Hồi Ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 78)

Bài Viết Đăng Nhập vào: Tuesday, November 06, 2007

<< Trở Lại Trang Đầu

Hữu Nguyên

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.


*

(Tiếp theo...)

Mùa thu năm 1978, tôi an toàn trở lại Hà Nội, sau thời gian hơn 3 năm xa cách. Lần trước, trở lại Hà Nội vào đầu tháng 5 năm 1975, lúc đó tôi vẫn đinh ninh thầy của tôi còn sống. Không ngờ thầy tôi đã mất trước đó một năm. Lần này trở lại Hà Nội, tôi chỉ còn có Mẹ, người thân yêu nhất của tôi, và cũng là người đã chịu đựng không biết bao nhiêu đau khổ vì tôi. Với thân phận của một thằng tù vượt ngục, đang bị truy lùng ráo riết và có thể bị bắt lại bất cứ lúc nào, tiền bạc lại không có, tôi biết, khi gặp lại tôi, Mẹ lại khóc. Biết vậy, nhưng ngoài Mẹ, tôi đâu biết nương tựa vào ai?
Để an toàn, tôi lang thang suốt cả buổi chiều hết khu công viên quanh hồ Bảy Mẫu đến hồ Ba Mẫu chờ đến tối mới dám về nhà Mẹ. Sau khi đi qua đi lại nhà Mẹ hai ba lần, thấy yên tĩnh tôi mới mở cổng thật nhẹ nhàng. Đi qua cửa sổ có rèm cửa, thấy đèn bên trong còn sáng, tôi nhìn vô, nhưng không thấy ai. Bước tới mấy bước, đến trước cửa, tôi gõ cửa thật nhẹ, theo đúng ám hiệu hai nhanh, một chậm, mà Mẹ tôi đã dặn ngày xưa. Vẫn không thấy tiếng trả lời, tôi gõ mạnh hơn. Cũng không có tiếng trả lời. Nhìn qua khe cửa, tôi thấy ngọn đèn điện vàng khè, tỏa ánh sáng yếu ớt trong căn nhà yên tĩnh, không một bóng người. Tôi đoán, có lẽ Mẹ tôi đi sang hàng xóm một chút rồi về, nên Mẹ tôi vẫn để đèn.
Với tay lên hốc cửa bên trên cửa, tôi sờ thấy ngay chiếc chìa khóa cửa. Như vậy là trong suốt bao nhiêu năm qua, Mẹ của tôi vẫn để chiếc chìa khóa cửa ở đó, trong niềm hy vọng, chờ đợi tôi và tin tưởng một ngày không xa, tôi sẽ về.
Tôi lấy chìa khóa, mở cửa, bước vô nhà, rồi khép cánh cửa lại. Nhìn đồ đạc trong nhà, tôi rưng rưng lệ. Vẫn những đồ đạc đơn sơ, mộc mạc, biểu hiện cuộc sống vô cùng nghèo khổ của Mẹ tôi.
Đói bụng, tôi vội lục nồi niêu xoong chảo nhưng không thấy một thứ gì có thể ăn được, tôi đành phải lấy gạo thổi cơm. Vừa đặt nồi cơm lên bếp, tôi nghe tiếng Mẹ tôi hỏi vọng từ ngoài cửa:
- Chí đó phải không?
Nghe tiếng Mẹ hỏi, tôi mừng quá, luống cuống thế nào làm đổ ụp cả nồi cơm còn đầy nước xuống bếp làm cho khói, bụi bốc lên mù mịt. Để mặc mọi thứ đó, tôi vội vàng chạy ra mở cửa. Mẹ tôi đứng đó run run, một tay Mẹ chống gậy, một tay cầm bó rau, không biết là rau gì. Tôi giật mình, vì trước đó, tôi chưa trông thấy Mẹ tôi chống gậy bao giờ.
Mẹ tôi thều thào:
- Đi về thấy cửa mở, Mẹ đoán ngay con đã về...
Tôi vội vàng dìu Mẹ vô nhà, rồi tiện tay, tôi đóng vội cánh cửa. Thấy bộ điệu vội vàng của tôi, Mẹ hiểu ngay, liền run run hỏi:
- Mày lại trốn tù nữa hả con?...
Tôi lúng túng, không biết nói sao. Mẹ tôi thở dài, ngồi phịch xuống giường. Tôi quỳ xuống đất, gục đầu vào lòng Mẹ, không nói, nhưng trong lòng tôi muôn phần đau đớn. Mẹ tôi đưa tay xoa đầu tôi, rồi nói trong tiếng khóc xụt xịt...
- Sao con về... mà khổ sở... thế này hở trời?...
Trong nỗi lo lắng, xót xa, buồn phiền của Mẹ, tôi thấy nát tan cả cõi lòng. Xụt xịt một hồi, Mẹ hỏi:
- Bây giờ con định thế nào?
Tôi ngước cặp mắt đẫm lệ nhìn Mẹ. Mẹ tôi vừa khóc vừa lau nước mắt cho tôi. Thấy Mẹ quá đau khổ, tôi vội trấn an:
- Mẹ yên tâm, con về với Mẹ trong vài ngày rồi con sẽ gặp anh bạn, anh sẽ lo cho con mọi chuyện để con đi thật an toàn.
Mẹ tôi không tin:
- Bạn của con? Bạn nào mà tốt vậy con?
Tôi nói dối cho Mẹ yên lòng:
- Anh ta tên là Hùng, bạn tù chung với con. Anh ra tù trước. Còn con, trốn ra sau.
Mẹ tôi vẫn nghi ngờ:
- Mà anh ta hiện ở đâu?
Tôi tiếp tục nói dối:
- Dạ, anh ấy hiện đang ở Lạng Sơn, gần sát biên giới Việt Trung. Chúng con định trốn sang Trung Cộng theo ngả Lạng Sơn...
Mẹ tôi run rẩy:
- Con sang Trung Cộng làm sao được. Hai nước sắp đánh nhau đến nơi rồi. Con sang đấy họ sẽ giết con mất.
Tôi chậm rãi, và thì thầm giải thích:
- Thưa Mẹ, con là tù vượt ngục, đang bị nhà cầm quyền Việt Nam truy lùng. Nếu con đến được Trung Quốc, ở đó họ sẽ không giết con đâu. Hai nước đang thù nghịch, nếu con chứng minh được con là nạn nhân của CSVN, thì Trung Quốc họ còn giúp đỡ con nữa.
Mẹ tôi băn khoăn:
- Nhưng làm sao con có thể chứng minh được? Mà con đâu có biết nói tiếng Hoa?
Tôi cười vui vẻ để Mẹ an tâm:
- Mẹ ạ, con không biết nói tiếng Hoa, nhưng ở vùng biên giới tiếp giáp Lạng Sơn, Móng Cái, Trung Cộng đang tiếp nhận mấy trăm ngàn người Hoa về nước, thì lúc nào họ chả có người Hoa biết nói tiếng Việt. Còn chuyện chứng minh con là nạn nhân của cộng sản thì đâu có khó, vì tất cả những chuyện đó đều là sự thật. Vả lại, gia đình mình có đông thân nhân ở ngoại quốc, rồi còn bạn bè của con nữa. Con sẽ liên lạc với tất cả những người đó, để họ chứng minh những gì con nói là đúng sự thật, con là nạn nhân của CSVN.
Tối hôm đó, hai Mẹ con chúng tôi tâm sự đến khuya trong niềm vui đoàn tụ lẫn nỗi buồn sắp chia ly. Thao thức trằn trọc không ngủ, tôi nhớ lại ngày xưa còn bé, có lần được ghé vùng biển Hải Hậu, Nam Định, nhìn những cánh buồm ở chân trời, tôi khao khát được đi xa, được đặt chân đến những vùng đất hoang lạ ở một nơi nào đó... Nhưng bây giờ, sau những năm tháng trôi dạt, trở lại căn nhà xưa có Mẹ già, tự dưng tôi thấy lòng mình trùng xuống trong muôn nỗi xót xa, và tôi chỉ muốn dừng chân, cắm bến, mãi mãi được sống bên cạnh Mẹ, dù cho có nghèo khổ, rau cháo qua ngày....
Vì tình hình an ninh ở Hà Nội lúc đó rất chặt chẽ, ở thêm ngày nào sẽ nguy hiểm ngày ấy, nên ngay sáng hôm sau, tôi đến nhà anh Z, ở ngay khu ga Hà Nội (trước là ga Hàng Cỏ), để anh giúp đỡ cách vượt biên giới Việt Trung. Nhà anh Z trước ở gần khu tập thể Văn Chương, cạnh hồ Linh Quang, sau đổi về ở gần Cung Văn Hóa hữu nghị, cách sở công an thành phố không xa.
Tôi biết anh Z qua lời giới thiệu của một người bạn trọ chung phòng ở Nam Định. Đó là một cuộc gặp gỡ tình cờ, nhưng không ngờ cuộc gặp gỡ đó lại quyết định cuộc đời của tôi. Nguyên do, trên đường từ Sàigòn ra Hà Nội, tôi đã xuống ga Nam Định và ở lại đó hai ngày hai đêm. Đêm đầu tiên vì trời quá khuya, không tiện tìm đến nhà người quen, nên tôi phải ngủ tại một nhà trọ bình dân, cách ga xe lửa không đầy 500 thước. Sau khi đưa giấy tờ cho nhân viên nhà trọ ghi tên tuổi, địa chỉ, tôi đóng tiền trọ, rồi theo chân một cậu bé tuổi khoảng 15, dắt đến một chiếc giường cũ kỹ, trên trải một chiếc chiếu đã ố vàng. Cả nhà trọ rộng khoảng 80 thước vuông, chiều ngang 6 mét, chiều dài hơn chục mét. Dọc theo nhà trọ là hai dẫy giường kê theo từng cặp liền nhau, cặp nọ cách cặp kia khoảng hơn thước. Khi tôi đến đã thấy có một người đàn ông nằm trên chiếc giường kê sát giường của tôi.
Thấy tôi, anh niềm nở ngồi dậy chào hỏi làm quen, thái độ rất chân tình. Anh cho biết tên là H., quê của anh ở Vụ Bản. Anh phải lên Nam Định xin giấy tờ của tỉnh để bán nhà từ đường. Vì nhà thuộc quyền sở hữu của người anh cả, nhưng anh cả đi bộ đội, chết ở chiến trường B (Miền Nam), nên chính quyền địa phương không chịu chấp thuận cho sang tên nhà đất.
Chuyện trò tâm tình với anh, tôi cũng tự giới thiệu tên tôi là Cường (như tên giả ghi trong giấy tờ), cán bộ nông lâm súc, trên đường ra Hà Tây công tác. Đang nói chuyện thì có công an khu phố đến điểm danh khách trọ. Y đọc to tên từng người có trong danh sách, và khi đọc đến tên ai, người khách trọ đó phải đứng dậy hô to, "có mặt". Phần dùng tên giả chưa quen, chưa thực sự nhập vai, phần thấy màn điểm danh khách trọ cũng hay hay nên tôi lặng lẽ theo dõi với sự thích thú, quên cả việc hô "có mặt" khi người công an đọc to tên của tôi: "Nguyễn Văn Cường". Thú thực, khi đó tôi có nghe người công an đọc tên, nhưng cứ đinh ninh "Nguyễn Văn Cường" là tên của người khác, đâu có biết đó là tên giả của mình.
Mãi đến khi người công an đọc tên tôi lần thứ ba, kèm theo số giường, anh H. mới nhìn tôi ngạc nhiên:
- Ủa, công an đọc tên anh, sao anh không lên tiếng?
Tôi giật mình, sực nhớ ra tên giả của mình, bèn hốt hoảng đứng dậy hô to: "Có mặt". Tên công an đứng ở trên bậc thang lừ lừ nhìn tôi rồi quát một tiếng gọn lỏn:
- Điếc hả!
Tôi tính trả lời, nhưng nghĩ sao, tôi lại im lặng, chịu đựng. Dù sao mang tiếng "điếc" cũng còn hơn bị tên công an phát hiện ra mình dùng "tên giả".
Tối hôm đó, anh H và tôi trò chuyện tới khuya. Nói đúng hơn, anh H nói nhiều, còn tôi thì chỉ nghe. Vì lạ nước lạ cái, gặp nhau trong quán trọ, cộng với hoàn cảnh của tôi lúc đó đâu có tiện cho tôi phơi bầy phế phủ với anh.
Sáng hôm sau, anh mời tôi đi ăn sáng. Tôi lưỡng lự rồi nhận lời. Anh H có vẻ thông thuộc đường phố Nam Định. Đi khoảng 10 phút, anh dẫn tôi vô một tiệm ăn vắng vẻ, chủ quán là một bà cụ, tuổi ngoài 60, trông có vẻ nghễnh ngãng. Chẳng cần hỏi ý kiến tôi, anh tự động gọi hai tô miến gà "có người lái". Quay sang tôi anh giải thích:
- Ở đây chỉ có một món miến gà, nên tôi gọi luôn hai tô...
Bà cụ bưng ra hai tô miến gà lõng bõng nước, vài miếng thịt chặt nhỏ. Khi bà cụ đi xa, anh H. nhoài người, mặt anh dí vào mặt tôi, hỏi:
- Chú mày tên thật là gì?
Tôi lúng túng, ngạc nhiên và giật mình không biết trả lời sao. Anh mỉm cười thân thiện, và đột ngột thay đổi cách xưng hô:
- Tớ biết, tên của chú mày không phải là Cường?
Thấy anh như vậy, tôi đành phải thú nhận:
- Chẳng nói giấu gì anh, hoàn cảnh của tôi có nhiều chỗ éo le, khó nói, nên phải dùng tên giả...
Anh H xua xua tay:
- Khỏi nói, khỏi nói. Tối qua nhìn mặt chú mày là tớ biết. Chuyện gì đã khó nói, thì chú mày cứ giữ ở trong bụng. Còn chuyện gì khó khăn, muốn tớ giúp đỡ thì cứ nói. Tớ tuy nghèo kiết xác, tiền bạc không có, nhưng bằng hữu thì đông. Trước kia, tớ là dân buôn trâu bò, nên giao thiệp rộng, bạn bè tỉnh nào cũng có...
Sau một thoáng cân nhắc, tôi thú thực với anh H một phần cuộc đời của tôi và ý định vượt biên qua ngả biên giới Việt Trung. Nghe xong, anh cười lớn, sảng khoái:
- Chuyện gì cậu nhờ thì tớ còn phải suy nghĩ, chứ chuyện vượt biên qua ngả biên giới Việt Trung thì là nghề của tụi này. Cả đàn trâu mấy trăm con, tụi này còn đưa lậu từ Phòng Thành, qua Đông Hưng vô Móng Cái được, huống hồ chuyện đưa chú mày qua bên ấy. Chú mày yên trí, chuyện này tớ sẽ lo được.
Nghe anh H nói tôi vô cùng mừng rỡ, nhưng cũng rất phân vân. Sau một thoáng lo ngại, tôi thú thực:
- Được anh giúp đỡ tôi rất mừng. Nhưng thưa với anh, tôi chẳng có tiền bạc gì...
Anh H cười gạt đi:
- Khỏi lo, khỏi lo. Nói thực với chú em, chuyện vượt biên này đâu có tốn kém gì. Mạng lưới buôn trâu của tớ từ biên giới về các tỉnh thì vẫn còn đó. Khi thì buôn trâu, khi thì buôn hàng họ, đủ thứ, gặp cái gì buôn cái đó. Bây giờ tớ chỉ cần gửi gắm chú mày với lão Z ở Hà Nội là chú mày cứ yên tâm đi thẳng một lèo qua biên giới. Bảo đảm không gặp trục trặc gì.
Tôi ngạc nhiên:
- Lão Z?
Anh H cười:
- Lão Z là biệt hiệu của tụi tớ đặt cho lão, chứ lão còn trẻ măng à. Mới ngoài 30 tuổi thôi. Nhà lão ở gần chùa Xã Đàn, Hà Nội. Chú mày ở Hà Nội có biết hồ Xã Đàn không nhỉ?
Tôi mừng rỡ:
- Dạ hồ Xã Đàn cạnh khu tập thể Nam Đồng?
- Thì chỗ đó đó... Trước làm ăn được, có cơ ngơi ngang dọc đủ cả, nên bố lão Z ở đó. Sau này buôn bán bị thua lỗ, cơ ngơi bán sạch, chỉ còn có mỗi cái chuồng trâu, nên bố lão Z mới cho con về ở đường Lý Thường Kiệt, gần đài phát thanh Việt Nam... Bây giờ tớ cho chú mày địa chỉ của lão. Chú mày học thuộc lòng nghe. Đừng viết ra giấy, lỡ có chuyện gì nguy hiểm cho lão... (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 11/06/2007 10:42:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Liên Kết

BLOGGER

Bạn là người thứ  

Ghé Thăm LMVS