Hồi Ký: Tôi Tìm Tự Do (kỳ 79)

Bài Viết Đăng Nhập vào: Tuesday, November 13, 2007

<< Trở Lại Trang Đầu

Hữu Nguyên

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.


*

(Tiếp theo...)

Ngay ngày hôm sau, theo địa chỉ của anh H cho, tôi tìm đến nhà của anh Z vào lúc 10 giờ sáng. Đó là căn nhà một tầng, bằng gạch, xây cất theo lối Hà Nội cổ, cánh cửa gỗ nặng nề, bụi bặm bám đầy, trông tựa nhà hoang. Sau giây phút ngần ngừ, tôi bấm chuông. Lắng nghe một hồi không thấy động tĩnh gì kể cả tiếng chuông cũng không thấy, tôi bấm chuông hai ba lần nữa, vẫn im lìm. Đang tính bỏ đi, bỗng nhiên có tiếng đàn ông, ngay sau cánh cửa, hỏi nhỏ nhưng rõ ràng, oai vệ:
- Ai đó?
Tôi lễ phép:
- Thưa tôi là bạn của anh H, được anh bảo đến đây tìm anh Z...
Một thoáng im lặng, rồi tiếng người đàn ông:
- Ở đây không có ai là "anh Z", chỉ có "lão Z" thôi.
Tôi sực nhớ ra lời dặn của anh H, vội nói:
- Dạ đúng, anh H dặn tôi đến tìm "lão Z". Tôi nói lộn...
Cánh cửa gỗ dầy bằng lim đen từ từ mở, tiếng bản lề rít lên khô khan, có vẻ như lâu lắm nó chưa đón người khách nào.
Trước mặt tôi là một cụ già tuổi khoảng bảy tám chục, da hồng hào, râu tóc bạc như cước, chòm râu dài đến ngực. Mới thấy cụ, tôi đã đem lòng kính ngưỡng, vội cúi đầu kính cẩn:
- Con chào cụ. Cụ tha lỗi, con nghe tiếng nên không biết...
Cụ cười phúc hậu:
- Tôi là ông nội của "lão Z". Mời anh vô đi... Theo tôi, theo tôi...
Dứt lời, cụ quay lưng bước đi với vẻ tráng kiện, nhanh nhẹn. Tôi đi theo cụ qua một phòng khách nhỏ, kế đến là sân lát gạch bát tràng màu gan gà, rồi tới phòng khách thứ hai rộng hơn, đầy đủ tiện nghi hơn. Cụ mời tôi ngồi xuống chiếc tràng kỷ bằng gỗ. Nhìn chung quanh, tôi thấy cách trang trí đậm đà màu sắc nhà cổ Hà Nội. Tất cả mọi vật trong phòng đều làm bằng gỗ lim đậm. Từ kèo cột, nóc nhà đến sàn nhà; từ bức hoành phi, hai câu đối, đến các bức tranh, bàn ghế,... tất cả đều bằng gỗ.
Cụ pha nước trà cho tôi uống rồi ân cần hỏi chuyện. Tôi cũng thành thật đem chuyện tôi gặp H ở Nam Định trong hoàn cảnh nào, H biết tôi dùng tên giả ra sao, dặn dò tôi tới "lão Z" để được giúp đỡ như thế nào,... nhất nhất thuật lại cho cụ nghe.
Nghe xong chuyện, cụ vuốt râu cười ha hả rồi sảng khoái nói:
- Anh thật thà với tôi như vậy tôi rất cảm động. Tôi cũng chẳng cần biết vì sao anh phải dùng tên giả. Thời buổi này, tri kỷ tri bỉ với nhau vậy là đủ, phải không anh? Còn tôi, chẳng nói giấu gì anh, "lão Z" là cháu nội của tôi. Tôi người gốc Lộc Bình, Lạng Sơn, sống bằng nghề buôn trâu được mấy đời rồi. Từ thời Pháp lận. Ngày đó thì khấm khá lắm. Con trâu là đầu cơ nghiệp mà anh. Các cụ mình đã chẳng nói, "Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà. Cả ba việc ấy ắt là khó thay"... Con trâu nó to tát như vậy nên các cụ nhà mình mới nói là "tậu", nó cũng giống như tậu nhà, tậu ruộng vậy mà. Buôn trâu nhờ vậy nó mới phất dễ. Nhưng sau này thì khốn khó đủ đầu. Mà sau này khốn khó đâu chỉ có nghề buôn trâu đâu, cái thời quỷ ngự trị thế gian này thì anh biết rồi đó, có nghề nào được sống cho ra hồn đâu... Anh ngồi chơi uống nước đi... "lão Z" cũng sắp về bây giờ rồi...
Quả nhiên, tôi ngồi nói chuyện với cụ được một lúc thì "lão Z" về. Thoạt trông, tôi hiểu ngay tại sao anh có tên "lão Z". Thì ra gương mặt của anh tuy còn rất trẻ, chỉ mới khoảng trên dưới 30, nhưng mái tóc của anh bạc trắng. Anh có thân hình cao to, lưng hơi khòng, bước đi vòng kiềng, mắt lồi, lông mày xếch, ngoại trừ có miệng rộng và mũi to hình trái mật, chứng tỏ là người đởm lược giống ông nội, còn thì bề ngoài anh trông khác hẳn ông nội.
Sau khi nghe tôi kể đầu đuôi câu chuyện đã gặp H và toan tính vượt biên qua biên giới Việt Trung của tôi, "lão Z" trầm ngâm một lúc, rồi nói:
- Chuyện vượt biên sang Trung Quốc đối với tụi tôi thì không có khó, vì dân buôn trâu chúng tôi thông thuộc đường lối, đi về bên đó như cơm bữa, muốn đi lúc nào chả được, mà muốn qua chỗ nào cũng dễ. Thời đó bảo đưa anh qua biên giới thì dễ như trở bàn tay. Nhưng đó là ngày xưa. Còn kể từ khi nhà nước ta có chính sách chống Trung Cộng bá quyền khu vực, thì tình hình dọc theo biên giới hai nước rất là căng thẳng, lúc nào cũng như sắp đánh nhau to. Hầu hết các làng xóm, thị trấn dọc theo biên giới bây giờ đều được lệnh "tiêu thổ" chuẩn bị chiến tranh chống quân Tàu xâm lăng, nên tất cả những "chốt" của tụi này đều chẳng còn...
Tôi băn khoăn hỏi:
- Theo anh thì liệu quân Tàu có xâm lăng mình không?
- Thì hai nước chửi nhau còn hơn kẻ thù. Cứ nghe đài phát thanh, nhà nước mình chửi tụi Tàu cộng bây giờ còn gấp mấy chửi Mỹ ngày xưa. Mà tụi Tàu thì người đông, gạo thóc không đủ ăn, nên chúng đang muốn xua quân dùng chiến thuật biển người xâm lăng mình để nướng quân mà anh. Thiệt tình, bây giờ thì chả còn "môi hở răng lạnh" mà cũng hết cả "núi liền núi, sông liền sông, chung một tiếng gà gáy cùng"... Đúng là nghĩa tình sớm nắng chiều mưa.
- Anh nghĩ bao giờ thì Trung Cộng xâm lăng.
- Chuyện đó làm sao tôi biết được. Nhưng nếu anh muốn vượt biên sang Trung Cộng thì phải đi càng sớm càng tốt. Bây giờ Trung Cộng còn cho người Hoa về nước, thì tốt nhất anh cứ đóng giả người Hoa, trà trộn về nước với họ, qua ngả Lạng Sơn hoặc Móng Cái. Chứ chờ đến sau khi hai nước đánh nhau thì chẳng còn có cơ hội nào nữa đâu.
Ngưng một chút suy tư, anh nói tiếp:
- Theo tôi thì tốt nhất bây giờ anh nên trà trộn với người Hoa, đi tàu chợ đến Lạng Sơn, rồi từ Lạng Sơn anh đi gặp ông MN là "chốt" của tôi ở đó. Ông ta sẽ chỉ dẫn cho anh cách qua biên giới an toàn.
- Còn ngả Móng Cái đi có dễ không?
- Ngả Móng Cái thì gian nan lắm. Đi ngả này chỉ có thể đi xe lửa từ Hà Nội đi Hải Phòng. Còn từ Hải Phòng đi Móng Cái toàn đường lộ, phải đi xe hơi. Mà đi xe hơi thì dễ bị công an xét hỏi giấy tờ lôi thôi, rất nguy hiểm. Nhất là từ vùng Đam Hiền, Đại Điền lên đến Yên mô, Long Kiềng, Móng Cái, bây giờ toàn bộ đội, công an không à. Dân ở vùng này chỉ còn loáng thoáng thôi. Anh vô đó bây giờ là anh có cảm tưởng như vô doanh trại bộ đội vậy đó.
- Nếu đi xe sợ bị xét giấy tờ lôi thôi, anh nghĩ tôi có thể đi bộ từ Hải Phòng đến Móng Cái được không?
Lão Z trợn mắt nhìn tôi:
- Bộ anh điên hả? Từ Hải Phòng đến Móng Cái cả mấy trăm cây số, đi bộ làm sao được. Nhất là thời tiết này đang sắp bước vào mùa đông, lãnh lẽo vô cùng... Tốt nhất anh cứ nghe tôi đi đến Lạng Sơn, rồi sẽ có người nhà của tôi giúp đỡ cho anh qua biên giới. Mà anh phải lo liệu nhanh nhanh mấy được... Thêm ngày nào là khó khăn thêm ngày ấy.
Sau một phút suy nghĩ, tôi nhớ đến người bạn tù, quê ở Hải Phòng. Tuy anh này vẫn còn ở trong tù, nhưng tôi vẫn nhớ địa chỉ của gia đình anh. Tôi biết, sau khi tôi trốn tù, nhà cầm quyền địa phương chắc chắn chỉ theo dõi gia đình của tôi. Còn đối với gia đình của các bạn tù, thì họ sẽ không để ý. Vì vậy, nếu tôi thận trọng, tôi có thể đến nhà của anh M để nhờ vả. Biết đâu, gia đình anh chẳng giúp tôi vượt biên theo ngả Móng Cái? Nghĩ vậy, tôi hỏi thêm "lão Z":
- Nếu đi ngả Lạng Sơn không trót lọt, tôi sẽ trở lại Hà Nội đi ngả Móng Cái, có được không?
"Lão Z" gật đầu:
- Được chứ sao không. Khi đó, tôi sẽ gửi anh cho một người bạn ở Hải Phòng. Anh chàng này là dân giang hồ thứ thiệt, chì khỏi chê.
Tôi mừng rỡ, hỏi anh:
- Vậy anh có thể cho tôi luôn tên và địa chỉ của anh ta được không? Lỡ có chuyện gì, đi Lạng sơn không thành thì tôi sẽ đáp xe lửa đi thẳng Hải Phòng, khỏi đến đây làm phiền anh...
"Lão Z" lắc đầu:
- Chuyện đó để sau tính. Bây giờ anh đi đường Lạng Sơn thì cứ biết đường Lạng Sơn. Khi nào không thành, anh về đây đi đường Móng Cái thì lúc đó hãy hay...
Sau đó "lão Z" cho tôi tên và địa chỉ người thân ở Lạng Sơn, nhưng bắt tôi học thuộc lòng ngay tại chỗ, chứ không cho tôi ghi chép. Sự cẩn thận của anh, chứng tỏ anh là người rất từng trải.
Khoảng hạ tuần tháng 8 năm 1978, tôi đáp tàu chợ đi Lạng Sơn. Trên tàu, hầu hết hành khách là người Việt gốc Hoa. Những người Hoa từ Miền Nam thì đa số nói tiếng Hoa. Còn người Hoa từ Miền Bắc thì lại nói tiếng Hoa rất ít, vì chính sách đồng hoá bắt học đọc, học nói, học viết tiếng Việt, của nhà cầm quyền Hà Nội trong suốt mấy chục năm kể từ khi CS chiếm đóng Miền Bắc. Trên suốt chặng đường từ Hà Nội đi Lạng Sơn, tôi được người Hoa ở Miền Bắc kể lể không biết bao nhiêu chuyện công an, bộ đội cộng sản Việt Nam tàn ác, cướp bóc của cải, phá phách nhà cửa, tiệm buôn... của người Hoa. Có nhiều chuyện nghe thật thê thảm, không biết bao hàng xóm láng giềng Hoa Việt, suốt bao nhiêu thế hệ sống có tình có nghĩa, sớm lửa tối đèn có nhau, bỗng nhiên bị hâm nóng bởi ngọn lửa tuyên truyền của CS, bỗng một sớm một chiều trở thành thù nghịch, tìm mọi cách để giết hại nhau.
Dọc đường từ Hà Nội đi Lạng Sơn, tôi cũng chứng kiến hàng đoàn xe quân sự chở đầy bộ đội, tiến về phía bắc. Ngoài ra, xe tăng, đại pháo và những đoàn bộ đội, trang bị đầy đủ súng ống, cũng lũ lượt đổ về phương bắc.
Tôi đến được ga Đồng Đăng vào chiều tối Thứ Bảy cuối tháng 8. Tôi không nhớ chính xác đó là ngày nào, nhưng tối hôm đó trời mưa phùn và rất lạnh. Ga Đồng Đăng là ga đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam trên tuyến đường từ Trung Quốc sang Việt Nam. Cả sân ga lúc đó ồn ào, náo loạn, hệt như một nhà ga trong chiến tranh. Thêm vào đó, những chiếc loa trên sân ga ầm ĩ phát thanh những bài chửi bới Trung Cộng thật thậm tệ.
Một điều vượt khỏi trí tưởng tượng của tôi, toàn bộ nhà ga Đồng Đăng lúc đó có đầy bộ đội, công an biên phòng và các lực lượng dân quân du kích. Tất cả những người Hoa từ trên tàu bước xuống đều bị đám công an và bộ đội biên phòng dồn vào một góc sân ga. Tiếng kêu hét, tiếng gọi nhau, tiếng khóc la, ầm ĩ, huyên náo cả một góc trời...
Một người công an mặc áo bốn túi, không đeo quân hàm, không đội mũ, cầm một chiếc loa bằng sắt tây, nói lớn bằng tiếng Việt. Một người công an khác đứng cạnh, cầm một chiếc loa khác, nhắc lại những lời của người công an kia, bằng tiếng Quảng và tiếng Quan Thoại. Đại ý, người công an báo cho mọi người biết, chính quyền Trung Cộng đã quyết định đóng cửa biên giới, không chịu cho người Hoa về nước, bất kể họ có chiếu khán nhập cảnh do toà đại sứ hay lãnh sự của Trung Cộng tại Việt Nam cấp hay không. Vì vậy, tất cả mọi người phải chấp hành nghiêm chỉnh lệnh cư trú tạm thời ở trong nhà ga, trường học, và những căn nhà hoang quanh ga Đồng Đăng. Để bảo vệ an ninh và tính mạng của mọi người, không một ai được phép qua ải Chi Lăng cũng như qua biên giới. Bất cứ ai bất tuân lệnh sẽ bị lực lượng biên phòng "xử lý" tại chỗ.
Sau khi viên công an nói tiếng Hoa dứt lời, mọi người xôn xao bàn tán. Tiếng la ó, chửi bới, khóc than càng thêm ầm ĩ. Tôi nghe tin cũng thấy chán nản, nhưng không đến nỗi tuyệt vọng. Vì phương án vượt biên giới của tôi ngoài cách trà trộn với người Hoa, còn có cách nhờ ông MN, một trong những "chốt" buôn trâu của "lão Z". Yên tâm với phương cách này, tôi lặng lẽ kiếm một góc kín đáo trong nhà ga, nằm ngủ, với ý định sẽ tìm gặp MN vào ngày mai... (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 11/13/2007 04:05:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Liên Kết

BLOGGER

Bạn là người thứ  

Ghé Thăm LMVS