|
Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 27)
Bài Viết
Đăng Nhập vào: Monday, October 02, 2006
|
<< Trở Lại Trang Đầu |
- Hữu Nguyên -
Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.
*
(Tiếp theo...)
Hai ngày sau khi rời thị xã Đồng Hới, chúng tôi đặt chân đến thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Đây là thành phố nổi tiếng trong thời máy bay Mỹ oanh tạc với cầu Hàm Rồng đã đi vào những "huyền thoại" do guồng máy tuyên truyền của nhà nước Hà Nội thêu dệt. Thành phố Vinh cũng còn là nơi thầy tôi làm việc tại sở lục lộ thời Pháp, nên tôi đã được nghe thầy tôi kể những câu chuyện về sông Lam và rừng núi Vạn Tượng ở bên Lào, vì từ Vinh có thể qua Lào tới mấy cửa khẩu. Vinh cách Hà Nội không đầy 300 cây số. So với Hà Nội, Huế chỉ xa Vinh hơn khoảng 50 cây, nên có thể nói, thành phố Vinh là trung tâm giữa hai thành phố Huế và Hà Nội. Trong những câu chuyện về thành phố Vinh, Nghệ An, tôi nghe thầy tôi kể đi rồi kể lại với những người bạn khi ghé chơi, có câu chuyện thầy tôi suýt bị rắn cắn tại cảng Bến Thuỷ; rồi chuyện vong linh của một người cô hiện hồn về báo trước nạn lũ cuốn ở đường rừng vùng Rú Rum. Nhờ hồn người cô hiện về báo tin, nên thầy tôi đã thoát chết trong trận lũ năm đó, mà bây giờ tôi không nhớ rõ là năm nào. Đó là những câu chuyện nghe như cổ tích hồi tôi còn nhỏ, nên đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in trong óc, cùng với tất cả những rung động của tuổi thơ ấu. Thành phố Vinh cũng còn được người cộng sản mệnh danh là thành phố Đỏ, vì nơi đây có phong trào cộng sản khởi nghĩa đầu tiên được mệnh danh là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Cũng vì đây là thành phố Đỏ, nên khi chúng tôi đặt chân tới Vinh, thành phố này đúng là đang lên cơn sốt "đại thắng giải phóng Miền Nam". Đường phố đầy khẩu hiệu, cờ đỏ, cùng những đoàn người đi lại rầm rập, với những tiếng hò hét, ca hát triền miên những bài hát của cộng sản. Nhưng bên cạnh "niềm vui say sưa trong men chiến thắng" của mọi người, chúng tôi rất ngạc nhiên khi chứng kiến một gia đình thản nhiên quay lưng với "chiến thắng giải phóng Miền Nam" của người cộng sản. Chúng tôi đi xe hơi đến Vinh vào lúc chiều tối. Bụng đói cồn cào, nên chúng tôi ghé vô một cửa hàng ăn uống, xếp hàng mua mấy tô phở "không người lái" (phở không có thịt) lót bụng. Giống như hầu hết tất cả các tiệm ăn trên đất Bắc của những năm trong thập niên 1960, 1970, tiệm ăn ở thành phố Vinh lúc đó vẫn chật chội, bẩn thỉu, đồ ăn vẫn khan hiếm, và thái độ của người bán hàng vẫn khinh khỉnh coi thường khách. Vậy mà tiệm vẫn chật cứng những người là người. Không đông sao được khi cả thành phố Vinh chỉ có vài tiệm ăn có tên "cửa hàng mậu dịch ăn uống". Tại những tiệm ăn này, đồ ăn thức uống tuy dở, nhưng bán rẻ hơn giá thị trường. Người vô ăn thường phải có tem phiếu. Còn đi ăn ở những tiệm bên ngoài, vừa hiếm hoi, lại vừa đắt. Trong tiệm có ba dẫy bàn ăn, mỗi dẫy khoảng 6 bàn. Bàn nào cũng bẩn, đồ ăn thức uống, chén đũa vứt đầy, nhưng vẫn đông thực khách. Khách hàng tự đi mua đồ ăn, rồi bưng đến bàn ngồi ăn. Nhiều người không kiếm nổi chỗ ngồi thì tự động kéo ra ngoài hiên, kẻ đứng người ngồi, ăn uống xì xụp một cách thản nhiên, trong khi bụi bặm từ ngoài đường, từ trên nóc quán, từ trong tiệm ăn, thi nhau đổ xuống cùng với những cơn gió lộng. Sau khi mua xong đồ ăn, chúng tôi vẫn không tài nào kiếm nổi chỗ ngồi, nên cả ba đều kéo ra ngoài hiên vừa ăn, vừa ngó những đoàn thanh thiếu niên, vác đuốc, vác cờ quạt, khẩu hiệu, đi qua, miệng hò hét những câu khẩu hiệu, hoặc hát những bài hát "cách mạng", trong đó có bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" là được hát nhiều nhất. Nhìn cảnh mọi người nô nức "mừng chiến thắng", chúng tôi vừa thấy xót xa cho chính đất nước, dân tộc mình, vừa thấy thương hại cho người dân Miền Bắc, những người được mệnh danh là "phe chiến thắng". Giữa lúc đang vừa ăn vừa trợn mắt thao láo ngó thiên hạ, bỗng dưng tôi thấy có một người tướng mạo cao lớn đứng cách tôi khoảng mấy bước, cứ nhìn chúng tôi chằm chặp. Người đàn ông đó chạc 50 ngoài, có gương mặt khắc khổ, lông mày rậm, tóc bù xù. Tuy chiếc áo người đàn ông mặc là áo bộ đội, thêm chiếc nón cối đội trên đầu, nhưng màu áo đã bạc phếch, cộng với chiếc quần màu chàm, sắn kiểu móng lợn, nên chúng tôi biết ngay, người đàn ông đó là dân thường. Vì sài giấy tờ giả, lúc nào cũng nơm nớp sợ bị phát hiện, nên khi bị người đàn ông lạ "chiếu tướng", tôi ngại ngùng, tìm cách chuồn càng sớm càng tốt. Để người đàn ông không chú ý, tôi giả vờ vừa húp nước phở trong tô, mắt chúi vào tô phở, nhưng miệng nói nhỏ cho Bình biết: - Bình, ăn lẹ lên rồi chẩu. Bình hơi ngạc nhiên, quay sang tôi định hỏi. Nhưng thấy tôi vẫn giả bộ húp phở, Bình tinh ý hiểu ngay ý của tôi. Không đầy mấy phút sau, cả ba chúng tôi nhanh chóng bước ra khỏi cửa tiệm ăn, đi thẳng về phía nhà ga Vinh. Đi được khoảng 100 thước, ngoái nhìn phía sau không thấy bóng dáng một ai, tôi thở phào nhẹ nhõm. Còn Bình lúc đó có vẻ bực dọc với tôi: - Mày làm gì mà thỏ đế thế? Sợ cả thằng dân quèn! Tôi cố vớt vát: "Thì có phòng có hơn. Bộ dân quèn là coi thường sao? Mày cũng biết, xã hội này mỗi người dân là một người công an"... Tôi vừa nói đến đó thì thấy ngay, phía trước mặt, dưới ngọn đèn đường, một người đàn ông đang đứng, nhìn về phía chúng tôi trong vẻ chờ đợi. Khoảng cách giữa ông với chúng tôi quá gần, nên tôi nhận ra ngay, ông ta chính là người đàn ông chúng tôi đã phải né tránh ở trong quán ăn. Sự xuất hiện đột ngột của ông ta, trong khi khoảng cách lại quá gần, nên chúng tôi thấy không còn cách nào khác, ngoài cách phải thản nhiên đối diện với ông, rồi đến đâu tính đến đó. Khi đến gần, tôi thấy ông rõ hơn. Tay ông cầm một chiếc điều cầy ngoại cỡ, to hơn bắp vế chân. Thông thường, điều cầy làm bằng ống nứa, nhỏ thì bằng cổ tay, to thì bằng cổ chân. To quá, mình làm sao có đủ hơi mà rít, mà kéo. Vậy mà chiếc điếu cầy của người đàn ông chắc phải làm bằng loại lồ ô, to bằng hai, bằng ba loại điều cầy thường. Đã vậy, chiếc điều cầy này lại dài gấp hai loại thường. Trong thời gian chúng tôi xuyên rừng Trường Sơn vô Nam, tại những buôn, bản của người thiểu số, tôi đã từng thấy có những chiếc điếu cầy to ngoại cỡ, nhưng chưa có chiếc điếu cầy nào to như chiếc điếu cầy người đàn ông đang cầm. Nhìn chiếc điếu cầy, tôi nghĩ ngay, người đàn ông phải rất khoẻ, và chắc chắn ông phải là người thiểu số thì mới có loại điếu cầy to quá cỡ như vậy. Khoảng cách hai bên rút ngắn lại trong khoảnh khắc. Ngay khi đó, người đàn ông cất tiếng, giọng trọ trẹ Nghệ Tĩnh: - Các ông anh cho xin tí lửa hút thuốc! Tôi lúc đó không hút thuốc. Chỉ có Bình và Dưỡng. Bình thủ thế với người đàn ông nên y lắc đầu, không nói. Chỉ còn Dưỡng. Sau một giây ngần ngừ, Dưỡng rút hộp quẹt, trao cho người đàn ông. Người đàn ông dơ tay phải cầm hộp quẹt, mở nắp, bật lửa, điệu bộ rất thành thạo, khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên. Chiếc quẹt của Dưỡng là loại quẹt Zippo, một bên có hình mấy con chó, còn bên kia có mấy chữ viết tắt lâu ngày tôi không nhớ. Từ trong tay trái của người đàn ông bỗng xuất hiện một nắm bùi nhùi, không biết ông ta lấy từ đâu. Còn chiếc điếu cầy dài thoòng thì lúc này lủng lẳng dưới cổ của ông bằng một sợi dây dù màu trắng. Sau khi chiếc bùi nhùi bừng sáng, người đàn ông vẫn không chịu trả lại chiếc hộp quẹt cho Dưỡng. Ông đưa chiếc điếu cầy lên miệng hít nhẹ vài cái. Lập tức chiếc điếu cầy kêu lên những tiếng ròn tan lanh lảnh. Dưới ánh đèn điện vàng vọt, tôi nhìn thấy rõ ở đầu của nõ điếu to hơn ngón chân cái, một bi thuốc lào to như quả quất nằm gọn thon lọn. Chờ cho chiếc điếu trả lời bằng những hồi ròn tan, nghe thiệt đã tai, người đàn ông mới đưa miệng điếu cầy về một bên mép, tay dí chiếc bùi nhùi vào nõ điếu, rồi hít nhịp nhịp vài hơi cho bi thuốc lào bén lửa... Khi bi thuốc bén lửa vừa đủ, người đàn ông bắt đầu rít một hơi thật dài, làm chiếc điếu kêu lên một hồi thiệt rõ to và ròn tan, nghe váng cả tai.... Nghe chiếc điếu cầy kêu một hồi dài không dứt, nhìn người đàn ông ém khói một cách ngon lành trong chiếc lồng ngực khổng lồ rộng như cánh phản, rồi thấy khói thuốc cuồn cuộn bay ra từ miệng, từ hai lỗ mũi bao trùm cả một vùng dưới cột đèn, chúng tôi biết rằng, người đàn ông trước mặt có hai lá phổi khổng lồ và một sức mạnh kinh khủng. Tự dưng, lúc đó trong vùng khói thuốc mù mịt, không ai bảo ai, cả ba đứa chúng tôi đứng đó, ngước mắt nhìn người đàn ông lạ mặt, và tất cả đều thấy mình trở nên nhỏ bé lạ lùng... (Còn tiếp...) |
posted by
Lien Mang Viet San @
10/02/2006 11:50:00 AM |
|
|
|
Liên Kết |
|
|
|
Bạn là người thứ
Ghé Thăm LMVS |
|
|