đập, nhất là hay đánh hội đồng tù cải tạo, nên được anh em trong tù cải tạo gọi toán đó là "tiểu đội hành quyết SS".
Anh Dzoãn Bình lo lắng hỏi tôi:
- Bây giờ cậu tính thế nào?
Tôi bần thần, đầu óc mụ mẫm, chẳng hiểu anh Dzoãn Bình hỏi vậy là ý gì. Tôi hỏi lại:
- Anh hỏi em tính thế nào là thế nào?
Anh Dzoãn Bình nhìn tôi xót xa, nhưng câu hỏi có vẻ bực mình:
- Thì cậu tính xem, cậu có chịu ra để cho chúng đập cho cậu một trận sống dở chết dở, hay cậu "làm reo" nhất định không chịu ra cho chúng nó đánh.
Nói xong, không chờ tôi trả lời, anh Dzoãn Bình quay sang phía Minh, Cẩm, Thìn, Lợi, Quyền... nói giọng rất thân tình:
- Các anh xem có cách nào để giúp cho Chí khỏi bị chúng đánh hội đồng không?
Xưa nay, tôi biết rất rõ, anh Dzoãn Bình rất ghét những người cộng sản, kể cả những người hồi chánh viên. Lý do, theo anh, một người đã có dính líu tới cộng sản, thì người đó không thể nào đáng tin cậy được. Cũng vì đinh ninh tin tưởng như vậy nên trong tù, sống giữa tất cả những người tù cải tạo gốc hồi chánh viên, anh Dzoãn Bình không hề trò chuyện với ai, ngoại trừ anh Nở, tôi và một người khác, mà lâu ngày tôi đã quên tên. Tuy nhiên, hôm nay vì quá lo ngại tới tính mạng của tôi, nên anh Dzoãn Bình đã thay đổi thái độ, chấp nhận cầu cạnh tất cả những người mà anh ghét.
Cẩm "quân sư" lạnh lùng hỏi, giọng mỉa mai:
- Anh ký giả có mưu kế gì hay nói nghe coi.
Thái độ lạnh lùng, mỉa mai của Cẩm "quân sư" đối với anh Dzoãn Bình cũng vì Cẩm biết rõ thái độ của anh Dzoãn Bình. Cẩm hiểu điều đó, đồng thời Cẩm vẫn cho mình là một người có trình độ và có tài, nổi tiếng mưu lược, nên vẫn coi thái độ cao ngạo của anh Dzoãn Bình là một sự thách đố đối với Cẩm. Tuy nhiên, Cẩm không tiện phát tác với anh Dzoãn Bình, vì Cẩm biết tôi rất quý anh Dzoãn Bình, mà Minh "mã tấu", đại ca của Cẩm, thì lại rất quý tôi vì mê nghe tôi kể chuyện chưởng Kim Dung.
Dĩ nhiên, anh Dzoãn Bình quá hiểu lời nói mỉa mai của Cẩm, nhưng anh vẫn nhẫn nại:
- Tôi có một mưu kế, nhưng chỉ có thể thành công nếu mọi người hậu thuẫn.
Nói đến đó, anh Dzoãn Bình im lặng nhìn mọi người. Tất cả đều im lặng. Tôi biết, từ xưa đến nay, anh Dzoãn Bình khinh bỉ những người gốc cộng sản và anh không hề giấu giếm sự khinh bỉ này, cho dù những người cộng sản đó đã hồi chánh. Vì vậy, những người hồi chánh đó cũng đều rất tức giận anh Dzoãn Bình. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, cả anh Dzoãn Bình và phe Minh "mã tấu" đều không muốn tôi bị đòn, nên cả hai bên đều chấp nhận một sự liên minh tạm thời. Nhưng liên minh như thế nào và liên minh đó có thành công hay không, thì tôi không biết,
Thấy mọi người không nói gì, anh Dzoãn Bình nói tiếp:
- Tôi thấy cách tốt nhất, khi chúng nó gọi cậu Chí ra ngoài thì cậu nhất định không ra. Chúng nó có thể làm áp lực, nhưng nếu tất cả mọi người trong phòng giam này cùng đoàn kết thì chúng không làm gì được.
Cẩm "quân sư" hỏi:
- Chúng nó có vệ binh, có súng đạn, sao anh ký giả bảo chúng không làm gì được?
Anh Dzoãn Bình gật đầu:
- Tôi đồng ý là chúng có vệ binh, có súng đạn. Nhưng chuyện mang tù cải tạo ra đánh, chỉ là "nghề" của quản giáo Trường và "tiểu đội hành quyết SS" của hắn, chứ không phải của ban chỉ huy Quân lao. Tôi nói vậy không phải là ban chỉ huy Quân lao nó nhân đạo gì, mà chỉ vì nó thâm độc, khôn ngoan hơn, không muốn tai tiếng tới bên ngoài. Vì vậy, nếu mình đoàn kết bảo vệ nhau thì chúng sẽ không dám làm to chuyện.
Cẩm "quân sư" lắc đầu:
- Anh ký giả nói vậy là anh chẳng hiểu cái con mẹ gì về cộng sản tụi nó cả. Chuyện cả trăm vệ binh quản giáo ở cái Quân lao này lôi tù cải tạo ra đánh là chuyện cơm bữa. Chúng đánh tù ở ngoài sân banh, trong nhà ăn, trong phòng thẩm vấn, ngoài vườn rau, trong nhà bếp... Nghĩa là chúng đánh tù ở khắp mọi nơi, và có hôm nào mà chẳng có. Tôi nói cho anh ký giả biết chớ, tụi cộng sản trên dưới cùng ác độc như nhau. Càng lên trên thì chúng càng độc ác, càng làm to thì chúng càng dã man. Anh bảo tụi này đoàn kết giúp chuyện gì thì được, chớ "làm reo" không cho quản giáo Trường đánh tù thì quả thực tụi này không dám.
Thâm tâm, tôi rất cảm ơn tấm lòng yêu thương của anh Dzoãn Bình dành cho tôi. Nhìn anh, miệng đã móm, nay hàm răng giả đã mất, nên càng thêm móm, tôi rưng rưng muốn khóc. Nhưng tôi phải thú thực, kế hoạch "tù đoàn kết làm reo để bảo vệ tôi" là không thiết thực chút nào. Thứ nhất, bảo tất cả những người tù liều chết chống lại quản giáo Trường để cứu tôi là chuyện không thể được. Thứ hai, với sự tàn nhẫn, ác độc của người cộng sản, làm sao chúng có thể thản nhiên khoanh chấp nhận hơn một trăm người tù chống lại chúng? Hơn nữa, lúc đó, tôi và anh Dzoãn Bình đang chờ đợi ngày không xa sẽ vượt ngục trở về với tự do, thì dại gì, tôi phải "ngoan cố" chống lại chúng.
Thìn "rỗ" phá tan sự im lặng bế tắc bằng một câu nói tôi nghe thấy rất thiết thực, nhưng cũng thật ghê rợn:
- Em thấy tốt nhất là chúng ta nên khuyên anh Chí trưa nay đừng có ăn "cơm". Vì ăn vô mà bị tụi vệ binh chúng nó đánh hội đồng thì chỉ có chết vì vỡ dạ dầy thôi....
(Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 6/13/2007 07:21:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Liên Kết

BLOGGER

Bạn là người thứ  

Ghé Thăm LMVS