Liên Mạng Việt San

[ Trang SaiGon Times]

[ Trang Liên Mạng]

[ Thời Sự VN ]

[ Bình Luận ]

[ Văn Học và Lịch Sử­]

[ Vườn Thơ ]

[ Radio/TV Online ]

Bài Đã Đăng

Trang Bài Cũ

Mục Thư Cũ

Chinh t hức thành lập ngày28/12/2005 Copy Right by Nhất Thanh

Mọi bài vỡ xin đóng góp và gửi vể Liên Mạng Việt San lienmang_vietsan@yahoo.com 

 

Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 28)

Bài Viết Đăng Nhập vào: Sunday, October 08, 2006

<< Trở Lại Trang Đầu

- Hữu Nguyên -

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Buổi chiều hôm đó, trong ánh sáng chập choạng của hoàng hôn, đứng trong khói thuốc, hít mùi thuốc lào đậm đặc trong không khí, tôi bỗng nhớ thầy tôi vô cùng.... Hình ảnh của hững năm tháng xa xưa, những lúc mùa đông gió rét, lạnh lẽo căm căm, tôi được ngồi hóng chuyện bên cạnh chiếc điếu ống, có chiếc cần cong vút lại hiện về. Chiếc điếu ông ngày đó là dấu ấn cuối cùng đánh thức một thuở vàng son quá khứ để những người như thầy tôi tưởng nhớ, hoài niệm. Trong những ngày tháng đó, mỗi khi có khách, anh của tôi vẫn không chịu cho thầy tôi mang chiếc điếu ống ra ngoài nhà hút, vì sợ khách biết đến những "dấu vết phong kiến" còn tồn đọng trong nhà, ảnh hưởng đến việc "phấn đấu" của ảnh. Nhưng đối với những vị khách của thầy tôi như ông đồ Tường, ông lang An, thì chiếc điếu ống luôn luôn là một kỷ vật gợi nhớ rất nhiều kỷ niệm cho cả chủ lẫn khách. Những ngày tháng đó, mỗi khi thấy thầy tôi hút thuốc lào, là tôi vội chạy lại hít khói thuốc, mặc cho ông cụ rầy la. Cuộc sống ở Miền Bắc thời ấy, thiếu thốn trăm bề, ngay cả thuốc lào cũng không có đủ cho thầy tôi hút. Tôi nhớ có nhiều ngày, không có thuốc, thầy tôi chỉ ngậm chiếc tẩu không, như thói quen của một người nghiền, cho đỡ nhớ, đỡ thèm. Sau này, đọc hồi ký Bạn Tù Sơn La của nhà văn Phan Lạc Phúc, đến đoạn ông mô tả cảnh thèm thuốc lào, điếu thuốc lào là một cái đích để người tù vươn tới, rồi có những người tù chế "thuốc lào ngải cứu" hút đến chảy máu mũi ròng ròng.... tôi rất xúc động, rưng rưng nước mắt. Nhưng người tù trong hồi ký của nhà văn Phan Lạc Phúc dù nghiện thuốc lào, thèm thuốc, không có thuốc, vẫn còn được tự do tìm đủ mọi cách xoay xở để giải quyết cơn nghiện của riêng mình. Còn thầy tôi trong những ngày tháng thiếu thốn đó, phải một mình cáng đáng mẹ già trên 90 tuổi, con thơ mới 5, 7 tuổi, trong hoàn cảnh của một người bị quy tội "địa chủ", không những hàng xóm láng giềng xa lánh, mà ngay cả người thân cũng lánh xa, thì nếu thầy tôi có đi chợ bán thuốc, kiếm được một vài hào bạc, thầy tôi cũng chỉ nghĩ đến chuyện mua khoai, mua gạo, nấu cho mẹ, cho con ăn cho đỡ đói, chứ đâu có thể "xa xỉ" mà nghĩ đến chuyện mua thuốc lào thỏa mãn cơn nghiện...

*

Người đàn ông ngước mặt lên trời nhả khói một cách say sưa, như quên hẳn ba đứa chúng tôi. Thấy người đàn ông say sưa, lại có bộ điệu ngang tàng, lạ lùng, nên dù người đàn ông chưa chịu trả hộp quẹt Zippo, Dưỡng cũng không tiện hỏi và chúng tôi cũng không ai dục. Bỗng nhiên người đàn ông hỏi trống, mặt vẫn ngửa lên trời:
- Trong Nam ra phải không?
Chúng tôi giật mình, ngạc nhiên nhìn nhau, nhưng không ai trả lời. Sau một thoáng im lặng, người đàn ông tiếp:
- Tàu suốt từ Vinh ra Hà Nội phải đến trưa mai mới có. Chờ tàu ở ga buồn thấy mẹ. Nếu rảnh thì kéo về nhà tớ chơi.
Tôi đưa mắt nhìn Bình và Dưỡng. Trong một thoáng trao đổi, tôi biết Bình và Dưỡng có vẻ ngại ngùng. Riêng tôi, không hiểu sao, chỉ ngửi mùi thuốc lào, và nhìn phong dáng của người đàn ông, tôi thấy thân thiết và tin tưởng ông nhiều lắm, nên tôi nhìn Bình và Dưỡng gật đầu, tỏ dấu đồng ý. Người đàn ông giáng thêm một câu khiến Bình và Dưỡng thuận theo ý của tôi:
- Ngủ ngoài ga công an thành phố hay hỏi giấy tờ phiền phức lôi thôi lắm...
Nói đến đó, người đàn ông ném chiếc quẹt cho Dưỡng, rồi xoay lưng bước đi, sau khi nói ba chữ gọn lọn:
- Tớ tên Quy...
Tôi quay sang Bình và Dưỡng hỏi:
- Sao, đi theo lão hay ra ga?
Bình, Dưỡng ngần ngừ một chút, rồi Bình gật đầu:
- Theo thì theo, sợ quái thằng nào.
Cả ba chúng tôi rảo cẳng đi kịp ông Quy. So về tuổi tác, lúc đó cả ba chúng tôi chỉ đáng tuổi con ông ta. Nhưng thấy vóc dáng lè phè, ăn mặc lôi thôi, và lối xử thế lạ lùng, vừa ngang tàng bất cần đời, lại vừa có vẻ thân mật kiểu "mày tao", nên chúng tôi không biết gọi ông như thế nào. Hình như ông Quy cũng đoán biết được điều đó, nên nói ngay, và vẫn nói trống:
- Cứ gọi tớ là Quy. Lính cả mà.
Khác hẳn lúc trước ít nói, suốt đoạn đường từ đó về gần đến nhà, ông Quy nói chuyện huyên thuyên đủ thứ. Thì ra, đúng như tôi đoán, ông là người thiểu số, nhưng lâu ngày tôi không nhớ ông là người Thượng hay người Nùng. Gia đình ông trước sống ở Lào rất giầu có, có buôn rẫy nhà rông rất to. Ông sinh ra và lớn lên ở đó, nhưng vẫn thường xuyên qua đèo Lao Bảo sang Việt Nam buôn bán. Sau này, bố mẹ ông ngây thơ nghe mấy người Thái cộng sản ở vùng bắc Thái Lan dụ dỗ về Việt Nam "xây dựng đất nước", nên bán tất cả của cải rồi hồi hương. Chỉ mấy tháng sau đó, gia đình ông tỉnh ngộ thì đã muộn màng. Trong những năm máy bay Mỹ ném bom Miền Bắc, bố mẹ ông bị trúng bom chết trong khi tải đạn cho một đơn vị phòng không ở chân cầu Hàm Rồng. Ông có hai người anh, một "hy sinh" tại chiến trường Lào, một mất tích ở chiến trường Miền Nam đã 5, 6 năm, vẫn không nhận được tin tức gì. Ông còn có một người em gái, mới 16 tuổi đã "tình nguyện" đi "thanh niên xung phong", vì ở nhà "nó nhớ bố mẹ quá chịu không nổi, rồi nó cũng..." Nói đến đó, giọng ông xúc động, đẫm nước mắt... Ông nói cố thêm mấy tiếng, tôi nghe không rõ, chỉ nghe được có hai chữ "hy sinh"... Từ đó cho đến khi về đến nhà, ông im lặng không nói. Chúng tôi cũng không ai hỏi. Đi đằng sau ông, tôi thấy ông cúi đầu, hai vai run run. Thỉnh thoảng, ông lại hỉ mũi... Chắc ông xúc động lắm, đau lòng lắm,... tôi nghĩ.
Sau "vài tầm dao", nguyên văn tiếng gọi của ông, chúng tôi tới nhà ông. Ông giải thích, mỗi "tầm dao" là một đoạn đường tay cầm dao thấy mỏi, chuyển sang tay kia. Tôi ước lượng từ ga đến nhà ông đi mất hơn một tiếng, dài khoảng 5 cây số. Tốâi đó, trăng sáng như ban ngày, nên vạn vật tôi nhìn thấy rất rõ. Nói là nhà, thực ra đó là một túp lều, lợp bằng tranh, làm bằng tre, nứa gỗ lấy từ rừng, chung quanh có đắp những tảng đá. Ngay cạnh nhà là một chiếc hầm trú ẩn hình chữ A, vài hố trú ẩn cá nhân, một đoạn giao thông hào chạy ngoằn nghèo hướng về phía ngọn đồi xa xa. Phía bên trái căn nhà có năm nấm mồ tuy sơ sài cùng cây cỏ, nhưng chắc chắn vì nấm mồ nào cũng được đắp kín bằng những tấm đá đẽo vuông vắn.
Chỉ mấy nấm mộ, ông Quy nói:
- Đó, mộ bố mẹ tôi, hai ông anh và con em gái tôi đó. Mất tích mà đến giờ này không được tin tức gì thì cũng phải có ngôi mộ để vong linh đỡ tủi...
Cạnh mấy nấm mộ là những bụi chuối xúm xuê. Riêng nấm mộ cuối cùng được bao bọc kín bằng hoa mười giờ. Tôi đoán, đó là mộ em gái ông. Đang tính hỏi, thì ông nói ngay:
- Em tôi nó thích hoa mười giờ. Đi đâu cũng phải có một bông cài lên tóc. Sau nó chết đúng 10 giờ sáng. Nói không ai tin, nhưng hàng xóm láng giềng ở đây ai cũng biết. Mà nó linh lắm, nó vẫn hiện về gặp tôi hoài đó, mấy anh tin không?
Chỉ về phía ngọn đồi ở xa xa, nơi giao thông hào hướng tới, ông Quy nói:
- Ngọn đồi đó trước là của một đơn vị bộ đội tên lửa phòng không. Chung quanh là những ụ cao xạ. Chỉ có ụ tên lửa là có bộ đội thôi. Còn mấy ụ cao xạ là toàn người trong làng. Phụ nữ, bô lão, thanh niên nam nữ, rồi cả thiếu nhi nữa, tất cả đều phải chạy ra đó "chống Mỹ" mỗi khi có kẻng báo động. Cho có tinh thần vậy mà. Chết một đống còn hơn sống một mống...
Trong nhà không có bàn ghế gì. Chỉ có một chiếc chõng tre nằm gọn một góc. Chung quanh nhà được ghép bằng những tấm gồ xù sì, được xẻ từ cây rừng, không bào gọt, đục đẽo. Cửa chính là một tấm phên nứa. được chống lên bằng một khúc tre. Trên tường gỗ có dán một tấm giấy to bằng tờ báo Nhân Dân. Tấm giấy đã ố vàng, nhưng tôi vẫn còn đọc thấy rõ hàng chữ in lớn trên đầu tờ giấy "Một số hiểu biết thông thường về phòng không nhân dân". Phía dưới dòng chữ là những hình ảnh hai chiều đơn giản hai loại máy bay Mỹ, một số loại bom thông thường, và những chỉ dẫn cách thức dùng súng các loại, bắn máy bay Mỹ vào những điểm yếu... Bên cạnh bức tranh, trên những tấm gỗ là những bức vẽ bằng phấn hình hai chiếc máy bay đang bay, và đường đạn bắn từ dưới lên, trúng ngay bụng một chiếc phi cơ, làm cho nó bốc cháy. Ở góc nhà, có một chiếc kệ bằng tre, trên đặt một chiếc máy bay Mig bằng nhôm nhỏ, dài hơn một gang tay.
Sau này, Quy kể cho chúng tôi biết, đó là vật kỷ niệm cuối cùng của người em gái Quy. Chiếc máy bay đó là của một người bộ đội ở đơn vị tên lửa trên đồi tặng cho em gái Quy trước khi anh ta chết. Mai (tên em gái Quy) khi lên đường đi thanh niên xung phong đã gửi chiếc máy bay đó lại cho Quy. Tuy có rất muốn mang kỷ vật của người bộ đội theo bên mình, nhưng vì sợ mất, nên cô đã gửi lại cho người anh với lời dặn dò, nếu cô còn sống trở về thì thôi, còn nếu cô chết thì phải chôn chiếc máy bay đó cùng với thân xác của cô...
Kể đến đó, ông Quy run run nói:
- Biết là nó đã chết, nhưng tôi không có xác nó mà chôn cùng, nên đành phải để chiếc máy bay đó mà chờ... Chờ đã hơn 7 năm rồi...
(Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 10/08/2006 05:22:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Liên Kết

BLOGGER

Bạn là người thứ  

Ghé Thăm LMVS