Liên Mạng Việt San

[ Trang SaiGon Times]

[ Trang Liên Mạng]

[ Thời Sự VN ]

[ Bình Luận ]

[ Văn Học và Lịch Sử­]

[ Vườn Thơ ]

[ Radio/TV Online ]

Bài Đã Đăng

Trang Bài Cũ

Mục Thư Cũ

Chinh t hức thành lập ngày28/12/2005 Copy Right by Nhất Thanh

Mọi bài vỡ xin đóng góp và gửi vể Liên Mạng Việt San lienmang_vietsan@yahoo.com 

 

Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 39)

Bài Viết Đăng Nhập vào: Tuesday, January 30, 2007

<< Trở Lại Trang Đầu

- Hữu Nguyên -

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

(Tiếp theo...)


Sau những giờ phút căng thẳng, quá mệt mỏi, tôi ngồi dựa gốc cây, ngủ thiếp lúc nào không hay. Đến khi nghe tiếng xe gầm rú ngoài đường, tôi giật mình tỉnh dậy, ngó đồng hồ biết đã 10 giờ khuya. Như vậy là tôi đã ngủ được khoảng hơn 2 giờ đồng hồ. Tôi muốn nghỉ thêm một, hai tiếng nữa, nhưng không hiểu sao thấy trong dạ bồn chồn, nôn nao khó tả, nên tôi quyết định ra đi. Để an toàn, ra đến đường lộ, tôi không rẽ theo hướng bắc là hướng xuống đồng bằng, mà đi ngược trở lại hướng nam. Tôi đi như vậy là vì tôi biết, nếu đi theo hướng xuống đồng bằng, chỉ khoảng 2 cây số là tôi phải đi qua lối rẽ vô đơn vị. Trong khoảng 2 cây số đó, nếu tôi không "quá giang" được xe, tôi phải đi tiếp theo hướng xuống đồng bằng. Và khi đó, nếu đơn vị cử thêm toán khác đuổi theo tôi, tôi có nguy cơ bị phát hiện và bị bắt trở lại. Còn nếu đi ngược trở lại theo hướng nam, khi nào gặp đoạn đường băng ngang suối, tôi sẽ ẩn nấp trong bóng tối chờ xe tới rồi nhảy lên, thì an toàn cho tôi nhiều hơn. Đơn vị cử người đuổi theo tôi, chắc chắn chỉ đinh ninh tôi đi từ ngã ba chân đồi xuống phía đồng bằng, chứ không khi nào ngờ, tôi lại đi ngược vô nam cả mấy cây số, rồi ẩn nấp trong rừng, chờ quá giang xe.

Đi bộ không đầy một cây số, quả nhiên tôi gặp một đoạn sông chảy xiết qua mặt đường. Thời đó, các tuyến đường đổ vô Nam đều được giữ bí mật và nguỵ trang một cách khéo léo. Nhất là những đoạn đường xe chạy băng qua sông, qua suối, có thể làm bằng cầu phao, bằng phà nổi, hoặc lót bằng đá, nhưng đều có điểm chung là mặt đường bao giờ cũng thấp dưới mặt nước khoảng hơn một gang tay. Như vậy, nhìn từ trên cao, chỉ thấy mặt nước mênh mông, mà không hề biết, dưới mặt nước là những con đường huyết mạch, CS dùng để chuyên chở người và vũ khí xâm lăng Miền Nam. Bên cạnh những đoạn đường qua sông, qua suối quan trọng đó, bao giờ cũng có những đơn vị phòng không bảo vệ cầu khi cần, những đơn vị thanh niên xung phong lúc nào cũng hô vang khẩu hiểu "tiếng hát át tiếng bom", sẵn sàng lao ra để xây đắp cầu phà, sau khi cầu phà bị trúng bom.

Vì lúc đó là mùa nước lũ, đoạn đường chạy qua sông mà tôi dừng chân dài khoảng 400, 500 thước, nằm giữa một đầm nước rộng mênh mông. Đó chỉ là một trong số hàng trăm đoạn đường bình thường nằm rải rác trên "đường mòn Hồ Chí Minh" nên không hề có đơn vị nào canh gác. Mặt đường thấp hơn mặt nước khoảng hơn một gang tay, lại làm bằng những tảng đá đủ hình, đủ kiểu xếp cạnh nhau, nên lồi lõm vô cùng. Vì vậy, khi xe hơi chạy đến đây, bắt buộc phải chạy chậm với tốc độ 10, 15 cây số giờ. Đó là tốc độ an toàn, cho phép tôi, trong đêm tối, có thể âm thầm bám vào phía sau xe, rồi nhảy lên xe, mà người tài xế không hề hay biết.

Ẩn mình trong khu rừng già cạnh bờ sông, tôi yên tâm tập luyện mấy bài thể dục khởi động cho máu huyết lưu thông, thân thể dẻo dai, thích hợp với những hành động hiểm nguy đòi hỏi sức lực và sự nhanh nhẹn sắp tới. Tôi hiểu, trong những giây phút gay cấn, đôi khi chỉ vì một bắp thịt nào đó trên cơ thể bị chuột rút bất thình lình, cũng có thể làm đảo lộn mọi chuyện đã được xếp đặt công phu, chuẩn bị kỹ lưỡng.

Tập luyện được khoảng mười lăm phút, tôi nghe có tiếng xe rì rì từ hướng nam vọng tới. Tôi vội vàng xách ba lô, chạy vội ra bìa rừng, và thấy từ xa ánh đèn pha của mấy chiếc quân xa đang chạy tới. Vì đề phòng máy bay Mỹ oanh tạc, nên đèn pha của các chiếc quân xa thời đó đều không chiếu xa, nhưng cũng đủ để tôi nhận ra từ xa có tất cả bốn chiếc. Để không bị tài xế của xe sau phát hiện, trong bốn chiếc, tôi phải chọn chiếc sau cùng để "quá giang". Chờ đợi thêm một phút nữa quan sát thật kỹ, và sau khi chắc chắn, cả đoàn xe chỉ có đúng 4 chiếc, tôi vội vàng chạy vội về phía bờ suối phía nam, nấp vô một bụi rậm của loại cây gì không rõ, nhưng đầy gai và rất ngứa, chờ đợi trong hồi hộp.

Khoảng mấy phút trôi qua, tiếng động cơ xe lớn dần, lớn dần, rồi ầm ầm, từng chiếc lao xuống con đường chạy ngang đầm nước. Khác với những chiếc xe quân đội của Trung Cộng, gọn nhẹ và thấp, bốn chiếc xe tôi thấy đều là loại xe của Nga, cao to, với 3 trục 10 chiếc bánh xe cao lênh khênh. Nhảy loại xe này chắc chắn khó hơn và nguy hiểm so với loại xe của Trung Cộng. Tôi biết vậy, nhưng thì giờ không cho phép tôi suy nghĩ và chọn lựa. Vả lại dù tôi có chờ đợi, đã chắc gì những chiếc xe sau sẽ là xe của Trung Cộng? Trong khoảnh khắc đang do dự băn khoăn, thì chiếc xe thứ tư đã ầm ầm ào xuống đầm nước. Tôi không kịp suy nghĩ, vội chạy ngay theo sau. Chiếc xe lắc lư, nghiêng ngả dữ dội, tiếng động cơ gầm rú, tiếng mấy sợi dây xích phía sau xe đập vào thành xe ầm ĩ, tạo nên cả một rừng âm thanh hỗn loạn, trộn lẫn với tiếng nước chảy xiết, tiếng tim đập liên hồi, khiến tôi thêm hốt hoảng, vội vã. Bình thường, đi bộ qua lòng sông, lòng suối là điều không khó khăn, ngay cả khi nước chạy xiết. Nhưng chạy vội vã theo một chiếc quân xa, trong bóng tối, trong khi mặt đường đầy mấp mô, lô nhô với hàng trăm tảng đá đủ loại, chìm trong nước, là điều không dễ dàng. Khó khăn hơn cho tôi, tay tài xế có lẽ thuộc loại đầu gấu, nên hắn điều khiển chiếc xe chạy với tốc độ nhanh hơn tôi tưởng.

Sau cả chục giây chạy theo xe, vẫn không kịp, tôi tính bỏ cuộc, trởi lại bờ sông, chờ đoàn xe khác. Ngay lúc đó, tôi nghe thấy tiếng động cơ xe phía sau. Giật mình quay lại, tôi thấy một chiếc quân xa khác, cũng đang chiếu đèn pha, thẳng hướng lao tới. Tôi nghĩ rất nhanh, đoạn đường chạy qua đầm nước dài khoảng hơn 400 thước, không hề có chỗ nào có thể ẩn nấp. Con đường tuy mặt đường thấp hơn mặt nước, nhưng lại cao hơn hẳn lòng sông. Nếu nhẩy xuống một trong hai bên, tôi chỉ còn cách phải bơi, và có thể bị nước sông cuốn đi. Còn nếu chạy ngược lại, tôi sẽ bị tài xế của chiếc quân xa sau phát hiện trước khi tôi kịp chạy tới bờ ẩn nấp. Có thể người tài xế không có hành động gì nguy hiểm đối với tôi, nhưng việc phát hiện ra tôi vào lúc nửa đêm chạy đi chạy lại trên đoạn đường vắng, có thể tạo cho y sự nghi ngờ, và biết đâu sự nghi ngờ đó sẽ gây bất lợi cho tôi sau này. Nghĩ vậy, tôi thấy chỉ còn cách duy nhất là phải đuổi kịp chiếc xe trước để "quá giang"... và tôi phải leo lên chiếc xe đó trót lọt, trước khi chiếc xe sau đuổi kịp, để viên tài xế xe sau không kịp nhìn thấy tôi "quá giang lậu".

Trong tích tắc đầy nguy hiểm đó, tự dưng tôi thấy trong người như có một luồng sức mạnh mới. Tôi điên cuồng lao về phía trước với tất cả sức mạnh và sự liều lĩnh của mình... Nói thì lâu, nhưng sự việc diễn ra trong chớp nhoáng, và trong khoảnh khắc không đầy mười giây đồng hồ sau đó, tôi bắt kịp chiếc xe. Việc đầu tiên tôi phải làm là ném mạnh chiếc ba lô vô trong thùng xe cho thân thể nhẹ nhàng và rảnh tay leo trèo. Ném xong chiếc ba lô, tôi vươn tay phải nắm chặt ô sắt vuông trên thành xe bên trái; rồi bàn tay trái của tôi cũng vội vã nắm chặt lấy ô sắt vuông đó. Cả hai ô sắt vuông, một bên trái, và một bên phải trên thành xe, có tác dụng khi thành xe hạ xuống, sẽ trở thành hai bậc thang ở hai bên để người lính đạp vô, leo lên xe dễ dàng.

Khi đã nắm được ô sắt vuông, tôi vội kéo mạnh hai cánh tay, khiến cả người tôi lơ lửng, hai chân tôi đạp loạn xạ, muốn tìm một điểm tựa, mà tôi biết phải có đâu đó ở phía dưới đằng sau xe, nhưng đạp mãi tôi vẫn không thấy. Chiếc xe vẫn vừa lao đi, vừa nghiêng ngửa một cách dữ dội, làm cho thân thể của tôi thêm nặng nề khi đung đưa hết trái sang phải, hết phải sang trái; gân cốt, bắp thịt của tôi bị kéo căng, cổ tôi bị khô ran; hai bàn tay của tôi càng ngày càng nóng rát, mười ngón tay của tôi mỏi dần, mỏi dần... vì kiệt sức, trong khi mồ hôi của tôi toát ra đầm đìa. Tôi hoảng hốt nhận ra, cứ đà này, trong mươi giây nữa, mười ngón tay của tôi sẽ hết chịu đựng nổi, tôi sẽ phải buông tay, thả người rơi khỏi thành xe và sẽ bị nước sông cuốn trôi. Giữa lúc thập phần nguy hiểm đó, không hiểu trời xui đất khiến làm sao, chiếc xe bỗng lồng lộn, nghiêng ngả mấy cái liền, trước khi nghiêng hẳn về bên trái, rồi đứng khựng lại. Tiếp theo là tiếng xe sang số, tiếng gầm rú của động cơ... chiếc xe chồm tới rồi lùi lại... Thì ra sau khi gặp phải liên tục mấy ổ gà, cuối cùng, bánh sau của chiếc xe đã lọt vô một "ổ trâu, ổ bò" nào đó, khá lớn trên mặt đường, nên phải dừng lại. Trong tích tắc phù du nhưng vô cùng may mắn đó, tôi dùng hết sức bình sinh, rút vội hai cánh tay, kéo cả thân mình lên cao, rồi tôi đưa vội chân phải quặp lấy thành của chiếc bẩm sau. Cuối cùng, tôi dùng tay đẩy mạnh cùng với chân phải hết sức kéo vô trong, khiến cả người tôi lật nghiêng, rơi gọn vào bên trong chiếc quân xa. Ngay lúc ấy, chiếc xe cũng rú lên lần cuối, leo khỏi hốc đá, lao thẳng về phía trước...

Tôi nằm yên thở dốc như con cá mắc cạn. Vừa kinh hoàng sau giây phút nguy hiểm thoát chết, vừa bàng hoàng trước sự may mắn bất ngờ mà tôi tin là có bề trên phù hộ, tôi vô cùng ngạc nhiên, sung sướng và tự tin vào vận mệnh của mình trên những chặng đường nguy hiểm trước mắt. Sau này, trên đường vượt ngục, vượt biên, tôi còn gặp phải nhiều nguy hiểm và thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, như khi bị hai công an áo vàng rượt đuổi và bắn ngay giữa buổi trưa, trên đường phố Huế, mà chạy thoát; hay khi bị lính biên phòng bắn, phải chạy bán sống bán chết vô giữa một bãi chông thép ngay bên bờ sông Ca Long, biên giới Việt Trung, vào một buổi chiều đầu tháng 10 năm 1978, mà không dẵm phải chiếc chông nào.... Mỗi khi, trải qua những hiểm nguy đó, tôi càng thêm tin tưởng mãnh liệt vào sự quan phòng của đấng tối cao và sẵn sàng trao gửi tính mệnh của tôi cho niềm tin tôi theo đuổi.

Chiếc xe tôi "quá giang" là một loại quân xa của Nga, phía sau trống trơn, không có mái, không có băng ghế, cũng như bất cứ thứ đồ đạc gì. Trời lúc ấy lại lất phất mưa và trở lạnh. Tôi lấy mảnh nylon trong ba lô trùm kín đầu và người, rồi ôm chiếc ba lô trong lòng, ngồi gọn trong góc xe, cố chống lại cơn buồn ngủ đang bủa vây. Tôi biết, lúc đó nếu tôi ngủ quên, chẳng may xe ngừng lại vì bất cứ lý do gì, tôi sẽ không biết, và khi đó chuyện "quá giang lậu" của tôi sẽ bị phát hiện dễ dàng. Nguy hiểm thứ hai, trên đoạn đường duy nhất từ đây xuống đồng bằng dài gần 5 tiếng đồng hồ, nếu chẳng may, gặp toán bộ đội truy đuổi tôi xin quá giang, và tài xế đồng ý, tôi sẽ dễ dàng bị phát hiện và bị bắt lại. Trong trường hợp đó, ngay cả khi tỉnh thức, tôi cũng chưa biết phải làm gì để thoát thân, huống chi tôi ngủ quên. Trước đó, tôi đoán, trong thời gian 2 tiếng đồng hồ tôi ngủ ở trong rừng, toán bộ đội truy đuổi tôi có thể đã quá giang một chiếc xe nào đó. Nhưng thận trọng, tôi vẫn phải cố gắng tìm đủ mọi cách tính toán, để đối phó nếu tình thế như vậy xảy ra. Sau một hồi suy nghĩ, tôi thấy nếu tài xế chấp nhận dừng xe cho những người bộ đội truy đuổi tôi được quá giang, tôi chỉ có cách liều mạng, lợi dụng lúc trời tối, nhanh chóng và nhẹ nhàng nhảy ngay khỏi xe, chuồn vào rừng, trước khi toán bộ đội leo lên xe. Muốn làm được điều này, tôi phải luôn luôn tỉnh thức, bí mật quan sát đoạn đường trước mặt, để kịp thời phát hiện toán bộ đội truy đuổi tôi và thái độ của người tài xế có chấp nhận cho họ quá giang hay không. Có vậy, tôi mới kịp đối phó để thoát thân.

Quả nhiên, điều tôi lo ngại đã xảy ra. Xe chạy được khoảng hai mươi phút, bỗng dưng tôi thấy phía trước có một toán bộ đội khoảng sáu, bảy người đi bộ cùng chiều xe chạy. Tất cả đều trang bị súng ống đầy đủ. Linh tính báo cho tôi biết, đó chính là toán bộ đội cùng đại đội, đang truy đuổi tôi. Khi xe chạy đến gần, có một người bộ đội quay lại, tay cầm chiếc nón cối vẫy vẫy, xin quá giang xe. Còn 5 người bộ đội kia, không hiểu vì lý do gì, vẫn lầm lũi đi, không mảy may đoái hoài đến việc vẫy xe xin quá giang. Tuy khoảng cách còn xa, ánh đèn pha chập choạng, nhưng tôi nhận ra ngay đó là Th., một người cùng tiểu đội với tôi, gốc Hải Phòng. Tôi hồi hộp và hoảng hốt vô cùng. Ngay khi đó, người tài xế sang số, chiếc xe chạy chậm lại, và tôi kinh hoàng thấy buốt nhói trong tim khi linh tính báo cho tôi biết, người tài xế đang có ý muốn dừng xe cho toán bộ đội quá giang.... Trong lúc tôi đang bối rối, hoảng hốt, chưa biết làm thế nào, thì đột nhiên, trong đám 5 người bộ đội đang lầm lũi đi, có một người quay lại, dơ cao nắm đấm dứ dứ về phía chiếc xe, miệng lẩm bẩm gì đó, nét mặt rất hung dữ. Trong ánh đèn pha, tôi nhận ra ngay đó là Q., người Nùng thiểu số, là tiểu đội trưởng tiểu đội của tôi!

Có lẽ nhìn thấy quả đấm và thái độ không mấy thân thiện của Q., và đám bộ đội đông tới năm, sáu người, ai cũng trang bị đầy đủ súng ống, nên người tài xế đột nhiên đổi ý, sang số, nhấn ga, và chiếc xe rú ga, rùng rùng lao tới trước, để lại phía sau tiếng la ó, chửi bới không ngớt... (Còn tiếp...)

posted by Lien Mang Viet San @ 1/30/2007 02:10:00 PM  

<< Trở Lại Trang Đầu

 

Liên Kết

BLOGGER

Bạn là người thứ  

Ghé Thăm LMVS